Từ 2010 – 2015, quân đội Mỹ đã và sẽ đầu tư 24 tỷ USD vào các loại máy bay không người lái (UAV) trên chiến trường Afghanistan. Thế nhưng, cùng với sự gia tăng các hoạt động tác chiến và mức độ dựa dẫm vào số liệu tình báo thu thập được của các UAV, bộ đội mặt đất Mỹ vẫn cho rằng đây là một khoản đầu tư đáng giá.
Kể từ khi được đưa vào chiến trường cách đây 10 năm, UAV đã liên tục làm mới định nghĩa về thao tác và hoạt động tác chiến của nó thông qua các hoạt động của lực lượng hải quân đánh bộ Mỹ. Trên chiến trường đầy rẫy các phần tử phiến quân có vũ trang này, nó đã giúp lính Mỹ chiếm thế thượng phong về lĩnh vực thông tin và tuần tra, giám sát.
Địa hình sơn địa hiểm trở của Afghanistan khiến thông tin từ các cuộc thử nghiệm UAV càng trở nên có giá trị. Nhiều khu vực không có đường giao thông, hầu như không thể đi qua được, có khi một đoàn xe muốn đi từ A đến B phải mất vài tuần mà dùng máy bay thì chỉ mất có vài giờ. Với địa hình này, các đơn vị tuần tra mặt đất rất cần có những thông tin quan sát từ trên không để nâng cao khả năng cảm nhận tình huống.
Hiện quân đội Mỹ đang triển khai đủ mọi chủng loại UAV tại Afghanistan, từ loại cỡ nhỏ, tầm ngắn như Raven hoặc Puma của lục quân và Hornet của hải quân đánh bộ đến loại chiến thuật, tầm ngắn như Shadow, cùng với các loại tầm trung, cỡ lớn như Hunter và Grey Eagle. Với thời gian lưu không từ 8 – 20h, các loại UAV này đã thực hiện rất tốt các nhiệm vụ giám sát chiến trường, phong tỏa chống rocket, trinh sát các tuyến đường và khu vực cần quan tâm, bảo đảm an ninh cho các căn cứ đóng quân tiền duyên đạt hiệu quả cao hơn rất nhiều so với máy bay có người lái với thời gian bay liên tục dưới 2h.
Nhu cầu UAV cỡ nhỏ và UAV chiến thuật, tầm ngắn không ngừng gia tăng
Năm 2011, nhu cầu khẩn cấp về UAV trên chiến trường liên tục gia tăng, quân đội Mỹ đã tiếp tục trang bị thêm các hệ thống UAV loại nhỏ RQ-11 Raven và Puma. Ví dụ, theo quy định, 1 lữ bộ binh Mỹ cần 15 hệ thống Raven, mỗi hệ thống gồm 3 chiếc, nhưng trên thực tế chiến trường Afghanistan, mỗi lữ phải cần tới 20 hệ thống. Vì vậy, tuy hiện nay trên chiến trường Afghanistan đã có 300 hệ thống UAV Raven, nhưng lục quân Mỹ vẫn tiếp tục trang bị thêm 180 hệ thống nữa trong 18 tháng tới.
Raven có chiều dài 0,9 m, sải cánh 1,4 m, trọng lượng 1,9 kg. Nó được mang vác như trang bị cá nhân của binh sĩ, phóng bằng tay. Loại UAV này có thể thực hiện nhiệm vụ trọng vòng 1,5h (với acquy có thể nạp lại)/110 phút (với acquy sử dụng 1 lần), bán kính tác chiến 10 km. Nó có độ cao bay tối đa 4,2km, tốc độ bay 32-81 km/h.
