TIN BIỂN ĐÔNG

HOÀNG SA - TRƯỜNG SA - VIỆT NAM

Mời hợp tác kinh doanh

Hành trình vũ khí hạt nhân Trung Quốc

Trung Quốc là quốc gia sở hữu kho vũ khí hạt nhân lớn thứ ba trên thế giới. Vậy nước này đã dùng phương cách gì để đạt được thành tựu đó?

 

 “Không thể bằng lòng khi không có vũ khí hạt nhân”

Dù là người đi sau, nhưng với phương châm bằng mọi cách, dốc toàn bộ trí và lực để đạt được mục đích của mình, vậy chúng ta biết gì về “hành trình” đến với vũ khí nguyên tử của Trung Quốc?

Ngay từ những năm đầu thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, các nhà lãnh đạo quân sự và chính trị nước này đã ý thức rằng, Trung Quốc cần phải có một lực lượng vũ trang mạnh với vũ khí hiện đại, bao gồm vũ khí hạt nhân.

Mao Trạch Đông từng tuyên bố: “Trong thế giới ngày nay chúng tôi không thể bằng lòng khi không có nó (vũ khí hạt nhân)…, thế giới phương Tây tỏ thái độ coi thường Trung Quốc bởi vì chúng tôi không có bom nguyên tử, chỉ có lựu đạn”.

Để thực hiện tham vọng sở hữu vũ khí hạt nhân, đầu năm 1950, Trung Quốc thành lập Viện Hàn lâm Khoa học và Tiền Tam Cường trở thành Phó Giám đốc đầu tiên của Viện này. Ông này được coi là cha đẻ của bom nguyên tử Trung Quốc.

Vậy, Tiền Tam Cường là ai? mùa hè năm 1937, Tiền Tam Cường được Bắc Kinh đưa đi nghiên cứu sinh ở Viện radium, ĐH Paris. Sự nghiệp nghiên cứu khoa học của ông được nhà khoa học Frederic Joliot-Curie dẫn dắt.


Năm 1940, Tiền Tam Cường đã bảo vệ thành công luận án của mình và tiếp tục làm việc ở Pháp. Từ những thành tích xuất sắc của mình, năm 1947, nhà khoa học này đã được trao giải thưởng của Viện Hàn Lâm Khoa học Pháp. Năm sau ông trở về Trung Quốc.
 

Cha đẻ bom nguyên tử Trung Quốc Tiền Tam Cường.



Ngoài Tiền Tam Cường, dự án phát triển hạt nhân của Trung Quốc cũng có sự tham gia của hàng trăm nhân tài hoa kiều. Trong số họ phải kể đến hai nhà vật lý Ganpan Wang và Zhao Zhongyang từ ĐH Illionois, sau nhiều năm sinh sống ở nước ngoài đã có mặt tại Trung Quốc trong thời kỳ đầu của dự án phát triển hạt nhân. Chính họ đã mang rất nhiều bí mật hạt nhân và những kinh nghiệm đúc rút từ thực tế ở nước ngoài về cho quê hương.

Mùa xuân năm 1953, đoàn đại biểu của Viện hàn lâm Khoa học Trung Quốc có chuyến “công du” đến Liên Xô để mở rộng kiến thức về công nghệ hạt nhân.

Chuẩn bị đón đoàn khách Trung Quốc, Chủ tịch Viện hàn lâm Khoa học Liên Xô, Viện sĩ Alexamder Nesmeyanov đã khuyên các cơ quan có thẩm quyền phải cận trọng khi làm việc với phái đoàn Trung Quốc và Tiền Tam Cường, chỉ giới thiệu một số công trình khoa học có tính chất chung chung mà không giới thiệu vấn đề định hướng.

Tháng 10/1954, lần đầu tiên Mao Trạch Đông đề nghị Moscow giúp Bắc Kinh chế tạo vũ khí hạt nhân nhân dịp Nikita Khushchev viếng thăm Bắc Kinh. Khi đó, Khushchev đã không đưa ra bất kỳ lời hứa đảm bảo nào, hơn nữa Nikita Khushchev còn khuyên Mao Trạch Đông nên từ bỏ dự án hạt nhân vì Trung Quốc chưa có nền tảng khoa học kỹ thuật, công nghiệp và tiềm lực kinh tế cần thiết.

Cũng trong thời gian ấy, niềm tin của các nhà lãnh đạo quân sự và chính trị Trung Quốc về sự cần thiết sở hữu vũ khí hạt nhân ngày càng lên cao, nhất là trong bối cảnh nước này tham gia cuộc chiến ở Triều Tiên (1950-1953) và xung đột Trung - Mỹ leo thang ở eo biển Đài Loan (năm 1958).

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã nhận thức mối đe dọa từ phía Mỹ khi họ có thể sử dụng bom nguyên tử, chính vì thế, tại cuộc họp mở rộng của ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc ngày 15/1/1955, Mao Trạch Đông đã đưa ra chỉ thị: Trung Quốc phải phát triển bom nguyên tử với sự giúp đỡ của Liên Xô hoặc là không có sự tham gia của Liên Xô.

Khrushchev nhượng bộ

Nhằm tăng cường nguồn tài nguyên uranium thô (sẽ nhận được theo cam kết từ phía Trung Quốc trong trao đổi để giúp đỡ về việc thăm dò uranium) ngày 20/1/1955, Liên Xô nhất trí ký thỏa thuận với Trung Quốc về kế hoạch cùng nhau nghiên cứu địa chất ở Tân Cương và phát triển mỏ uranium.

