NATO sẵn sàng bảo vệ Thổ Nhĩ Kỳ, một quan chức hàng đầu của liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương hôm qua (9/10) đã tuyên bố như vậy. Đây rõ ràng là một lời cảnh báo trực tiếp mà NATO muốn nhắn gửi đến Syria sau một tuần nước này có những cuộc “đọ” pháo và súng cối căng thẳng với Thổ Nhĩ Kỳ ở khu vực biên giới.
Trong khi tình hình khu vực đang “căng như dây đàn” thì Thổ Nhĩ Kỳ hôm qua tiếp tục điều thêm hàng chục máy bay chiến đấu đến để tăng viện cho một căn cứ không quân gần biên giới Syria.
Những diễn biến căng thẳng trên có nguy cơ biến cuộc đối đầu hiện nay ở khu vực biên giới giữa hai nước láng giềng Syria và Thổ Nhĩ Kỳ thành một cuộc khủng hoảng khu vực lan rộng hơn.
NATO sẽ tấn công Syria vì Thổ Nhĩ Kỳ?
Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen hôm qua đã lên tiếng bày tỏ sự ủng hộ đối với việc Thổ Nhĩ Kỳ tấn công trả đũa Syria trong thời gian gần đây. Ông này cũng khẳng định sẽ bảo vệ Thổ Nhĩ Kỳ nếu thấy cần thiết.
Trước một cuộc họp của Bộ trưởng Quốc phòng các nước NATO ở Brussels, Tổng thư ký NATO Fogh Rasmussen đã thể hiện sự ủng hộ đối với quyền được tự vệ của Thổ Nhĩ Kỳ. "Thổ Nhĩ Kỳ có quyền được bảo vệ mình theo luật quốc tế. Và họ có thể dựa vào sự đoàn kết của NATO. Chúng tôi có sẵn tất cả những kế hoạch cần thiết để bênh vực và bảo vệ Thổ Nhĩ Kỳ khi cần".
"Chúng tôi hy vọng, tất cả các bên liên quan (trong cuộc khủng hoảng Syria) thể hiện sự kiềm chế và tránh làm leo thang cuộc khủng hoảng”, ông Fogh Rasmussen nói thêm.
Theo giới quan chức NATO, các kế hoạch của họ đã được sắp xếp sẵn từ nhiều thập kỷ và chúng không phải được vạch ra để đối phó hay phản ứng với cuộc khủng hoảng ở Syria.
Những phát biểu trên của ông Rasmussen là sự ủng hộ mạnh mẽ nhất của liên minh quân sự NATO dành cho Ankara kể từ khi khu vực biên giới giữa nước này với Syria trở nên nóng rẫy vì các cuộc bắn pháo qua lại sau sự kiện 5 dân thường Thổ Nhĩ Kỳ thiệt mạng vì trúng phải đạn pháo từ phía Syria hồi tuần trước.
Mặc dù vậy, sự đoàn kết mà NATO thể hiện với Thổ Nhĩ Kỳ chỉ mang tính biểu tượng. Thổ Nhĩ Kỳ muốn có sự ủng hộ của liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương nhưng không tìm kiếm một sự can thiệp trực tiếp của tổ chức này. Ngoài ra, bản thân NATO cũng không mặn mà với việc dính líu vào một chiến dịch quân sự mới vào thời điểm mà mục tiêu chính của họ vẫn là cuộc chiến ở Afghanistan.
NATO muốn Liên Hợp Quốc gây sức ép mạnh hơn với Syria
Trong khi ám chỉ sẵn sàng hành động vì thành viên Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng thư ký NATO Rasmussen cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế, đặc biệt là Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, gây sức ép “mạnh mẽ hơn nữa” lên chính phủ Syria để có thể tìm ra một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng nghiêm trọng ở nước này.
"Chính Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc phải là lực lượng phát đi một thông điệp mạnh mẽ và thống nhất rằng: giới lãnh đạo Syria cần phải chấm dứt ngay bạo lực và tham gia tiến trình chính trị”, ông Rasmussen nhấn mạnh.
Tổng thư ký NATO đã bày tỏ sự lấy làm tiếc sâu sắc trước việc Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đến nay vẫn thất bại trong việc tìm kiếm “một nghị quyết mang tính ràng buộc về pháp lý nhằm gửi đi một thông điệp mạnh mẽ” cho đất nước Trung Đông.
"Tôi hoàn toàn tin rằng, thất bại đó đã gửi đi một thông điệp sai lầm, không thích hợp cho giới lãnh đạo Syria. Để thúc đẩy một giải pháp chính trị, cộng đồng quốc tế cần phải gây áp lực quyết liệt nhiều hơn nữa”, ông Rasmussen nói thêm.
Những phát biểu trên của ông Rasmussen đã cho thấy sự nóng ruột của phương Tây trước cuộc khủng hoảng ngày càng nghiêm trọng ở Syria. Nó cũng thể hiện sự bất mãn trước việc Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc chưa đưa ra được một hành động thống nhất nhằm đối phó với tình hình Syria.
Cuộc khủng hoảng ở đất nước Syria là nơi chứng kiến sự đối đầu gay gắt giữa hai phe cường quốc, một bên là phương Tây do Mỹ dẫn đầu và bên kia là hai nước Nga-Trung. Phương Tây muốn lật đổ chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad nhưng Nga và Trung Quốc coi đó là điều “không thể chấp nhận”. Moscow và Bắc Kinh đã 3 lần dùng quyền phủ quyết bác bỏ các nghị quyết nhằm vào Syria của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc do các nước phương Tây trình lên. Cả Trung Quốc và Nga đều cáo buộc, phương Tây đang đứng về phe nổi dậy trong cuộc khủng hoảng ở Syria và điều này chỉ khiến tình hình thêm trầm trọng.
Moscow và Bắc Kinh đã nhiều lần khẳng định, hòa bình chỉ có thể đạt được thông qua các phương tiện hòa bình. Bạo lực đáp trả bằng bạo lực chỉ khiến có thêm nhiều người chết và gây ra những mối thù hận khó hóa giải. Nga, Trung đã đưa ra dẫn chứng về tình hình Libya để chứng minh cho quyết tâm ngăn chặn một chiến dịch can thiệp quân sự vào Syria. Theo hai nước này, hơn một năm trôi qua kể từ khi NATO dội bom vào Libya để lật đổ chính phủ trước đó, tình hình ở đất nước Bắc Phi này vẫn rơi vào hỗn loạn.
Quan điểm giải quyết cuộc khủng hoảng ở Syria bằng các biện pháp hòa bình được đa số các quốc gia ủng hộ, trong đó có Việt Nam.
Trong khi các cường quốc bế tắc trong việc tìm kiếm một giải pháp chính trị hòa bình cho Syria thì cuộc khủng hoảng ở nước này diễn biến mỗi ngày một bạo lực và đẫm máu. Nó đã biến thành một cuộc nội chiến toàn diện với số người thiệt mạng được ước tính lên tới xấp xỉ 20.000 người.
Theo VNmedia