TIN BIỂN ĐÔNG

HOÀNG SA - TRƯỜNG SA - VIỆT NAM

Mời hợp tác kinh doanh

Trung Quốc: Bí ẩn Tập Cận Bình

Với cách tiếp cận nhẹ nhàng và luôn né tránh những thứ dễ gây ra mâu thuẫn, vẫn còn rất nhiều câu hỏi được đặt ra xung quanh hướng đi mà ông Tập Cận Bình sẽ theo đuổi.


 

Cách đây 5 năm, Phó Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình khi đó 59 tuổi có bữa ăn tối cùng với đại sứ Mỹ ở Bắc Kinh. Ông Tập bày tỏ sự yêu thích đối với các bộ phim của Hollywood. Ông đặc biệt ngưỡng mộ bộ phim nói về chiến tranh thế giới thứ 2 mang tên “Giải cứu binh nhì Ryan”. 
 
Theo tài liệu được WikiLeaks tiết lộ năm 2010, Tập Cận Bình đã nhận xét các bộ phim về chiến tranh thế giới thứ 2 của Hollywood rất hay và chân thực. Ông cũng cho rằng người Mỹ có cái nhìn rõ ràng về giá trị và phân chia ranh giới rõ ràng giữa cái tốt và cái xấu. 
 
Cách thức tiếp cận nhẹ nhàng, tránh né bất kỳ vấn đề gì có thể gây nên tranh cãi thể hiện tính cách của 1 chính trị gia được cho là sẽ lên lãnh đạo đất nước đông dân nhất thế giới. 
 
Thứ 5 tới (8/11), Đại hội Đảng cộng sản Trung Quốc sẽ được khai mạc. Theo các nhà phân tích chính trị, đây sẽ là bước đầu tiên để Tập Cận Bình đón nhận bước chuyển giao quyền lực chính thức diễn ra vào tháng 3 năm sau. Trong khi đó, Phó Thủ tướng Lý Khắc Cường được dự báo sẽ thay thế Thủ tướng Ôn Gia Bảo. 
 
Dấu chân của người cha?

Sinh ra trong 1 gia đình đầy quyền lực chính trị, Tập Cận Bình là một trong những “thái tử” của Trung Quốc. Bố của ông – Tập Trọng Huân – là cựu Phó Thủ tướng Trung Quốc và là người có quyền lực dưới “triều đại” Mao Trạch Đông. 
 
Tuy nhiên, chính vị thế này cũng khiến gia đình ông gặp phải nhiều khó khăn, đặc biệt là khi ông Tập Trọng Huân bị khai trừ khỏi đảng vào năm 1962. Năm 1965, ông được cử đi làm việc và nắm giữ vị trí phó quản đốc tại 1 nhà máy máy kéo. Ông cũng là người đã chỉ trích quyết định sử dụng vũ lực để đàn áp phong trào Thiên An Môn năm 1989. Ông Tập Trọng Huân qua đời năm 2002. 
 
Tuy nhiên, theo giới quan sát, liệu người con Tập Cận Bình có đi theo con đường tương tự như của cha ông không vẫn còn là điều chưa rõ ràng. Cũng có thể, ông coi sự việc của người cha là 1 lời cảnh báo cho những gì sẽ xảy ra nếu như ông hành động quá mạnh mẽ. 
 
Theo Patrick Chovanec, giáo sư đến từ đại học Thanh Hoa, một số người sẽ giống với cha của họ trong khi người khác lại đối lập. Có thể, ông Tập Cận Bình sẽ cho rằng bố của ông hoàn toàn đúng và sự kiện Thiên An Môn là hoàn toàn sai trái. Tuy nhiên, một số người lại cho rằng ông cần phải hành động theo cách khác để bù đắp cho những vấn đề của người cha Tập Trọng Huân. 
 
Từ trước đến nay, Tập Cận Bình luôn né tránh các cuộc tranh luận. Thay vào đó, ông lựa chọn cách lặp lại các chính sách của những người tiền nhiệm như Hồ Cẩm Đào hoặc Giang Trạch Dân. 
 
