Tuyên bố tự tin này được ông Morsi đưa ra trong cuộc trả lời phỏng vấn đầu tiên với báo chí quốc tế trên cương vị Tổng thống Ai Cập hôm 22/9. Cuộc trò chuyện ngắn đã khái quát khá đầy đủ quan điểm đối ngoại của vị Tổng thống Hồi giáo đầu tiên của Ai Cập về nhiều vấn đề, trong đó nổi cộm nhất vẫn là quan hệ Ai Cập với Mỹ và chính sách của Mỹ ở Trung Đông.
Trước khi lên đường sang New York dự Hội nghị thường niên Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc (LHQ) khóa 67 (phiên họp toàn thể ngày 24 và 25/9), ông Morsi đã có dịp "tự giới thiệu" mình trước khi đặt chân đến New York dự khóa họp Đại hội đồng LHQ và sau đó thăm chính thức nước Mỹ. Trong cuộc trả lời phỏng vấn 90 phút với báo New York Times, Morsi đã nêu quan điểm của mình về điều kiện cần thiết để tái lập quan hệ đối tác giữa Ai Cập và Mỹ "như trước đây".
Morsi khẳng định: Ai Cập sau thời Mubarak đã có tư thế khác, vì thế Mỹ là nước có trách nhiệm phục hồi lại quan hệ với Ai Cập, và xa hơn là "sửa chữa" quan hệ với cộng đồng Arập. Ông nhấn mạnh: Nước Mỹ phải tôn trọng lịch sử và văn hóa của thế giới Arập, cho dù văn hóa đó "xung khắc" với các giá trị của phương Tây; người Ai Cập, và Arập nói chung, phải có quyền tự do, bình đẳng trong mối quan hệ hài hòa với Mỹ, trong sự sống chung trong hòa bình.
Quan hệ giữa Ai Cập với Mỹ đã bắt đầu "khác" đi kể từ sau cuộc "cách mạng hoa nhài" lật đổ Tổng thống Hosni Mubarak - một đồng minh thân thiết của Mỹ. Mặc dù Mỹ đã nhanh chóng công nhận chế độ Ai Cập mới sau thời Mubarak, nhưng chính người Mỹ đã không thể bắt kịp với những diễn biến phức tạp bên trong nền chính trị Ai Cập. Cho đến khi ông Morsi lên làm Tổng thống, người Mỹ vẫn còn tin rằng các tướng lĩnh quân đội nắm quyền kiểm soát đất nước Ai Cập, thế nên Washington đã bất ngờ khi Tổng thống Morsi quyết định sa thải các tướng lĩnh lãnh đạo cấp cao nhất của Hội đồng Quân lực tối cao (SCAF) để thâu tóm quyền lực về Dinh Tổng thống.
Sự trỗi dậy của phong trào Hồi giáo Muslim Brotherhood đã đặt người Mỹ vào thế khó trong việc điều chỉnh chính sách mới với Ai Cập và khu vực Trung Đông. Sự đổi khác ở Ai Cập thời Muslim Brotherhood chính là Cairo muốn một tư thế "cân bằng" hơn trong các mối quan hệ giữa Cairo với Mỹ, Israel, và giữa Cairo với các quốc gia trong khu vực Trung Đông mà Mỹ và Israel xem là "thù địch" (như Iran, Syria). Mặc dù ông Morsi khẳng định Ai Cập và Mỹ vẫn là "bạn bè tốt", nhưng bỏ ngỏ khái niệm "đồng minh", cho rằng "tùy thuộc vào cách định nghĩa từ đồng minh như thế nào".
Và Ai Cập thời Muslim Brotherhood đã không còn một thái độ "phục tùng" trước "đồng minh" Mỹ như trước đây, nhưng cũng không hẳn là một sự "thù ghét" hoàn toàn. Morsi đã nêu rõ quan điểm của mình với tờ New York Times rằng, nếu Mỹ muốn Ai Cập tôn trọng hiệp ước đã ký với Israel (năm 1979), thì trước hết Mỹ phải tôn trọng các cam kết của mình đối với quyền thành lập nhà nước độc lập của người Palestine trong thỏa thuận Camp David năm 1978.
Làn sóng biểu tình phản đối bộ phim báng bổ đạo Hồi tiếp tục lan rộng tại Ai Cập. |
Minh chứng rõ ràng nhất cho quan điểm và ý kiến của Tổng thống Morsi chính là các cuộc biểu tình rầm rộ chống Mỹ và phương Tây do các sản phẩm văn hóa báng bổ đạo Hồi mà phương Tây hô hào là "tự do ngôn luận". Việc một người Mỹ sản xuất và lưu hành phim "Innocence of Muslims" báng bổ nhà tiên tri Mohammed đã gây nên làn sóng phản đối và tấn công các trụ sở ngoại giao Mỹ ở Libya, Ai Cập, Yemen và nhiều nước ở khắp các châu lục trên thế giới, trong đó Đại sứ quán Mỹ ở Ai Cập bị tấn công nặng nề nhất.
Nhà Trắng chỉ trích Tổng thống Morsi vì thái độ im lặng của ông trong mấy ngày liền sau khi các cuộc tấn công xảy ra. Thậm chí, Washington đã tạm hoãn cuộc đàm phán để tái tục khoản viện trợ hàng năm cho Cairo trị giá khoảng 1,5 tỉ USD/năm, bao gồm 1,3 tỉ USD viện trợ quân sự và khoảng 250 tiệu USD viện trợ kinh tế. Ai Cập là một trong những quốc gia nhận viện trợ khá lớn từ Mỹ trong khu vực Trung Đông, vì thế Washington tin rằng động thái "cắt viện trợ" này có thể "khuất phục" Cairo, nhưng thực tế xem ra động thái đó không mấy tác dụng. Việc Chính phủ Ai Cập tiếp tục không quyết liệt dập tắt làn sóng biểu tình chống Mỹ đã cho thấy, chỗ đứng của Mỹ ở Ai Cập trong tương lai sẽ đầy khó khăn, không được như trước đây.
Sau gần 3 tháng nắm quyền, Morsi đã thể hiện rõ tư thế một nhà lãnh đạo mới của Ai Cập, một "nhân tố mới" trên bàn cờ khu vực Trung Đông. Với loạt hoạt động đối ngoại trong khu vực 3 tuần qua, Tổng thống Morsi đã thể hiện một chính sách đối ngoại mới, cân bằng hơn. Không thúc đẩy bình thường hóa quan hệ với Iran, nhưng Morsi là người bảo vệ quyết liệt vai trò không thể thiếu của Iran trong việc giải quyết các cuộc khủng hoảng trong khu vực, đặc biệt là cuộc nội chiến tại Syria, với việc sáng lập ra nhóm "Bộ tứ Hồi giáo" nhằm tìm kiếm giải pháp tối ưu cho Syria.
Theo dự kiến, chuyến thăm chính thức nước Mỹ của ông Morsi sẽ diễn ra sau khi ông dự khóa họp thường niên Đại hội đồng LHQ. Tuy nhiên, theo một số quan chức Mỹ và Ai Cập, Nhà Trắng có vẻ không mặn mà tiếp đón ông Morsi. Chuyến thăm Mỹ trong thời điểm hiện tại rất nhạy cảm, vì thế ông Morsi đã không thể yêu cầu có cuộc gặp và hội kiến với Tổng thống Mỹ Barack Obama. Đây cũng là một vấn đề về chính trị đặt ra cho việc khôi phục quan hệ "đồng minh" giữa Cairo và Washington
Văn Trương (tổng hợp)
Theo Công An Nhân Dân