Vụ nổ nhà máy nguyên tử Chernobyl ở Ukraine, vụ tràn dầu ở Mỹ là hai trong số những thảm họa công nghiệp tồi tệ nhất trong lịch sử loài người.
|
Thảm họa Chernobyl: Hơn 26 năm đã trôi qua nhưng thảm họa Chernobyl ở Prypiat, Ukraine vẫn là nỗi kinh hoàng đối với loài người. Thảm họa xảy ra vào ngày 26/4/1986 khi nhà máy điện nguyên tử Chernobyl bị nổ. Đây bị coi là vụ tai nạn hạt nhân nghiêm trọng nhất trong lịch sử năng lượng hạt nhân. Do không có tường chắn, đám mây bụi phóng xạ tung lên từ nhà máy lan rộng ra nhiều nơi như Liên bang Xô Viết ngày đó, Đông Âu, Tây Âu, Anh và cả Mỹ. Có nghiên cứu cho rằng thảm họa này phát ra lượng phóng xạ lớn gấp 400 lần so với quả bom nguyên tử ném xuống Hiroshima (Nhật Bản). |
Vụ tràn dầu Exxon Valdez: Sự cố bắt đầu bằng việc tàu chở dầu Exxon Valdez xuất phát từ Valdez (Alaska) đi Long Beach ngày 24/3/1989. Do lái tàu ngủ gật đã làm cho tàu chệch hướng, gây tai nạn và rò rỉ 1/3 lượng dầu trên tàu. Ước tính lượng dầu tràn ra biển khoảng 40 triệu lít. Hậu quả là khoảng từ 100.000 đến 250.000 con chim biển chết sau thảm họa. Đây là thảm họa môi trường do con người gây ra được xem là lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ. Gần 20 năm sau, vùng này vẫn chưa khắc phục hoàn toàn được hậu quả môi trường do thảm họa gây ra. |
Thảm họa Seveso: Vụ nổ nhà máy hóa chất Seveso ở Italy vào ngày 10/7/1976 khiến cả thị trấn nơi nhà máy tọa lạc chìm trong những đấm mây dioxin màu trắng độc hại. Ước tính khoảng 30 kg chất dioxin đã bị thải ra ngoài môi trường. Thảm họa đến nay vẫn còn là nỗi kinh hoàng đối với người dân ở khu vực đó, bởi sức tàn phá của nó. Ngày đó, 3.300 động vật đã chết, chủ yếu là thỏ và gia cầm. Những người dân xung quanh phải sơ tán. Sau gần 30 năm, môi trường ở khu vực đó vẫn chưa trở lại bình thường. |
Thảm họa mỏ than Courrieres: Đây là một trong những thảm họa công nghiệp tồi tệ nhất trong lịch sử thế giới và là tai nạn hầm mỏ kinh hoàng nhất trong lịch sử châu Âu. Ước tính 1.099 người đã thiệt mạng trong thảm họa ngày 10/3/1906 tại phía Bắc nước Pháp ngày đó. Nguyên nhân hiện vẫn chưa được xác định rõ ràng vì đa số những nhân chứng đã chết. Tuy nhiên, các nhà phân tích cùng đưa ra nhận định rằng bụi than nổ đã gây ra thảm họa trên. |
Thảm họa San Juanico: Sự cố xảy ra vào ngày 19/11/1984 tại San Juanico, Mexico. 54 thùng dầu khổng lồ (ảnh dưới) bị nổ. Vụ nổ tàn phá thị trấn San Juan Ixhuatepec, khiến 500 đến 600 người thiệt mạng, 5.000 đến 7.000 bị thương vì bỏng. Đây là một trong những thảm họa kinh khủng nhất trong lịch sử thế giới. |
Thảm họa ở thành phố Texas: Đây là thảm họa công nghiệp tồi tệ nhất trong lịch sử Mỹ. Sự cố xảy ra vào ngày 16/4/1947 khi tàu SS Grandcamp nổ lớn. Vụ nổ làm tiêu tan đi 2.300 tấn amoni nitrat và cướp đi sinh mạng của 581 người, làm hơn 3.500 người khác bị thương. |
Thảm họa Benxihu Colliery: Vụ nổ bụi than và ga ở khu mỏ Benxihu Colliery, Liêu Ninh, Trung Quốc làm 1.549 người thiệt mạng, trong đó có 31 người Nhật Bản. Vụ việc xảy ra vào ngày 26/4/1942 và là một trong những thảm họa chết người kinh hoàng trong lịch sử ngành than. Đa số những người chết đều do ngộ độc khí CO2 vì đóng cửa thông gió sau vụ nổ đầu tiên. |
Thảm họa Bhopal: Sự cố xảy ra vào khoảng 22h ngày 2/3/1984 tại trung tâm thành phố Bhopal, bang Madhya Pradesh, Ấn Độ. Nơi đây có khoảng 900.000 dân sinh sống. Khoảng 40.000 tấn methey isocyanate (MIC) rò rỉ từ 2 hầm lưu trữ của nhà máy sản xuất bảo vệ thực vật. MIC là loại chất trung gian sử dụng trong quá trình sản xuất chất bảo vệ thực vật và rất nguy hiểm. Khí mù mịt đến nỗi người dân không còn nhìn thấy gì. Khí độc gây ho, ngạt thở, bỏng mất, tấn công vào hệ thần kinh trung ương, làm con người không còn khả năng điều khiển, ngay cả việc tiểu tiện cũng không biết. Vụ rò rỉ khiến 2.000 người thiệt mạng vào sáng hôm sau. Sau một tháng, thêm 1.500 người chết nữa và khoảng 300.000 người bị ngộ độc MIC. |
Đỗ Quyên
Theo Infonet/ Zing