TIN BIỂN ĐÔNG

HOÀNG SA - TRƯỜNG SA - VIỆT NAM

Mời hợp tác kinh doanh

Liệu có cải cách chính trị tại Trung Quốc?

Francois Godement - nhà sử học, giáo sư đại học ở Trường Chính trị Paris danh giá (Sciences Po) phân tích những động thái của Trung Quốc trước thềm chuyển giao quyền lực và khả năng về một cuộc cải cách chính trị, vốn đã lùi khỏi ưu tiên nhờ thập kỉ phát triển kinh tế mạnh mẽ vừa qua.

Không được thách thức lãnh đạo tập thể của đảng


Chúng ta hãy bắt đầu bằng câu chuyện được nói đến nhiều nhất ở Trung Quốc trong hơn một năm qua: sự kiện Bạc Hy Lai. Đến thời điểm này, khi ông Bạc đã bị khai trừ Đảng và đối mặt với những cáo buộc hình sự, liệu vụ việc này có còn là một yếu tố quan trọng có thể tác động đến Đại hội 18 của Đảng cộng sản Trung Quốc PCC hay không?

Có, tôi tin là vẫn có tác động. Vụ Bạc Hy Lai sẽ phải đi đến cùng bởi nó đã trở thành vụ án có tính chất biểu trưng cho quyết tâm của những người lãnh đạo PCC. Có nhiều câu hỏi hơn là câu trả lời trong vụ việc này nhưng điều rõ ràng chúng ta thấy được, đó là sự siết lại những luồng tư tưởng có chiều hướng đi chệch.

Qua việc xử lý ông Bạc, các lãnh đạo PCC truyền đi một thông điệp, rằng họ không chấp nhận sự quay trở lại của một tư tưởng kiểu Mao trong thời hiện đại và không có gì được phép thách thức sự lãnh đạo tập thể của Đảng, kể cả khi đó là một cá nhân có quyền lực to lớn trong chính đội ngũ.

Chờ cải cách

Nhiều nhà phân tích chính trị, trong đó có ông, thường hay nhắc đến “một thập kỷ bị đánh mất” của Trung Quốc dưới thời ông Hồ Cẩm Đào, ám chỉ việc tăng trưởng kinh tế đã lấn át và làm lãng quên những đòi hỏi cải cách chính trị tại Trung Quốc trong 10 năm qua. Việc của ông Bạc và việc một thế hệ các nhà lãnh đạo mới sắp lên, mà vài người trong số đó là con cháu của thế hệ lãnh đạo trước có phải là một chỉ dấu cho những thay đổi có thể đến?

Con cháu của thế hệ lãnh đạo cũ (mà có người gọi là nhóm “Thái tử Đảng”) có một sự tự tin rất lớn, vì họ là những ông chủ của hệ thống. Điều này có nghĩa là họ luôn được một sự hậu thuẫn nếu thay đổi. Nhưng bản chất thì khó thay đổi. Hạn chế lớn nhất của sự thay đổi chính là quyền lực của chính họ.

Hơn nữa, ngay cả khi kết thúc Đại hội, họ cũng không phải đơn độc trên quyền lực đỉnh cao của Đảng. Ông Tập Cận Bình là con của cựu Phó Thủ tướng Trung Quốc  nhưng ông Lý Khắc Cường thì không có xuất thân tương tự.

Nhưng dù thế nào, đúng là đang có một sự chờ đợi lớn trong dân chúng Trung Quốc về những cải cách chính trị.

Còn nói về một “thập kỷ bị đánh mất” của ông Hồ Cẩm Đào, tôi cho rằng điều đó gây tiếc nuối về cảm giác hơn là thực tế. Ông Hồ Cẩm Đào đã luôn cố gắng đi tìm sự hài hòa thay vì những cải cách mạnh mẽ. Nhưng chúng ta hoàn toàn không thể chắc rằng nếu thực hiện những cải cách chính trị, ông Hồ Cẩm Đào sẽ đi theo hướng nào, theo những tư tưởng chính trị tự do hay theo hướng khẳng định mạnh mẽ hơn chủ nghĩa dân tộc.

