Khó đoán trước, sôi nổi, hoạt bát và đa tình - đó là một số đặc điểm của cố Quốc vương Campuchia Norodom Sihanouk khi còn tại thế.
Rạng sáng nay (15/10/2012), ông Sihanouk qua đời vì bệnh tim tại thủ đô Trung Quốc. Quốc vương Nodorom Sihamoni, con trai ông, tới Bắc Kinh mang thi thể cha mình về Campuchia an táng theo truyền thống.
Tài hoa và tinh thông
Sáu lần cưới vợ và là cha của 14 người con, cố Quốc vương Norodom Sihanouk là một người biết chơi saxophone, một nhà làm phim, một nhạc sĩ và họa sĩ. Ông từng đứng đầu một ban nhạc jazz và tham gia một đội bóng đá cung điện. Ông yêu đồ ăn và các loại rượu Pháp. Ông còn có một trang web của riêng mình.
Sihanouk chưa bao giờ sợ chứng tỏ mình là một người khác biệt. "Người Campuchia chúng tôi đều là những gã nghịch ngợm, và trong đó có cả tôi", ông từng nói.
Tuy nhiên, ẩn dưới sự ham mê và đùa vui đó là một chính trị gia và một nhà lãnh đạo tinh thông luôn nỗ lực gìn giữ sự đoàn kết của đất nước và tránh cho đất nước bị các cường quốc lớn tranh giành.
Sihanouk sinh năm 1922, là con cả của Quốc vương Nodorom Suramarit và Hoàng hậu Kossamak. Ông được đào tạo ở các trường Pháp tại Sài Gòn và Paris.
Sihanouk đảm nhiệm nhiều chức vụ khác nhau kể từ năm 1941 và sách Kỷ lục Guinness đã đưa ông vào danh sách các chính khách giữ nhiều chức vụ nhất, bao gồm 2 lần làm vua, hai lần làm thái tử, một lần làm chủ tịch nước, 2 lần làm thủ tướng và một lần làm Quốc trưởng Campuchia. Phần lớn các vị trí này là hình thức.
Chính khách thăng trầm
Ngày 23/4/1941, Sihanouk được Hội đồng Tôn vương đưa lên ngôi vua. Ông đăng quang tháng 11/1941. Những năm sau đó, Sihanouk thực hiện một chiến dịch quốc tế nhằm đòi độc lập cho Campuchia. Năm 1953, Campuchia giành được tự do mà không có đổ máu sau gần một thế kỷ nằm dưới sự thống trị của Pháp. Hai năm sau đó, Sihanouk thoái vị, nhường ngôi cho bố và trở thành Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Campuchia.
Trong 10 năm tiếp đó, ông thành công trong việc chèo lái đưa Campuchia đi theo con đường trung lập. Tuy nhiên, Sihanouk bắt đầu chỉ trích Mỹ khi cuộc chiến ở Việt Nam leo thang.
Tháng 3/1970, trong khi Sihanouk đang ở thăm Liên Xô, Tướng Lon Nol - Thủ tướng Campuchia khi đó - đã giành quyền kiểm soát chính phủ với sự giúp đỡ của người Mỹ. Sihanouk sang Bắc Kinh tị nạn và bắt đầu ủng hộ Khmer Đỏ trong cuộc chiến lật đổ chính phủ Lon Nol ở Phnom Penh. Khi nước Cộng hòa Khmer rơi vào tay Khmer Đỏ năm 1975, Sihanouk trở thành nguyên thủ quốc gia hình thức của chính phủ mới khi Pol Pot nắm quyền lực. Tháng 4/1976, ông từ chức vì sự tàn bạo của Khmer đỏ và nghỉ hưu. Sihanouk sang tị nạn tại Trung Quốc và Triều Tiên. Năm 1978, Khmer đỏ bị tiêu diệt và năm 1982, ông trở thành Chủ tịch Chính phủ Liên hiệp Campuchia dân chủ.
Trong số khoảng 1 triệu người Campuchia chết dưới bàn tay tàn bạo của Khmer Đỏ có 5 người con của Sihanouk và ít nhất 16 người cháu.
Các đảng phái ở Campuchia đàm phán đến năm 1991 và các bên đã đồng ý ký thỏa thuận hòa giải toàn diện ở Paris. Tháng 11/1991, Norodom Sihanouk trở về Campuchia sau 13 năm lưu vong. Năm 1993, ông lại trở thành Quốc vương Campuchia và con trai ông, Thái tử Norodom Ranariddh làm Thủ tướng. Theo hiến pháp Campuchia, Quốc vương chỉ "trị vì chứ không cai trị". Do bệnh tật, ông phải đi lại chữa trị ở Bắc Kinh nhiều lần.
Tháng 1/2004, ông đi sống ở Bình Nhưỡng và sau đó là Bắc Kinh, lấy lý do sức khỏe kém. Ông tuyên bố thoái vị vào ngày 7/10/2004. Hiến pháp Campuchia không cho phép tự thoái vị. Chea Sim, Chủ tịch Thượng viện Campuchia, tạm nắm giữ chức Quyền nguyên thủ nhà nước cho đến ngày 14/10 sau khi Hội đồng tôn vương bầu Norodom Sihamoni - một trong những người con trai của Sihanouk - lên làm tân Quốc vương.
Thanh Hảo(Tổng hợp)