TIN BIỂN ĐÔNG

HOÀNG SA - TRƯỜNG SA - VIỆT NAM

Mời hợp tác kinh doanh

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Vinh: Hòa bình, ổn định ở Biển Đông luôn là ưu tiên của ASEAN

Vừa trở về Hà Nội sau khi tham dự Diễn đàn Biển ASEAN lần 3 và Diễn đàn Biển ASEAN mở rộng lần 1, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Trưởng SOM ASEAN Việt Nam Phạm Quang Vinh đã dành cho Báo Quân đội nhân dân một cuộc trả lời phỏng vấn xung quanh nỗ lực của Việt Nam nói riêng và ASEAN nói chung trong việc bảo đảm môi trường hòa bình và ổn định ở Biển Đông. “Quá trình đàm phán COC có không ít khó khăn, song nếu cả ASEAN và Trung Quốc cùng quyết tâm, coi hòa bình và ổn định, an ninh, an toàn hàng hải ở khu vực là lợi ích chung thì sẽ thành công”, Thứ trưởng Phạm Quang Vinh nói.

Bảo đảm hòa bình, tôn trọng luật pháp quốc tế để hợp tác

- Đề nghị Thứ trưởng cho biết, Diễn đàn Biển ASEAN lần 3 và Diễn đàn Biển ASEAN mở rộng lần 1 vừa diễn ra tại Phi-líp-pin có ý nghĩa ra sao đối với tình hình an ninh khu vực trong bối cảnh hiện nay?

Diễn đàn Biển ASEAN được thành lập năm 2010 với tư cách là một bộ phận thúc đẩy hợp tác biển đóng góp cho cộng đồng chính trị an ninh ASEAN. Diễn đàn Biển ASEAN mở rộng có sự tham dự của ASEAN và 8 đối tác nhằm hỗ trợ cho ASEAN thực hiện những mục ưu tiên của mình. Cả hai diễn đàn là một bộ phận của kế hoạch tổng thể về xây dựng Cộng đồng Chính trị-an ninh ASEAN.

Ông Phạm Quang Vinh. Ảnh: VOV

Trong đợt họp từ ngày 3 đến 5-10 ở Phi-líp-pin, cả hai diễn đàn đã tập trung vào trao đổi một số nội dung trọng tâm như sau: Thứ nhất là bàn thảo biện pháp bảo đảm môi trường hòa bình ổn định khu vực, trong đó có an ninh an toàn hàng hải. Thứ hai là chia sẻ kinh nghiệm và thúc đẩy hợp tác giải quyết các lĩnh vực về biển mang tính chất liên ngành như môi trường biển, du lịch biển, giao thông thương mại biển cũng như kết nối biển. Thứ ba là xây dựng các khuôn khổ, chuẩn mực hợp tác trong khu vực liên quan đến vấn đề biển. Thư tư là chia sẻ kinh nghiệm và tăng cường xây dựng năng lực.

Các nước tham dự hai diễn đàn đều nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hợp tác trong lĩnh vực biển mang tính chất liên ngành nhằm phục vụ cho lợi ích mỗi quốc gia cũng như cả cộng đồng ASEAN. Tuy nhiên, để có thể hợp tác, các nước đều khẳng định điều kiện hàng đầu là phải bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định trong đó có an ninh, an toàn hàng hải ở trên các vùng biển nói chung và Biển Đông nói riêng, bằng cách tôn trọng luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982), giải quyết hòa bình các tranh chấp, thực hiện đầy đủ và nghiêm túc Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), đồng thời sớm xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), tuân thủ Hiệp ước thân thiện và hợp tác ở Đông Nam Á (TAC).

Về hợp tác cụ thể, các nước mới chỉ trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, gợi mở những lĩnh vực có thể hợp tác với nhau. Tuy khu vực có nhiều nguồn lợi về biển song cũng có vấn đề chồng lấn chủ quyền, tranh chấp chủ quyền. Do vậy, cần phải có biện pháp xây dựng lòng tin, có quy tắc hướng dẫn và những cam kết bảo đảm tuân thủ luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982 thì mới có thể tiến hành hợp tác trên thực tế. Xây dựng lòng tin là phải giải quyết hòa bình các tranh chấp, tuân thủ luật pháp quốc tế và không làm phức tạp thêm tình hình. 

