Nhân quyền, tự do, dân chủ, bình đẳng... những giá trị phổ quát này của loài người vốn không có nguồn gốc tại phương Đông và du nhập Trung Quốc khá muộn, hơn nữa lại đến từ phương Tây, tức là từ kẻ xâm lược bị người Trung Quốc căm ghét. Bản thân những từ thể hiện các giá trị ấy cũng không có trong kho từ vựng Hán ngữ mà do các nhà khai sáng Nhật sáng tạo vào cuối thế kỷ XIX khi họ dịch tác phẩm của những nhà khai sáng phương Tây viết bằng tiếng Hà Lan, Anh, Pháp, Đức ra ngôn ngữ Hán-Nhật.
Bởi vậy các giá trị tiên tiến ấy không dễ được đông đảo người Trung Quốc tiếp nhận; việc thực hiện lại càng khó. Cho tới nay mặc dù nước này đã trải qua những biến đổi long trời lở đất nhưng khái niệm nhân quyền vẫn còn bị phổ biến coi là “nhạy cảm”, chưa phải là “quyền sinh ra đã có” của tất cả mọi người; nhà nước cho phép hưởng đến đâu thì được đến đó, ai yêu cầu cao hơn sẽ bị coi là đối lập với chính phủ. Phương Tây và các nhà bất đồng chính kiến Trung Quốc vẫn cho rằng nước này có tình trạng thiếu nhân quyền. Phương Tây luôn giương lá cờ nhân quyền cao hơn chủ quyền để phê phán chế độ chính trị của Trung Quốc. Nhưng đây cũng là một ngoại lực làm cho nhận thức về nhân quyền của Trung Quốc thay đổi rất nhiều.
Lịch sử nhận thức nhân quyền ở Trung Quốc có thể chia làm hai giai đoạn lớn.
I. Giai đoạn trước ngày thành lập nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa
Khái niệm nhân quyền lần đầu tiên được giới thiệu vào Trung Quốc qua tác phẩm Đại Đồng Thư của Khang Hữu Vi xuất bản năm 1902. Nói chung các nhà trí thức Trung Quốc đều nhiệt liệt tán thành tư tưởng nhân quyền của phương Tây, kể cả Lý Đại Chiêu, Trần Độc Tú (sau này năm 1921 sáng lập Đảng Cộng sản Trung Quốc và là Tổng Bí thư). Họ sử dụng nhân quyền như một khẩu hiệu đấu tranh chống sự thống trị chuyên chế của chính quyền Quốc Dân Đảng Tưởng Giới Thạch. Để đáp lại đòi hỏi của giới trí thức, năm 1930 chính phủ Quốc Dân ban hành Lệnh Bảo đảm nhân quyền. Tuy vậy để đối phó với phong trào đấu tranh đòi dân chủ của nhân dân do Đảng CSTQ lãnh đạo, chính phủ Tưởng Giới Thạch trên thực tế vẫn tiếp tục sự cai trị độc tài chuyên chế, hạn chế quyền tự do dân chủ của nhân dân.
Tư tưởng nhân quyền cũng không thấy xuất hiện trong các văn kiện của Đảng CSTQ, tuy rằng Đảng ủng hộ các nhân sĩ dân chủ đấu tranh chống chính phủ Quốc Dân Đảng vi phạm nhân quyền. Đảng CSTQ không coi việc giành nhân quyền và dân chủ trừu tượng là mục tiêu cuộc đấu tranh cách mạng của mình. Các tác phẩm của Mao Trạch Đông không có câu nào viết về nhân quyền, mà chỉ có những cách đề cập đến khái niệm tương tự nhân quyền.
