Brunei muốn đẩy mạnh những hoạt động hợp tác quân sự với Mỹ, trong đó bao gồm các cuộc diễn tập hải quân, trao đổi, thăm viếng, và chia sẻ thông tin tình báo. Ngoài ra, Brunei cũng đánh giá ASEAN và Trung Quốc vẫn bế tắc trong đàm phán đối với vấn đề khai thác chung tại Biển Đông.
Xuất xứ: Đại sứ quán Mỹ tại Brunei
Thời gian điện: Thứ 5, ngày 01/05/2008;06h47’
Thời gian công bố: Thứ 4, ngày 06/04/2011; 19h54’
Phân loại: Điện mật
Tóm tắt
1.Trong chuyến thăm của Đố đốc Keating, Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ tới Brunei, chúng tôi nhận được một thông điệp rõ ràng và nhất quán từ phát ngôn của Quốc vương Haji Hassanal Bolkiah, “chúng tôi cần người Mỹ quanh khu vực này.” Dưới khuôn khổ của một cuộc thảo luận sâu rộng, Quốc vương hoan nghênh các hoạt động hợp tác quân sự giữa Mỹ và Brunei, trong đó bao gồm diễn tập quân sự song phương (CARAT) hàng năm, các chuyến viếng thăm thường xuyên của tàu chiến Mỹ và việc chia sẻ thông tin tình báo mà hai bên đề nghị. Thái tử al-Muhtadee Billah làm chúng tôi ấn tượng vì đã có những bước tiến trong việc tăng cường vai trò của một người thừa kế ngôi vị quốc vương. Bộ trưởng Quốc phòng , Thiếu tướng Halbi và những quan chức quân sự cấp cao khác trình bày vắn tắt về tiến trình xây dựng các mục tiêu trong sách trắng Quốc phòng 2007, nhấn mạnh quan tâm của Brunei đối với việc mua các loại máy bay không người lái (UAVs). Ngoại trưởng Lim Jock Seng chia sẻ quan điểm chung của các nước ASEAN về việc không đạt được tiến triển trên những vấn đề khó trong đối thoại với Trung Quốc, trong đó bao gồm cả việc chia sẻ các nguồn tài nguyên tại Biển Đông. Hết tóm tắt.
Nhà vua “nhiệt tình tham gia”
2.Tư lệnh Bộ tư lệnh Thái Bình Dương, Đô đốc Timothy Keating đã viếng thăm Brunei từ ngày 8 tới ngày 9 tháng 4, gặp gỡ với Quốc vương Haji Hassanal Bolkiah, Thái tử al Muhtadi Billah, Bộ trưởng Quốc phòng Brunei, Thiếu tướng Halbi, các vị lãnh đạo thuộc các quân binh chủng và cả Ngoại trưởng Lim Jock Seng. Đô đốc Keating cũng viếng thăm Trụ sở Hải quân Hoàng gia Brunei tại Muara, ngồi trực thăng từ Bộ Quốc phòng để nghe báo cáo vắn tắt tình hình và quan sát Brunei từ trên không. Đô đốc cũng dành một cuộc phỏng vấn độc quyền cho báo Borneo Bulletin, mộtt tờ báo ra hằng ngày phổ biến nhất ở Brunei.
3.Đô đốc Keating mở đầu cuộc gặp với Quốc vương Brunei bằng việc nêu lên tầm quan trọng của việc Mỹ đẩy mạnh quan hệ hợp tác chống khủng bố chung, nhất là khi những kẻ cực đoan bạo lực đe dọa tới cả hai quốc gia. Đố đốc Keating cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của hiệp ước về chia sẻ tin tức tình báo giữa quân đội hai nước, điều mà ngài Quốc vương đã đáp lại rằng, việc chia sẻ tin tức tình báo là “rất quan trọng” đối với Brunei. Khi nói về vấn đề hợp tác an ninh sâu rộng của khu vực Đông Nam Á, Quốc vương nói với Đô đốc Keating rằng “chúng tôi cần có sự hiện diện của người Mỹ ở khu vực này.”
4.Quốc vương cũng hoan nghênh việc Mỹ cam kết duy trì tập trận và liên kết ở một mức độ phù hợp với Brunei. Ông cũng cho biết rằng, những cuộc tập trận, như cuộc tập trận CARAT (Cooperation Afloat Readiness And Training), “là rất có lợi đối với chúng tôi.” Đáp lại nhận xét của Đô đôc Keating về giá trị của việc cho phép các thủy thủ trẻ của Mỹ khám phá thế giới, đặc biệt là với một quốc gia nhỏ, hiện đại, thịnh vượng và trung lập với phần lớn người dân theo đạo Hồi, Quốc vương chỉ ra rằng các chuyên thăm của các tàu Hải quân Mỹ là “rất có ích đối với lớp trẻ của chúng tôi.” Quốc vương đặc biệt nhấn mạnh việc hợp tác quân sự Mỹ-Brunei là “rất tốt”.
