TIN BIỂN ĐÔNG

HOÀNG SA - TRƯỜNG SA - VIỆT NAM

Mời hợp tác kinh doanh

Sự kiện cô bé Malala bị Taliban ám sát: Bước ngoặt của Pakistan

Sự kiện cô bé Malala bị Taliban ám sát có thể sẽ khiến chính quyền Pakistan thức tỉnh và nhìn nhận lại vấn đề rằng đây là chiến tranh của Pakistan chứ không phải là cuộc chiến của Mỹ.

Những phát súng của một nhóm chiến binh Taliban nhắm vào nhà hoạt động 14 tuổi, cô bé Malala Yousafzai, đã gây phẫn nộ cho người Pakistan cũng như cộng đồng thế giới. Nhưng sự việc không dừng lại ở đó. Theo phương Tây, sự kiện chấn động này còn là bước ngoặt khiến người dân và cả chính quyền Pakistan phải thay đổi.

Bước ngoặt bi thảm

Phương Tây cho rằng đối với Pakistan, sự cố bi thảm này vạch ra một bước ngoặt. Liệu các nhà chính trị to mồm và trí thức ở nước này sẽ tiếp tục giả vờ rằng vấn đề khủng bố chỉ được gây ra ở nước Mỹ? Hoặc họ sẽ chấp nhận một sự thật khó khăn nhưng không thể tránh khỏi: Những gã đàn ông bắn cô bé Malala đại diện cho một ý thức hệ đang đe dọa đưa Pakistan trở về thời Trung cổ...

Một người phát ngôn của Taliban biện hộ cho vụ tấn công với một tờ báo Pakistan bằng cách cáo buộc Malala “có tư tưởng thế tục” và “ủng hộ phương Tây”. Một tuyên bố của nhóm khủng bố đưa ra thêm những lời buộc tội bằng một thứ cú pháp ghê rợn: “Do đó những ai từng đi đầu trong chiến dịch chống lại Hồi giáo và Shariah sẽ bị Shariah ra lệnh hạ sát”. Tuyên bố trên tiếp tục cáo buộc Malala tội “khiến người Hồi giáo căm ghét các tay súng thánh chiến” và bênh vực “cái gọi là sự điều độ ngộ đạo”. 

Bài bình luận trên một tờ báo Mỹ có đoạn: “Bất cứ điều gì xảy ra chăng nữa, vụ tấn công khiến những người Hồi giáo thích bạo lực tin rằng quan điểm Trung cổ không tưởng của họ về một xã hội được cai trị bằng pháp luật tôn giáo khắc nghiệt luôn xung đột với các quyền phụ nữ, quyền của người thiểu số và tự do ngôn luận. Nếu Mỹ rút quân khỏi khu vực này, như nhà chính trị thích chủ nghĩa dân túy Imran Khan nhấn mạnh, người ta sẽ hứng chịu hậu quả không có hòa bình, nhưng nạn giết người và tình trạng lộn xộn là không thể ngăn nổi”. (Imran Khan xuất thân từ cầu thủ môn cricket, sự nghiệp chính trị của ông được xây dựng trên cái tiền đề khôn ngoan khi cho rằng đấu tranh chống chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo là “cuộc chiến của Mỹ” chứ không phải của Pakistan.) 

 

 

Chân dung cô bé Malala Yousafzai. Ảnh: thelastword.msnbc.com

Cuộc chiến của Pakistan

Sẽ là quá xa vời nếu mong đợi Pakistan tiến tới nhận thức rằng cần phải đánh bại tình trạng man rợ ở nước mình. Hôm thứ Tư, tướng Ashfaq Kayani đến thăm bệnh viện quân đội ở Peshawar, nơi cô bé Yousafzai đang được điều trị và tuyên bố cô là “một biểu tượng của lòng dũng cảm và niềm hy vọng”. Thế nhưng cơ quan do tướng Kayani đứng đầu lại có sự phân biệt nguy hiểm giữa hai nhóm của phong trào Taliban. Họ chống lại tổ chức Taliban đã tấn công cô bé Yousafzai nhưng đồng thời nhiều người tin rằng họ cũng đã chống lưng cho “những người anh em” Afghanistan gây mất ổn định ở Afghanistan.

