Chiến trường của khu vực euro có vẻ đang lan từ sàn giao dịch ra đường phố, khi một làn sóng biểu tình bùng nổ ở Athens (Hy Lạp) và Madrid (Tây Ban Nha).
Tuần rồi, nửa triệu người Bồ Đào Nha tuần hành để buộc chính phủ nhượng bộ, không cắt giảm khoản tiền lương còn lại của công nhân.
Người Tây Ban Nha biểu tình trước những chính sách của chính phủ. Ảnh: Reuters |
Hôm thứ ba 25.9, cảnh sát Tây Ban Nha bắn đạn cao su vào đoàn biểu tình tấn công tòa nhà quốc hội, nơi những nhà làm luật đang bàn cãi biện pháp thắt chặt hơn nữa. Hôm thứ tư 26.9, cuộc tổng đình công ở Hy Lạp phản đối cắt giảm chi tiêu theo yêu cầu của những nhà cho vay nước ngoài. Bạo động nổ ra sau khi gần 70.000 người tuần hành đến quốc hội Hy Lạp, la lớn “EU, IMF cút!” Cảnh sát Hy Lạp phải bắn hơi cay vào những người biểu tình ném bom xăng.
Cho dù bạo động, các cuộc biểu tình hôm thứ tư ở Athens vẫn còn nhỏ theo qui mô của Hy Lạp, nhưng sự phẫn nộ bột phát nhấn mạnh những khó khăn trong xã hội Hy Lạp và mối nghi ngờ dai dẳng về khả năng cắt giảm ngân sách theo đòi hỏi của các nhà cho vay.
Yiorgos Harisis của nghiệp đoàn công chức ADEDY ở Hy Lạp cho biết trên nhật báo Kathimerini: “Hôm qua người Tây Ban Nha đổ ra đường, hôm nay là chúng tôi, ngày mai người Ý và ngày hôm sau nữa – tất cả người dân châu Âu.” Chính phủ Hy Lạp phải thực hiện kế hoạch cắt giảm chi tiêu 15 tỉ USD để Hy Lạp nhận được gói trợ giúp thứ hai. Nhưng Harisis cho rằng các biện pháp sẽ không được thông qua “ngay cả được quốc hội bỏ phiếu.”
Cũng trong tuần này, một loạt dữ liệu kinh tế ảm đạm làm tình hình châu Âu thêm tồi tệ. Pháp thông báo mức thất nghiệp cao nhất trong 13 năm, số người thất nghiệp vượt qua mức ba triệu. Lạm phát có thể tệ hơn trông đợi ở cả Tây Ban Nha và Hy Lạp. Chứng khoán khắp châu Âu hạ giá hôm thứ tư, chỉ số Madrid giảm khoảng 4%. Rối ren chính trị ở Tây Ban Nha châm ngòi một đợt bán tháo cổ phiếu châu Âu, do nhà đầu tư ngày càng lo ngại về nền kinh tế lớn thứ tư khu vực euro.
Bất đồng giữa những nhà cho vay quốc tế
Trong những tuần gần đây, căng thẳng tăng lên khi bộ ba EU, ECB (Ngân hàng Trung ương châu Âu) và IMF (Quỹ Tiền tệ Quốc tế) bất đồng về cách giải quyết khủng hoảng nợ Hy Lạp, đe dọa rắc rối hơn cho khối đồng tiền chung. Theo các viên chức châu Âu, IMF thúc châu Âu tái cấu trúc phần nợ vay của Athens.
Một sự tái cấu trúc – chủ yếu cần ECB và các chính phủ châu Âu chịu lỗ cho gần 200 tỉ euro nợ Hy Lạp mà họ nắm giữ - có thể giảm gánh nặng của Hy Lạp. Do đã phải đối mặt với phản ứng dữ dội của cử tri về các gói cứu giúp và ngân sách thắt chặt, lại không biết chắc phải làm gì để bảo vệ tài chính của những nước lớn như Tây Ban Nha và Ý, các nhà lãnh đạo EU không thích thú ý tưởng là phải thua lỗ hàng chục tỉ euro với số trái phiếu chính phủ Hy Lạp mà họ đang nắm giữ.
