TIN BIỂN ĐÔNG

HOÀNG SA - TRƯỜNG SA - VIỆT NAM

Mời hợp tác kinh doanh

Nhật ký của mỹ nhân “hủy hoại sự nghiệp” của cựu Thủ tướng John Major

Cựu Bộ trưởng Y tế Edwina Currie từng được coi là người phụ nữ nổi bật nhất trong nền chính trị Anh cuối những năm 80 thế kỷ trước - chỉ xếp sau “Bà đầm thép” Margaret Thatcher. Không chỉ bằng sự nghiệp chính trị, Edwina từng gây ra một cơn lốc trên chính trường nước Anh khi 10 năm trước bà tung ra những trang nhật ký đầu tiên tiết lộ về mối quan hệ tình ái bí mật giữa bà với cựu Thủ tướng John Major. Và bây giờ, bà ấy trở lại.

 

 Những trích đoạn vừa được đăng trong tờ Daily Mail ngày 8/9/2012 đang khuấy động lại vụ bê bối đình đám của ngài cựu Thủ tướng và hé lộ khá nhiều những câu chuyện hậu trường mà đảng Bảo thủ không hề muốn “vạch áo cho dân chúng xem lưng”. Đây là phần 2 của Nhật ký Edwina Currie (Edwina Currie Diaries: Volume 2 - phát hành vào ngày 18/9/2012) gồm những trang nhật ký giai đoạn từ 1992-1997 của người đàn bà được coi là “phá hỏng sự nghiệp của John Major”.

Và dù dư luận ủng hộ hay không ưa Edwina, dù họ ngợi ca bà như một người quả cảm đã dám nói lên sự thật hay miệt thị bà là một người vô liêm sỉ, thì những gì bà viết đã cung cấp một cái nhìn đặc biệt sâu sắc về chính trị và quả là luôn nằm trong số “đáng phải đọc”…

Chuyện "bà nghị" "ông nghị" vụng trộm

Báo giới châu Âu đã từng nhận định: Mỹ có lẽ chiếm hạng ưu về nhiều mặt so với Anh quốc, nhưng dứt khoát những bê bối tình ái của chính khách thì xứ sương mù luôn vượt mặt người Mỹ.

Quả đúng là vậy.

Câu chuyện tình bí mật của ngài cựu Thủ tướng Anh John Major bị bung ra khi tờ The Times ngày 30/9/2002 công bố nhật ký của bà Edwina Currie, cựu Bộ trưởng Bộ Y tế của đảng Bảo thủ trong nội các của ông. Những trang nhật ký này kể rằng, hai người đã lén lút với nhau từ năm 1984. Hai năm sau, Edwina trở thành Bộ trưởng Y tế, còn Major là Bộ trưởng Tài chính. Và cuộc tình này kết thúc ngay sau khi Major được bổ nhiệm vào nội các đầu năm 1988.

Đó là thời điểm sau 11 năm dân chúng Anh "chịu đựng “Bà đầm thép” M.Thatcher bằng cuộc chiến Falkland, các cuộc đình công bãi thị, cuộc nổi dậy trong nội bộ chính đảng, lúc này họ đồng thuận thay đổi "thực đơn chính trị" với một mức độ ít ồn ào hơn tuy hơi nhàm chán do John Major điều hành.

Báo giới vẫn hài hước gọi tân Thủ tướng là "Mr. Gray", bởi thứ gì (ở bên ngoài) của ông cũng màu xám. Nào tóc xám (muối tiêu), bộ âu phục nào cũng xám và chiếc xe cũng… màu xám luôn. Hài hước nhất là John chẳng trình diện được khía cạnh nào sặc sỡ cho dân chúng Anh hay cho… phu nhân của ông. Song, cả quãng thời gian khá dài trước khi lên làm thủ tướng, John Major cũng đã có một cuộc sống tình cảm đầy màu sắc (dĩ nhiên được che đậy bằng những tấm màn màu xám) khi ông đã phải lòng nàng Bộ trưởng Y tế cùng đảng. Đó chính là Edwina Currie, một chính khách nổi danh trong Nghị viện Anh hiện đã có gia đình.

Tập hồi ký năm 2002 của Edwina Currie công bố những trang nhật ký là bằng chứng đầu tiên của cuộc tình. Cuối tháng 11/1984, John Major lần đầu tán tỉnh Edwina Currie. Cô thất vọng và John bèn gửi một tin nhắn nói rằng ông sẽ không bao giờ làm tổn thương cô ấy nữa. Nhưng chỉ ít lâu sau, John đến gặp Edwina trong văn phòng của cô. Họ ôm nhau, đi về phía căn hộ của cô. Và câu chuyện tình bắt đầu.

