TIN BIỂN ĐÔNG

HOÀNG SA - TRƯỜNG SA - VIỆT NAM

Mời hợp tác kinh doanh

Ngư dân đảo Lý Sơn bị đe dọa tước đoạt kế sinh nhai bao đời

Trung Quốc dùng vũ lực bắt giam, đánh đập các ngư dân Việt Nam. Đòi hỏi về “vùng nước lịch sử” của họ bị bác bỏ bởi các bằng chứng lịch sử.

Những người dân đánh cá tại Biển Đông bị những cuộc tranh chấp lãnh thổ biển đảo do Trung Quốc gây ra đe dọa miếng cơm manh áo.

Áp đặt và cướp đoạt bằng vũ lực

Tờ Nhật Báo Hoa Nam Buổi sáng ngày 3/11/2012 đã đăng bài miêu tả cuộc sống của những người dân đảo Lý Sơn ra khơi đánh cá luôn gặp họng súng của lính Trung Quốc. Chiếc thuyền gỗ mà Trần Hiển làm thuyền trưởng đã bị lính Trung Quốc phát hiện. Trần Hiển, cùng các ngư dân bị bắt giữ, bỏ tù và đồ dùng đánh cá bị tịch thu. Những kẻ bắt giữ là các lính Trung Quốc đi trên các tàu tuần tra do Bắc Kinh phái tới để khẳng định chủ quyền của Trung Quốc tại những vùng biển tranh chấp.

Trong những năm gần đây, Trung Quốc tiến hành tuần tra tại các vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, áp đặt các lệnh cấm đánh bắt cá, đuổi các tàu thuyền nước ngoài ra xa các khu vực ngư trường truyền thống.

“Họ dùng vũ khí. Họ chĩa súng vào chúng tôi, buộc chúng tôi ra khỏi khoang thuyền, sau đó nhảy xuống thuyền và bắt chúng tôi”. Hiển cho biết tháng 3 vừa rồi Hiển bị bắt cùng với 10 ngư dân khác tại vùng biển gần Hoàng Sa và bị giam giữ 49 ngày.

Hiển nói: “Đứa con trai đầu lòng của tôi ra đời khi tôi nằm trong nhà tù của Trung Quốc. Họ tịch thu lưới và dụng cụ đánh cá cùng máy định vị. Tôi rơi vào cảnh nợ nần đầm đìa”.


Thuyền của ngư dân đảo Lý Sơn chuẩn bị ra khơi đánh cá: “Những người đánh cá tại đảo xem ngư trường Hoàng Sa và Trường Sa như những vườn tược của họ, như những cánh đồng lúa của họ”. (Ảnh Nhật báo Hoa Nam buổi sáng)

Hiển và các ngư dân trên thuyền cùng bị giam giữ với các ngư dân trên một thuyền đánh cá khác của Việt Nam bị bắt cùng ngày. Cả hai thuyền trưởng bị đánh đập. “Không bao giờ đủ đồ ăn cho 21 người”.

Một quan chức theo dõi nghề cá của Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) cho biết, các nước giáp Biển Đông khuyến khích việc đánh cá xa bờ và tăng cường sự hiện diện tại vùng lãnh hải của họ.

Bắc Kinh chiếm Hoàng Sa trong một cuộc hải chiến ngắn với quân đội Nam Việt Nam năm 1974 và cũng đòi chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa, nơi Đài Loan, Malaysia, Philippines, Brunei và Việt Nam cũng đòi chủ quyền.

Tiến sĩ Sam Bateman, chuyên gia hàng hải của Trường Đại học kỹ thuật Singapore cho rằng “tình hình thực sự nguy hiểm khi một thuyền đánh cá bị tàu tuần tiễu bắn, có thể dẫn tới phản ứng mạnh của phía bên kia".

Những người dân đánh cá ở đảo Lý Sơn bị sốc khi thấy họ rơi vào trung tâm của cuộc tranh chấp quốc tế chỉ đơn giản vì họ đánh cá tại những ngư trường nơi thế hệ này nối tiếp thế hệ khác sinh sống dựa vào nghề cá.

Ông Phạm Hoàng Linh cán bộ ở đảo Lý Sơn nói: “Những người đánh cá tại đảo xem ngư trường Hoàng Sa và Trường Sa như những vườn tược của họ, như những cánh đồng lúa của họ”.