Việc tìm kiếm mỏ uranium, ngoài sự tham gia của các chuyên gia Liên Xô và Trung Quốc còn có một số nhà khoa học đến từ Đông Âu. Địa điểm đầu tiên tìm thấy nguồn trữ lượng uranium là ở khu vực Tây - Bắc Trung Quốc (Tân Cương) và nơi đây cũng đã bắt đầu triển khai công tác khai thác mỏ từ năm 1957.

Chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông (trái) và Tổng bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô Khruschev.


Tiếp theo, ngày 7/4/1956, hai bên đã ký một thỏa thuận. Theo đó, Liên Xô sẽ cung cấp viện trợ để xây dựng các công trình dân sinh và quân sự, gồm tuyến đường sắt từ Aktoga đến Lanzhuo (Lan Châu) để chuyên chở các trang thiết bị của Trung tâm thử nghiệm vũ khí nguyên tử đầu tiên ở Lop Nor.
Mùa đông 1956, Đảng Cộng sản Trung Quốc quyết định “phát triển năng lượng hạt nhân”. Trong dự án này có hai lĩnh vực cơ bản, chế tạo tên lửa chiến lược và vũ khí nguyên tử. Từ năm 1956-1967, tất cả các tinh hoa của nền khoa họcTrung Quốc và hơn 600 nhà khoa học Liên Xô đã làm việc theo kế hoạch phát triển khoa học đầy tham vọng này.

Kế hoạch này gồm phát triển ứng dụng năng lượng nguyên tử vào mục đích hòa bình, nghiên cứu công nghệ phản lực, chế tạo công nghệ bán dẫn và phát triển máy tính …Để thực hiện những kế hoạch này, Bắc Kinh yêu cầu Liên Xô và các nước “hỗ trợ một cách toàn diện và nhanh chóng”.

Ngoài ra, thời gian đó, Liên Xô đã cam kết xây dựng hàng trăm nhà máy công nghiệp Quốc phòng ở Trung Quốc. Tuy nhiên, điều mà Bắc Kinh muốn Liên Xô giúp đỡ đầu tiên đó là việc phát triển trong lĩnh vực hạt nhân và quốc phòng. Tình hình bất ổn ở Ba Lan và Hungary xảy ra năm 1956 cũng khiến cho Khrushchev rất cần sự hỗ trợ từ phía Trung Quốc về mặt chính trị, do đó đã quyết định mở rộng hợp tác với Trung Quốc. Trước đó Khrushchev vừa trải qua cuộc “sàng lọc” nội bộ với Molotov và những người thân cận, chính vì thế Khrushchev muốn Mao có mặt trong Đại hội Đảng Cộng Sản tại Moscow năm 1957. Khrushchev muốn thành công trong quan hệ với Trung quốc để tăng cường vị thế của mình ở Liên Xô, và nhà lãnh đạo Trung Quốc đã rất khôn khéo sử dụng tình thế này. Mao tuyên bố sẽ đến Liên Xô chỉ sau khi ký kết thỏa thuận kỹ thuật - quân sự, bao gồm cả việc chuyển giao nguyên liệu và mô hình để Trung quốc sản xuất vũ khí nguyên tử. Vì thế, ngày 15/10/1957, Trung - Xô đã đặt bút ký thỏa thuận chuyển giao công nghệ sản xuất vũ khí hạt nhân cho Trung Quốc. Moscow chỉ từ chối chuyển giao các tài liệu liên quan đến xây dựng tầu ngầm hạt nhân.

Theo phương tiện truyền thông Trung Quốc, khi đó Liên Xô cũng đã cung cấp hai mẫu tên lửa tầm ngắn đất đối đất cho phía Trung Quốc. Đây là cách mà người Trung Quốc đạt được mục đích tiếp cận với công nghệ chế tạo vũ khí hạt nhân của Liên Xô. Cũng từ đó, bắt đầu từ năm 1958, Trung Quốc sẽ là nơi đến của các nhà khoa học hạt nhân Liên Xô. Trong giai đoạn 1950-1960, đã có khoảng 10.000 các chuyên gia ngành công nghiệp hạt nhân Liên Xô đến làm việc tại Trung Quốc, với sự giúp đỡ của các chuyên gia Liên Xô, đã lựa chọn, xây dựng bãi thử nghiệm hạt nhân Lop Nor.

Vào tháng 9/1958, các nhà khoa học Liên Xô đã giúp đỡ để khởi động lò phản ứng thí nghiệm hạt nhân nước nặng đầu tiên của Trung Quốc và xây dựng máy gia tốc thực nghiệm. Đồng thời Liên Xô đã tiếp nhận và đào tạo 11.000 chuyên gia và 1.000 nhà bác học cho Trung Quốc.

Thu Hoài (tổng hợp)
Theo Báo Đất Việt

Luật Biển Việt Nam
Tinbiendong.com trân trọng giới thiệu toàn văn Luật Biển Việt Nam đã được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 21-06-2012 và Chủ tịch nước ký lệnh công bố ngày 02-07-2012. Luật Biển Việt Nam gồm 07 chương 55 điều, có  hiệu lực thi hành từ ngày 01-01-2013.
Mời hợp tác kinh doanh
Copyright ©  2012  Tin Bien Dong . All rights reserved.
Trang tin đang trong quá trình chạy thử nghiệm và  chờ xin phép Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép hoạt động.
Mạng thông tin điểm tin, sưu tầm, lưu trữ thông tin Biển Đông và thế giới
Điện thoại:04.3972 4800 - Fax:04.3972 4801 - Mobile: 0127 399 6475 // 098 300 6168 ( Mr. Mạnh Toàn ) -  Email Tin kinh te