Ông cũng là 1 đảng viên trung thành và tận tụy. Tập Cận Bình đã trải qua 18 năm đầu sự nghiệp ở tỉnh Phúc Kiến. Sau đó, ông chuyển sang tỉnh Chiết Giang và cuối cùng là Thượng Hải.
 
Ở Thượng Hải, ông giữ chức Bí thư và trở thành 1 trong những người có tầm ảnh hưởng mạnh nhất về các vấn đề trong nội bộ đảng. Điều này có nghĩa là ông quản lý các vấn đề về nội bộ của đảng chứ không phải những vấn đề như chính sách kinh tế - điều có thể buộc ông phải thể hiện quan điểm rõ ràng hơn. 
 
Người bạn của nước Mỹ? 
 
Tập Cận Bình đã có 6 lần tới thăm Mỹ. Tập Minh Trạch – con gái của Tập Cận Bình – hiện đang theo học tại đại học Havard. 
 
Thái độ hiện nay của Tập Cận Bình có thể khiến người ta nghĩ rằng Trung Quốc sẽ có được mối quan hệ kinh tế chặt chẽ hơn với nước Mỹ sau khi ông lên nắm quyền. Tuy nhiên, điều này có vẻ sẽ không xảy ra trên lĩnh vực chính trị.
 
Theo Willy Lam, vị giáo sư chuyên nghiên cứu về Trung Quốc tại Hồng Kông, mọi người dự đoán Tập Cận Bình sẽ khá mạnh mẽ trong việc bảo vệ quyền lực và trong chính sách đối ngoại. Điều này có thể dẫn đến một số mâu thuẫn với Mỹ. Điều này cũng có thể được cho là tự nhiên trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng lớn mạnh và nóng lòng muốn khẳng định vị thế. 
 
Tập Cận Bình cũng là người khá thân thiết với các tướng lĩnh trong quân đội. Do đó, họ có thể có tiếng nói lớn hơn đối với các chính sách ngoại giao dưới thời Tập Cận Bình. 
 
Sẽ không có thay đổi lớn?

Theo Li Kui-wai, giáo sư giảng dạy về kinh tế Trung Quốc tại Hồng Kông, ông không hi vọng Trung Quốc sẽ có sự thay đổi lớn lao về cấu trúc, ít nhất là trong 5 năm đầu Tập Cận Bình lên lãnh đạo. 
 
Trong khi Trung Quốc có thể thực hiện thêm các biện pháp kích thích kinh tế kéo theo tín dụng tăng trưởng và luật lệ trong các ngành điển hình như bất động sản được thả lỏng, các chính sách như chống tham nhũng, đặc biệt là ở cấp địa phương có vẻ như sẽ không được thực hiện. 
 
Trong khi đó, Andy Xie, chuyên gia kinh tế độc lập nghiên cứu về Trung Quốc, cho rằng ông Tập sẽ phải đối mặt với nhiệm vụ vô cùng khó khăn trước những thách thức mà Trung Quốc đang gặp phải trong khi vẫn phải đảm bảo sự ổn định về mặt chính trị. 
 
Thu Hương

Theo TTVN/CNBC

 

Luật Biển Việt Nam
Tinbiendong.com trân trọng giới thiệu toàn văn Luật Biển Việt Nam đã được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 21-06-2012 và Chủ tịch nước ký lệnh công bố ngày 02-07-2012. Luật Biển Việt Nam gồm 07 chương 55 điều, có  hiệu lực thi hành từ ngày 01-01-2013.
Mời hợp tác kinh doanh
Copyright ©  2012  Tin Bien Dong . All rights reserved.
Trang tin đang trong quá trình chạy thử nghiệm và  chờ xin phép Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép hoạt động.
Mạng thông tin điểm tin, sưu tầm, lưu trữ thông tin Biển Đông và thế giới
Điện thoại:04.3972 4800 - Fax:04.3972 4801 - Mobile: 0127 399 6475 // 098 300 6168 ( Mr. Mạnh Toàn ) -  Email Tin kinh te