TIN BIỂN ĐÔNG

HOÀNG SA - TRƯỜNG SA - VIỆT NAM

Mời hợp tác kinh doanh

Điểm nóng hạt nhân Iran: Không thể tránh khỏi chiến tranh?

Về lí thuyết, Mỹ trực tiếp tấn công Iran vẫn là phương thức trực tiếp và đơn giản nhất, thế nhưng tại sao hơn 30 năm nay Mỹ vẫn không sử dụng phương pháp này mà cứ để vấn đề Iran ngày càng trở nên phức tạp?

 

 

 

 

Trên thực tế, Iran đã trở thành chướng ngại lớn nhất và là mục tiêu loại bỏ đầu tiên của Mỹ trong chiến lược “Đại Trung Đông”. Thế nhưng, do vị trí địa lý quan trọng, đặc biệt là khả năng phong tỏa eo biển Hormuz và tiềm lực kinh tế, quân sự tương đối mạnh của Iran nên việc giải quyết vấn đề này bằng phương pháp nào vẫn làm Mỹ đau đầu. Về lí thuyết, Mỹ trực tiếp tấn công Iran vẫn là phương thức trực tiếp và đơn giản nhất, thế nhưng tại sao hơn 30 năm nay Mỹ vẫn không sử dụng phương pháp này mà cứ để vấn đề Iran ngày càng trở nên phức tạp?

 Trước hết, Mỹ hiểu rằng nếu sử dụng vũ lực, có thể sẽ dẫn đến các bất ổn chính trị nội bộ. Xét thực lực quân sự, cả về tiềm lực và vũ khí, trang bị Mỹ đều vượt Iran rất xa, có thể dùng bất cứ chiến thuật nào để đánh thắng Iran trong mọi thời điểm. Nhưng mấu chốt của vấn đề là tiềm lực quân sự của Iran cũng không quá thấp kém, chỉ có sử dụng lục quân mới bảo đảm giành được thắng lợi và kết thúc chiến tranh một cách thực sự. Thế nhưng, nếu sử dụng đến lực lượng lục quân, hậu quả thương vong sẽ rất lớn, áp lực của dư luận và dân chúng sẽ làm cho địa vị và uy tín các nhà lãnh đạo và chính đảng cầm quyền bị lung lay nghiêm trọng. Vì vậy, nếu có giành chiến thắng quân sự thì hậu quả chính trị cũng sẽ rất nặng nề, đây là điều mà giới chức lãnh đạo Mỹ biết rõ và không muốn thấy nó xảy ra.

Hơn nữa, nếu phát động chiến tranh sẽ dẫn đến các thảm họa khó lường về kinh tế. Iran trấn thủ eo biển Hormuz, án ngữ lối vào vịnh Ba Tư, nới có trữ lượng dầu và khí đốt lớn nhất thế giới. Nếu bị tấn công, tuy không có khả năng đánh thắng Mỹ nhưng Iran sẽ dùng mọi biện pháp như: dùng tên lửa tấn công tàu bè, rải thủy lôi, đánh đắm các tàu lớn tại eo biển này để phong tỏa con đường vận chuyển hơn 40% lượng dầu mỏ trên thế giới. Khi đó, không những các quốc gia vốn sống dựa dẫm vào nguồn dầu thô ở vịnh Ba Tư bị cắt cổ mà kinh tế thế giới cũng bị ảnh hưởng trầm trọng, rất dễ dẫn đến một chu kỳ suy thoái kéo dài. Mà Mỹ thì không đủ tự tin là có thể bảo đảm sự thông suốt của eo biển này trong cuộc chiến khốc liệt ở Trung Đông.

Ngoài ra, cộng đồng người Mỹ gốc Iran định cư lâu dài ở Mỹ không hài lòng về hiện trạng của Iran và không tán thành việc Washington sử dụng vũ lực với Tehran, mà trong số đó không ít người có ảnh hưởng rất lớn đối với chính trường Mỹ. Chiến tranh sẽ gây ra các hậu quả khốc liệt đối với con người, điều kiện tự nhiên và nền văn minh của Iran, đây là điều không thể dùng tiền mà bù đắp được. Nếu Mỹ tấn công các cơ sở nhân ở Iran sẽ gây ra ô nhiễm phóng xạ, ảnh hường rất lớn đến gia đình và người thân của họ ở Iran. Vì vậy, một số người Mỹ gốc Iran mà tiếng nói có ảnh hưởng nhất định đến các nhà hoạch định chính sách chiến lược sẽ hết sức ngăn cản Mỹ sử dụng vũ lực với Iran.

Bản thân Mỹ cũng hiểu rằng, gây chiến với 1 đất nước hơn 70 triệu dân là không hề dễ dàng. Tuy Mỹ có thể giành được thắng lợi tạm thời nhưng khó mà bù đắp được những tổn thất do chiến tranh gây ra, ở điểm này rõ ràng Mỹ đã có trải nghiệm cay đắng trong cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan.