Mới hai ngày trước vụ tấn công nhằm vào cô bé Yousafzai, ông Imran Khan dẫn đầu một đoàn tuần hành đến tỉnh Khyber-Pakhtunkhwa để yêu cầu dừng hoạt động của máy bay không người lái của Mỹ ở các khu vực bộ lạc của Pakistan.

Tóm lại, trong khi hầu như toàn bộ người dân Pakistan nhận thấy lên án một cuộc tấn công tàn bạo vào một cô gái đã nói thẳng niềm tin của mình vào chuyện học hành là một việc làm dễ dàng, một số người ít hơn sẵn sàng lên án những kẻ tấn công trực tiếp vào cô gái, không có một lời xin lỗi. Một số ít hơn vẫn còn chú ý đến cơ sở của lòng hận thù giữa họ: các trường quân sự, một tổ chức gián điệp có liên hệ với các chiến binh thánh chiến, các nhà chính trị bảo vệ khủng bố hơn là bảo vệ các nạn nhân của chúng và các trí thức thích biện minh cho đất nước của mình hơn là chẩn đoán một cách trung thực căn bệnh của nó. 

“Nhưng sau sự kiện Malala, có lẽ nhiều người Pakistan sẽ bắt đầu nhận ra rằng rốt cuộc họ phải lựa chọn để sống trong đất nước như Malala mơ ước hay đất nước của Taliban. Đây không phải là cuộc chiến tranh của Mỹ. Đây là cuộc chiến tranh của Pakistan” - một tờ báo phương Tây đúc kết.

 

 

Hiện sức khỏe của Malala đang dần được hồi phục. Ảnh: abc.net.au

 

 

Những ngọn nến cầu nguyện cho Malala Yousafzai. Ảnh: thelastword.msnbc.com

Sự phẫn nộ của lương tri

Malala Yousafzai là một nhà hoạt động trẻ tuổi, đẹp hớp hồn mỗi khi xuất hiện trên truyền hình. Cô bắt đầu nổi tiếng hồi năm 2009 trong các cuộc hành quân tiễu trừ Taliban của quân đội Pakistan trong thung lũng Swat, vùng núi cách Islamabad 3 giờ xe hơi. Đó là một nơi nổi tiếng thu hút khách du lịch Pakistan trước khi Taliban bắt đầu tiếp quản, đóng cửa trường học của các bé gái, bắt đàn ông để râu và chặt đầu các đối thủ của họ. Khi mà ngay cả các nhà chính trị của Pakistan tỏ ra “mềm” với Taliban, Yousafzai đã lên tiếng chống lại phong trào chiến binh Hồi giáo này. 

Yousafzai đấu tranh đòi quyền nói chung và quyền được học hành nói riêng cho nữ giới suốt ba năm qua. Mới đây, cô bộc lộ mong muốn thành lập một đảng chính trị của mình và mở trường dạy nghề cho các cô gái bị thiệt thòi ở quê cô. Với những nỗ lực không mệt mỏi, Yousafzai được trao giải thưởng hòa bình đầu tiên của Pakistan. Giờ đây, cô trở thành một biểu tượng về lòng can đảm của tuổi trẻ khi đối mặt với cái ác đe dọa cuộc sống của con người. 

Tổng thống, Thủ tướng và lãnh đạo của các đảng đối lập khác nhau của Pakistan đều lên án vụ tấn công. Thủ tướng Raja Pervez Ashraf ra lệnh đưa máy bay trực thăng từ Mingora đến chở cô bé tới bệnh viện cho nhanh, trong khi đó Tổng thống Asif Ali Zardari đã gửi hoa đến giường bệnh của cô. Trường học đóng cửa trên toàn vùng thung lũng Swat.