II. Giai đoạn sau ngày thành lập nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa
Trong thời kỳ Kháng chiến chống Nhật, để giải đáp nỗi nghi ngờ (của giới nhân sĩ dân chủ trong vùng Quốc Dân Đảng kiểm soát) về việc Đảng CSTQ sẽ học Liên Xô thực thi chuyên chính vô sản và chế độ một đảng lãnh đạo, trong tác phẩm Bàn về chính phủ liên hợp, Mao Trạch Đông nói rõ chuyện đó chỉ xảy ra ở giai đoạn chủ nghĩa xã hội, còn ở giai đoạn Tân dân chủ thì nhiệm vụ của Đảng CSTQ là để nhân dân “giành được quyền lợi tự do đầy đủ”. Tuy nhiên khái niệm nhân dân ở đây là gì thì Mao chưa nói rõ.
Không lâu trước ngày cách mạng thắng lợi, Mao Trạch Đông viết bài Bàn về chuyên chính dân chủ nhân dân, giải thích chuyên chính dân chủ nhân dân là sự kết hợp “mặt dân chủ đối với nội bộ nhân dân và mặt chuyên chính đối với bọn phản động”. Như vậy khái niệm nhân dân đã được nói rõ là đại bộ phận công dân đối lập với một thiểu số “bọn phản động”; quyền lợi và địa vị của hai bộ phận này quyết định bởi địa vị giai cấp của họ.
Tuy vậy trong thời gian từ năm 1949 tới nay, quan điểm nhân quyền của Đảng và Chính phủ Trung Quốc đã có sự thay đổi rõ rệt, chia ra làm 5 thời kỳ.
1. Thời kỳ 1949-1978
Đây là thời kỳ nhà nước và giới lý luận Trung Quốc hoàn toàn phủ định nhân quyền. Hệ tư tưởng Trung Quốc thời ấy cho rằng: - Trên thế giới không tồn tại bất cứ khái niệm nhân quyền siêu giai cấp nào, bởi lẽ mọi lợi ích hiện thực đều có tính giai cấp, cho nên bất cứ quyền lợi nào phản ánh lợi ích ấy đều có tính giai cấp. - Nhân quyền là thứ giai cấp tư sản dùng làm công cụ lừa bịp nhân dân, tô son trát phấn cho bộ máy cai trị của họ.Đầu thế kỷ XXI, khái niệm nhân quyền bắt đầu đi vào hệ thống từ ngữ của Đảng và Nhà nước Trung Quốc mà không bị tránh né như trước. Năm 2004, lần đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc, vấn đề bảo đảm nhân quyền được đưa vào Hiến pháp.
Không những các nhà lãnh đạo không bao giờ nói đến vấn đề nhân quyền mà tất cả các văn bản pháp luật, kể cả Hiến pháp Trung Quốc đều không có bất kỳ thể hiện nào về nhân quyền. Từ nhân quyền không xuất hiện trong mọi ấn phẩm, trừ các sách lịch sử. Trên thực tế, các quyền tự do cơ bản của nhân dân lao động đều ít nhiều bị hạn chế, nhất là tự do ngôn luận, tự do lập hội, đảng. Những người không thuộc giai cấp công nông càng bị hạn chế hơn. Người thành phần trí thức cũ, tư sản, người thuộc phái hữu thì bị tước bỏ mọi quyền tự do, thậm chí bị ngược đãi. Trong Cách mạng Văn hóa, những người bị chụp mũ “phái phản động” - trong đó có rất nhiều công dân chân chính, nhà cách mạng - bị Hồng Vệ Binh đánh đập, tra tấn, xử tù xử tử vô cùng dã man không theo bất cứ luật pháp nào.
Tuy vậy trên mặt trận ngoại giao, chính phủ Trung Quốc vẫn tuyên bố ủng hộ cuộc đấu tranh giành nhân quyền của nhân dân các nước trên thế giới.
