TIN BIỂN ĐÔNG

HOÀNG SA - TRƯỜNG SA - VIỆT NAM

Mời hợp tác kinh doanh

Đại hội 18 ĐCS Trung Quốc trước cuộc cách mạng tiềm ẩn

Trung Quốc đang diễn ra một cuộc vận động chính trị, trong cuộc chạy đua cải cách và cách mạng tiềm ẩn.

Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 18 được xác định vào ngày 8/11/2012. Theo các nguồn tin không chính thức, nhân sự cấp cao nhất của Thường vụ Bộ Chính trị dường như đã được các phái thống nhất. Danh sách 25 Ủy viên Bộ Chính trị Ban chấp hành trung ương cũng cơ bản hoàn thành. Tuy nhiên, với việc Bộ Chính trị mỗi tuần họp một lần cho đến ngày Đại hội, tháng 10 vẫn là khoảng thời gian chuẩn bị cuối cùng, then chốt nhất của Đại hội 18.

Hiện nay có rất nhiều suy đoán song cuộc chiến nhân sự vẫn chưa dừng lại và cuộc đấu tranh về nội dung báo cáo chính trị vẫn đang tiếp tục. Với những người biết rõ về lịch sử 91 năm của ĐCS Trung Quốc đều thấy rằng việc trước mỗi kỳ đại hội đảng toàn quốc mà không xuất hiện sự “xoay chuyển” mới là điều rất hiếm gặp. Khác biệt duy nhất là sự “xoay chuyển” đó lớn hay bé, thời gian diễn ra sớm hay muộn và tốc độ nhanh hay chậm.


ĐCS Trung Quốc tiến tới Đại hội 18 với những quyết sách có tính bước ngoặt về cải cách chính trị

“Cải cách và cách mạng đang chạy đua với nhau”

Những tranh cãi lớn đã xuất hiện trong quá trình khởi thảo báo cáo chính trị trình Đại hội 18, nhất là về vấn đề chống “tả khuynh” và thúc đẩy cải cách chính trị và kinh tế như thế nào.

Cải cách ở Trung Quốc trong 30 năm qua đã diễn ra hai thời kỳ: Thời kỳ đầu là Hội nghị toàn thể trung ương 3 khóa 11 năm 1978. Thời kỳ hai là bài nói chuyện của Đặng Tiểu Bình trong chuyến đi thị sát phía Nam năm 1992 và Đại hội Đảng lần thứ 14 xác định mục tiêu “xây dựng nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa”. Hiện nay, theo ý kiến của một bộ phận lớn trong tầng lớp tinh hoa của ĐCS Trung Quốc, đất nước này đang ở vào “giai đoạn then chốt” và là “giai đoạn của trận đánh quyết định” trong cải cách. Đợt cải cách bắt đầu từ năm 1992 luôn là cải cách kinh tế đi đầu, nhưng do cải cách chính trị không theo kịp khiến cho tình trạng “một chân” cải cách kinh tế đi trước luôn bị cải cách chính trị níu kéo, chỉ có thể “nhích đi hạn chế” trong một không gian nhỏ hẹp nên cuối cùng không tạo ra được cục diện hoàn toàn mới. Đại hội lần này liệu có đạt được nhận thức chung mới, nghĩa là báo cáo chính trị trình Đại hội 18 không chỉ viết vào khẩu hiệu cải cách thể chế chính trị, mà còn phải viết vào cả nội dung cải cách thể chế chính trị như thế nào.

Tạp chí Viêm Hoàng xuân thu thuộc Hội nghiên cứu văn hóa Viêm Hoàng Trung Hoa đăng bài viết của Phó giám đốc Học viện khoa học công nghệ phòng vệ Trung Quốc, cho rằng thể chế chính trị lạc hậu đang trở thành nút thắt trong quá trình chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế của Trung Quốc. Trung Quốc là quốc gia theo thể chế tập quyền nên phương thức cải cách thể chế chính trị chủ yếu là cải cách từ trên xuống dưới, như vậy giá phải trả sẽ thấp nhất. Chỉ dựa vào bên dưới hoặc cá biệt địa phương nào để cải cách từ dưới lên trên là rất khó, trừ phi trung ương giao quyền hoặc ủng hộ rõ rệt. Nhưng có quy luật là nước chở thuyền nhưng cũng làm lật thuyền. Nếu đợi ý dân bất bình tới mức buộc phải cải cách, sẽ là cuộc biến động xã hội do công bằng bị mất đi, mệnh lệnh của chính phủ không có giá trị. Cải cách chính trị lúc đó sẽ là một hình thức phản ứng kích thích từ dưới lên trên, không thể kiểm soát được. Xem xét tiến trình khách quan của lịch sử thì hiện nay “cải cách” và “cách mạng” đang chạy đua với nhau, đòi hỏi đảng cầm quyền phải nắm bắt được mâu thuẫn, tích cực lãnh đạo cải cách thể chế chính trị.

Các tập đoàn lợi ích cản trở cải cách

Vì sao tiến trình chuyển đổi mô hình kinh tế ì ạch mãi mà không thực hiện được? Người được lợi lớn nhất là ai? Câu trả lời đó là tập đoàn lợi ích đặc biệt mà kết cục lợi ích về cơ bản đã được củng cố vững chắc, họ gây trở ngại cho cải cách vì không muốn mất đi lợi ích đã có. Tập đoàn lợi ích đặc biệt xuất hiện nhanh chỉ trong vòng hơn 30 năm qua, là do hậu quả cải cách thị trường hóa, nhưng chưa đồng thời phối hợp cải cách chính trị một cách đồng bộ. Việc lạm dụng quyền lực, thiếu minh bạch, thiếu sự giám sát của quần chúng và xã hội, những vấn đề ấy muốn giải quyết được phải bắt đầu từ cải cách chính trị.


