Trang mạng Tân Hoa Xã của Trung Quốc ngày 2/11 trích đăng lại bài viết có tựa đề “Hải quân Mỹ cần chú ý: Trung Quốc đang trở thành nước sản suất tàu chiến cấp thế giới” của tác giả Andrew Erickson được đăng trên tạp chí “Học giả Ngoại giao” (Nhật Bản) ngày 1/11.
Theo bài viết, xét về chủng loại và số lượng đóng tàu chiến, các xưởng đóng tàu quân sự của Trung Quốc hiện nay đuổi kịp các xưởng đóng tàu quân sự của Tây Âu, Nhật Bản và Hàn Quốc. Nếu Bắc Kinh đưa chương trình sản xuất tàu chiến vào danh mục ưu tiên phát triển, năng lực kỹ thuật chế tạo tàu chiến của Trung Quốc có thể đạt đến trình độ hiện nay của Nga vào trước năm 2020 và tiếp cận trình độ kỹ thuật của Mỹ vào trước năm 2030.
Hiện nay, Trung Quốc đang chế tạo với quy mô lớn các loại tàu ngầm chạy bằng điện và động cơ diezel và tàu mặt nước hiện đại, trong đó có sản xuất hàng loạt tàu khu trục lớp Lữ Dương 052C kiểu mới và Lữ Dương 052D.
Tác giả bài viết đã đề cập đến 8 nội dung chủ yếu liên quan đến việc Trung Quốc trỗi dậy trở thành nước sản xuất tàu chiến cấp thế giới:
Một là, tính đến nay, Trung Quốc tăng cường đóng mới tàu chiến là nhằm hỗ trợ hiện đại hóa quân sự và thay mới hàng loạt tàu chiến, chứ không phải nhằm cấp tốc mở rộng. Trong 6 năm qua, số lượng tàu chiến tác chiến tuyến một của Trung Quốc tăng lên, nhưng nhìn chung tốc độ tăng trưởng còn chậm. Đến năm 2005, Trung Quốc có 172 tàu tác chiến các loại. Theo các số liệu thống kê, đến hết năm 2012 sẽ tăng lên 221 chiếc. Ngoài việc thay mới các loại tàu chiến, chất lượng của các hạm đội hải quân Trung Quốc được nâng lên đáng kể.
Hai là, các xưởng đóng tàu quân sự cỡ lớn của Trung Quốc hiện nay - được Chính phủ hỗ trợ - gần đuổi kịp trình độ của Nga và Mỹ về số lượng chế tạo tàu chiến. Trong 10 năm tới, số lượng tàu ngầm và tàu mặt nước cỡ lớn do Trung Quốc chế tạo có thể chỉ xếp sau Mỹ. Quan trọng hơn, những năm gần đây, Trung Quốc tăng cường năng lực đóng tàu cỡ lớn.
Mỗi năm, hải quân Trung Quốc tiếp nhận một số lượng lớn tàu chiến hiện đại hóa. Các xưởng đóng tàu quân sự của Trung Quốc, nhất là xưởng đóng tàu Trường Hưng và Hộ Đông gần Thượng Hải, đang dốc toàn lực đóng tàu. Trong 2-3 năm tới, số lượng tàu chiến cỡ lớn của hải quân Trung Quốc có khả năng chỉ xếp sau Mỹ.
Ba là, các xưởng đóng tàu quân sự của Trung Quốc đang tận dụng công nghệ môđun để sản xuất hàng loạt tàu khu trục lớp 052. Kỹ thuật này không những làm tối đa hóa tiềm lực sản xuất của các xưởng đóng tàu quân sự mà còn tạo không gian lớn hơn cho sửa chữa, thiết kế các tàu chiến.
Bốn là, giữa các xưởng đóng tàu quân sự của Trung Quốc dường như cùng chung thiết kế và thông tin sản xuất. Trong lịch sử, Tổng công ty công nghiệp tàu thủy Trung Quốc chủ yếu đóng tàu ngầm cho hải quân Trung Quốc, song xưởng đóng tàu Giang Nam của Tập đoàn công nghiệp nặng tàu thủy Trung Quốc hiện đóng ít nhất hai chiếc tàu ngầm chạy bằng điện và động cơ diezel tiên tiến lớp Nguyên 041.
Điều này cũng cho thấy năng lực sản xuất tàu ngầm của Trung Quốc không ngừng tăng lên. Có khả năng Bắc Kinh đang cho phép hai cơ quan này cùng chia sẻ thiết kế và thông tin sản xuất tàu ngầm của Viện Thiết kế.
Năm là, các xưởng đóng tàu quân sự của Trung Quốc sau này có thể tự chủ đóng tàu sân bay. Tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc mang tên Liêu Ninh chính thức được biên chế vào hải quân Trung Quốc ngày 25/9/2012. Tàu sân bay này ban đầu chỉ là một con tàu trống rỗng. Sau một quá trình cải tạo con tàu này, Tập đoàn công nghiệp tàu thủy Trung Quốc thu được những kinh nghiệm đóng tàu sân bay hết sức quý báu.
Hiện nay, Trung Quốc có tổng cộng 7 xưởng đóng tàu có khả năng lắp ráp thân tàu sân bay cỡ lớn (dài hơn 300m). Những xưởng đóng tàu này thuộc Tổng công ty công nghiệp tàu thủy Trung Quốc hoặc Tập đoàn công nghiệp nặng tàu thủy Trung Quốc.
Sáu là, Trung Quốc sẽ duy trì ưu thế về phương diện giá thành đóng tàu quân sự. Dự báo ít nhất trong 5 năm tới, so với các xưởng đóng tàu của Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ, các xưởng đóng tàu của Trung Quốc sẽ chiếm ưu thế về giá thành. Chi phí đóng tàu khu trục 052C của Trung Quốc rất có thể thấp hơn 24% chi phí sản xuất tàu khu trục KDX-III của Hàn Quốc.
Bảy là, tính đến năng lực sản xuất tàu chiến của Trung Quốc, các nước láng giềng của Trung Quốc ngày càng cảm thấy buộc phải tăng cường thực lực hải quân của mình. Hàn Quốc đã quyết định mở rộng quy mô mua sắm tàu ngầm chạy bằng dầu diezel tiên tiến, kế hoạch đến trước năm 2020 mua 9 chiếc tàu ngầm lớp KSS-III trọng tải 3000 tấn, đến trước năm 2018 mua 9 tàu ngầm trọng tải 1800 tấn.
Hàn Quốc còn quyết định trong 10 năm tới sẽ mua tàu khu trục lớp Aegis với số lượng tăng gấp đôi so với hiện nay. Việt Nam cũng trở thành khách hàng của ngành sản xuất công nghiệp vũ khí của Nga.
Tám là, Trung Quốc hiện có tiềm năng trở thành nước xuất khẩu quan trọng về tàu ngầm chạy bằng điện và động cơ diezel và tàu chiến cỡ nhỏ. Sức cạnh tranh của các xưởng đóng tàu Trung Quốc đang được tăng cường. Đơn giá của tàu hộ vệ loại nhẹ 20380 của Nga là 150 triệu USD, trong khi đơn giá của tàu hộ vệ loại nhẹ 056 chỉ vào khoảng 110-120 triệu USD, điều này khiến cho tàu hộ vệ loại nhẹ 056 của Trung Quốc trở thành đối thủ cạnh tranh chủ yếu với tàu hộ vệ 20380 của Nga./.