Việc Tổng thống Barack Obama và đối thủ Mitt Romney tranh nhau khoe mình là người cứng rắn hơn với Bắc Kinh khiến cho giới phân tích đặt câu hỏi: Ai làm tổng thống sẽ tốt hơn cho quan hệ Mỹ-Trung?
Xem ra, Trung Quốc muốn Romney thắng cử. Ảnh Foreign Policy |
Chính sách của Mỹ - cùng với các vấn đề động, môi trường, tiếp cận thị trường và quyền sở hữu trí tuệ - sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến sự phát triển và thịnh vượng của Trung Quốc.
Bất chấp những lời lẽ hùng hồn cực lực chỉ trích Bắc Kinh được đưa ra trong chiến dịch vận động tranh cử, nhưng xem ra Mitt Romney sẽ có lợi hơn cho Trung Quốc, nếu ông này lên làm tổng thống Mỹ.
Theo truyền thống, phe Cộng hòa thường ủng hộ tự do thương mại, tự do kinh doanh và đề ra các quy định phù hợp hơn với đường lối kinh tế hiện nay của Trung Quốc về phát triển, đầu tư, thương mại, doanh nghiệp… và chia sẻ quan ngại về rủi ro kinh tế của việc kiềm chế biến đổi khí hậu. Kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ chính thức vào năm 1979, mối quan hệ tổng thể Mỹ-Trung Quốc luôn tốt hơn khi một tổng thống của đảng Cộng hòa nắm quyền. Logic của vấn đề là khá đơn giản: ngay từ đầu chính sách của phe Cộng hòa đã không hề gây ảo tưởng, quyền con người ít được đề cập đến, thương lượng thẳng thắn và hợp tác bất cứ khi nào có thể. Cung cách xử lý đơn giản này có lợi cho việc ổn định quan hệ Mỹ-Trung.
Ứng cử viên tổng thống Mitt Romney thường lặp đi lặp lại cam kết rằng ông sẽ cáo buộc Trung Quốc thao túng tiền tệ, ngay trong ngày đầu liên làm ông chủ Nhà Trắng. Nhưng liệu ông ta có đủ khả năng để làm điều đó? Trung Quốc đã nhập khẩu 120 tỷ USD hàng hóa Mỹ trong năm 2011 và khoảng 1 triệu du khách Trung Quốc đi thăm Mỹ trong cùng thời điểm, với mỗi du khách chi tiêu trung bình khoảng 7.000 USD. Mặc dù kinh tế Trung Quốc đang phát triển chậm lại, hai con số thống kê nói trên sẽ tăng lên trong năm 2012. Liệu “Tổng thống” Romney có thực sự tôn trọng cam kết của mình, khi hàng trăm nghìn ngàn công ăn việc làm ở Mỹ bị mất theo hành động đe dọa trừng phạt Trung Quốc của ông?
Hai ngày trước cuộc bầu cử tổng thống năm 2008, ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ Barack Obama cũng đã đưa ra lời đe dọa tương tự để bảo vệ doanh nghiệp dệt may Mỹ trước các đối thủ cạnh tranh Trung Quốc. Sau khi thắng cử, chính quyền Obama đã dành khoảng bốn tháng để điểu tra xem liệu Trung Quốc có định giá đồng nội tệ một cách giả tạo hay không? Kết luận cuối cùng của chính quyền Obama là Trung Quốc không hề thao túng đồng Nhân dân tệ.
Nếu Romney giành chiến thắng, rất có thể chính quyền mới của ông sẽ noi theo chính quyền Obama. Suy cho cùng thì ông ta không chỉ suy nghĩ cho nền kinh tế Mỹ, mà còn cho cả nhiệm kỳ hai của mình. Trên cương vị tổng thống, ông Romney sẽ hiểu ra rằng Trung Quốc chính là một cơ hội đối với Mỹ chứ không chỉ là đối thủ cạnh tranh. Những khó khăn kinh tế-tài chính hiện nay của Mỹ chủ yếu là kết quả của toàn cầu hóa và bội chi của Mỹ, đặc biệt do các cuộc chiến tranh ở Iraq và Afghanistan. Washington có thể đổ lỗi cho Bắc Kinh làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng tài chính Mỹ, nhưng cũng có thể sẽ cùng với Trung Quốc hợp tác để tìm ra giải pháp “đôi bên cùng có lợi”.
Khi cuộc chiến kéo dài một thập kỷ của Mỹ ở Trung Á sắp kết thúc, Trung Quốc và Mỹ sẽ có ít nhu cầu hợp tác trên mặt trận chống khủng bố. Tái phân phối các nguồn tài nguyên có thể sẽ trở thành vấn đề. Tốc độ tăng trưởng nhanh và thái độ ngày càng quyết đoán của Trung Quốc khiến chính quyền Obama đã chuyển sang áp dụng chiến lược “chuyển trọng tâm” để cân bằng với Trung Quốc ở Đông Á và ở những khu vực khác. Washington cũng nghi ngờ ý định của Trung Quốc ở Biển Đông. Nếu tái đắc cử, Tổng thống Obama chắc chắn sẽ tiếp tục theo đuổi đường lối hiện nay.
Chính sách đối ngoại của Mitt Romney sẽ không nhất thiết là tuyệt vời đối với Trung Quốc. Ông này đã cam kết bán vũ khí tiên tiến hơn cho Đài Loan và có thể sẽ không dành nhiều thời gian giải thích chính sách an ninh châu Á của Mỹ với Bắc Kinh. Thay vào đó, chính quyền của ông chỉ đơn giản khẳng định sự lãnh đạo của Mỹ trong khu vực. Tuy nhiên, chính sách này lại ít gây ra ảo tưởng và ngộ nhận vốn thường gây ra vô số hiểu lầm.
Với sức mạnh ngày càng gia tăng, Trung Quốc tỏ ra tự tin hơn trong việc định hình mối quan hệ Trung-Mỹ. Mối quan hệ Trung-Mỹ phụ thuộc vào cả hai nước. Sự trỗi dậy của Trung Quốc khiến cho nước này ít phụ thuộc hơn vào Mỹ, nhưng cũng chưa đến mức mối quan hệ này phụ thuộc vào các hành động của Bắc Kinh.
Trên thực tế, việc ai sẽ là ông chủ Nhà Trắng sắp tới vẫn là quan trọng đối với Bắc Kinh. Trung Quốc sẽ không phải bận tâm nhiều nếu Mitt Romney giành chiến thắng trong cuộc bầu cử ngày 6/11 tới. Nếu Romney thắng cử, có lẽ ông này sẽ bắt tay với ông Tập Cận Bình và quên đi những gì ông ta đã nói trong khi vận động bầu cử. Thế nhưng, Trung Quốc có lý do để lo ngại nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Obama. Việc tiếp tục chính sách hiện nay sẽ tạo ra thách thức liên tục đối với mối quan hệ Mỹ-Trung.
Thật ra mà nói, ngay cả khi “Tổng thống” Romney có ý định gây hại cho Trung Quốc, thì ông ta sẽ có rất ít cơ hội để thực hiện điều này mà không làm cho nước Mỹ cũng bị tổn thương.
Minh Bích (theo Foreign Policy)
Theo báo Giáo dục Việt Nam