Trong rất nhiều tình tiết hiện lên trong nhật ký, người ta cũng bất ngờ về những gì Currie kể. Chẳng hạn "ám hiệu" mà hai người vẫn trao đổi ở Quốc hội: "Chúng ta có thể nói chuyện sau vụ bỏ phiếu biểu quyết chiều nay chứ?" - nghĩa là: "Nhớ chuồn đến nhà của em nhé và chúng mình sẽ “bum bum” một trận, nghe cưng". Hay việc Currie miêu tả - sống động đến… phát thèm - về những lần hai người "quần thảo" trong bồn tắm. Currie mô tả trìu mến về những chiếc quần đùi rộng màu xám của ông John Major và quả quyết còn chắc hơn đinh đóng cột: "Ông ấy xuất sắc ở trên giường gấp vạn lần làm thủ tướng!".

Edwina trở lại

Dù thích hay không thích, bạn cũng không thể phủ nhận được rằng sách của Edwina Currie luôn nằm trong danh mục những cuốn sách người nổi tiếng mà bạn không thể bỏ qua. Cuốn nhật ký của Edwina, sau lần xuất bản phần đầu đã làm bùng nổ và hé lộ về cuộc tình của bà với cựu Thủ tướng John Major. Phần thứ 2, bắt đầu từ năm 1992 khi Edwina từ chối làm trong Nội các của Major cũng không kém phần giật gân, với những câu chuyện về các đồng nghiệp, hậu trường các cuộc chạm trán của các yếu nhân trong mắt xã hội, và tất nhiên cả câu chuyện tình có một không hai của bà với ngài cựu Thủ tướng.

Đoạn hồi ký sống động về những ngày hè 1992 cho thấy người tình 45 tuổi của ngài thủ tướng khi ấy đầy bất mãn. Cảm giác Edwina thấy mình bị bỏ rơi: "Vâng, chúng tôi đã chiến thắng cuộc bầu cử và tôi đã được mời làm một công việc, nhưng tôi đã từ chối. Tôi chắc chắn không muốn dưới quyền của Bộ trưởng Nội vụ Ken Clarke. Ken sẽ làm tất cả các công việc thú vị và chẳng có việc gì hay ho được chừa lại cả… Tôi hỏi John Major nếu có bất cứ việc gì khác đang trống nhưng câu trả lời là không có, bởi vì các vị trí (trong Bộ) đã được trao cho hầu hết những người khác trước đó rồi. Và giờ là một lời nói dối hết sức".

Hay chuyện John Major “đỏ mặt”  ra sao vào ngày 24/9/1994, khi ông đã đọc tiêu đề cuốn sách của  Edwina sắp phát hành. "Thủ tướng gặp tôi ở hành lang và tôi nói với ông rằng, tôi có một hợp đồng cho cuốn sách thứ 4, một cuốn tiểu thuyết. Khi tôi nói với cái tên "Chuyện tình ở quốc hội", John đỏ mặt một cách giận dữ! Tôi nói nhân vật chính là một “thủ tướng chính phủ tương đối trẻ, còn “non” bị người khác quyến rũ. Thật tội nghiệp! Đã quá đủ những gì làm ông ấy lo lắng… Tôi làm cho ông ấy cười, nhăn nhó và đỏ mặt, và John gọi tôi là “không thể sửa đổi được!”…

Quả thật, hậu trường của chính giới Anh với cái nhìn từ bên trong đầy sắc sảo qua hàng loạt các chính khách, nhân vật nổi tiếng,… Từ những cuộc nói chuyện tại hành lang Quốc hội, từ những cảm xúc trước mỗi sự kiện liên quan đến scandal  của David Mellor hay chi tiết về cái đêm “Bà đầm thép” từ nhiệm… tất cả đều sống động và sâu sắc.

Cuốn sách gói gọn cuộc đời Edwina trong Quốc hội cho tới cuộc tuyển cử của Công đảng của Blair, nhưng quan trọng hơn, nội dung xuất hiện trong cuốn sách là điểm tựa cho trí tưởng tượng của dân chúng. Đầu tiên Edwina trở thành nhà văn "best-selling", sau đó trở thành nhà phê bình, phát thanh viên, người dẫn chương trình và gần đây nhất là trở thành diễn viên trong chương trình giải trí Strictly Come Dancing của đài BBC. Bằng sự sôi nổi của mình, Edwina thực sự nổi bật ở khiếu hài hước của bà.

