Thời gian qua, Trung Quốc đưa gần 200 nghiên cứu sinh đi học tại các trường đại học trên thế giới, họ vừa làm nghiên cứu sinh vừa tuyên truyền và quảng bá vấn đề Biển Đông. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu Biển Đông của Việt Nam ngày càng lớn mạnh và trong giới nghiên cứu có người đã dành gần trọn đời nghiên cứu Hoàng Sa - Trường Sa; đã vài lần mang tài liệu về Hoàng Sa - Trường Sa đi phổ biến ra thế giới, trong đó có Mỹ. Ông là TS Nguyễn Nhã. Chính việc làm này đã giúp các học giả, chính khách, dư luận quốc tế… đặc biệt là cộng đồng người Việt và du học sinh ở Mỹ hiểu rõ hơn về vấn đề biển đảo của Việt Nam.
Phóng viên Báo Năng lượng Mới đã gặp TS Nguyễn Nhã sau khi ông trở về Việt Nam.
PV: Vừa qua, ông có dịp đi Mỹ hơn 2 tháng, mà như ông nói là chuyến đi đem thông tin, tài liệu, sách vở nói về Hoàng Sa - Trường Sa để phổ biến cho cộng đồng người Việt ở Mỹ, kể cả người Mỹ. Chuyến đi Mỹ lần này so với những chuyến đi Mỹ trước, ông thấy nhận thức của cộng đồng người Việt tại Mỹ về Biển Đông như thế nào?
TS Nguyễn Nhã: Mục tiêu quan trọng nhất lần này của tôi là muốn đối thoại, đánh động dư luận với các du học sinh Việt Nam ở vùng Boston có hơn 1.000 người và cộng đồng người Việt vùng Boston. Tôi có gửi một tâm thư và thư tóm tắt hồi đáp của bạn đọc trong hai ngày ở Báo Dân trí. Cả hai thư “tâm thư” và thư “Tôi rất xúc động” đã được đưa lên website của cộng đồng vùng Boston, cũng được sự hồi đáp trên mạng của cộng đồng với những ý tưởng rất sâu sắc về vấn đề biển đảo của đất nước.
Tôi cũng đã đặt vấn đề làm sao có người giúp tôi hoàn chỉnh tập hồ sơ tư liệu đã được dịch ra tiếng Anh hơn 500 trang về chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa. Các du học sinh đã trả lời phải có quỹ để thuê người chỉnh sửa thì mới được.
PV: Trong chuyến đi lần này, ông đã tham gia hội thảo về “Biển đảo Việt Nam”. Cuộc hội thảo này do ai tổ chức thưa ông?
TS Nguyễn Nhã: Hội thảo “Biển đảo Việt Nam” do Hội Thanh niên Sinh viên Việt Nam vùng Boston mở rộng tổ chức. Qua đó cũng thấy được là du học sinh ở Mỹ đã quan tâm đến vấn đề Biển Đông. Tôi đã từng tham gia nhiều cuộc hội thảo Biển Đông trong cũng như ngoài nước và cuộc hội thảo tại Trường đại học Havard vừa qua để lại trong tôi những ấn tượng sâu đậm vì người tổ chức rất trẻ, họ lại có tầm và họ là những nghiên cứu sinh, những tiến sĩ tại Havard. Điều mừng nữa là được trực tuyến qua Youtube, chỉ mấy giờ sau hội thảo có người từ Việt Nam gửi cho tôi Youtube về cuộc hội thảo này.
TS Nguyễn Nhã (thứ 2 bên phải) tại Hội thảo tại Harvard ngày 16/6/2012
PV: Từ hội thảo “Biển đảo Việt Nam” lần này, ông có những mong muốn gì tiếp theo?
TS Nguyễn Nhã: Tôi mong muốn có thêm nhiều hội thảo tương tự như hội thảo vừa diễn ra tại Trường đại học Harvard. Những hội thảo như thế không chỉ giới hạn trong giới sinh viên, nghiên cứu sinh, giới trí thức mà có thể mở rộng ra cho nhiều tầng lớp người Việt đang sinh sống nhiều nơi trên thế giới. Chính sự hiểu biết về sự thật, về những luật lệ liên quan sẽ giúp hữu hiệu cho công cuộc đấu tranh bảo vệ những vùng biển, hải đảo của Việt Nam tại Biển Đông trước những diễn biến phức tạp như hiện nay.
