Vụ tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và Nhật Bản về một nhóm đảo thuộc quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đang là một thử thách cho mối bang giao Trung-Mỹ.
Trong chuyến thăm Trung Quốc tuần trước, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta kêu gọi Trung Quốc và Nhật Bản hãy tự chế, và lặp lại khẳng định không nghiêng về bên nào trong cuộc tranh chấp Trung – Nhật liên quan đến chủ quyền Senkaku/Điếu Ngư. Nhưng truyền thông và dư luận Trung Quốc không hoàn toàn nghĩ như vậy, thậm chí cho rằng “rõ ràng” là Washington thiên vị Tokyo.
Ngày 18/9, xe của Đại sứ Mỹ ở Trung Quốc bị tấn công tại Bắc Kinh, và khẩu hiệu “Đả đảo đế quốc Mỹ” xuất hiện trong các cuộc biểu tình chống Nhật diễn ra trên khắp Trung Quốc. Các nhà quan sát cho rằng đây là một diễn biến tự nhiên sau khi Chính phủ Trung Quốc không ngừng tố cáo Mỹ khuấy động các vụ tranh chấp chủ quyền lãnh thổ giữa Trung Quốc với Nhật Bản, Phippines và Việt Nam để mưu lợi riêng.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta trong chuyến thăm Trung Quốc đã được mời thăm Học viện Kỹ thuật Tăng thiết giáp và một căn cứ hải quân của nước này ở Thanh Đảo
Giáo sư Thời Ân Hoằng của Đại học Nhân dân ở Bắc Kinh nói rằng dân chúng Trung Quốc cảm thấy tức giận, vì họ nghĩ Washington xúi giục để Tokyo có thái độ hung hãn hơn với Bắc Kinh. Ông nói: “Theo nhận định của Chính phủ Trung Quốc, hành động và lời lẽ của Mỹ đã cổ vũ cho những hành động phi pháp của Nhật Bản. Chính phủ Trung Quốc rất bất mãn về việc này và người dân Trung Quốc càng cảm thấy bất mãn hơn”.
Tiến sĩ Tô Hạo, Giáo sư môn Ngoại giao Quốc tế của Học viện Ngoại giao ở Bắc Kinh, cũng đồng ý với nhận định của ông Thời Ân Hoằng và cho rằng đó là “một diễn biến tự nhiên”. Ông nói: “Người dân Trung Quốc cảm thấy bất bình đối với Mỹ ở một mức độ nhất định. Họ xem tin tức và các bài bình luận trên báo chí nhà nước. Những bài bình luận này nói rằng những vấn đề gần đây ở Biển Đông và ở quần đảo Điếu Ngư (Nhật Bản gọi là Senkaku) đều có Mỹ đứng đằng sau xúi giục. Họ hiểu rằng tình trạng căng thẳng xuất hiện gần đây ở Đông Á, bất kể là ở Biển Đông hay quần đảo Điếu Ngư đều có yếu tố Mỹ trong đó. Vì vậy, trong lúc biểu tình phản đối Nhật Bản, người dân Trung Quốc cũng muốn bày tỏ sự bất bình đối với Mỹ. Tôi nghĩ rằng đây là một việc hết sức tự nhiên”.
Trong khi đó, trên các trang mạng xã hội ở Trung Quốc, nhiều người đồn đoán rằng vụ tấn công xe của Đại sứ Mỹ ngày 18/9, cũng như vụ tấn công chiếc xe của Đại sứ Nhật ngày 27/8, có sự dính líu của nhà cầm quyền ở Bắc Kinh.
Các nhà quan sát tại Đài Loan, hòn đảo cũng tuyên bố đòi chủ quyền đối với Senkaku/Điếu Ngư, cho rằng các vụ biểu tình chống Nhật rầm rộ ở Trung Quốc có sự sắp xếp của chính quyền. Ông Từ Tư Giản, chuyên gia về Trung Quốc Đại lục của Viện Nghiên cứu Trung ương Đài Loan, phát biểu tại một cuộc hội thảo ở Đài Bắc: “Trung Quốc là một nước lớn như vậy, mà trong một ngày lại có tới 85 thành phố đồng loạt xảy ra những vụ xuống đường biểu tình rầm rộ. Nếu không có người đứng ra tổ chức, không thể nào làm được như vậy. Chẳng lẽ Trung Quốc đã có được một xã hội công dân phát triển tới mức đó hay sao? Có lẽ nào Đảng Cộng sản Trung Quốc lại để cho xã hội công dân được phát triển tới mức như vậy?”.
Tuy nhiên, theo ông Trình Lập, trưởng Khoa Chính trị của Đại học Thành phố Hong Kong, vụ tấn công xe của Đại sứ Mỹ và vụ tấn công xe của Đại sứ Nhật là những sự việc mà Chính phủ Trung Quốc không muốn vì "đây là một việc đáng xấu hổ đối với giới hữu trách Trung Quốc. Tôi tin rằng giới hữu trách Trung quốc không muốn những vụ việc này xảy ra".
Bà Cao Du, nguyên Phó Tổng Biên tập của tờ "Tham khảo Kinh tế Bắc Kinh" cũng nói rằng không có yếu tố chính phủ trong các cuộc tấn công này. Bà nhận định: "Nếu có yếu tố chính phủ thì thật vô cùng xấu hổ. Theo tôi, đó chỉ là những hành vi sai trái của những kẻ quá kích, thiếu lý trí, thiếu suy nghĩ".
Nhiều học giả Đài Loan tại cuộc hội thảo cho rằng làn sóng biểu tình chống Nhật có thể ảnh hưởng tới sự ổn định chính trị của Trung Quốc. Họ nói rằng hàng loạt vấn đề nghiêm trọng về chính trị, kinh tế và xã hội khiến cho dân chúng Trung Quốc ngày càng cảm thấy bất mãn đối với chính quyền và các cuộc biểu tình chống Nhật có thể biến thành những cuộc biểu tình chống chính phủ một cách dễ dàng.
Giáo sư Vương Tín Hiền của Viện Nghiên cứu Đông Á, thuộc Đại học Chính trị Quốc gia Đài Loan, nhận xét: “Hiện giờ, những vụ xuống đường biểu tình ở Trung Quốc xảy ra rất nhiều. Nhưng tôi nghĩ rằng những vụ này chưa thể ảnh hưởng tới sự ổn định của cục diện chính trị. Mặc dù vậy, vẫn có một điều phiền toái cho Trung Quốc là phong trào quần chúng có thể bị các phe phái trong giới lãnh đạo lợi dụng để đấu đá nhau”.
Kết thúc chuyến thăm 3 ngày của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, hai bên đã quyết định mở các cuộc thao diễn chung. Giới quan sát cho rằng đây là một bước tiến quan trọng đặc biệt khi hai nước đang ở giai đoạn nhạy cảm về chuyển giao quyền lực, với cuộc bầu cử Tổng thống ở Mỹ và Ðại hội đảng Cộng sản Trung Quốc dự trù đề cử những người lãnh đạo mới./.
Vũ Việt
Theo Tổ Quốc