2. Thời kỳ 1978-1985
Bằng việc đề xuất Thực tiễn là tiêu chuẩn duy nhất kiểm nghiệm chân lý, Hội nghị lần 3 toàn thể Trung ương Đảng CSTQ khóa XI cuối năm 1978 đánh dấu Trung Quốc tiến sang thời đại giải phóng tư tưởng. Xã hội được mở cửa với nước ngoài, với phương Tây, nhờ thế tư tưởng nhân quyền du nhập phổ biến vào Trung Quốc, tạo ra sức ép dư luận. Từ đó trong xã hội bắt đầu có người cổ súy tư tưởng nhân quyền, và nhìn chung dân chúng bắt đầu được biết về quan điểm của phương Tây đối với vấn đề nhân quyền ở Trung Quốc. Giới trí thức bắt đầu tiến hành nghiên cứu độc lập về vấn đề nhân quyền, trước hết trong lĩnh vực pháp luật, hiến pháp.
Việc nghiên cứu này có đặc điểm là giới thiệu một cách có phê phán quan điểm nhân quyền và lịch sử phát triển nhân quyền của phương Tây nhưng không thừa nhận Trung Quốc có vấn đề nhân quyền, không cho rằng Trung Quốc nên tiếp thu quan điểm nhân quyền của phương Tây, ngược lại còn chứng minh về lý luận tại sao Trung Quốc cách ly với lý luận nhân quyền. Trên nguyên tắc, giới học thuật về cơ bản nhất trí với quan điểm của nhà nước, vẫn cho rằng trong xã hội có giai cấp thì việc bàn vấn đề nhân quyền là không hiện thực.
Giới học thuật Trung Quốc thời kỳ này cho rằng:
1- Nhân quyền là khẩu hiệu của giai cấp tư sản trong cuộc đấu tranh chống chế độ phong kiến; sau cách mạng tư sản, nhân dân chỉ giành được “nhân quyền trên giấy”; hơn nữa, sau khi đã củng cố chính quyền của mình, giai cấp tư sản còn tước đoạt mọi quyền lợi của nhân dân, xâm phạm nhân quyền cơ bản của họ, bởi vậy nhân quyền không có ý nghĩa gì đối với nhân dân; Một mặt nhà nước Trung Quốc thừa nhận tính quan trọng của nhân quyền cá nhân, mặt khác cho rằng việc bảo vệ nhân quyền cá nhân phải tùy theo năng lực thực tế của nhà nước, bởi lẽ nếu dốc toàn lực vào việc nâng cao trình độ bảo vệ nhân quyền cá nhân cho bằng với tiêu chuẩn của các nước phát triển thì Trung Quốc sẽ phải bỏ mất nhiều cơ hội phát triển kinh tế, xét về lâu dài là bất lợi cho việc nâng cao trình độ bảo vệ nhân quyền.
2- Các quy định bảo vệ quyền tư hữu tài sản trong hiến pháp và pháp luật của nhà nước tư sản nhằm bảo vệ cơ sở kinh tế của nhà nước tư sản, tức bảo vệ sự thống trị của giai cấp tư sản;
3- Cho dù nhân quyền ở phương Tây có sự phát triển, tiến bộ nhưng nó chỉ thực hiện trong phạm vi luật pháp của giai cấp tư sản, cho nên không có sự thay đổi về bản chất, vẫn là sự phản ánh ý chí của giai cấp thống trị, là công cụ duy trì và củng cố trật tự xã hội của giai cấp tư sản;
4- Trong quan hệ quốc tế, phương Tây mượn nhân quyền để can thiệp nội trị ở các nước khác;
5- Quy luật lịch sử là chủ nghĩa tư bản sẽ bị thay thế bằng chủ nghĩa xã hội, vì thế khái niệm nhân quyền của giai cấp tư sản sẽ phải nhường chỗ cho khái niệm các quyền lợi cơ bản của công dân các nước xã hội chủ nghĩa.
Từ các luận điểm trên, giới học thuật Trung Quốc rút ra kết luận nhân quyền của giai cấp tư sản không có gì đáng để hâm mộ và theo đuổi mà ngược lại cần được vạch trần và phê phán.
