Theo một báo cáo tuyệt mật mà tình báo phương Tây có được, giới lãnh đạo Iran đang có trong tay kế hoạch thực hiện chiến dịch “Vũng nước đen”. Mục đích của chiến dịch là phong tỏa tạm thời con đường hàng hải huyết mạch của thế giới đồng thời gây áp lực buộc các biện pháp trừng phạt của phương Tây phải dừng lại. Nếu có một người luôn gây mối lo ngại thường trực cho phương Tây thì đó chắc chắn là tướng Mohammed Ali Jafari - chỉ huy lực lượng Vệ binh cách mạng.
Được tôi luyện từ những trận đòn tra tấn dã man trong các nhà tù của cựu quốc vương Iran, Mohammed Ali Jafari nằm trong số những sinh viên xông vào Đại sứ quán Mỹ ở Tehran vào ngày 4/11/1979. Về sau, Jafari tham gia chiến đấu trong cuộc chiến tranh giữa Iran và Iraq; và vào năm 2007 Jafari nắm cương vị lãnh đạo lực lượng Vệ binh cách mạng thiện chiến, hay còn gọi là Pasdaran. Sau khi được lãnh tụ cách mạng Ayatollah Ruhollah Khamenei quyết định thành lập để bảo vệ chế độ Hồi giáo, Pasdaran dần phát triển thành một lực lượng quyền lực được đánh giá là nhà nước trong nhà nước.
Ngày nay, Pasdaran kiểm soát một vài công ty và có sức mạnh chiến đấu hơn cả quân đội chính quy. Trong số 21 bộ trưởng trong nội các Iran có 13 người từng được Pasdaran huấn luyện. Và, Jafari, 55 tuổi, được coi là nhân vật đặc biệt hết sức cứng rắn. Ví dụ, vào năm 2009, Jafari tuyên bố Nhà nước Cộng hòa Hồi giáo sẽ bắn tên lửa tấn công trung tâm nghiên cứu hạt nhân ở Dimona của Israel nếu Nhà nước Do Thái quyết định tấn công các cơ sở hạt nhân của Iran - một cuộc tấn công được dự đoán sẽ giết chết vài ngàn người ở cả hai phía. Hiện nay, Jafari và những người ủng hộ ông được cho là đang chuẩn bị kế hoạch mới kinh khủng hơn nhiều.
Các cơ quan tình báo phương Tây đã có trong tay bản kế hoạch đóng dấu "tuyệt mật" và có tên mã là "Vũng nước đen". Cùng với Ali Fadawi - Đô đốc của Pasdaran, Jafari đề xuất một chiến dịch phá hoại vô cùng nguy hiểm - đó là, gây ra thảm họa tràn dầu khủng khiếp nhất ở vùng eo biển Hormuz. Mục đích của chiến dịch là gây ô nhiễm trầm trọng eo biển Hormuz để có thể đóng cửa tạm thời con đường hàng hải huyết mạch của các tàu chở dầu quốc tế và từ đó "trừng phạt" các quốc gia Arập dám tỏ thái độ chống đối Tehran, đồng thời buộc phương Tây phải "hợp sức" với Iran thực hiện một chiến dịch xử lý ô nhiễm quy mô lớn - một chiến dịch có thể sẽ đòi hỏi phương Tây tạm thời ngưng thực hiện các biện pháp cấm vận trừng phạt Nhà nước Cộng hòa Hồi giáo. Các chuyên gia tình báo phương Tây cho rằng chiến dịch "Vũng nước đen" của Jafari thể hiện sự thất bại của Tehran.
