TIN BIỂN ĐÔNG

HOÀNG SA - TRƯỜNG SA - VIỆT NAM

Mời hợp tác kinh doanh

Khi Mỹ hướng về châu Á, Ấn Độ ngần ngại

Khi Mỹ hướng vào châu Á, Ấn Độ là cái chốt trong trục chiến lược này của Washington. Nhưng liệu New Delhi có sẵn sàng đóng một vai trò hàng đầu trong hành động “tái cân bằng” mới của Washington?

Trong một báo cáo mới đây được báo Washington Post trích đăng, Colin Geraghty của Dự án an ninh Mỹ ở Washington nói: “Quan hệ đối tác chiến lược Mỹ - Ấn đến với sự thổi phồng về đóng góp tiềm năng của Ấn Độ cho lợi ích Mỹ”.

Chiến lược tái cân bằng của Mỹ phản ánh niềm tin của chính quyền Obama rằng trọng tâm của lực hút trong chính sách đối ngoại và kinh tế Mỹ đã chuyển hướng tới châu Á và rằng duy trì hòa bình ở châu Á - Thái Bình Dương ngày càng trở nên quan trọng do sự trỗi dậy nhanh chóng của Trung Quốc.

Trong một vài biện pháp cụ thể tới giờ đã được thông báo, tàu Hải quân Mỹ sẽ từ từ tăng sự hiện diện trong khu vực, năm 2020 sẽ triển khai 60% hạm đội ở đây. Washington Post trích dẫn một bài trả lời phỏng vấn qua e-mail của Thứ trưởng Quốc phòng Ashton Carter nói: “Mỹ hy vọng Ấn Độ sẽ là một “cái chốt cho sự ổn định khu vực... và là một đối tác về các vấn đề ở Ấn Độ Dương và xa hơn nữa”.

Một số quan chức Ấn Độ cho biết, họ sẽ hoan nghênh sự hiện diện mạnh mẽ hơn của Mỹ trong khu vực. New Delhi có chung một lợi ích chiến lược lớn với Washington trong việc kiềm chân Trung Quốc và giữ cho các tuyến đường biển được thông thương khắp khu vực.

Mặc dù vậy, về quan điểm chung, phản ứng của Ấn Độ khá lãnh đạm. Đô đốc Nirmal Kumar Verma lúc là lãnh đạo Hải quân Ấn hồi tháng 8-2012 phát biểu rằng việc triển khai ở Thái Bình Dương và biển Đông là “không chắc có xảy ra”.
Theo một bài đăng trên blog Chính sách đối ngoại, nhà ngoại giao Ấn Độ về hưu T.P. Sreenivasan nói: “Chúng tôi không muốn bị đồng nhất hóa với chính sách của Mỹ ở châu Á, ngay cả khi chúng tôi thích”.

Sự lưỡng lự trong việc tự trói mình vào cột buồm Mỹ của Ấn Độ một phần là di sản của mối ác cảm đối với Washington thời Chiến tranh lạnh và sự ngờ vực xuất phát từ những trò cấm vận Mỹ áp đặt sau các cuộc thử nghiệm hạt nhân của Ấn Độ năm 1974 và 1998.

Chiến lược tái cân bằng đã khích động tình cảm dân tộc ở Trung Quốc, và ở New Delhi có nhiều ý kiến nói Ấn Độ không muốn buộc phải kiềm hãm Trung Quốc, hay làm Trung Quốc đi chậm lại bằng cách gia nhập một liên minh quân sự chính thức với Mỹ.

Các quan chức Mỹ thừa biết hai nền dân chủ sẽ không thống nhất về mọi vấn đề, nhưng nhấn mạnh sự tôn trọng của mình với “chiến lược tự chủ” của Ấn và những lợi ích chung.

Tuy nhiên, với việc Mỹ đang triển khai lính thủy đánh bộ tới Úc, bố trí tàu chiến ở Singapore và Philippines mở lại các căn cứ cũ cho các lực lượng Mỹ, các nhà phân tích Mỹ đang đặt câu hỏi về những đóng góp lâu dài của Ấn Độ trong nỗ lực duy trì an ninh châu Á của Mỹ. Trao đổi quốc phòng giữa hai nước đang phát triển mạnh. Ấn Độ tập trận chung với Mỹ nhiều hơn với bất kỳ quốc gia nào khác, nhưng các chuyên gia nói các mối quan hệ quân sự vẫn thiếu một nền tảng chính trị và chiến lược.

    MINH PHƯƠNG
Theo CATP

Luật Biển Việt Nam
Tinbiendong.com trân trọng giới thiệu toàn văn Luật Biển Việt Nam đã được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 21-06-2012 và Chủ tịch nước ký lệnh công bố ngày 02-07-2012. Luật Biển Việt Nam gồm 07 chương 55 điều, có  hiệu lực thi hành từ ngày 01-01-2013.
Mời hợp tác kinh doanh
Copyright ©  2012  Tin Bien Dong . All rights reserved.
Trang tin đang trong quá trình chạy thử nghiệm và  chờ xin phép Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép hoạt động.
Mạng thông tin điểm tin, sưu tầm, lưu trữ thông tin Biển Đông và thế giới
Điện thoại:04.3972 4800 - Fax:04.3972 4801 - Mobile: 0127 399 6475 // 098 300 6168 ( Mr. Mạnh Toàn ) -  Email Tin kinh te