Quan điểm phủ định nhân quyền nói trên một lần nữa cho thấy công tác nghiên cứu học thuật ở Trung Quốc trong thời kỳ này vẫn lạc hậu so với nhu cầu thực tế của xã hội. Tình trạng lý luận tụt sau hiện thực ấy là một bi kịch, vì nó có nghĩa là xã hội Trung Quốc bị tước mất động lực phát triển. Dẫu sao việc giới thiệu tư tưởng nhân quyền (mặc dù có kèm phê phán) một cách rộng rãi vào xã hội Trung Quốc, vẫn là hữu ích; trên thực tế nó đã chuẩn bị cho bước phát triển trong thời kỳ tiếp theo.
3. Thời kỳ 1985-1991
Trong giai đoạn này, dưới ảnh hưởng của sự truyền bá mạnh mẽ tư tưởng nhân quyền và do chịu sức ép của phương Tây yêu cầu Trung Quốc cải thiện nhân quyền, Đảng và Nhà nước bắt đầu chủ trương nên nghiên cứu vấn đề nhân quyền. Đặng Tiểu Bình là nhà lãnh đạo cấp cao đầu tiên công khai đồng ý việc đề cập vấn đề này. Ngày 6/6/1985, ông nói với các vị khách Đài Loan trong đoàn chủ tịch cuộc hội thảo “Đại lục và Đài Loan”: “Thế nào là nhân quyền? Điều đầu tiên là nhân quyền của bao nhiêu người? Là nhân quyền của thiểu số hay nhân quyền của đa số? hay nhân quyền của nhân dân toàn quốc? Về bản chất, cái gọi là ‘nhân quyền’ của phương Tây và nhân quyền chúng tôi nói là hai chuyện (khác nhau).”
Ở đây ông Đặng phân biệt nhân quyền của phương Tây với nhân quyền của Trung Quốc, chứ không phân biệt nhân quyền của giai cấp tư sản với quyền lợi cơ bản của công dân nước xã hội chủ nghĩa như cách thể hiện từ ngữ trước kia Trung Quốc hay dùng. Đây là một thay đổi rất đáng chú ý. Mặt khác ông gián tiếp tỏ ý thừa nhận Trung Quốc có vấn đề về nhân quyền. Giới học thuật nước này lập tức nhân dịp đó đặt vấn đề thảo luận tại sao trước đây dùng từ quyền lợi công dân mà không dùng từ nhân quyền. Tuy họ vẫn cho rằng Trung Quốc có lý do hợp lý để dùng từ như vậy, nhưng dù sao cuộc thảo luận này đã vượt ra ngoài phạm vi bình luận câu nói của Đặng, mở đầu cho đợt tranh luận rộng rãi hơn xung quanh vấn đề tồn tại về nhân quyền ở Trung Quốc.
Một số học giả có trách nhiệm đã đứng ra kêu gọi nghiên cứu quan điểm nhân quyền của Mác và giới thiệu quan điểm nhân quyền của phương Tây, nhưng ngay lập tức họ bị thế lực lý luận truyền thống kết tội là “phần tử tự do hóa tư sản”; cố gắng của họ bị ngăn chặn. Thí dụ Báo cáo tại Hội nghị lần 4 của Ủy ban thường vụ Quốc hội khóa VII hồi tháng 4/1991 có viết: “Mấy năm gần đây, một số cực ít người kiên trì tự do hóa của giai cấp tư sản ra sức đòi xóa bỏ chế độ Đại hội đại biểu nhân dân (tức quốc hội) của nước ta, tuyên truyền ‘dân chủ’, ‘tự do’, ‘nhân quyền’ và ‘tam quyền phân lập’ của giai cấp tư sản, cố súy đi theo con đường nghị viện phương Tây, nhằm mục đích phủ định dân chủ nhân dân và chế độ hội nghị đại biểu nhân dân... ngông cuồng đòi thay chế độ XHCN thành chế độ tư bản.”
Nhưng chỉ sau đó ít lâu, thái độ đối với nhân quyền của Đảng và Chính phủ Trung Quốc đã có biến đổi chưa từng thấy.