Còn Puma được trang bị đến cấp trung đội và được lục quân Mỹ sử dụng vượt quá yêu cầu nhiệm vụ tuần tra các tuyến đường. Hiện Mỹ đã triển khai 100 hệ thống Puma trên chiến trường, ngoài ra còn 129 hệ thống nữa sẽ được triển khai cuối năm nay. Puma là UAV cỡ nhỏ, phóng bằng tay, thiết kế cho hoạt động mặt đất và trên biển. Vì có khả năng hạ cánh trên mặt nước mặn hoặc trên mặt đất, nó đáp ứng nhiều yêu cầu nhiệm vụ như: do thám, quan sát, đánh giác mục tiêu và trinh sát. Puma có sải cánh 9 feet (2,75 m), tốc độ 20-45 hải lý/h và độ cao bay 500 feet (150 m).
Nó có trọng lượng 5,8 kg và có thể bay liên tục trong 2 giờ. Giống như Raven, sau khi hoàn thành nhiệm vụ, Puma hạ cánh theo kiểu thả rơi, sử dụng cơ chế bay tự động để đạt trạng thái gần như đứng yên tầm thấp rồi rơi xuống mặt đất hay mặt nước. Đối với các loại UAV nhỏ, phóng bằng tay, sử dụng ắc quy như Raven và Puma, Afghanistan quả là một thách thức. Với địa hình núi cao, thời tiết lạnh, đại hình hiểm trở, các loại UAV này không thể sử dụng đường băng hạ cánh đơn giản, khi tiếp đất mạnh trên nền đất đá cứng, các thiết bị cảm biến rất dễ bị hỏng hóc, bảo đảm thông tin thông suốt là trở ngại rất lớn.
Bộ đôi Raven và Puma đã thực hiện rất tốt các nhiệm vụ bảo đảm thông tin tình báo trinh sát và giám sát chiến trường, nhận biết tình huống, tuần tra các tuyến đường và bảo đảm an ninh cho các căn cứ đóng quân tiền duyên của quân đội Mỹ.
Trên chiến trường Afghanistan lục quân Mỹ hiện có 100 hệ thống RQ-7 Shadow. Đây là loại UAV lớn hơn rất nhiều so với Raven và Puma với chiều dài 3,6m, sải cánh 6m, trọng lượng 400pound (khoảng 180kg), sử dụng hệ thống trợ phóng đặt trên ray trượt, tầm bay 125km tính từ đài điều khiển, thời gian bay mỗi ngày lên tới 12h với vận tốc 250km/h. Tuy nhiên trên thực tế, do yêu cầu tác chiến nên binh lính Mỹ đã sử dụng Shadow liên tục 24/24h, làm nó rất nhanh bị hư hỏng cần phải thường xuyên sửa chữa, bảo dưỡng.
Nhận xét về Shadow, phó chủ nhiệm chương trình sản phẩm cơ động mặt đất thuộc văn phòng các dự án hệ thống UAV lục quân Mỹ Todd Smith nói: “Đối với đa số các máy bay có người lái, việc cất cánh và tiếp đất có thể dẫn đến rất nhiều sai sót. Với thời gian bay liên tục được tăng cường từ 6h lên đến 9h đã làm giảm số lần cất, hạ cánh, từ đó cũng giảm thiểu được những sai sót”.
Hiện nay, công ty Raytheon (Mỹ) đã chế tạo các loại bom điều khiển siêu nhỏ STM (Small Tactical Munition) Phase I/II có sức công phá lớn chuyên dùng trên UAV chiến thuật như Shadow. Loại bom này có chiều dài 55,8 cm, trọng lượng 6,1 kg. Bom được trang bị các sensor dẫn đường quán tính và GPS, cùng với đầu tự dẫn laser, các cánh ổn định và cánh lái của đạn đều có dạng gấp. Khi được lắp đặt loại bom này, Shadow sẽ trở thành sát thủ của các trận địa hỏa lực, xe tăng, thiết giáp…
Hiệu quả cao của UAV tầm trung, cỡ lớn trên chiến trường.