Nói chung, người Pakistan, cho dù theo phe phái chính trị nào, đều phẫn nộ và có phản ứng với việc làm tệ hại trên, kể cả người theo Hồi giáo cũng bày tỏ sự thương cảm. Nhiều cuộc biểu tình nổ ra để phản đối vụ tấn công hèn hạ, nhất là tại thành phố quê hương Mingora của Malala. Hôm 12-10, người dân cả nước Pakistan đã cầu nguyện cho Malala. Một tờ báo Mỹ cho rằng vụ tấn công này đã làm dấy lên sự lên án ở các nước và các nền văn hóa. Làn sóng cầu nguyện cho Malala lan sang Afghanistan và các nước Hồi giáo khác. Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon, UNICEF, Quỹ Phụ nữ toàn cầu... đều lên án hành vi tàn bạo của Taliban.

Ông Masood Kausar, người đứng đầu chính quyền địa phương, cho biết nhà chức trách xác định được những kẻ tấn công và treo phần thưởng 10 triệu rupee cho ai bắt được chúng. Ông Kausar nói: “Các cơ quan phối hợp chặt chẽ với nhau và họ có rất nhiều thông tin về mấy tên thủ phạm. Chúng tôi hy vọng họ sẽ sớm tóm được chúng và đưa chúng ra trước công lý”. Theo báo New York Times, cảnh sát Pakistan đã bắt giữ một số nghi phạm trong vụ ám sát này.

Những phát súng hèn hạ

Một lần nữa, súng của Taliban vang lên. Nhưng lần này, nạn nhân là những đứa trẻ. Malala Yousafzai, 14 tuổi, rơi vào trạng thái bất tỉnh và trong tình trạng nguy kịch vì bị bắn vào đầu và cổ sau khi rời khỏi trường học ở Swat hôm thứ Ba. Các bác sĩ cho biết cô đã cử động nhẹ tay và chân.

Malala Yousafzai bị bắn khi ngồi với bạn học trên một chiếc xe buýt sắp chở học sinh về nhà sau buổi học sáng ở Mingora, một thành phố ở thung lũng Swat. Cảnh sát cho biết một người đàn ông để râu quai nón đến cạnh xe buýt và hỏi: “Đứa nào là Malala?”. Khi một trong các cô gái chỉ vào Malala, cô bảo không phải. Và tay súng bắn cả ba cô gái (ban đầu có nguồn tin nói tên râu quai nón chỉ bắn hai cô bé).

Hôm thứ Tư (10-10), các bác sĩ phẫu thuật của một bệnh viện quân đội ở Peshawa, thủ phủ của khu vực, đã lấy ra từ đầu cô bé một viên đạn. Cô được chuyển đến Viện Tim của quân đội ở Rawalpindi để tiếp tục điều trị. “Hãy cầu nguyện cho con bé” - ông Faiz Mohammad, cậu của cô bé, nói trong tình trạng quẫn trí, trước khi xe cứu thương quay về Peshawar. Hai bác sĩ người Anh, đang tham dự một hội thảo được tổ chức tại Pakistan vào thời điểm xảy ra vụ tấn công, đã tham gia kíp mổ cùng với các bác sĩ phẫu thuật địa phương trong ngày hôm sau.

Tình trạng sức khỏe của cô đã ổn định thế nhưng không ai nói chắc chắn về triển vọng phục hồi hoàn toàn của cô sau vụ tấn công.

Trong hai cô gái bị bắn cùng với Malala, một cô đã qua cơn nguy kịch, cô còn lại vẫn trong tình trạng nguy hiểm.

ĐẶNG NGỌC HÙNG
Theo PLTPHCM

Luật Biển Việt Nam
Tinbiendong.com trân trọng giới thiệu toàn văn Luật Biển Việt Nam đã được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 21-06-2012 và Chủ tịch nước ký lệnh công bố ngày 02-07-2012. Luật Biển Việt Nam gồm 07 chương 55 điều, có  hiệu lực thi hành từ ngày 01-01-2013.
Mời hợp tác kinh doanh
Copyright ©  2012  Tin Bien Dong . All rights reserved.
Trang tin đang trong quá trình chạy thử nghiệm và  chờ xin phép Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép hoạt động.
Mạng thông tin điểm tin, sưu tầm, lưu trữ thông tin Biển Đông và thế giới
Điện thoại:04.3972 4800 - Fax:04.3972 4801 - Mobile: 0127 399 6475 // 098 300 6168 ( Mr. Mạnh Toàn ) -  Email Tin kinh te