Quân phục Quân đội Nhân dân Việt Nam được hình thành và hoàn thiện trong suốt quá trình kháng chiến chống ngoại xâm dân tộc ta cho tới thời kỳ hòa bình.
Quân phục đầu tiên
Trước 1945, các đội vũ trang tiền thân Quân đội Nhân dân Việt Nam như: Tự vệ đỏ (1930), du kích Bắc Sơn, du kích Nam Kỳ (1940), Cứu quốc quân (1941), Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân (1944), du kích Ba Tơ (1945) chưa có trang phục thống nhất. Hầu hết các đội viên phải tự túc về quần áo.
Đội viên chủ yếu dùng trang phục của nhân dân ở từng vùng, miền trong giai đoạn lịch sử đó như quần báo bà ba, quần áo chàm các dân tộc miền núi Việt Bắc, Tây Nguyên.
Cách mạng tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời (2/9/1945). Theo sắc lệnh của chính phủ, tháng 9/1945, Việt Nam Giải phóng quân đổi tên thành Vệ quốc đoàn. Cũng từ đây, quân phục Vệ quốc đoàn - quân phục đầu tiên Quân đội Nhân dân Việt Nam ra đời với đặc trưng: mũ calo, mũ lá, áo sơ mi có bật vai, quần sơ mi, áo trấn thủ, dép cao su. Quân phục này tồn tại trong suốt cuộc kháng chiến chống Pháp.
Tuy nhiên, do điều kiện quân đội ta thời kỳ đầu gặp nhiều khó khăn về mọi mặt nên trang phục Vệ quốc đoàn không đủ cấp phát cho toàn quân. Vì vậy, trang phục vẫn tùy theo điều kiện kinh tế và môi trường hoạt động của từng vùng miền.
Ở Liên khu phía Bắc, ngoài trang phục Vệ quốc đoàn còn có áo quần bà ba nâu, dép cao su (ở đồng bằng Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ) hoặc áo quần bà ba đen (ở vùng núi Bắc Bộ). Còn Liên khu phía Nam có quần áo Sita (Liên khu 5), áo quần bà ba đen khăn rằn, áo sơ mi cộc tay, quần soóc, mũ rộng vành (khu 7, 8, 9 ở vùng Đồng bằng Nam bộ ngày nay).
Tới đầu những năm 1950, sau chiến thắng Biên giới “khai thông” đường biên giới liên lạc với các nước Xã hội chủ nghĩa. Quân đội ta được nước bạn viện trợ vũ khí, hàng hóa, quân nhu. Các chiến sĩ của ta có thêm quần áo sơ mi dài tay màu xanh lá cây hoặc màu đất, có mũ cứng cốt giấy ép và giày vải cao cổ. Bộ đội pháo cao xạ có mũ sắt.
Những năm 1954-1964, kinh tế nước ta được khôi phục và bước đầu phát triển. Quân đội tiến một bước dài cả về trang bị và quân phục thống nhất. Đặc biệt, trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ, Quân đội Nhân dân Việt Nam đã trưởng thành về mọi mặt, tổ chức chặt chẽ, phát triển toàn diện cả về qui mô và lực lượng với đủ các quân chủng Hải – Lục – Không quân, binh chủng và đơn vị đặc biệt khác. Có thể nói đây là giai đoạn phong phú nhất về chủng loại trang phục của Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Phong phú và đa dạng
Quân đội ta không chỉ hoạt động ở miền Bắc, miền Nam mà còn ở chiến trường Lào, Campuchia. Mỗi địa bàn, mỗi binh chủng và lực lượng, do điều kiện tính chất chiến đấu khác nhau nên nhu cầu về trang phục sử dụng khác nhau.
Ở miền Bắc, ngày 22/12/1958 Chính phủ và Bộ Quốc phòng ra quyết định trang phục quân đội được may thống nhất theo quy định gồm 4 loại: trang phục thường dùng, luyện tập, dự lễ và nghiệp vụ.
Trang phục của Quân đội Nhân dân Việt Nam trong lễ duyệt binh ngày 2/9/1958. Ảnh: tư liệu Bảo tàng Hậu cần
Trang phục thường dùng được sử dụng thường xuyên của bộ đội trong khi làm việc, chiến đấu, học tập, sinh hoạt hàng ngày. Đối với nam sĩ quan, hạ sĩ quan và binh sĩ đều mặc áo sơ mi, áo dài tay, chít cổ tay. Riêng quần thì hạ sĩ quan và chiến sĩ có cúc và khuy cài để chít gấu. Còn nữ chiến sĩ có kiểu áo véc, cổ bé 2 ve, 2 tưới dưới chéo, không có nắp túi, quần sơ mi, mở cạp quần 2 bên hông.
