Iran từng là đồng minh chiến lược quan trọng của Mỹ ở Trung Đông, thậm chí còn đóng vai trò là người bảo vệ lợi ích của Mỹ ở khu vực này, nhưng cuộc “Cách mạng Hồi giáo” đã phá vỡ tất cả.
Chỉ sau một đêm Tehran đã trở thành kẻ thù lớn nhất và nguy hiểm nhất của Mỹ ở Trung Đông. Hơn 30 năm nay, mối quan hệ đối địch này đã trở thành căn nguyên của những vấn đề phát sinh giữa hai bên. Bất kể là Mỹ liệt Iran vào dạng gì, từ “Quốc gia hiếu chiến” đến “Trục ma quỷ” hay là “Quốc gia tài trợ chủ nghĩa khủng bố”… cũng đều liên quan đến mối quan hệ thù địch này, vấn đề hạt nhân của Iran cũng không phải là ngoại lệ.
Chiến tranh Afghanistan và Iraq kết thúc, Iran trở thành địch thủ lớn nhất và duy nhất của Mỹ ở Trung Đông. Sau khi cuộc cách mạng “Mùa xuân Ả rập” nổ ra năm 2010, Iran trở thành cái gai trong mắt của Mỹ, làm cho Washington càng ngày càng khó chịu. Mỹ không ngừng gia tăng áp lực toàn diện trên các lĩnh vực chính trị, quân sự, kinh tế và ngoại giao đối với Iran dẫn đến quan hệ song phương căng thẳng đến cực điểm. Tuy vậy, việc Mỹ gây sức ép với Iran về vấn đề hạt nhân còn xuất phát từ ý đồ chiến lược lớn hơn.
Địa – chính trị: Ý nghĩa quan trọng đối với chiến lược quốc gia.
Yếu tố địa – chính trị chiếm vị trí cực kỳ quan trọng trong tư duy chiến lược quốc tế của Mỹ. Không phải ngẫu nhiên mà một số nhà hoạch định chiến lược nổi tiếng của Mỹ như: Kissinger, Brzezinski đều là những người tôn sùng lí luận địa – chính trị, việc Mỹ luôn làm khó dễ cho Iran cũng xuất phát chủ yếu từ yếu tố địa – chính trị chiến lược của Tehran.
Iran nằm ở giữa hai nguồn năng lượng lớn nhất thế giới là vịnh Ba Tư và biển Caspian, án ngữ eo biển Hormuz, có vị trí địa lý rất quan trọng, là trọng điểm tranh chấp từ cổ chí kim. Eo biển Hormuz là yết hầu vận chuyển năng lượng của thế giới, hàng năm hơn 40% lượng dầu thô trên thế giới phải vận chuyển thông qua đây. Giai đoạn trước đây Iran đã từng đe dọa, nếu xuất khẩu dầu thô bị cấm vận, Tehran sẽ phong tỏa eo biển này.
Ngay lập tức nó đã vấp phải phản ứng mạnh mẽ từ phía Mỹ với tuyên bố: “vấn đề này đã động chạm đến huyết mạch của Mỹ”. Nằm chắn giữa Iraq và Afghanistan, chỉ nội một điều này đã chứng tỏ tầm quan trọng của vị trí địa lý chiến lược của Iran. “Mùa xuân Ả rập” đã giúp Mỹ “thuần hóa” được hầu hết các quốc gia Trung Đông, chỉ còn hai đối thủ mạnh và cứng đầu là Iran và Syria, nếu Washington hạ gục được Tehran thì sẽ nối liền dải đất rộng lớn bao gồm Iran, Iraq và Afghanistan, dễ dàng kiểm soát khu vực Trung Đông, tiến tới ngăn chặn Nga trên tầm chiến lược, giành ưu thế tuyệt đối trong tranh chấp ảnh hưởng tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Nguồn tài nguyên dầu mỏ và lợi ích kinh tế
Mỹ là nước tiêu thụ năng lượng lớn nhất thế giới, các tập đoàn sản xuất trong nước đều yêu cầu chính phủ Mỹ không ngừng mở rộng ra nước ngoài để đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày một cao. Iran là nước xuất khẩu dầu mỏ đứng thứ 5 thế giới, hiện mỗi ngày họ khai thác được 35 triệu thùng dầu thô. Năm 2010, bình quân mỗi ngày họ xuất khẩu 20,87 triệu thùng, chiếm 9% tổng lượng xuất khẩu của các nước thành viên OPEC, và 5% tổng lượng xuất khẩu dầu thô trên toàn thế giới, chỉ xếp sau Nga và Saudi Arabia, đây là điều từ lâu Mỹ thèm muốn.
