TIN BIỂN ĐÔNG

HOÀNG SA - TRƯỜNG SA - VIỆT NAM

Mời hợp tác kinh doanh

Sai lầm lớn nếu Thổ Nhĩ Kỳ tấn công Syria

 

 

Thổ Nhĩ Kỳ và Syria tiến sát hơn bên bờ vực chiến tranh sau khi đạn pháo từ Syria rơi xuống một thị trấn biên giới làm năm dân thường thiệt mạng, sau đó, các cuộc nã pháo “ăn miếng trả miếng” qua biên giới diễn ra trong suốt một tuần.

 

 Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Thổ Nhĩ Kỳ Necdet Ozel kiểm tra quân đóng trên biên giới với Syria. (Xinhua)
Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Thổ Nhĩ Kỳ Necdet Ozel kiểm tra quân đóng trên biên giới với Syria. (Xinhua)  

Theo BBC, với 320 phiếu thuận, 129 phiếu chống, Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ tuần trước đã thông qua dự luật, có hiệu lực một năm, cho phép phái bộ tiến hành chiến dịch quân sự vào Syria “khi cần thiết”.

Bài của tác giả Shi Zhuying đăng trên Tân Hoa xã, cho biết, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan trong tuần qua đã hai lần nhắc đến từ “chiến tranh”, rằng Thổ Nhĩ Kỳ đang cận kề một cuộc chiến tranh và kêu gọi nhân dân chuẩn bị.

Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta nói rằng, cuộc xung đột giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Syria có thể leo thang và lan rộng ra các nước láng giềng.

Tuy nhiên, giới phân tích Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng sẽ là một sai lầm đối với Thổ Nhĩ Kỳ nếu dính líu vào một cuộc chiến với Syria, cho rằng chiến tranh có thể mang lại hậu quả nghiêm trọng cho đất nước.

Ông Aykan Erdemir, một nghị sĩ thuộc đảng đối lập Nhân dân cộng hòa (CHP), nói: “Nếu như Thổ Nhĩ Kỳ phát động chiến tranh với Syria thì cả hai nước đều chịu thiệt hại. Ổn định xã hội, phát triển kinh tế và tiến trình dân chủ hóa của Thổ Nhĩ Kỳ đều sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng”.

“Hơn thế nữa, một cuộc chiến tranh giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Syria reo rắc bạo loạn sang các nước láng giềng trong khu vực, lôi kéo bè phái và chiến tranh tàn phá Trung Đông rơi vào tình trạng lộn xộn hơn” – ông Erdemir cho biết thêm.

Ông Ibrahim Kalin, cố vấn của Thủ tướng Erdogan, nói: “Chúng tôi không muốn chiến tranh với Syria, việc này sẽ chỉ mang đến thương vong cho cả hai phía. Bước tiếp theo, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiếp tục kêu gọi lập vùng đệm với sự nhất trí của quốc tế”.

Căng thẳng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Syria khiến cho ngành xuất khẩu của nước này sang các nước láng giềng như Iran và Iraq bị ảnh hưởng đáng kể.

Giáo sư Seyfettin Gursel, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu kinh tế, xã hội thuộc Trường Đại học Bahcesehir của Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, một cuộc chiến toàn diện với Syria đương nhiên sẽ gây thiệt hại nặng về kinh tế do tăng chi tiêu quân sự.

Ở thời điểm hiện nay, Thổ Nhĩ Kỳ đang rất cần phát triển thương mại với các nước láng giềng giàu năng lượng, trong khi giao thương với các nước châu Âu trở nên tồi tệ hơn do cuộc khủng hoảng tài chính tại EU.

Không có nhiều người Thổ Nhĩ Kỳ muốn thấy Thổ Nhĩ Kỳ rơi vào một cuộc chiến quy mô với Syria, thậm chí ngay cả trong Đảng Công lý và phát triển (AKP) cầm quyền của ông Erdogan.

Theo một cuộc thăm dò mới nhất ở Thổ Nhĩ Kỳ, 76% số người được hỏi phản đối việc Thổ Nhĩ Kỳ đơn phương can thiệp vào cuộc xung đột tại Syria. Chỉ có 17% ủng hộ hành động quân sự đối với Syria.

Nhà phân tích chính trị nổi tiếng Emre Uslu, cho biết, chính sách của Thổ Nhĩ Kỳ về Syria được coi là thất bại hoàn toàn. Thổ Nhĩ Kỳ thiếu thông đáng tin cậy và thông tin tình báo chính xác về Syria, dẫn đến toán sai về sự sụp đổ của ông Assad, dự báo sai về thành lập nhà nước của người Kurd ở miền bắc Syria và kỳ vọng quá mức vào phe đối lập Syria.