Có thể nói, những tiếng nói, chia sẻ ở hai diễn đàn đã góp phần vào nỗ lực chung của ASEAN và các đối tác trong việc bảo đảm hòa bình, ổn định và an ninh an toàn hàng hải ở trên biển nói chung và tại Biển Đông nói riêng.

- Tại hai Diễn đàn này Việt Nam đã đóng góp những ý kiến gì nhằm thúc đẩy hợp tác, duy trì hòa bình, ổn định trên biển ở khu vực, thưa Thứ trưởng?

Thứ nhất, chúng ta ủng hộ việc thúc đẩy hợp tác hơn nữa trong ASEAN cũng như giữa ASEAN với các nước đối tác về các lĩnh vực trên biển nhằm phục vụ lợi ích chung của ASEAN cũng như của từng quốc gia. Việt Nam khẳng định nguyên tắc hợp tác là phải trên cơ sở luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982 và bảo đảm chủ quyền quốc gia

Thứ hai, Việt Nam nhấn mạnh điều kiện tiên quyết để hợp tác là bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải khu vực, qua đó yêu cầu các bên giải quyết hòa bình các tranh chấp, tôn trọng UNCLOS 1982, đồng thời cũng phải tôn trọng thềm lục địa cũng như vùng đặc quyền kinh tế của mỗi quốc gia. ASEAN và các đối tác phải tìm ra các lĩnh vực hợp tác từ dễ tới khó trên cơ sở luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982 cũng như bảo đảm chủ quyền quốc gia. Về việc này, trong nội bộ ASEAN đã có những hợp tác nhất định và có thể chia sẻ với các đối tác. 

Cuối cùng, chúng ta nhấn mạnh vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc an ninh khu vực nói chung cũng như trong vấn đề hợp tác bảo đảm an toàn, an ninh hàng hải cũng như các lĩnh vực hợp tác biển nói riêng.

COC phải đáp ứng được tình hình mới

- ASEAN đã thống nhất được thành tố của COC và Trung Quốc luôn tuyên bố ủng hộ COC. Tuy nhiên, tốc độ đàm phán xây dựng COC giữa ASEAN và Trung Quốc dường như chưa đáp ứng được kỳ vọng. Thưa Thứ trưởng, tại sao lại như vậy?

Phải nói rằng COC là câu chuyện đã bắt nguồn từ 10 năm trước khi DOC được ký kết. Điều 10 của DOC quy định các bên phấn đấu hướng tới COC trên cơ sở đồng thuận. Trong 10 năm qua, khi thực hiện DOC và trước tình hình tiếp tục phức tạp, người ta thấy rõ nhu cầu cần phải có một công cụ hữu hiệu hơn. Chúng ta đều biết vấn đề Biển Đông rất phức tạp, đặc biệt là việc xử lý những đòi hỏi khác biệt về chủ quyền.

Rõ ràng, ASEAN và Trung Quốc đều phải hướng tới COC và trong giai đoạn vừa qua, ASEAN đã nhiều lần nhấn mạnh việc này. Tuy nhiên, quan điểm của các bên về xây dựng COC như thế nào có nhiều điểm khác biệt. Ngay trong nội bộ ASEAN, từ tháng 11-2011 bắt đầu chính thức khởi động đàm phán, đến tháng 6-2012 ASEAN cũng mới thống nhất các thành tố được coi là các bộ phận sẽ đưa vào COC trong tương lai.

Theo quan điểm ASEAN, trước tiên, COC phải giữ được những nguyên tắc quan trọng và tích cực đã được quy định trong DOC. Đó là: Nhấn mạnh tầm quan trọng bảo đảm hòa bình, ổn định khu vực, trong đó có an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông; bảo đảm sự tuân thủ luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982; giải quyết hòa bình các tranh chấp, không làm phức tạp thêm tình hình; có thể hỗ trợ cho các nỗ lực này bằng các biện pháp xây dựng lòng tin, trong đó có hợp tác trên một số lĩnh vực không phức tạp và ít nhạy cảm như biến đổi khí hậu, môi trường biển. Đồng thời, COC phải là công cụ cao hơn DOC, đáp ứng được với tình hình mới, tiếp thu và nhân lên những kinh nghiệm và bài học trong việc thực hiện DOC.