PV: Trong chuyến đi này, có dịp tiếp xúc với học giả Mỹ, người dân Mỹ thì ông thấy họ có quan tâm nhiều đến vấn đề tranh chấp trên Biển Đông?
TS Nguyễn Nhã: Thực sự dân Mỹ, chính quyền Mỹ họ chỉ quan tâm đến Biển Đông chứ không quan tâm đến những tranh chấp chủ quyền nên vấn đề chủ quyền Biển Đông chủ yếu vẫn là các nước ASEAN tự giải quyết. Dù bên ngoài có hỗ trợ cách này cách khác nhưng quan trọng vẫn là ở chính mình.
PV: Trong các sinh viên, nghiên cứu sinh và các giảng viên đại học người Việt tại Mỹ mà ông tiếp xúc thì xung quanh vấn đề ở Biển Đông họ quan tâm đến vấn đề gì nhiều: lịch sử hay pháp lý…
TS Nguyễn Nhã: Có người quan tâm đến lịch sử Hoàng Sa - Trường Sa, có người quan tâm đến vấn đề pháp lý, có cả những câu hỏi như Việt Nam có thể kiện Trung Quốc ra Tòa án Quốc tế không? TS Tạ Văn Tài (giảng viên luật Việt Nam tại Trường Luật thuộc đại học Harvard) đã phát biểu tại hội thảo: Với Công ước Liên Hiệp Quốc năm 1982 về Luật biển mà các bên đều ký, Việt Nam có thể đơn phương kiện ra tòa Luật biển, không như việc tranh chấp chủ quyền biển đảo cần sự thỏa thuận của đôi bên.
PV: Trong cuộc hội thảo này có nhiều giảng viên trẻ, chắc họ cũng để lại trong ông nhiều ấn tượng trước những câu hỏi nóng liên quan đến vấn đề của Tổ quốc hôm nay.
TS Nguyễn Nhã: Khi tôi nói chuyện ở Harvard Yenching Library do Hội Thanh niên Sinh viên vùng Boston tổ chức, TS Minh Phương, giảng viên ở Trường đại học Harvard đã hỏi một câu xoáy vào trái tim tôi về sự kiện ngày 19/1/1974, Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm Hoàng Sa mà đồng minh Hoa Kỳ cho đó là chuyện nội bộ của hai nước, không can thiệp! Mội lần nữa tự nhiên tôi ứa nước mắt khi nói rằng, vào ngày 20/1/1975, đã cùng với võ sư Trần Huy Phong, GS Ngô Gia Hy, với tư cách Trưởng ban Tổ chức, tôi đã phát biểu, cũng không cầm nước mắt, khiến mọi người ôm nhau khóc ròng như bão Sóng Thần hồi ấy đã đưa tin. Giọt nước mắt của tôi cũng như của mọi người về Hoàng Sa và Trường Sa không phải để tỏ sự hèn yếu mà chỉ cốt bộc lộ một tâm tư khắc khoải, cần cho mọi người Việt Nam nhất là các bạn trẻ phải thức tỉnh.
PV: Nhưng hiện nay cũng có không ít giới trẻ, kể cả du học sinh ở nước ngoài thờ ơ trước những vấn đề nóng của dân tộc, trong đó có vấn đề Biển Đông. Có thể nói những việc làm của ông sẽ phần nào đốt lên ngọn lửa yêu nước, thức tỉnh tinh thần dân tộc cho giới trẻ hiện nay.
TS Nguyễn Nhã: Có lẽ đó cũng là một trong những nguyên nhân để tôi viết tâm thư gửi các bạn trẻ hôm nay. Và khi ngồi trên máy bay đi tới Boston, cái nôi cách mạng lập quốc Hoa Kỳ và hiện có 1.000 du học sinh Việt Nam, tôi cứ bồi hồi lo lắng không biết những tâm tư của mình có bị rơi vào sa mạc hay không.
PV: Tôi tin bức tâm thư của ông sẽ có tác dụng!