5.Trong nội dung cuộc thảo luận, Quốc vương đã tham khảo ý kiến của Đô đốc Keating về tình hình Trung Quốc, bán đảo Triều Tiên và tiến trình hòa bình tại Trung Đông. Đô đốc trả lời rằng, những nỗ lực hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc cũng được coi là đáng quan ngại. Người Trung Quốc tuyên bố rằng họ chỉ muốn bảo vệ những gì thuộc về mình, theo Đô đốc thì điều này là xác đáng, tuy nhiên, việc phát triển các vũ khí tấn công của họ đe dọa đến các tàu thuyền của Mỹ, và “ làm cho chúng tôi thấy nghi ngờ về mục đích của họ (Trung Quốc).”
6.Về vấn đề Triều Tiên, Đô đốc cho biết ông khá lạc quan về triển vọng phi hạt nhân hóa của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên và sự ổn định của bán đảo này. Quốc vương cũng đồng ý rằng, mọi việc xem ra có vẻ “đang đi theo đúng hướng.”
7.Về tiến trình hòa bình Trung Đông, Đô đốc đánh giá cao việc Brunei xem xét tham gia vào Lực lượng Giữ gìn Hòa bình Lâm thời của LHQ (UNIFIL) tại Lebanon. Đô đốc cũng nói về những trải nghiệm của ông khi đóng quân tại Bahrain, qua đó khẳng định rằng, trong khi những người bạn Arab của chúng ta phê phán chính sách của Mỹ trong một số lĩnh vực, Đô đốc cũng tin tưởng rằng họ vẫn đánh giá cao những đóng góp của Mỹ đối với hòa bình trong khu vực.
8.Không khí trong cuộc hội đàm giữa Đô đốc Keating và Quốc vương là rất tuyệt vời. Sau buổi gặp mặt này, Tướng Halbi nhận xét rằng, Quốc vương chưa từng trao đổi với một quan chức quân sự nước ngoài tới thăm Brunei một cách nồng nhiệt đến vậy.
Thái tử tham gia.
9.Cuộc gặp gỡ của Đô đốc Keating với Thái tử Billah cũng bao gồm hầu hết các vấn đề mà ông đã bàn bạc với Quốc vương. Thái tử tham vấn Đô đốc về việc Trung Quốc hiện đại hóa trang bị vũ khí và các vấn đề tiềm tàng xung quanh Thế vận hội Olympics tại Bắc Kinh. Đô đốc Keating nhấn mạnh tầm quan trọng của một cách tiếp cận quốc tế và rộng mở nhằm đối phó với Trung Quốc cũng như sự cần thiết của việc cần khuyến khích Trung Quốc trở thành “một quốc gia có trách nhiệm”. Thái tử ủng hộ dự định duy trì hợp tác của Mỹ đối với cả khối ASEAN và hợp tác song phương với những quốc gia trong khu vực. Trong khi Thái tử lắng nghe nhiều hơn phát biểu thì ông cũng rất chú tâm, ông thường hỏi thêm những câu hỏi cho thấy ông đang vừa theo dõi vừa tư duy về những gì mà Đô đốc Keating đã trình bày. (Bình luận: đây là điểm tiến triển rõ rệt so với sự thể hiện của Thái tử Billah trước đây khi nghe trình bày từ người tiền nhiệm của Đô đốc Keating là Đô đốc Fallon tại Bộ chỉ huy Thái Bình Dương hồi năm 2006. Khi đó thái tử Billah đã chủ động né tránh các vấn đề thực sự và giới hạn bản thân bằng nhận xét “Chúng tôi mong muốn có quan hệ tốt đẹp với tất cả các quốc gia.”)
Tướng Halbi và Quân đội trình bày về chiến lược
10.Trong nhiều cuộc gặp với Đô đốc, tướng Halbi đánh giá cao các hoạt động tập trận quân sự song phương của Mỹ với Lực lượng Vũ trang Hoàng gia Brunei (RBAF). Các nhân viên của Halbi tóm tắt nội dung Sách trắng Quốc phòng năm 2007 của Brunei, trong đó tập trung vào kế hoạch mua sắm các máy bay không người lái (UAVs). Ông Halbi ủng hộ đề xuất trao đổi tình báo quân sự của chúng ta ngay sau khi tạm dừng những hoạt động của Mỹ, điều này khiến cho trưởng Cơ quan Tình báo Quân đội Brunei, Đại tá Ra’smi Malek có phần không hài lòng. (Ghi chú: Đại tá Ra’emi đã trì hoãn những hoạt động trao đổi tin tức tình báo quân sự dù PACOM đã sẵn sang hợp tác, chỉ tới khi ông ta nhận quyết định thuyên chuyển việc này mới được tiến hành.) Đô đốc Keating đề cập đến khả năng trao đổi và đào tạo phát triển chuyên nghiệp cho các sĩ quan nghĩa vụ nếu Brunei có quan tâm.
Ngoại trưởng: Đối thoại ASEAN-Trung Quốc dẫm chân tại chỗ.