Các đại biểu dự Diễn đàn Biển ASEAN Mở rộng lần 1.  Ảnh: ph.gov

ASEAN trông đợi COC có giá trị ràng buộc pháp lý hoặc chí ít cũng có tính cam kết chính trị cao hơn để có thể thực thi được trên thực tế và có cơ chế bảo đảm các quy định của bộ quy tắc trong tương lai được thực hiện nghiêm túc. COC cũng cần đề ra phương thức dàn xếp để phòng ngừa và kiềm chế các vụ việc phức tạp hay xung đột nảy sinh để bảo đảm giải quyết hòa bình và không làm phức tạp tình hình. Đây là những điểm quan trọng nhất để nâng cao COC hơn DOC.

ASEAN mong muốn xây dựng COC với những thành tố như vậy, nhưng để trùng hợp với lợi ích của đối tác thì phải tham vấn, có thể lâu dài. DOC cũng đã trải qua quá trình thương lượng dài 6, 7 năm mới ký kết được. Trong quá trình thực hiện DOC, thì cũng phải mất 6 năm mới đưa ra được Hướng dẫn thực hiện DOC, mà thực ra mới chỉ là hướng dẫn thực hiện một mảng của DOC là các biện pháp xây dựng lòng tin, trong đó có những hợp tác trên các lĩnh vực ít nhạy cảm. 

Trên thực tế, ASEAN và Trung Quốc đã có những trao đổi không chính thức ở cấp quan chức cao cấp (SOM) về COC. Việc trao đổi không chính thức nhằm tạo ra nhận thức chung về sự cần thiết của COC để sớm khởi động đàm phán chính thức. Rõ ràng quá trình đàm phán COC có không ít khó khăn, song nếu cả ASEAN và Trung Quốc cùng quyết tâm, coi hòa bình và ổn định, an ninh, an toàn hàng hải ở khu vực là lợi ích chung thì sẽ thành công.

- Qua những diễn biến gần đây, có ý kiến cho rằng việc xử lý vấn đề Biển Đông là phép thử cho sự đoàn kết của ASEAN. Thứ trưởng đánh giá như thế nào về điều này?

 Theo tôi, vấn đề Biển Đông cần được nhìn nhận ở góc độ khác. Thứ nhất, hòa bình, ổn định, an ninh an toàn hàng hải ở Biển Đông liên quan trực tiếp môi trường hòa bình, ổn định và hợp tác khu vực. Rất nhiều văn kiện ASEAN đã khẳng định như vậy. Đặc biệt, điều này được xác định là một trong 14 lĩnh vực ưu tiên trong việc thực hiện kế hoạch tổng thể của ASEAN nhằm xây dựng Cộng đồng chính trị-an ninh. Như vậy, rõ ràng, Biển Đông là một trong những vấn đề được ASEAN ưu tiên quan tâm. Thứ hai, hòa bình, ổn định nói chung và vấn đề Biển Đông nói riêng thường xuyên được bàn thảo trong ASEAN và giữa ASEAN và các đối tác. Thứ ba, trên thực tế trong nhiều năm qua, ASEAN đã ghi vào văn kiện của mình những nguyên tắc, quan điểm của ASEAN về việc bảo đảm hòa bình, ổn định an ninh an toàn hàng hải ở Biển Đông. Thứ tư, trong 10 năm qua, ASEAN và Trung Quốc có cơ chế DOC.

Nếu nhìn nhận một cách hệ thống như vậy, chúng ta có thể thấy an ninh, an toàn hàng hải Biển Đông là một bộ phận rất quan trọng đối với môi trường hòa bình, ổn định và an ninh của khu vực và lâu nay là một trong những nội dung trọng tâm ưu tiên mà ASEAN đã có những đóng góp tích cực. Không chỉ vấn đề Biển Đông mà nhiều lĩnh vực khác, quan điểm của các nước có lúc khác nhau là chuyện bình thường, song ASEAN có phương cách của mình để bảo đảm mục tiêu ưu tiên cũng như nguyên tắc đồng thuận. Ví dụ, tháng 7 vừa qua ở Cam-pu-chia, các nước ASEAN có những khác biệt, nhưng sau đó đã nỗ lực để đưa ra tuyên bố 6 nguyên tắc đối với vấn đề Biển Đông. Đó là cách làm của ASEAN.