Về màu sắc, mỗi quân chủng đều có sự khác nhau: Lục quân (màu cỏ úa), phòng không – không quân (áo màu cỏ úa, quần màu xanh thẫm), Hải quân (trong mùa hè: sĩ quan có áo sơ mi màu trắng, quần màu tím than còn hạ sĩ quan, chiến sĩ có áo yếm cổ chui, quần màu xanh thẫm; mùa đông: quần áo sĩ quan đều màu tím than, hạ sĩ quan – chiến sĩ mặc như mùa hè), Bộ đội Biên phòng (quần áo màu xanh lá cây thẫm).
Bộ đội dùng mũ cứng do Việt Nam sản xuất, tất cả đều có màu xanh cỏ úa. Ngoài ra, còn có mũ bông cho bộ đội Biên phòng, mũ mềm lưới trai cho sĩ quan.
Trang phục huấn luyện, tác chiến sử dụng cho bộ đội trong huấn luyện quân sự. Giữa các quân binh chủng có sự khác nhau về trang bị phù hợp với từng điều kiện chiến đấu. Ví dụ, bộ đội tăng thiết giáp có quần áo Bludon màu chì, mũ đặc chủng, giày da cao cổ; bộ đội pháo binh có mũ sắt, áo giáp, bộ đội nhảy dù có quần áo Bludon màu loang (xanh lá cây và màu vàng thẫm), giày da lộn,...
Trang phục nghiệp vụ sử dụng cho bộ đội khi thực hiện công tác tác ở ngành nghề chuyên môn và không mặc trong các trường hợp khác. Ví dụ: mũ, quần áo ngành y; mũ, quần áo cấp dưỡng, trang phục quân nhạc, văn công, bộ đội danh dự,…
Trang phục dự lễ có lễ phục cấp tướng, cấp tá, cấp úy, chiến sĩ…kiểu quần áo như trang phục thường dùng nhưng có chất liệu vải tốt hơn. Trong đó, hạ sĩ quan, chiến sĩ đeo thắt lưng to có dây choàng qua vai, mũ kê pi, cấp hiệu đeo ở vai, phù hiệu đeo ở ve cổ áo.
Riêng cấp tướng, cấp tá vào mùa đông thì áo kiểu cổ mở chữ V, 2 ve viền đỏ, bát tay viền đỏ và có cành tùng đơn. Quần có 2 nẹp đỏ dọc 2 bên ống quần. Mũ kê pi màu trắng (mùa hè) và màu cỏ úa (mùa đông), vành mũ viền đỏ.
Quân trang chiến sĩ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.
Ở chiến trường miền Nam, trang phục chủ yếu của quân giải phóng miền Nam Việt Nam ngoài những chủng loại từ miền Bắc gửi vào thì các chiến sĩ còn trang bị các trang phục do cơ quan Hậu cần miền Nam, quân khu, sư đoàn, thậm chí là Trung đoàn cung cấp. Kiểu mẫu cũng không thống nhất, thường là tùy theo điều kiện, tính chất hoạt động của từng chiến trường.
Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam dùng bộ quần áo bà ba màu đen, quần áo sơ mi màu cỏ úa. Về phần mũ, năm 1959 xưởng may 20 đã thiết kế ra loại mũ tai bèo 6 múi. Đây là loại mũ chính thức trang bị cho quân giải phóng miền Nam Việt Nam.
Về kiểu thắt lưng, Quân Giải phóng miền Nam có thể dùng loại do Việt Nam sản xuất, hàng viện trợ hoặc hàng thu được từ quân Mỹ - VNCH. Các đơn vị quân tình nguyện chiến đấu ở Lào – Campuchia thì dùng trang phục giống với quân Pa thét Lào và quân giải phóng Campuchia.
Ngoài ra, trong suốt giai đoạn chiến đấu cục quân nhu cũng thiết kế và cung cấp một số trang phục phù hợp cho từng điều kiện chiến đấu khác nhau.
Đối với không quân, phi công của ta do mặc bộ đồ kháng áp kiểu Liên Xô nên khi nhảy dù xuống vùng dân cư hay bị người dân hiểu lầm là phi công Mỹ. Vì thế, tháng 6/1965, cục Quân nhu đã triển khai nghiên cứu bộ quần áo phủ ngoài bộ kháng áp với hình thức giản dị gần giống quân phục bộ đội ta.
Năm 1966, Cục Quân nhu nghiên cứu cải tiến áo trấn thủ thời kháng chiến chống Pháp thành áo giáp chống bom bi dùng cho chiến sĩ lái xe Trường Sơn.
Các chiến sĩ công binh rà phá bom mìn thì cục Quân nhu cung cấp áo phao chống bom từ trường. Năm 1967, nghiên cứu sản xuất trang phục cho bộ đội đặc công nước.
Tới năm 1974, Bộ Quốc phòng quyết định sửa đổi trang phục chiến sĩ theo kiểu K74. Tuy nhiên, K74 tồn tại không lâu vì chỉ sau giải phóng 2 năm, Tổng cục Hậu cần bắt đầu thiết kế sản xuất quân phục mới.
Lê Nam
Theo ĐVO