11.Trong bữa trưa tại nhà riêng của Đại sứ, Ngoại trưởng II Lim Jock Seng và phần lớn các Trợ lý bộ trưởng đều nói sơ qua về đối thoại ASEAN-Trung Quốc. Brunei hiện nay đang là đối tác đối thoại với Trung Quốc của ASEAN. Ông Lim đánh giá rằng Trung Quốc có chiến lược ngoại giao công khai tinh vi hơn nhiều so với các nước ASEAN. Trung Quốc đã công khai đề xuất một lộ trình quan hệ hòa bình và hợp tác vì sự thịnh vượng chung. Tuy nhiên, Trung Quốc khôn khéo bỏ túi những lơi ích của việc mở cửa thương mại trong buôn bán hàng hóa với ASEAN trong khi cố tình trì hoãn các tiến trình liên quan đến đầu tư và dịch vụ trong hiệp định thương mại tự do. Cũng với những cách thức tương tự, Trung Quốc đã né tránh hiệu quả vấn đề Myanmar (Burma) bằng cách tuyên bố với ASEAN, “các bạn đi đầu và chúng tôi sẽ theo sau.”
12.Ngoại trưởng Lim nói rằng, ASEAn đang cố gắng khuyến khích Trung Quốc trở nên minh bạch hơn bằng cách thông báo trước về các hoạt động quân sự của mình. Đây là một phần của chiến lược lớn hơn nhưng bất thành nhằm xây dựng Bộ Quy tắc Ứng xử tại Biển Đông (COC) giữa ASEAN và Trung Quốc. Ngoại trưởng cho rằng, ASEAN đã đưa ra ý tưởng về việc cùng phát triển các nguồn tài nguyên ở Biển Đông. Tuy nhiên phản ứng của Trung Quốc là, “tại sao lại là của chúng ta, nó là của chúng tôi chứ.” Philippines và Malaysia đã không phản ứng gì về vấn đề phát triển nguồn tài nguyên ở Biển Đông, điều khiến cho Việt Nam trở thành nước đi đầu, và là trung tâm đối phó với Trung Quốc.
Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao và Thương mại Brunei (MFAT), ông Pengiran Dato Osman Patra nói rộng hơn về vấn đề Biển Đông và cho rằng, Trung Quốc biết các lập luận của mình thiếu căn cứ, nhưng vấn đề Biển Đông ẩn chứa nhiều nguy hiểm tiềm năng đối với bất cứ bên nào liên quan. Các quốc gia rất sốt sắng trong vấn đề quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Bất chấp điều này, ông Osman tin tưởng rằng vẫn có khẳ năng tiến hành các dự án chung với Trung Quốc, và đây là vấn đề mà Brunei đã đang xem xét. Ông Osman lưu ý rằng quân đội Trung Quốc có vẻ có tiếng nói ảnh hưởng lớn trong chính sách Biển Đông của Bắc Kinh, nhưng việc đối thoại giữa ASEAN và Trung Quốc về vấn đề này xem ra đã dễ chịu hơn nhiều so với lúc ban đầu.
13.Ngoại trưởng Lim muốn tham vấn Đô đốc Keating về vấn đề Bắc Triều Tiên. Đáp lại quan điểm lạc quan thận trọng của Đô đốc Keating, ông Lim cho rằng, Bắc Triều Tiên biết vấn đề hạt nhân là “Lá bài cuối cùng mà họ còn có được, do vậy họ sẽ sử dụng nó một cách hiệu quả nhất có thể.” Ngoại trưởng Lim và ông Osman chỉ ra việc người dân Triều Tiên bị gò ép tư tưởng nặng nề đang phá hỏng các bước tiến tích cực, cụ thể như chuyên thăm của Dàn nhạc Giao hưởng Philharmonia New York và việc thúc đẩy gia tăng các công ty Hàn Quốc ở khu công nghiệp Kaesong.
Bình luận
Ấn tượng về cuộc gặp với ngài Quốc vương cũng tương tự như những cuộc gặp với tướng Halbi: Chuyến thăm của Đô đốc Keating được đón tiếp một cách nồng hậu nhất mà chúng tôi đã từng chứng kiến hoặc được nghe đối với một quan chức quân sự cấp cao của nước ngoài. Người Brunei đánh giá cao và tận dụng tốt thời lượng gặp mặt hạn chế mà họ có với các quan chức cấp cao của Mỹ. Thái tử Billah, người thường bị Ngoại giao đoàn (và cả người Brunei, về mặt riêng tư) đánh giá thấp do không chú tâm trong các vấn đề chính trị đã làm chúng tôi ấn tượng vì sự thể hiện chủ động và nắm bắt hơn trong trao đổi. Điều này cho thấy vai trò ngày càng tăng của ông với vị trí là người thừa kế ngai vàng Brunei số một trong tương lai. Hết bình luận.
Nguỗn trích dẫn: Wikileaks
(Theo Nghiên Cứu Biển Đông)