Ngày 27.9, các nguồn tin quốc tế tập trung vào chủ đề: kinh tế và mậu dịch cũng là chính trị và an ninh! Philippines mời chào các công ty Nhật đang rút khỏi Trung Quốc. Hãng dầu khí nước Anh hứa sẽ đầu tư ngoài khơi Biển Đông. TPP gặp khó, Việt Nam tính toán Liên minh Thuế quan với Nga.
Các động thái nhìn bề ngoài đơn thuần là kinh tế trên đây xuất hiện trong bối cảnh những cọ xát địa-chính trị giữa các cường quốc với nhau và giữa các cường quốc với các nước trong khu vực tại thời điểm này vẫn chưa hề giảm nhiệt.
Philippines chào mời công ty Nhật
Từ hôm qua 27.9 cho đến hết tuần này, tập đoàn Nissan sẽ cho ngưng sản xuất tại một số nhà máy ở Trung Quốc. Còn tập đoàn Toyota đang dẫn đầu các nhà sản xuất xe hơi toàn cầu trong quý 1/2012 cũng phải đóng các dây chuyền sản xuất tại hầu hết các nhà máy lắp ráp ở đây. Hãng Toyota có ba nhà máy lắp ráp tại Trung Quốc, sản xuất 800.000 chiếc xe hơi mỗi năm và có mạng lưới 860 đại lý. Nissan cũng có ba nhà máy lắp ráp, năm ngoái đã xuất xưởng gần 1,2 triệu chiếc xe hơi.
Người biểu tình Trung Quốc đập phá các xe hơi do Nhật Bản sản xuất. Những hành động quá khích này phần nào làm các công ty Nhật tại Trung Quốc e dè. |
Hôm nay, Toyota và Nissan đã công bố quyết định giảm sản xuất tại Trung Quốc. Để thu hút các nhà sản xuất Nhật, Manila đề nghị các đãi ngộ về chính sách, nhấn mạnh các ưu điểm như chất lượng tay nghề công nhân Philippines, sự ổn định về kinh tế và những nỗ lực chống tham nhũng của Tổng thống Benigno Aquino.
Trước tình hình quan hệ Nhật – Trung đang căng thẳng, ngày 26.9, Philippines đã hứa hẹn các ưu đãi về thuế cho các công ty Nhật Bản nào dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang. Thứ trưởng Thương mại Philippines Cristino Panlilio cho biết, chính phủ nước này đang tìm cách kéo khoảng 15 công ty Nhật đến Philippines. Ông Panlilio nói: “Không phải chúng tôi muốn thủ lợi trên sự không may của người khác, nhưng chúng tôi chỉ muốn thực tế hơn và hỗ trợ cho người Nhật. Các Tùy viên thương mại Philippines đã được chỉ thị phải tiếp cận các công ty Nhật này vừa tại Trung Quốc vừa cả ở Nhật”. Ông Panlilio nhấn mạnh thêm, giá lao động Trung Quốc tăng cao khiến Philippines trở nên thu hút hơn, sau một thời gian bùng nổ công nghiệp tại Trung Quốc đã cản trở sự phát triển của Philippines trong những thập kỷ qua.
SIA đầu tư ngoài khơi Việt Nam
Theo đài BBC ngày 26.9, công ty thăm dò dầu khí Soco International Plc (SIA) có thể sẽ cùng Việt Nam đầu tư vào khu vực ngoài khơi Biển Đông. Hãng tin tài chính Bloomberg vừa có cuộc phỏng vấn với tổng Giám đốc SIA Ed Story tại Bangkok (Thái Lan), trong đó ông Story nói năm 2013 tới, công ty của ông sẽ ký hợp đồng với Việt Nam. Theo thống kê của hãng dầu khí BP Plc, sản lượng dầu thô Việt Nam sản xuất đang sụt giảm. Sau khi đạt đến đỉnh điểm 427.000 thùng vào năm 2004, sản lượng hàng năm của Việt Nam sụt giảm gần 1/4, năm ngoái chỉ còn 328.000 thùng/ngày. Tổng giám đốc Story được dẫn lời nói: “Ở sâu ngoài khơi Việt Nam có một số bồn trũng mà chúng tôi cho là có tiềm năng đáng kể, có khả năng kéo lại sản lượng đang sụt giảm này”.
Tuy nhiên, vấn đề khó khăn là một số bồn trũng nói trên lại nằm trong các khu vực có tranh chấp chủ quyền. Trung Quốc lâu nay vẫn lấn lướt trong lĩnh vực thăm dò khai thác dầu khí ở Biển Đông. Bắc Kinh công khai phản đối các công ty quốc tế nào muốn hợp tác với Việt Nam. Những đe dọa của Trung Quốc với tư cách nước lớn dường như có trọng lượng hơn. Cách thức dọa dẫm của Bắc Kinh thường là cảnh cáo các tập đoàn nước ngoài làm ăn với Việt Nam phải ngừng công việc nếu không muốn các dự án của họ với Trung Quốc bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, theo ông Ed Story, Soco may mắn hơn các công ty khác đang muốn hoạt động tại đây là SIA không có ý định làm ăn ở Trung Quốc. Ông Ed Story còn cho rằng, nếu muốn dầu thô tiếp tục đóng góp lớn cho nền kinh tế thì Việt Nam phải vươn xa ra ngoài khơi, làm ăn với các công ty quốc tế nào có thể chịu được áp lực.
Hiệp định Thuế quan với Nga
Các vòng đàm phán về Hiệp định Đối tác Xuyên Thái bình dương (TPP) gặp trở ngại, liệu Việt Nam có nên xúc tiến Hiệp định Thương mại tự do với Liên minh Thuế quan do Nga đề xướng hay không? Trong bối cảnh vòng Doha bị tê liệt, từng quốc gia một phải tìm cách kết nối với nhau ở quy mô nhỏ hơn. Đó là sự liên kết giữa 10 nước ASEAN với Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Tuy nhiên, do các tranh chấp về chính trị lẫn an ninh giữa ba đối tác này (khủng hoảng biển đảo Trung-Nhật, Trung-Hàn hiện nay), hy vọng thiết lập một khu vực tự do mậu dịch rộng lớn hơn có thể bị đẩy lùi một thời gian.
Trong khí đó thì năm ngoái, ông Vladimir Putin trước khi ra tranh cử, đã nói đến kế hoạch thành lập một Liên hiệp Âu-Á, để làm lực đối trọng với EU hiện nay. Có thể thấy tham vọng của Nga là dùng hợp tác kinh tế để có một khối thống nhất từ Đông Âu đến Viễn Đông (Châu Á-Thái bình dương), với tiêu chí là để xây dựng nền móng của sự hợp tác này vào 2015. Bước đầu tiên là Liên minh Thuế quan, kế đó là Không gian Kinh tế, rồi đến Liên hiệp Âu-Á. Nếu Liên minh Thuế quan có thực lực, Không gian Kinh tế sẽ mở rộng cùng sự hợp tác về Chính trị và An ninh. Trên thế mạnh đó, Nga mới có điều kiện thuận lợi để vận động các nước trong quỹ đạo lập ra Liên hiệp Âu-Á, để đối trọng với Châu Âu ở hướng Tây và Trung Quốc ở hướng Đông.
Xem ra, việc Việt Nam ký Hiệp định Thuế quan hồi đầu tháng 9 này, trong đó có hàm ý tăng cường hợp tác về kỹ thuật quân sự giữa các nước thành viên, là động thái không chỉ có ý nghĩa về kinh tế.
Nguyễn Thiều Quang
Theo SGTT