 - Nước điều phối quan hệ ASEAN – Trung Quốc, cụ thể hiện nay là Thái Lan, có vai trò như thế nào trong việc thúc đẩy hợp tác giữa ASEAN và Trung Quốc nói chung và việc đạt được COC nói riêng?

Với tư cách là nước điều phối quan hệ ASEAN và Trung Quốc hay quan hệ ASEAN với bất kỳ đối tác nào, việc đầu tiên là tăng cường nội hàm, hiệu quả hợp tác theo kế hoạch hành động. Nội hàm hợp tác bao gồm nhiều lĩnh vực từ chính trị, an ninh, kinh tế, thương mại, đầu tư, văn hóa-xã hội, xây dựng năng lực... Ngoài ra, nước điều phối phải là cầu nối của ASEAN với nước đối tác. Là cầu nối, trước tiên cần duy trì tham vấn tiếp xúc thường xuyên. Thứ hai, nếu ASEAN có những đề xuất thuộc lĩnh vực ưu tiên của mình thì phải kết nối để đi đến đồng thuận. Thứ ba, nước điều phối cần chủ động đề xuất những sáng kiến, trước hết tham vấn trong ASEAN, nếu đạt được đồng thuận thì chuyển thành đề nghị của ASEAN với nước đối tác. Cuối cùng, việc điều phối là phải bảo đảm việc thực hiện những quyết định, kết quả của các hội nghị bộ trưởng, hội nghị cấp cao trên tất cả các kênh. Về Biển Đông, các nước đều trông đợi Thái Lan chủ động, tích cực điều phối để ASEAN và Trung Quốc sớm chính thức khởi động đàm phán COC.
- Thưa Thứ trưởng, chỉ còn hơn một tháng nữa Hội nghị cấp cao ASEAN và các hội nghị liên quan sẽ diễn ra tại Cam-pu-chia. Với tư cách là Trưởng SOM ASEAN Việt Nam, Thứ trưởng có thể cho biết những chủ đề an ninh nào sẽ được đưa vào chương trình nghị sự?

Tháng 11 tới sẽ có một loạt các hội nghị cấp cao: Cấp cao ASEAN lần thứ 21, Cấp cao ASEAN +3, Cấp cao Đông Á và Cấp cao ASEAN với một số đối tác quan trọng. Trọng tâm của những hội nghị lần này là tiếp tục hỗ trợ ASEAN xây dựng cộng đồng trên tất cả các trụ cột. Về an ninh, các hội nghị sẽ bàn thảo cách ứng phó với các thách thức, cả truyền thống và phi truyền thống, trong đó có bảo đảm hòa bình, ổn định ở khu vực cũng như ở Biển Đông. Trong bối cảnh xuất hiện nhiều diễn biến phức tạp ở Biển Đông, tại dịp các Hội nghị này, chắc chắn có hai vấn đề ASEAN sẽ chủ động thúc đẩy, đó là: Chia sẻ để các nước đối tác ủng hộ và cùng thúc đẩy thực hiện hiệu quả Tuyên bố ASEAN về 6 nguyên tắc về Biển Đông; và thúc đẩy ASEAN và Trung Quốc sớm đi vào đàm phán chính thức về COC.

- Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng./.

Bảo Trung (thực hiện)
Theo Quân Đội Nhân Dân

Luật Biển Việt Nam
Tinbiendong.com trân trọng giới thiệu toàn văn Luật Biển Việt Nam đã được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 21-06-2012 và Chủ tịch nước ký lệnh công bố ngày 02-07-2012. Luật Biển Việt Nam gồm 07 chương 55 điều, có  hiệu lực thi hành từ ngày 01-01-2013.
Mời hợp tác kinh doanh
Copyright ©  2012  Tin Bien Dong . All rights reserved.
Trang tin đang trong quá trình chạy thử nghiệm và  chờ xin phép Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép hoạt động.
Mạng thông tin điểm tin, sưu tầm, lưu trữ thông tin Biển Đông và thế giới
Điện thoại:04.3972 4800 - Fax:04.3972 4801 - Mobile: 0127 399 6475 // 098 300 6168 ( Mr. Mạnh Toàn ) -  Email Tin kinh te