4. Thời kỳ 1991-1998
Từ nửa cuối năm 1991, Chính phủ Trung Quốc bắt đầu công bố Sách Trắng về tình hình nhân quyền ở Trung Quốc, mỗi năm một lần, nhằm giới thiệu lịch sử phát triển nhân quyền, tình hình hiện nay và các biện pháp bảo vệ nhân quyền ở Trung Quốc. Việc công bố Sách Trắng nhằm đáp trả sự công kích của phương Tây trên vấn đề nhân quyền của Trung Quốc, vì thế nội dung chính của Sách là nói về thành tích tiến bộ của Trung Quốc trên vấn đề nhân quyền. Dù sao việc công bố này đã gián tiếp cho thấy Chính phủ Trung Quốc thừa nhận nước họ có tồn tại các vấn đề về nhân quyền. Thí dụ Sách Trắng năm 1991 chia 10 phần, trình bày 10 vấn đề, cuối mỗi phần đều điểm lại những thiếu sót về mặt bảo vệ nhân quyền.
Từ đó trở đi công tác bảo vệ nhân quyền và nghiên cứu nhân quyền của giới học thuật đã bắt đầu đi vào quỹ đạo nghiêm chỉnh. Nhiều vùng cấm trong nghiên cứu được mở ra; xã hội bắt đầu chú trọng đến việc nghiên cứu này. Trong dịp Tổng thống Clinton thăm Trung Quốc năm 1998, Chủ tịch Giang Trạch Dân tuyên bố: “Hôm nay, Chính phủ Trung Quốc trang nghiêm cam kết sẽ xúc tiến và bảo vệ nhân quyền và tự do cơ bản”. Lời hứa nghiêm chỉnh này đã tổng kết một giai đoạn phát triển nhân quyền ở Trung Quốc, ngầm tỏ ý sự bất đồng giữa Trung Quốc với Mỹ và phương Tây về vấn đề nhân quyền sẽ có thể được thu hẹp và có khả năng đi tới nhất trí. Trên thực tế trong mấy năm tiếp sau, nhận thức của nhà nước (là nhân tố quyết định), của giới học thuật và của xã hội Trung Quốc đều có tiến bộ về thực chất, cơ bản tán thành quan điểm “nhân quyền trời cho”.
5. Thời kỳ sau 1998
Trong thời kỳ này nhận thức của nhà nước Trung Quốc về nhân quyền nhanh chóng tiếp cận tiêu chuẩn nhân quyền của thế giới. Năm 1999, Chủ tịch Giang Trạch Dân nói tại Đại học Cambridge (Anh quốc): ”Đến giữa thế kỷ sau, hành tinh loài người cư trú này nên tiến một bước thiết thực nhằm thực hiện hòa bình và phồn vinh mãi mãi; nhân dân các nước đều có thể thoát ra khỏi nỗi ám ảnh của chiến tranh và nghèo khó, tạo dựng cuộc sống mới hưởng tự do. Đây là nguyện vọng chung của tất cả các nước chúng ta.” Hơn nữa, ông còn nói nhân quyền tập thể và nhân quyền cá nhân không mâu thuẫn với nhau và Trung Quốc sẽ cố gắng xúc tiến việc bảo vệ nhân quyền cá nhân, nhưng phải dựa trên cơ sở năng lực kinh tế của mình.
Qua đây có thể thấy một mặt nhà nước Trung Quốc thừa nhận tính quan trọng của nhân quyền cá nhân, mặt khác cho rằng việc bảo vệ nhân quyền cá nhân phải tùy theo năng lực thực tế của nhà nước, bởi lẽ nếu dốc toàn lực vào việc nâng cao trình độ bảo vệ nhân quyền cá nhân cho bằng với tiêu chuẩn của các nước phát triển thì Trung Quốc sẽ phải bỏ mất nhiều cơ hội phát triển kinh tế, xét về lâu dài là bất lợi cho việc nâng cao trình độ bảo vệ nhân quyền.