"Cánh tả mới" đã dùng các cuộc biểu tình chống Nhật trong vấn đề Điếu Ngư để nêu lại những tư tưởng Mao Trạch Đông về các vấn đề công bằng xã hội và đảng phong

Cộng thêm nữa là “đảng phong” (đạo đức đảng viên) ngày càng đi xuống và vấn đề tham nhũng biến chất, vấn đề này đã trở thành nhận thức chung trong cả nước. Đảng viên thì nhiều (80 triệu) nhưng cộng sản thì ít. Về con số “thu nhập đen”, theo tiết lộ của cơ quan nghiên cứu hữu quan Trung Quốc, bộ phận này ước chiếm 15% tổng lượng GDP. Lấy ví dụ của năm 2010, có một lượng của cải trị giá khoảng 6.000 tỉ nhân dân tệ đã bị một số ít người thuộc tập đoàn lợi ích đặc biệt lấy mất.

Những người ủng hộ hay cùng quan điểm của Bạc Hi Lai đang sử dụng những cuộc biểu tình được phép xung quanh vấn đề quần đảo Điếu Ngư để bày tỏ sự bất mãn với các chính sách hiện hành đang mở rộng khoảng cách giàu nghèo và gây bất ổn định xã hội.  Phong trào này được biết đến dưới tên “cánh tả mới” vẫn còn tương đối thiểu số. Nhưng các chỉ trích trên các mạng xã hội đang đặt các nhà lãnh đạo trước một tình thế nan giải khi cuộc thảo luận về đường hướng của đảng và mô hình kinh tế của Trung Quốc đang từ các trường đại học và các cuộc thảo luận nội bộ được tuồn ra công khai.

Ngày 29/9, một ngày sau khi Bạc Hy Lai bị khai trừ ra khỏi đảng, tờ Quang minh Nhật báo đăng bình luận trên trang mạng, nói rằng việc khai trừ Bạc sẽ bảo đảm cho đất nước không bao giờ lặp lại cuộc Cách mạng văn hóa (1966-1976). Cũng vì lý do này, đề cương tuyên truyền cho Đại hội 18 chỉ nhắc đến tư tưởng Đặng Tiểu Bình và “Ba đại diện” của Giang Trạch Dân, mà không hề nhắc đến một dòng nào về tư tưởng Mao Trạch Đông. Bên cạnh đó, một số người sử dụng trang mạng xã hội Sina Weibo cho rằng các cáo buộc nhằm vào ông Bạc Hy Lai cho thấy rõ sự thất bại trường kỳ của ĐCS Trung Quốc trong cuộc chiến chống tham nhũng.

Có thể tránh những rủi ro mất kiểm soát trên phạm vi toàn quốc xuất phát từ sự lợi dụng tranh chấp Trung-Nhật tại quần đảo Điếu Ngư/Senkaku của thế lực ủng hộ tư tưởng Mao Trạch Đông và thế lực cực tả trong ĐCS Trung Quốc. Tuy nhiên, giới phân tích chính trị tại Trung Quốc cho rằng vấn đề cải cách chính trị là cấp bách. Một viện sĩ, học giả nghiên cứu kinh tế Trung Quốc, cho rằng nếu Trung Quốc không thu được thành quả thật lớn về chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế, nếu thời kỳ “Quy hoạch 5 năm lần thứ 12” mà lương không được “tăng gấp bội”, thì khoảng năm 2017 sẽ gặp phải xáo động lớn trong lĩnh vực kinh tế.

Tờ Thời báo Tài chính (Anh) dẫn lời bà Lâm Triết, giáo sư của Trường Đảng Trung ương ở Bắc Kinh, nhận định: “Chúng tôi chắc chắn sẽ có cuộc bầu cử thực sự cạnh tranh cho những vị trí lãnh đạo cao nhất, trong đó có cả tổng bí thư đảng… Dân chủ là một xu hướng toàn cầu mà không ai có thể ngăn cản được”. Một số người cho rằng cái ngày như thế sẽ đến nhanh hơn là ĐCS Trung Quốc nghĩ. Một nhân vật bảo thủ trong đảng nói: “Trung Quốc sẽ có những thay đổi lớn… Sẽ có cuộc tổng tuyển cử vào năm 2020”./.

Lưu Việt
Theo Tổ Quốc

Luật Biển Việt Nam
Tinbiendong.com trân trọng giới thiệu toàn văn Luật Biển Việt Nam đã được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 21-06-2012 và Chủ tịch nước ký lệnh công bố ngày 02-07-2012. Luật Biển Việt Nam gồm 07 chương 55 điều, có  hiệu lực thi hành từ ngày 01-01-2013.
Mời hợp tác kinh doanh
Copyright ©  2012  Tin Bien Dong . All rights reserved.
Trang tin đang trong quá trình chạy thử nghiệm và  chờ xin phép Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép hoạt động.
Mạng thông tin điểm tin, sưu tầm, lưu trữ thông tin Biển Đông và thế giới
Điện thoại:04.3972 4800 - Fax:04.3972 4801 - Mobile: 0127 399 6475 // 098 300 6168 ( Mr. Mạnh Toàn ) -  Email Tin kinh te