Cự li quan sát đối với các loại MQ-1C Grey Eagle (phiên bản cải tiến của MQ-1 Predator) không có vấn đề gì vì chúng hoạt động trên tầm cao, tuy nhiên kích thước của nó đem đến nhiều trở ngại khi phải dùng chung đường băng cất, hạ cánh với các loại máy bay khác.
UAV Hunter tải trọng 720 kg với tải trọng thiết bị và vũ khí 91 kg. Do chỉ mang được tải trọng hữu ích hạn chế như vậy, Hunter không sử dụng tên lửa Hellfire nặng 47 kg, mà sử dụng loại bom điều khiển bằng laser Viper Strike trọng lượng chỉ có 20kg. Viper Strike thuộc loại bom liệng không có động cơ với chiều dài 914 mm và đường kính 130 mm và cánh gấp nên chỉ được thả từ khoảng cách không quá 1km so với mục tiêu.
Ban đầu, nó được phát triển làm vũ khí chống tăng với lượng nổ 1,8 kg, nhưng chính lượng thuốc nổ nhỏ lại giúp nó trở thành vũ khí tuyệt vời cho tác chiến đô thị, vì bom này có độ chính xác rất cao nên có xác suất gây thương vong cho dân thường rất thấp.
Hiện lục quân Mỹ đang triển khai tại chiến trường Afghanistan 20 chiếc UAV trinh sát, tấn công Grey Eagle. Mỗi ngày nó chỉ cần cất, hạ cánh có 1 lần, chủ yếu thực hiện nhiệm vụ giám sát những khu vực trọng yếu cấp sư đoàn. Hệ thống UAV bao gồm 1 trung tâm điều khiển và 4 máy bay. Grey Eagle có sải cánh 17,3m, trọng lượng cất cánh tối đa 3600 pound (trên 1,6 tấn), cất cánh trên đường băng dài 5000 feet (khoảng 1,5km). Nó có thể bay trên độ cao 20.000 feet (trên 6km) với vận tốc 250km/h, thời gian bay liên tục là 36h, có tầm bay rất dài, sử dụng hệ thống dẫn đường theo chương trình hoặc điều khiển bằng vệ tinh.
Radar khẩu độ tổng hợp của nó có độ phân giải rất cao, chụp ảnh chiến trường rất rõ nét, phân biệt được vật thể bằng kim loại và các vật thể mềm như là gỗ, vải bạt, có khả năng phát hiện được các loại ô tô, xe tăng, thiết giáp phủ bạt chống thấm nước trong các cánh rừng. Hơn nữa, trong một khoảng thời gian nhất định, nó còn có khả năng so sánh và phát hiện các thay đổi nhỏ trong các bức ảnh hiện trường, rất thuận lợi cho việc tìm kiếm vũ khí và bom, mìn cài trên đường. Grey Eagle được trang bị 4 quả tên lửa không đối đất cỡ nhỏ Hellfire hoặc 8 quả tên lửa đối không Stinger. Tên lửa Hellfire có trọng lượng 48,2 kg, mang đầu nổ 9 kg và có bán kính chiến đấu 8km. Thực tế trên chiến trường Afghanistan, Grey Eagle đã từng sử dụng các vũ khí tấn công mặt đất đạt hiệu quả rất cao.
Hiện lục quân và hải quân đánh bộ Mỹ không ngừng sử dụng và kiểm nghiệm tính năng của các loại UAV chiến trường, mỗi trạm điều khiển mặt đất phải điều khiển cùng lúc được 3 máy bay khác nhau, các UAV được kết nối thông tin và nhanh chóng chia sẻ các hình ảnh và số liệu trinh sát cho máy bay có người lái, xây dựng bức tranh chiến trường phức tạp vừa tổng quát vừa chi tiết và có tính chính xác cao. Với địa hình rừng núi hiểm trở tương tự như các nước Đông Dương, đặc biệt là rừng núi Việt Nam, Afghanistan đã trở thành chiến trường thử nghiệm khốc liệt khiến lực lượng UAV Mỹ ngày một hoàn thiện hơn về chiến, kỹ thuật.