Trái ngược với tuyên bố hùng hồn của Ngoại trưởng Iran Ali Akbar Salehi trong một cuộc phỏng vấn của báo chí Đức mới đây, lệnh cấm vận trừng phạt Iran đang gây tổn thất rất lớn cho quốc gia "cứng đầu" này. Hơn 50% doanh thu của Iran đến từ xuất khẩu dầu mỏ, với sản lượng khoảng 2,4 triệu thùng dầu một ngày vào tháng 7/2011 nhưng nay tụt xuống chỉ còn chừng 1 triệu thùng vào tháng 7/2012. Lệnh cấm vận càng khiến Iran lao đao hơn vì khó bán được dầu mỏ của mình, thậm chí những quốc gia không bị ràng buộc phải ủng hộ những biện pháp trừng phạt chống Iran cũng đang rút lại mọi giao dịch bởi vì không ai muốn bảo hiểm những chuyến tàu chở dầu.
Những chiếc tàu chở dầu lưu thông trên eo biển Hormuz.
Eo biển Hormuz nằm giữa vịnh Oman về phía đông nam và vịnh Ba Tư ở tây nam. Khoảng cách rộng nhất của eo biển Hormuz là 84km và hẹp nhất vào khoảng 33,6km. Theo Tổ chức Tư vấn Hàng hải quốc tế (IMCO), các tàu chở dầu muốn bảo đảm sự an toàn qua eo biển Hormuz - đường giao thông duy nhất cho phép 8 quốc gia Vùng Vịnh tiến ra vùng biển quốc tế - bắt buộc phải đi qua lãnh hải của Iran. Tính trung bình, khoảng 10 phút có một chiếc tàu chở dầu đi ngang qua eo biển Hormuz. Theo các chuyên gia năng lượng Mỹ, vào năm 2020 sẽ có chừng 35 triệu thùng dầu mỗi ngày phải đi qua eo biển Hormuz, do đó Iran có thể sử dụng eo biển này làm vũ khí chống lại phương Tây và Mỹ do vị trí chiến lược của nó có thể ảnh hưởng lớn đến kinh tế lẫn chính trị thế giới.
Để chứng minh điều này, ngày 14/7 vừa qua, Đô đốc Ali Fadawi của Hải quân Iran tuyên bố nước này sẽ kiểm soát eo biển Hormuz không cho "một giọt dầu" nào đi qua nó! Ngày 1/7/2012, lệnh cấm vận dầu mỏ của Liên hiệp châu Âu (EU) chống Iran chính thức có hiệu lực và 27 nước thành viên của tổ chức này không được nhập khẩu dầu thô kể cả các sản phẩm hóa dầu từ Iran.
Kế hoạch của Jafari mô tả chi tiết cách gây thảm họa môi trường trên diện rộng - ví dụ như người Iran sẽ cho một trong những chiếc tàu chở dầu khổng lồ va vào đá. Trong cuộc chiến tranh Vùng Vịnh năm 1991, lúc đó Tổng thống Saddam Hussein của Iraq có hàng triệu thùng dầu bị đắm ở vịnh. Ngành đánh cá của các quốc gia Vùng Vịnh buộc phải ngưng hoạt động nhiều tháng, và thảm họa sinh thái kéo dài đến vài năm sau. Vào năm 1994 và 1998, thảm hoạ tràn dầu đe dọa các nhà máy khử muối ở Các Tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE) và Arập Xêút, từ đó đặt các nguồn cung cấp nước ngọt cho hai quốc gia này vào tình trạng hiểm nghèo.
Theo giới lãnh đạo Pasdaran, nếu một chiếc tàu chở dầu gặp tai nạn thì Quỹ quốc tế bồi thường thiệt hại ô nhiễm dầu (ICFOPD) sẽ phải can thiệp về mặt tài chính. Nhưng, nỗ lực khử ô nhiễm chỉ có thể thực hiện với sự trợ giúp kỹ thuật từ phía chính quyền Iran - với điều kiện đặt ra của Tehran sẽ là những biện pháp cấm vận phải được dỡ bỏ, ít nhất là tạm thời. Thêm vào đó, các công ty dầu mỏ Iran - trong đó một số thuộc sở hữu của Pasdaran - thậm chí có thể hưởng lợi từ chương trình khử ô nhiễm này
Trang Thuần (tổng hợp)
Theo AN Ninh Thế Giới