Tôi thấy hai khả năng này là tương đương nhau.

Tôi nghĩ chúng ta thống nhất rằng sự thành công về mặt kinh tế trong 10 năm của ông Hồ Cẩm Đào đã làm giảm sức ép phải cải cách chính trị. Nhưng nay, khi kinh tế Trung Quốc chững lại thì sức ép đó cũng sẽ trở lại…

Đây là thời điểm khó khăn. Kinh tế chững lại thì những căng thẳng sẽ lên và tôi không nghĩ các nhà lãnh đạo Trung Quốc sẵn lòng thay đổi khi đang khó khăn thế này. Nhưng dân chúng đang rất chờ đợi vào câu chuyện chống tham nhũng.

Thật khó cho các nhà lãnh đạo mới của Trung Quốc khi không làm gì. Chúng ta chỉ không biết là liệu việc chống tham nhũng, mà vụ Bạc Hy Lai là điển hình, có phải là một phần trong chiến dịch chống tham nhũng rộng lớn, lâu dài hay đó là sự bắt đầu của một cuộc cải cách chính trị. Dù thế nào, tôi cũng nghĩ là rất khó cho các nhà lãnh đạo Trung Quốc nếu không làm một điều gì đó.

“Từ kinh nghiệm cá nhân khi công tác tại các tỉnh phía Tây Trung Quốc, ông Hồ Cẩm Đào đã nhận diện được những đổ vỡ xã hội ngày càng lớn dần đối với khu vực nông thôn, với những người nhập cư, với những tỉnh nằm sâu trong lục địa. Nhưng thành công của một phương thức sản xuất đã chiến thắng”.

Trung Quốc không phải là Ả rập!

Đó là sức ép trong nước, thế sức ép từ bên ngoài thì sao?

Kể từ năm 2008, sau các sự kiện tại Trung Đông và trong thế giới Ả rập, Bắc Kinh đã trở nên cứng rắn hơn, độc đoán hơn, mặc dù chúng ta thấy là sự siết lại đó vẫn tồn tại song song với một một sự tự do nhất định trong các thể chế không chính thức, ở đây tôi muốn nói đến thế giới các mạng xã hội và giới blogger.

Liệu có là phi thực tế không nếu nghĩ rằng một kịch bản tương tự như “Mùa xuân Ả rập” có thể xảy ra ở Trung Quốc?

Có, điều đó là phi thực tế. Trung Quốc không phải là Ả rập. Nền kinh tế Trung Quốc phát triển liên tục, xã hội được hiện đại hóa.

Trong nội bộ của chính quyền của Trung Quốc cũng có nhiều luồng tư tưởng khác biệt, điều sẽ giúp Trung Quốc biết cách tự điều tiết.

Cuối cùng, như những gì đã thấy, mối liên kết giữa những người theo phe phái bảo thủ và những người theo chủ nghĩa thực tế trong nội bộ PCC có thể đóng những vai trò quan trọng.

Như thế không có nghĩa là chúng ta có thể quên điều mà các học giả phương Tây luôn nhắc đến mỗi khi kết luận: “sự đổ gãy xã hội”, cụ thể là chênh lệch giàu nghèo và chênh lệch phát triển giữa các tỉnh miền Tây Trung Quốc nằm sâu trong lục địa và các thành phố thịnh vượng duyên hải miền Đông…

Tôi không muốn gọi đó là một sự “đổ gãy xã hội” mà muốn coi nó như là một sự thiếu vắng tính đại diện của nhân dân, thiếu vắng một con đường xây dựng hệ thống an sinh xã hội dài lâu. Đó là khiếm khuyết về mặt chính sách, điều cũng không lạ lắm với các nước đang phát triển, tức kinh tế tăng trưởng thì chênh lệch cũng tăng.