Ông Uslu cho rằng, sai lầm trong việc phân tích thông tin tình báo và tính toán thiển cận đã gây bất lợi cho chính sách của Thổ Nhĩ Kỳ đối với Syria. Ông nói: “Để nhìn xa trông rộng, Ankara phải tránh rơi một cuộc chiến tranh”.

Cả Thủ tướng Erdogan và Ngoại trưởng Ahmet Davutoglu đều nói rằng, ông Assad sẽ sớm phải ra đi.

Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng tại Syria đã kéo dài suốt 19 tháng qua, khoảng 100 nghìn người Syria phải sang Thổ Nhĩ Kỳ lánh nạn.

Các cuộc tấn công của các tay súng thuộc Đảng Công nhân người Kurd (PKK) gia tăng kể từ khi quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Syria xấu đi. PKK, bị Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ liệt PKK vào danh sách tổ chức khủng bố, đã thành lập Nhà nước Kurdish ở miền bắc Syria.

Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc chính phủ Syria cho phép PKK hoạt động bên trong lãnh thổ Syria và ủng hộ các tay súng người Kurdish nhằm phá hoại Thổ Nhĩ Kỳ.

Amanda Paul, nhà phân tích từ Trung tâm chính sách châu Âu, cho biết: “Cuộc khủng hoảng Syria đã thổi bùng hy vọng giữa người Kurd, bị chia rẽ giữa Thổ Nhĩ Kỳ, Iraq, Syria và Iran rằng một cái gì đó tích cực, như quốc gia riêng của họ hoặc ít nhất là họ có quyền tự trị nhiều hơn…”.

Theo ước tính của Bộ trưởng Lao động và an ninh xã hội Faruk Celik, PKK luôn là một mối đe dọa đối với an ninh quốc gia của Thổ Nhĩ Kỳ. Một số dân thường Thổ Nhĩ Kỳ thiệt mạng trong các cuộc tấn công của PKK. Kể từ năm 1984 đến nay, Thổ Nhĩ Kỳ đã chi 400 tỷ USD cho cuộc chiến chống “những kẻ khủng bố PKK”.

Theo ông Uslu, chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã đánh giá quá mức về sức mạnh của Quân đội Syria tự do (FSA) và không thấy được các nhóm đối lập Syria không thể đoàn kết do có cùng phân tích chiến lược yếu kém.

Ý kiến của ông Uslu được ông Erdemir chia sẻ từ một góc độ khác. Theo ông Erdemir: “Một vấn đề khác là chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ chỉ hỗ trợ được một phân khúc hẹp cho phe đối lập, trong khi bỏ qua các cộng đồng khác như Thiên Chúa giáo, người Do Thái và các nhóm thế tục trong xã hội Syria”. Ông Erdemir, cho biết: “Chính sách này sẽ khiến cho bè phái chia rẽ sâu sắc hơn bên trong Syria”.

Nhiều nhà phân tích cũng nghi ngờ khả năng của phe đối lập có thể thiết lập được một đất nước Syria thống nhất, ổn định sau khi ông Assad ra đi.

Trong khi đó, Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen hôm qua đã yêu cầu cộng đồng quốc tế, đặc biệt là Hội đồng Bảo an LHQ, gây sức ép mạnh mẽ hơn đối với chính phủ Syria để đạt được một giải pháp chính trị.

NATO đã bày tỏ sự ủng hộ Thổ Nhĩ Kỳ sau khi đạn pháo từ Syria giết hại năm dân thường của nước này. Là thành viên của NATO Thổ Nhĩ Kỳ có quyền yêu cầu trợ giúp quân sự để đáp trả một cuộc tấn công vào lãnh thổ của thành viên theo điều Năm của Hiệp ước NATO. Tuy nhiên, cho đến nay Thổ Nhĩ Kỳ chỉ đề nghị theo điều Bốn là tham vấn khi tính chất toàn vẹn lãnh thổ, độc lập chính trị và an ninh của một nước thành viên bị đe dọa.

ĐÌNH TUẤN
Theo Báo Nhân Dân

Luật Biển Việt Nam
Tinbiendong.com trân trọng giới thiệu toàn văn Luật Biển Việt Nam đã được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 21-06-2012 và Chủ tịch nước ký lệnh công bố ngày 02-07-2012. Luật Biển Việt Nam gồm 07 chương 55 điều, có  hiệu lực thi hành từ ngày 01-01-2013.
Mời hợp tác kinh doanh
Copyright ©  2012  Tin Bien Dong . All rights reserved.
Trang tin đang trong quá trình chạy thử nghiệm và  chờ xin phép Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép hoạt động.
Mạng thông tin điểm tin, sưu tầm, lưu trữ thông tin Biển Đông và thế giới
Điện thoại:04.3972 4800 - Fax:04.3972 4801 - Mobile: 0127 399 6475 // 098 300 6168 ( Mr. Mạnh Toàn ) -  Email Tin kinh te