 

Bìa cuốn Nhật ký của Edwina Currie Volume 2 (giai đoạn từ 1992-1997) phát hành vào 18/9/2012.

Volume 2 của cuốn nhật ký đã phác họa một trong những nhân vật đình đám nhất trong chính giới Anh bằng một giọng gay gắt và ngông nghênh. Chân thật và thú vị, bạn sẽ không thể rời mắt khỏi nó và cũng không thể đánh giá thấp Edwina. Chỉ rất ít phụ nữ có thể làm được điều đó, nhưng chắc chắn rằng trong số đó có Edwina.

Vô liêm sỉ hay can đảm?

Edwina Currie nói rằng, người Anh căm ghét đạo đức giả nhiều hơn là tình dục bất hợp pháp. "Khi một chính khách Anh đứng lên hô hào quay lại với các giá trị gia đình và nguyên tắc đạo đức cơ bản thì xã hội sẽ ủng hộ theo. Song, họ cũng nói: "Bạn hãy công khai những gì đã làm tối chủ nhật vừa rồi".

Edwina khẳng định rằng, tình yêu và những "cuộc sống 2 mặt" là điều hoàn toàn không xa lạ với các chính khách. Có những nghị sĩ lạnh lùng và toàn tâm toàn ý vào công việc, và những người may mắn này có hôn nhân hạnh phúc, họ cảm thấy không cần bất cứ điều gì khác. Tuy nhiên, bà nói thêm rằng, có một phần lớn những quan chức cấp cao khác ở lẫn trong số những con người hạnh phúc kia. Đó là những người đầy tham vọng, đam mê, muốn có một mối quan hệ riêng tư với một người nào đó thấu hiểu mình, chẳng hạn như một đồng nghiệp... Trong trường hợp của những người đàn ông có vị trí cao, thành đạt thì tất nhiên, ứng viên lý tưởng có thể là một thư ký, nhân viên thư viện hay nhà nghiên cứu... Vì vậy, đối với những người đàn ông họ hoàn toàn có thể có nhiều phụ nữ kín đáo xung quanh.

Đặc biệt là hầu hết những người phụ nữ bí mật này yêu người đàn ông của họ, hỗ trợ họ những lúc khó khăn. Hơn hết thảy là họ chịu đựng việc ở vị trí là một người tình và nhìn thấy người đàn ông của họ về nhà với vợ mình mỗi ngày. John Major và Edwina Currie, từ chỗ bạn bè và cũng chung một cảm giác "là người ngoài cuộc" đã trở thành người tình như thế. Edwina tiết lộ: "Trong những năm đó, mối quan hệ của chúng tôi là động lực hỗ trợ lẫn nhau và cũng là tình cảm, ngay cả bây giờ, khi tôi nhìn lại tôi vẫn thấy sự ấm áp".

Vào lúc Edwina xuất bản cuốn nhật ký, bà đã rời khỏi chính trường. Còn Major, người xây dựng chiến dịch tranh cử của mình trên nền tảng các giá trị gia đình, là người lãnh hậu quả.

Nhiều người tin rằng, ở đây có dấu hiệu của sự trả thù mạnh mẽ. Edwina khẳng định, tình cảm của bà đối với Major không hề thay đổi cả khi hai người đã chia tay, nhưng cảm xúc của Edwina về người tình Major đã thay đổi đáng kể sau khi ông trở thành Thủ tướng vào năm 1990 và không thể đưa bà vào chính phủ.

Và Edwina hoàn toàn ngạc nhiên khi nhận ra rằng mình như đã bị lãng quên và tỏ ý rất không hài lòng vì việc Major không nhắc đến bà trong cuốn sách của ông ta. Bà tuyên bố: "Tôi không muốn gây bất kỳ thiệt hại và tôi không muốn làm tổn thương bất kỳ ai" trước khi nhấn mạnh: "Điều đau lòng nhất là nhìn vào cuốn tự truyện của John, tên tôi thậm chí còn không có trong chỉ mục".

Và trong khi cả nước Anh còn đang bàn tán xôn xao về "người đàn ông cao lớn mặc chiếc quần đùi xanh" - đúng như mô tả trong cuốn nhật ký của Currie - thì ông Major đã phải thú nhận mình rất xấu hổ và gọi đó là "thời kỳ hổ thẹn" trong cuộc đời. Trong khi đó, hồi ký của Currie lại viết mối tình đó ăm ắp kỷ niệm, những âu yếm của thủ tướng ngay cả khi bà đến nghỉ trong ngôi nhà của vợ chồng ông. Rằng tình yêu vụng trộm đã biến đổi ông Major thế nào và tuyệt nhiên chẳng hề thấy ông hổ thẹn hồi đó. 