Nếu không có giải pháp, xung đột hầu như không tránh khỏi khi các ngư dân Lý Sơn nói rằng họ sẽ tiếp tục đánh cá tại những vùng nước mà Trung Quốc tranh chấp. Anh Khuẩn, một ngư dân, nói: “Đó là nghề thu nhập kiếm sống duy nhất của chúng tôi. Đó là lãnh thổ của chúng tôi, là lãnh hải của chúng tôi. Chúng tôi sẽ bảo vệ quyền của mình và chúng tôi sẽ tiếp tục đánh cá”.

Trung Quốc không có quyền gì với đòi hỏi “vùng nước lịch sử”

Việc đi lại bằng thuyền tại Biển Đông đã có từ thời cổ đại. Cư dân trong vùng biết đóng thuyền bè mảng và thuyền đi biển. Kỹ thuật đi biển xuất hiện sớm nhất ở vùng duyên hải khoảng 8000-9000 năm trước và đạt đến đỉnh cao vào khoảng thế kỷ thứ V trước Công nguyên. Những hình thuyền dáng to lớn, kiểu cong mũi, cong lái được khắc trên nhiều trống đồng Đông Sơn cho biết điều đó. Trên tường khu đền Borobudur còn lưu lại các phù điêu hình con thuyền buồm lớn nhiều mái chèo, gần giống với những hạm thuyền của người La Mã cổ đại.

TS. Renato Cruz De Castro, Giáo sư Quan hệ quốc tế, Đại học De La Salle, Manila, Philippines, phát biểu tại Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông tổ chức ở Hà Nội, ngày 4-5/11/2011, nêu bật sự hình thành dân cư Đông Nam Á gắn với hoạt động trên vùng biển chung này từ rất lâu trước các ghi chép của người Trung Quốc: “Không có gì nghi ngờ rằng các nhà hàng hải và ngư dân Trung Quốc đã đi qua Biển Đông trong hai nghìn năm qua. Tuy nhiên, cũng có nhiều bằng chứng rằng tổ tiên của các quốc gia Đông Nam Á ngày nay cũng đi qua và đánh cá ở các đảo đó rất lâu trước bất kỳ ghi chép nào của Trung Quốc. Xét  quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa cằn cỗi  và không thích hợp cho con người sinh sống, dân cư thời tiền sử  của các quốc gia Đông Nam Á đã đánh cá và khai thác kinh tế các nguồn tài nguyên ở Biển Đông thậm chí trước cả triều Hán và triều Minh. Các quốc gia ven Biển Đông (như Philippines, Indonesia và cả Đài Loan) đều được định hình từ những dân cư đi biển, những người đã đến vùng đất này qua một số làn sóng nhập cư từ rất xưa khoảng 25.000 năm trước. Không có gì nghi ngờ rằng những người đi biển này đã đi qua và đánh cá ở Biển Đông, giống như những gì mà con cháu họ đang làm hiện nay. Do đó, bình luận về bằng chứng lịch sử của Trung Quốc về chủ quyền đối với Biển Đông, một chuyên gia Hoa Kỳ về các vấn đề hàng hải đương đại lưu ý rằng:

"…Không có bằng chứng chỉ ra lợi ích kinh tế độc nhất của Trung Quốc hay bất kỳ quốc gia nào khác đối với các đảo hay khu vực xung quanh các đảo ở Biển Đông. Thay vào đó, bằng chứng cho thấy điều ngược lại - rằng  các vùng biển ở Biển Đông và đảo nằm rải rác ở đó…từ bao thế kỳ nay đã trở thành khu vực đánh cá và tuyến đường thương mại chung của các cư dân trong khu vực. Thực sự, việc sử dụng chung lâu đời này cho thấy Biển Đông đã phát triển như một vùng biển khu vực chung, ở đó các bên theo đuổi các lợi ích của mình mà không phải lo sợ bị chính quyền của các quốc gia khác làm phiền”./.

Hoài Nam
Theo Tổ Quốc

Luật Biển Việt Nam
Tinbiendong.com trân trọng giới thiệu toàn văn Luật Biển Việt Nam đã được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 21-06-2012 và Chủ tịch nước ký lệnh công bố ngày 02-07-2012. Luật Biển Việt Nam gồm 07 chương 55 điều, có  hiệu lực thi hành từ ngày 01-01-2013.
Mời hợp tác kinh doanh
Copyright ©  2012  Tin Bien Dong . All rights reserved.
Trang tin đang trong quá trình chạy thử nghiệm và  chờ xin phép Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép hoạt động.
Mạng thông tin điểm tin, sưu tầm, lưu trữ thông tin Biển Đông và thế giới
Điện thoại:04.3972 4800 - Fax:04.3972 4801 - Mobile: 0127 399 6475 // 098 300 6168 ( Mr. Mạnh Toàn ) -  Email Tin kinh te