Sihanouk đã đảm nhiệm nhiều chức vụ đến nỗi sách kỷ lục Guiness đã ghi tên ông vào danh sách chính khách giữ nhiều chức vụ nhất, bao gồm 2 lần làm vua, 2 lần thái tử, 1 lần chủ tịch nước, 2 lần thủ tướng và một lần quốc trưởng Campuchia cũng như nhiều chức vụ khác.
Shihanouk - Vị chính khách đa tài
Quốc vương Norodom Sihanouk, sinh ngày 31/10/1922, mất ngày 15/10/2012. Ông từng là quốc vương của Campuchia trong nhiều giai đoạn cho đến ngày thoái vị để nhường ngôi cho con trai là quốc vương Norodom Sihamoni (ngày 07/10/2004).
Sihanouk là con trai của cựu quốc vương Norodom Suramarit và hoàng hậu Sisowath Kossamak. Sihanouk đã đảm nhiệm nhiều chức vụ khác nhau kể từ 1941, nhiều vị trí đến nỗi Sách kỷ lục Guiness đã đưa ông vào danh sách các chính khách giữ nhiều chức vụ nhất, bao gồm 2 lần làm vua, 2 lần thái tử, 1 lần chủ tịch nước, 2 lần thủ tướng và một lần quốc trưởng Campuchia và nhiều chức vụ khác.
Quốc vương Norodom Sihanouk và Hoàng hậu. |
Tuy nhiên, phần lớn là chức vụ hình thức, kể cả lần cuối làm vua (trị vì nhưng không cai trị). Thời gian trị vì thực sự của ông hoàng này là từ 9/11/1953 đến 18/03/1970 (khi bị Lon Nol cướp ngôi).
Tính tình khó lường, sôi nổi, một chút đồng bóng, chuyên quyền - đây chỉ là một số trong những mô tả các tính cách của cựu Quốc vương Norodom Sihanouk.
Kết hôn 6 lần và có ít nhất 14 người con, ông cũng là một người chơi saxophone giỏi, một nhạc sĩ, một nhà sản xuất phim, một người yêu thích nấu ăn và các loại rượu vang Pháp, Sihanouk đã không bao giờ sợ xuất hiện cùng với phong cách lập dị của mình.
"Tất cả người Campuchia đều là những cậu bé nghịch ngợm, tôi là một trong số đó", ông từng nói.
Ông từng học tại các trường do người Pháp lập ra ở Sài Gòn và ở Paris. Khi Đức Quốc Xã kiểm soát chính phủ Vichy ở Pháp đã cho phép Sihanouk đăng quang ngôi vua của Campuchia vào năm 1941, nối ngai cha mình với hy vọng rằng năm 18 tuổi có thể dễ dàng điều khiển ông.
Một vị vua “vị nhân dân” của Campuchia
Sau khi lên ngôi, từ những năm 1945 đến cuối thập kỷ này, vua Sihanouk có xu hướng dân tộc chủ nghĩa và bắt đầu yêu cầu Pháp trao trả chủ quyền và về nước. Tháng 5 năm 1953, ông sang tị nạn tại Thái Lan và từ chối hồi hương cho đến khi Campuchia độc lập.
Sau khi Pháp thua trận ở Việt Nam và bị buộc phải rút khỏi Đông Dương, Campuchia đã giành được độc lập nhưng ngay sau đó đã phải đối diện với những chính sách hà khắc của Mỹ giai đoạn này áp lên khu vực Đông Dương. Năm 1955, Sihanouk với sự ủng hộ của cha mình đã thoái vị và trở thành Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Campuchia.
Sau khi bố ông mất năm 1960, ông lại được bầu làm chủ tịch nhà nước nhưng với danh vị hoàng thân. Trong tháng 3 năm 1970, trong khi Sihanouk đã đến thăm Liên Xô, tướng Lon Nol, với sự giúp đỡ của Mỹ đã tổ chức đảo chính, cướp ngôi và trở thành Thủ tướng Campuchia.
Sihanouk đã phải sống lưu vong ở Bắc Kinh và hỗ trợ cho quân đội Khmer Đỏ lúc đó nổi lên như một lực lượng chiến đấu đáng kể. Khi Khmer Đỏ chiếm được Phnom Penh vào năm 1975, Sihanouk trở về với vai trò là người đứng đầu nhà nước. Nhưng sau đó ông đã bị chỉ trích vì bảo hộ cho chế độ diệt chủng Khmer Đỏ và kẻ cầm đầu Pol Pot.
Sau một thời gian phải trải qua thời kỳ bị Pol Pot giam lỏng trong cung điện hoàng gia, ông đã phát biểu ông "thực sự không ngờ chính quyền Khmer Đỏ lại tồi tệ đến như vậy" khi giết hại khoảng 2 triệu người Campuchia, trong số những người đã chết có 5 người con của Sihanouk, và ít nhất là 15 người cháu.
Vào đầu năm 1979, khi chiến tranh biên giới ở Đông Dương xảy ra quyết liệt, Sihanouk một lần nữa phải sống lưu vong ở Trung Quốc.
'Bi kịch anh hùng'
Năm 1990, khi quân tình nguyện Việt Nam rút về nước. Sihanouk trở thành trung tâm của các cuộc đàm phán phức tạp liên quan đến Hoàng gia Campuchia, Khmer Đỏ và Hun Sen. Và với sự hậu thuẫn của Chính phủ Việt Nam, Sihanouk đã đồng thuận đất nước để hình thành một chính phủ mới.
Hình ảnh ông thường nói đùa và thỉnh thoảng đưa con chó xù của mình tới các cuộc đàm phán, Sihanouk được đánh giá cao và nhiều người cho là một thắng lợi ngoại giao.
Năm 1991, Sihanouk được bổ nhiệm làm chủ tịch nước, hai năm sau đó, trong bối cảnh rất nhiều biến động chính trị tại Campuchia, lần thứ hai ông lên ngôi vua, giữ vị trí này cho đến khi đồng ý thoái vị và nhường ngôi cho con trai vào tháng 10/2004 do sức khỏe kém.
Cuối đời mình, Sihanouk đã rất cố gắng để đấu tranh lên án Khmer Đỏ là những kẻ giết người, kêu gọi các nhà lãnh đạo của họ phải đối mặt với thử thách tìm cách loại trừ tất cả những người liên quan đến Khmer Đỏ đang đóng bất cứ vai trò nào trong chính phủ.
Phan Sương
Theo Infonet