Trong số 204 tỉ euro nợ chính thức của Hy Lạp, 20 tỉ vay từ IMF và sẽ được hoàn trả trong trường hợp tái cấu trúc khu vực chính thức. ECB cho đến nay vẫn từ chối đối mặt với bất cứ thua lỗ nào cho những trái phiếu ước tính khoảng 50 tỉ euro mà họ đã mua trong những năm qua để vực dậy nền kinh tế Hy Lạp.
Hy Lạp đã yêu cầu có thêm 2 năm để đáp ứng các mục tiêu tạm thời và các nhà lãnh đạo châu Âu xem ra đồng ý. Hôm thứ ba 25.9, bộ trưởng tài chính Hy Lạp Stournaras cho biết, một sự gia hạn như thế sẽ tốn thêm 13-15 tỉ euro, khoản này có thể đã hoàn trả mà không khó khăn thêm cho người đóng thuế ở châu Âu, thông qua phát hành thêm nợ ngắn hạn, bằng cách tìm kiếm lãi suất thấp hơn từ nợ vay kích cầu hiện tại hay định giá lại khoản nợ vay của ECB với lãi suất mới.
Pháp ủng hộ gia hạn 2 năm, trong khi một viên chức EU nói rằng nước Đức không phản đối, miễn là Athens nhanh chóng cho thấy kết quả.
IMF có thể tham gia gói cứu giúp với điều kiện Hy Lạp giảm nợ còn dưới 120% GDP vào 2020. Tuy nhiên, những tranh cãi về sứ mạng cứu giúp cũng phản ánh lo ngại sâu sắc hơn về khả năng giảm tỉ lệ nợ/GDP của Hy Lạp so với mức hiện nay là khoảng 160% và khả năng lấy lại lòng tin của các nhà đầu tư tư nhân. Những kế hoạch bán tháo tài sản quốc giacủa Hy Lạp để tăng thu nhập bây giờ có vẻ ít có khả năng hơn khi các nhà đầu tư quốc tế không sẵn lòng đầu tư vào Hy Lạp vì tương lai của nước này trong khu vực euro vẫn còn là câu hỏi.
Khủng hoảng ly khai
Tây Ban Nha có vẻ đang hụt mất mục tiêu giảm thâm hụt công còn 6,3% GDP năm nay, và ngân hàng trung ương thông báo kinh tế tiếp tục thu hẹp mạnh trong quí 3. Hôm thứ năm 27.9, Tây Ban Nha trình bày một ngân sách cứng rắn cho năm 2013, nhằm gửi một thông điệp là Tây Ban Nha đang cắt giảm thâm hụt cho dù suy thoái và tỉ lệ thất nghiệp lên đến 25%.
Áp lực tài chính lên chính phủ Rajoy còn tăng lên bởi một cuộc khủng hoảng hiến pháp. Khu vực tự trị Catalonia bao gồm bốn tỉnh vừa kêu gọi bầu cử đột xuất vào ngày 25.11 để tách khỏi Tây Ban Nha. Khủng hoảng kinh tế đã thúc đẩy cơn sốt ly khai. Vào đầu tháng 9, hàng trăm ngàn người tuần hành khắp Barcelona, thủ phủ khu tự trị Catalonia, để đòi độc lập cho khu vực đông bắc giàu có này.
Ngập trong nợ nần, Catalonia yêu cầu chính phủ trung ương trợ cấp 6,4 tỉ USD. Nhiều người dân Catalonia phàn nàn là khó khăn kinh tế của khu vực là do tiền thuế chỉ dành cho những khu vực nghèo hơn trong nước.
Scotland dự định tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân để ra khỏi Vương quốc Anh vào năm 2014. Ngoài ra, cuộc bầu cử địa phương ở Bỉ vào tháng sau dự kiến sẽ lại thúc đẩy các nhà hoạt động dân tộc đang là đảng lớn nhất ở vùng Flanders.
Võ Phương (REUTERS, GLOBAL POST, FINANCIAL TIMES)
Theo SGTT