Sau khi ông Obama đắc cử, tuy Mỹ đã đẩy mạnh khai thác dầu mỏ ở vùng biển thềm lục địa nước mình, công nghệ khai thác khí đá phiến cũng đạt được bước phát triển đột phá làm giảm bớt sự phụ thuộc của công nghiệp Mỹ vào năng lượng nước ngoài nhưng sự thèm khát nguồn năng lượng nhập khẩu và chiếm hữu của nước ngoài vẫn không hề giảm đi. Hiện nay, giá cả thị trường năng lượng không ngừng leo thang, khiến người dân Mỹ rất không hài lòng. Vì vậy, kiểm soát được nguồn tài nghuyên dầu mỏ dồi dào ở khu vực Trung Đông không chỉ có giá trị quan trọng trong phục hồi nền kinh tế mà còn hóa giải có hiệu quả những áp lực chính trị trong nước.
Xung đột hai nền văn minh
Mỹ sử dụng chính sách ngoại giao thù địch với Iran, còn xuất phát từ sự xung đột về văn minh. Từ trước đến nay, Mỹ thường vỗ ngực tự xưng là “ngọn hải đăng của nền dân chủ thế giới”, truyền bá rộng rãi lý luận về giá trị và chế độ dân chủ kiểu Mỹ. Mà Iran lại dựa vào chủ nghĩa Hồi giáo và chủ nghĩa dân tộc quá khích để dựng lên Nhà nước thần quyền kiểu “Chính quyền – Tôn giáo hợp nhất”. Giữa 2 nước tồn tại sự khác biết rất lớn về văn hóa, khó có thể tìm được những nhận thức chung, điều này hoàn toàn phù hợp với quan điểm về “xung đột văn minh” của Samuel Huntington.
Chủ nghĩa Hồi giáo chính thống tìm cách thiết lập một Nhà nước Hồi giáo “Chính – Giáo hợp nhất”, thông qua thực hiện giáo luật của đạo Hồi để áp đặt ý chí của giáo chủ. Về vấn đề sinh hoạt xã hội, họ phản đối hiện đại hóa và thế tục hóa, chủ trương giáo dục theo kiểu Hồi giáo. Còn Mỹ là đất nước “thế tục hóa” theo tín ngưỡng Cơ đốc giáo, coi trọng tự do, dân chủ và “Chính – Giáo riêng rẽ”. Hai nền tôn giáo hoàn toàn khác biệt tất yếu sẽ dẫn đến hệ quả “xung đột văn minh” giữa hai nước. Xem xét riêng rẽ giáo lý của Hồi giáo và Cơ đốc giáo, xung đột cũng có thể phát sinh tương tự như nhau.
Cả 2 hệ phái tôn giáo lớn này đều thuộc hệ nhất thần giáo, có nhiều điểm khác biệt so với đa thần giáo, họ không dễ dàng tiếp nhận thần của tôn giáo khác. Họ đều tuân theo thuyết nhị nguyên, dùng cặp mắt “không phải anh cũng không phải tôi” để nhìn ra thế giới, đều tự coi mình là tôn giáo phổ biến toàn cầu, là loại tín ngưỡng chân chính duy nhất mà nhân loại nên theo đuổi. Mỹ và Iran là hai quốc gia lớn, đại biểu cho 2 tôn giáo lớn nhất thế giới. Mỹ theo đuổi chính sách “kế hoạch cải tạo dân chủ Đại Trung Đông” nên đã va chạm quyết liệt với Iran tôn sùng đức tin “Chủ nghĩa Hồi giáo chính thống” sẽ thống trị khu vực Trung Đông. Xung đột về hình thái nhận thức đã khiến cho mâu thuẫn giữa Mỹ và Iran ngày càng sâu sắc đến tầm không thể điều hòa được.