 Israel không được đơn phương tấn công Iran

Với những nguyên nhân trên, lâu nay Mỹ luôn kỳ vọng thông qua áp lực chính trị và cấm vận kinh tế để thúc đẩy sự xuất hiện các phe phái đối lập có thực lực lớn ở Iran, gây ra nội loạn, thậm chí là nội chiến càng tốt để đạt được mục đích “bất chiến tự nhiên thành”. Từ sau chiến tranh vùng Vịnh, Washington luôn tìm cách bao vây, cô lập Iran trên tầm chiến lược, lôi kéo các nước Ả rập về dưới ngọn cờ của mình, thông qua cuộc chiến Afghanistan để tăng cường hiện diện quân sự ở Trung Đông. Đến nay, về cơ bản là Iran đã nằm trong vòng vây chiến lược của Mỹ. Thế nhưng, tuy kinh tế trong nước gặp một số khó khăn, lạm phát cao và tiền tệ mất giá nhưng bộ máy cầm quyền của Iran vẫn còn vững chắc, lòng tin của nhân dân vẫn hướng về lãnh tụ tinh thần tối cao, các phe phái phản đối trong nước tuy đã nhen nhóm hoạt động nhưng thực lực yếu kém, không có khả năng lật đổ chính quyền. Vì vậy, giải quyết được Tehran vẫn còn là một bài toán hóc búa đối với Washington.

Thế nhưng, hiện Iran đang ở trong giai đoạn “leo dốc”, nếu để họ lên đến đỉnh tức là đã phát triển được vũ khí hạt nhân và xây dựng tiềm lực quốc phòng vững mạnh Mỹ và Israel sẽ không làm gì được nên Mỹ hiểu rằng, cục diện dằng co này chỉ có lợi cho Iran, họ không bao giờ để cho một Triều Tiên thứ 2 xuất hiện. Trong giai đoạn này, trước sau Mỹ cũng động thủ với Iran, nhưng “chú Sam” cũng không hề vội vã vì Mỹ biết chắc là còn rất lâu Iran mới phát triển được vũ khí hạt nhân.

Hiện nay, không dưới 3 lần Israel tuyên bố sẽ tập kích các cơ sở hạt nhân của Iran nhưng họ mới chỉ nói mà chưa làm. Bởi vì, hơn 60 năm qua, Israel không hóa giải được mẫu thuẫn với thế giới Ả rập, một khi Mỹ hoặc Israel đơn phương tấn công Iran, Tehran sẽ làm mọi điều có thể để lôi kéo Tel Avip vào cuộc, hình thành cục diện chiến tranh khu vực giữa các nước đạo Hồi với phương Tây và đồng minh, giảm nhẹ gánh nặng cho Iran. Đây cũng là nguyên nhân quan trọng khiến Mỹ năm lần, bảy lượt ngăn cản Israel, nếu không Tel Avip đã ra tay lâu rồi. Có thể nói, nếu không được sự chấp thuận sử dụng vũ lực của Mỹ, việc Israel đơn phương tấn công Iran là điều không thể xảy ra.

Kiên nhẫn chờ đợi cơ hội

Với vị trí địa – chiến lược quan trọng và các nhân tố ảnh hưởng khác, Mỹ không thể khinh suất hành động nếu không nắm được thời cơ. Thời cơ ở đây chính là sự thử thách lòng kiên nhẫn của Iran. Một mặt, Mỹ vẫn tiếp tục gây áp lực chính trị núp dưới chiêu bài của cộng đồng quốc tế và cấm vận kinh tế; mặt khác Mỹ sẽ chỉ ngăn Israel đánh Iran chứ không ngăn cản Israel khiêu khích. Một khi chọc giận được Tehran, với lập trường cứng rắn và tư tưởng quá khích, Iran sẽ phạm những sai lầm kiểu như cấm xuất khẩu dầu mỏ, leo thang chiến tranh, đóng cửa eo biển Hormuz, thậm chí là tấn công Israel trước. Như vậy, họ sẽ làm mất đi thiện cảm và sự ủng hộ của các quốc gia trong khu vực, làm cho cuộc tấn công của Mỹ có tính chất “đạo nghĩa” hơn. Khi đó, Mỹ mới ra tay và không còn sự ủng hộ của các nước trong khu vực, Iran khó tránh khỏi thất bại.

Vì vậy, có thể khẳng định là tuy cục diện khủng hoảng hạt nhân Iran đang bước vào giai đoạn nguy hiểm nhất nhưng rõ ràng là Mỹ và phương Tây vẫn đang chờ đợi cơ hội cho một cuộc chiến không thể tránh khỏi nhằm vào Iran, bóng mây chiến tranh đã xuất hiện nhưng nó chưa bao phủ hoàn toàn khu vực Trung Đông./.

Nguyễn Ngọc
Theo ĐVO

Luật Biển Việt Nam
Tinbiendong.com trân trọng giới thiệu toàn văn Luật Biển Việt Nam đã được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 21-06-2012 và Chủ tịch nước ký lệnh công bố ngày 02-07-2012. Luật Biển Việt Nam gồm 07 chương 55 điều, có  hiệu lực thi hành từ ngày 01-01-2013.
Mời hợp tác kinh doanh
Copyright ©  2012  Tin Bien Dong . All rights reserved.
Trang tin đang trong quá trình chạy thử nghiệm và  chờ xin phép Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép hoạt động.
Mạng thông tin điểm tin, sưu tầm, lưu trữ thông tin Biển Đông và thế giới
Điện thoại:04.3972 4800 - Fax:04.3972 4801 - Mobile: 0127 399 6475 // 098 300 6168 ( Mr. Mạnh Toàn ) -  Email Tin kinh te