Một đập thủy điện của Trung Quốc ở thượng nguồn sông Mekong. Ảnh yunanadventure.com |
Cạnh tranh toàn cầu các nguồn tài nguyên đã trở thành một phần của trò chơi địa chính trị. Vai trò kích động của dầu mỏ thường được nhắc tới trong các cuộc xung đột, tuy nhiên nước ngọt cũng là một yếu tố nhạy cảm, đủ sức đe dọa mối quan hệ hữu hảo giữa những nước láng giềng.
Tranh chấp nguồn tài nguyên nước của các con sông chảy qua nhiều quốc gia là hiện tượng khá phổ biến. Chẳng hạn, vấn đề này gây căng thẳng kéo dài ở khu vực Trung Á. Trên thực tế, ở đây hình thành hai nhóm đối kháng: một bên là Kyrgyzstan và Tajikistan, bên kia gồm Kazakhstan, Uzbekistan và Turkmenistan.
Kyrgyzstan và Tajikistan sở hữu thượng nguồn các con sông Trung Á và rất quan tâm phát triển ngành thủy điện. Nhóm các quốc gia thứ hai, nhất là Uzbekistan, kỳ vọng vào khối lượng lớn nước đảm bảo phục vụ nông nghiệp. Kết quả là quan hệ giữa Uzbekistan và Tajikistan trở nên căng thẳng. Những khúc mắc tương tự cũng tồn tại giữa Ấn Độ và Pakistan cũng như giữa Nga, Kazakhstan và Trung Quốc (vấn đề Chiornyi Irtysh).
Tài nguyên nước của Mekong không được nhắc đến nhiều, nhưng lại là vấn đề nan giải và có nguy cơ leo thang thành xung đột nghiêm trọng giữa Trung Quốc và một số nước Đông Nam Á.
Sông Mekong với tổng chiều dài 4.350 km, bắt nguồn từ cao nguyên Tây Tạng, Trung Quốc. Mekong chảy qua Khu tự trị Tây Tạng và tỉnh Vân Nam, rồi dẫn dòng qua Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam.
Trên sông Lan Thương (tên tiếng Hoa của thượng nguồn sông Mekong) Trung Quốc đã có hai nhà máy thủy điện đang hoạt động. Vào đầu tháng 9/2012, nhà máy thủy điện thứ ba là Nọa Trác Độ ở tỉnh Vân Nam bắt đầu hoạt động. Tập đoàn Hoa Năng đã cho vận hành tổ máy phát điện đầu tiên có công suất 650MW. Đây là tổ máy thứ nhất trong số 9 máy phát dự trù lắp đặt tại đập thủy điện Nọa Trác Độ khi hoàn tất vào năm 2014. Theo kế hoạch, khi chạy đủ công suất, con đập này sẽ sản xuất khoảng 24.000GW mỗi năm.
Đập Nọa Trác Độ cao nhất châu Á (261,5 m) và có hồ chứa với dung lượng 21.749 ngàn mét khối. Nó được xây dựng ở độ cao 812 m so với mực nước biển.
Ở Trung Quốc không hiếm các dự án đầy tham vọng và qui mô như Nọa Trác Độ, đi kèm việc nắn dòng chảy, tái định cư hàng ngàn hộ dân, xóa sổ địa danh và thay đổi cảnh quan có từ hàng ngàn năm. Chính phủ Trung Quốc cho rằng tất cả sẽ được bù đắp bởi lợi ích kinh tế: điện giá rẻ, cơ hội ngăn chặn lũ lụt, kiểm soát dòng nước. Vì thế những bất bình của người dân địa phương và sự phê phán từ phía giới bảo vệ môi trường không thành vấn đề.
Nhưng đối với sông Mekong tình hình lại khác. Sự phản đối không xuất hiện từ phía người dân mà từ các quốc gia láng giềng. Cơ sở lo ngại là những nhà máy thủy điện của Trung Quốc trên sông Mekong (với tổng số dự kiến là 5 nhà máy thủy điện) sẽ gây nên những thay đổi nhanh chóng về mực nước hoặc tác động tiêu cực tới dòng chảy ở 4 quốc gia hạ nguồn.
Sự lo ngại đã được thể hiện ở các cấp cao nhất. Phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh APEC ở Vladivostok, Chủ tịch Việt Nam Trương Tấn Sang nhấn mạnh: "Việc quản lý và sử dụng nguồn tài nguyên nước sông Mekong trở thành một vấn đề cấp bách, tác động trực tiếp và tiêu cực tới vựa lúa lớn nhất của Việt Nam".
Căng thẳng trên sông Mekong làm sâu sắc thêm những vấn đề vốn đã nổi cộm giữa Trung Quốc và các nước láng giềng./.
Theo VOR, ĐVO