Song, tâm trạng xấu hổ này không có gì là khó hiểu nếu như liên tưởng với những lời tuyên bố thường xuyên trước đây của Major, kêu gọi quay trở lại với những giá trị đạo đức của đảng Bảo thủ. Bà Currie đã nhạo báng người tình cũ đã đạo đức giả khi một loạt bộ trưởng trong nội các của ông bị dính dáng tới các vụ bê bối tình dục. Như thế có phải là một trò bịp hay không?

Trước khi bạn bắt đầu một chiến dịch về đạo đức, khi cần trình bày quy định cho hàng trăm bộ trưởng hay hơn thế nữa, bạn cần trung thực với chính mình. Và cuốn nhật ký được Currie tung ra với nhiều mô tả cụ thể về quan hệ tình dục của thủ tướng, bởi lý do "nếu không đưa ra, vụ việc sẽ tạo ra một hình ảnh thiếu trung thực không thể chấp nhận".

 

Sự nghiệp

Từ năm 1975-1986, Edwina là Ủy viên Hội đồng Birmingham City

- Năm 1983, có chân trong Quốc hội như là một ứng cử viên của đảng Bảo thủ.  Là một chính trị gia khả ái, luôn nổi bật như là "một nhân vật hầu như thường trực trên truyền hình quốc gia với những phát biểu gây sốc về mọi vấn đề".

 - Là Bộ trưởng Bộ Y tế trong 2 năm, trước khi từ chức vào tháng 12/1988 sau khi ban hành một cảnh báo về khuẩn salmonella trong trứng ở Anh gây nên sự phẫn nộ trong nông dân và sự tranh cãi lớn trong nền kinh tế xã hội.

- Sau cuộc tổng tuyển cử 1992, Edwina đã từ chối đề nghị từ Thủ tướng John Major để có một vị trí trong Bộ Nội vụ. Bà rời chính trường năm 1997.

- Currie là tác giả của 6 quyển tiểu thuyết: nổi tiếng là Chuyện tình Quốc hội (1994), Vị trí của phụ nữ (1996), Cô ấy rời khỏi nhà (1997), Đại sứ (1999),… Bà cũng đã viết 4 tác phẩm phi hư cấu: Dòng đời (1989), Điều mà phụ nữ muốn (1990), Ba dòng châm biếm (1992) và Nhật ký 1987-1992 (2002) - 1992-1997 (2012).

Cuộc sống cá nhân

Năm 1972, Edwina Cohen kết hôn với kế toán Ray Currie, có hai con và ly dị vào năm 1997. Trong cuộc hôn nhân này, Edwina Currie đã có mối quan hệ "ngoài luồng" kéo dài 4 năm (1984 và 1988) với John Major, người sau đó trở thành Thủ tướng Anh.

Ngày 24/5/2001, ở Southwark, Edwina kết hôn với thám tử nghỉ hưu John Jones, người mà bà đã quen trong khi ông còn là một khách mời trên chương trình phát thanh của bà năm 1999.  Edwina Currie hiện kiếm sống như là một tác giả và liên tục xuất hiện trên các phương tiện truyền thông. Bà là hình ảnh hot trên truyền hình, thường xuyên xuất hiện cùng các nhân vật nổi tiếng khác và giành được một số giải thưởng, danh hiệu danh giá...

 

  Nguyên Linh (tổng hợp) // Theo Công An

Luật Biển Việt Nam
Tinbiendong.com trân trọng giới thiệu toàn văn Luật Biển Việt Nam đã được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 21-06-2012 và Chủ tịch nước ký lệnh công bố ngày 02-07-2012. Luật Biển Việt Nam gồm 07 chương 55 điều, có  hiệu lực thi hành từ ngày 01-01-2013.
Mời hợp tác kinh doanh
Copyright ©  2012  Tin Bien Dong . All rights reserved.
Trang tin đang trong quá trình chạy thử nghiệm và  chờ xin phép Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép hoạt động.
Mạng thông tin điểm tin, sưu tầm, lưu trữ thông tin Biển Đông và thế giới
Điện thoại:04.3972 4800 - Fax:04.3972 4801 - Mobile: 0127 399 6475 // 098 300 6168 ( Mr. Mạnh Toàn ) -  Email Tin kinh te