Có thể tóm tắt quan điểm cơ bản về nhân quyền của Trung Quốc thời kỳ này như sau:
1- Nhân quyền là quyền lợi loài người phổ biến được hưởng, không quốc gia nào được coi nhẹ hoặc tước đoạt nhân quyền của nhân dân nước mình;
2- Nhân quyền cơ bản quan trọng nhất của người Trung Quốc là quyền sinh tồn tập hợp và quyền phát triển, đồng thời phải dựa trên cơ sở phát triển kinh tế để tăng cường bảo vệ quyền lợi của công dân; bảo đảm nhân quyền trước hết là bảo đảm dân được sống no ấm, tức bảo đảm về kinh tế, không nhấn mạnh bảo đảm các quyền tự do dân chủ. Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng nhanh tức là đã bảo đảm nhân quyền, phương Tây không có quyền nói Trung Quốc thiếu nhân quyền.
3- Chính phủ Trung Quốc tôn trọng và bảo vệ nhân quyền cơ bản của công dân nước mình, tích cực xúc tiến phát triển bảo vệ nhân quyền;
4- Việc xác định và bảo vệ phạm vi nhân quyền cơ bản là công việc nội bộ của mỗi một quốc gia có chủ quyền, trên nguyên tắc không chịu sự can thiệp từ bên ngoài;
5- Chỉ khi chính phủ một quốc gia nào đó xâm phạm với quy mô lớn nhân quyền của nhân dân nước mình hoặc nước khác thì cộng đồng quốc tế mới nên đứng lên ngăn chặn, nhưng nên cố hết sức tránh dùng vũ lực.
Đáng chú ý là nhân quyền mà Chính phủ Trung Quốc nói tới chủ yếu là nhân quyền tập thể chứ không phải nhân quyền cá nhân; mặt khác chỉ nói vấn đề nhân quyền với nước ngoài là chính, còn đối với nhân dân nước mình thì rất ít đề cập từ nhân quyền. Mãi đến năm 1997, Báo cáo chính trị của Đại hội Đảng XV mới bắt đầu nói Đảng CSTQ có nhiệm vụ “tôn trọng và bảo đảm nhân quyền”.
Đầu thế kỷ XXI, khái niệm nhân quyền bắt đầu đi vào hệ thống từ ngữ của Đảng và Nhà nước Trung Quốc mà không bị tránh né như trước. Cuối năm 2002, Trung ương Đảng CSTQ chính thức đề nghị viết điều khoản “Bảo vệ nhân quyền của công dân” vào Hiến pháp. Trong kỳ họp tháng 2/2003, Quốc hội Trung Quốc nhất trí với đề nghị này.
Cuối cùng, lần đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc, vấn đề bảo đảm nhân quyền được đưa vào Hiến pháp: Điều 33 Hiến pháp Trung Quốc do kỳ họp lần 2 Quốc hội Trung Quốc khóa X thông qua ngày 14 tháng Ba năm 2004 quy định: “Người nào có quốc tịch nước CHND Trung Hoa đều là công dân nước CHND Trung Hoa. Công dân nước CHND Trung Hoa nhất luật bình đẳng trước pháp luật. Nhà nước tôn trọng và bảo đảm nhân quyền…” Điều 37 quy định: «... Bất cứ công dân nào cũng không bị giam giữ khi chưa có phê chuẩn hoặc quyết định của Viện Kiểm sát Nhân dân hoặc quyết định của Tòa án Nhân dân và do cơ quan công an thi hành…”.
Như vậy Hiến pháp Trung Quốc đã thừa nhận tất cả mọi người có quốc tịch nước CHND Trung Hoa đều được nhà nước bảo đảm nhân quyền, không phân biệt thân phận giai cấp và chính kiến của họ. Điều đó cho thấy quan niệm nhân quyền ở Trung Quốc đã chuyển biến từ lĩnh vực nghiên cứu lý luận trở thành pháp luật và chính sách bảo vệ nhân quyền, quan niệm này đã nhất trí với quan niệm của cộng đồng quốc tế.
Tác giả: Hồ Anh Hải
Nguồn: Tia Sáng