Quảng Đông: Thử nghiệm thận trọng của Bắc Kinh:

 “Mô hình Quảng Đông”, nơi mà các NGO, các tổ chức dân sự được tự do hoạt động hơn, liệu có phải là một thử nghiệm trong việc tìm ra chính sách đó?

Trong so sánh của tôi thì “mô hình Quảng Đông” và “mô hình Trùng Khánh” khác biệt giống như phương Tây với phương Đông. Trong khi “mô hình Trùng Khánh” tập trung vào sức mạnh nhà nước thông qua các tập đoàn đa quốc gia, các công ty lớn thì “mô hình Quảng Đông” nhấn mạnh đến sự tồn tại của rất nhiều công ty tư nhân, cả Trung Quốc và nước ngoài, và giành rất nhiều không gian cho các ý tưởng tư nhân. Đó là một sự tiến hóa và tất nhiên có thể coi là một giai đoạn phát triển tiến bộ hơn. Nhưng đó có phải là một thử nghiệm chuyển đổi sang một xã hội dân sự hiệu quả hơn hay không thì chưa thể nói trước.

Chưa có một quan chức Trung Quốc nào đưa ra những tuyên bố chính thức về “mô hình Quảng Đông” và dù các NGO được hoạt động nhiều hơn, vai trò của họ vẫn khá hạn chế. Vai trò của các NGO ở Quảng Đông chủ yếu gắn với các tiện ích xã hội, chẳng hạn các dự án về y tế cộng đồng và giáo dục. Điều cần làm là tìm ra sự thật sau những câu từ.

Giống như sự phát triển của các đặc khu kinh tế dọc bờ biển phía Đông từ vài chục năm trước, những gì diễn ra ở Quảng Đông là một thử nghiệm thận trọng của Bắc Kinh bởi so với hơn 30 năm trước, Trung Quốc giờ là một xã hội khác, với các vấn đề mới rất khác của một nền kinh tế sẽ có quy mô lớn nhất thế giới sau 10 năm nữa.

Francois Godement  là nhà sử học, giáo sư đại học ở Trường Chính trị Paris danh giá (Sciences Po.) Năm 2005, ông lập ra Asia Centre, một tổ chức nghiên cứu độc lập. Ông cũng là người đứng đầu chương trình nghiên cứu Trung Quốc của Ủy ban châu Âu về quan hệ quốc tế (European Council on Foreign Relations), một think-tank có ảnh hưởng hàng đầu ở châu Âu. Ông cũng là thành viên của Carnegie Endowment for International Peace. Ông Francois Godement là nhà nghiên cứu chính trị hàng đầu về Trung Quốc đương đại và đã xuất bản nhiều cuốn sách về Trung Quốc. Cuốn “Trung Quốc muốn gì? Từ Mao đến chủ nghĩa tư bản” vừa xuất bản cách đây 1 tháng ngay trước thềm chuyền giao quyền lực tại Bắc Kinh. 

 


·Bùi Nguyễn
Theo VietnamNet

Luật Biển Việt Nam
Tinbiendong.com trân trọng giới thiệu toàn văn Luật Biển Việt Nam đã được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 21-06-2012 và Chủ tịch nước ký lệnh công bố ngày 02-07-2012. Luật Biển Việt Nam gồm 07 chương 55 điều, có  hiệu lực thi hành từ ngày 01-01-2013.
Mời hợp tác kinh doanh
Copyright ©  2012  Tin Bien Dong . All rights reserved.
Trang tin đang trong quá trình chạy thử nghiệm và  chờ xin phép Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép hoạt động.
Mạng thông tin điểm tin, sưu tầm, lưu trữ thông tin Biển Đông và thế giới
Điện thoại:04.3972 4800 - Fax:04.3972 4801 - Mobile: 0127 399 6475 // 098 300 6168 ( Mr. Mạnh Toàn ) -  Email Tin kinh te