TS Nguyễn Nhã: Mừng thay. Khi đọc hơn 70 phản hồi của các bạn trẻ trên Báo Dân trí chỉ trong vài ngày sau khi đăng bức tâm thư, tôi thật sự đã xúc động khi có bạn trẻ viết rằng: “Sau khi đọc đoạn trích của bức tâm thư tôi đã rơi nước mắt. Người Việt Nam chúng ta có truyền thống yêu nước, tinh thần chống ngoại xâm, ý chí vượt mọi khó khăn để thắng thù trong giặc ngoài. Giờ chúng ta giành được độc lập, tự do đã gần 40 năm nhưng tinh thần và ý chí trong kháng chiến không được các bạn trẻ áp dụng vào trong thời kỳ phát triển kinh tế đất nước. Tôi mong rằng các bạn trẻ và tất cả người dân Việt Nam hãy luôn luôn nêu cao tinh thần và ý thức dân tộc, dám nghĩ, dám làm, đóng góp xây dựng Việt Nam hùng mạnh về kinh tế, vững mạnh về quốc phòng xứng đáng với niềm vinh dự được là người Việt Nam”.
PV: Ông có mong ước ra sao đối với các bạn du học sinh Việt Nam ở nước ngoài khi đọc tâm thư của mình?
TS Nguyễn Nhã: Tôi ước mong đó cũng là những lời hồi đáp tâm thư của 1.000 du học sinh ở vùng Boston, của 15.000 du học sinh Việt Nam ở Hoa Kỳ; hơn thế nữa của hàng triệu các bạn trẻ Việt Nam không phân biệt chính kiến, tôn giáo, địa phương mình đang sinh sống ở khắp nơi, trong cũng như ngoài nước.
Như tôi đã từng nói, muốn lấy lại Hoàng Sa hay giữ những gì còn lại ở Trường Sa, mỗi người Việt Nam phải có một kế hoạch nhỏ xây dựng đất nước hùng cường. Tôi đang có một kế hoạch nhỏ là xây dựng Bếp Việt - bếp của thế giới với một nền ẩm thực Việt lấy tự nhiên làm gốc, vừa ngon vừa lành, lợi cho sức khỏe con người hơn cả ẩm thực có bề dày như Tây lẫn Tàu.
PV: Nếu mỗi du học sinh nắm kiến thức lịch sử cơ bản về Hoàng Sa - Trường Sa thì tôi nghĩ rằng họ sẽ là những cầu nối tuyên truyền và phổ biến kiến thức biển đảo quê hương đối với quốc tế, để thế giới tránh hiểu sai lệch trước sự tuyên truyền phi lý của Trung Quốc.
TS Nguyễn Nhã: Không cần các bạn ấy nhớ quá nhiều, nếu với những người dân bình thường hay các du học sinh không mấy quan tâm đến lịch sử - địa lý thì họ chỉ cần nhớ: Sự thật lịch sử chỉ có một! Lịch sử rất công bằng! Trung Quốc không thể nào bóp méo lịch sử, không thể nào che giấu mãi sự thật lịch sử khi năm 1909, chính quyền Quảng Đông cho Paracel là đất vô chủ cũng như năm 1898 khi bị Công ty Bảo hiểm Anh yêu cầu bồi thường các tàu Le Bellona đắm ở Paracel năm 1895 và tàu Imaji Maru đắm năm 1896, bị dân Hải Nam hôi của, chính quyền Trung Quốc đã trả lời Paracel không thuộc chủ quyền của Trung Quốc. Cũng như năm 1754 khi hai dân binh đội Hoàng Sa gặp bão trôi dạt lên đảo Hải Nam, chính quyền Hải Nam tra xét đúng sự thật đi làm công tác với 8 dân binh khác còn ở trên thuyền, đã chu cấp lương thực trở về nguyên quán, khiến Chúa Nguyễn Phúc Khoát đã phải viết công văn cảm ơn. Đã được chính sử “Đại Việt sử ký tục biên” cũng như dã sử “Phủ biên tạp lục” ghi rất rõ ràng! Trong “Tâm thư” tôi đã dành khoảng 3 trang chứa nội dung về chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa và Trường Sa mà nhiều người cho tôi biết rất thuyết phục khi đọc qua. Ước gì nội dung tóm tắt này được phổ biến rộng rãi.
Mong hàng triệu các bạn trẻ Việt Nam bất cứ ở nơi đâu, dù khác nhau về chính kiến, mỗi người một kế hoạch nhỏ như tôi, cùng nhau làm, cùng nhau yêu thương nhân ái như Vua Trần Nhân Tông khi xưa. Tại sao không? Cứ như thế, tôi tin chắc rằng một ngày không xa sẽ có dân tộc phải nói, nên bắt chước dân tộc Việt Nam hồi đầu thế kỷ XXI này như có bạn trẻ đã viết.
PV: Cảm ơn ông!
Thiên Thanh(thực hiện)
Theo Năng Lượng Mới