TIN BIỂN ĐÔNG

HOÀNG SA - TRƯỜNG SA - VIỆT NAM

Mời hợp tác kinh doanh

Tương lai bấp bênh của Trung Quốc

Theo tác giả Jonathan Levine trên trang Nationalinterest, khi Trung Quốc đưa ra thông báo về ngày tiến hành chuyển giao quyền lực chính thức là 8/11 có thể coi đây là lời thông báo về một quá trình chuyển giao đầy đau đớn của nước này. Giới lãnh đạo mới của Trung Quốc sẽ đối mặt với vô số khó khăn và con đường phía trước Trung Quốc còn rất bấp bênh.

Tương lai bấp bênh của Trung Quốc

Thế hệ lãnh đạo mới của Trung Quốc trong đó có Chủ tịch tương lai Tập Cận Bình sẽ đối mặt với nhiều thách thức to lớn.

Năm nay, giới lãnh đạo Trung Quốc gặp phải một loạt các vụ bê bối đáng xấu hổ, điển hình là bê bối và ngã ngựa của Bạc Hy Lai và vụ sa thải lãnh đạo đường sắt vì tham nhũng.

Khi những nhà lãnh đạo mất uy tín của Trung Quốc đang làm hết sức mình chuẩn bị cho ngày trọng đại, thì những rắc rối mà họ gây ra trong những tháng vừa qua chỉ giống như “màn dạo trước” cho những khó khăn liên tiếp mà giới lãnh đạo sắp tới của nước này gồm chủ tịch tương lai Tập Cận Bình và Thủ tướng tương lai Lý Khắc Cường sẽ đối mặt.

Trong vòng 1 thập kỷ tới, Trung Quốc sẽ phải vật lộn với một số tình thế “tiến thoái lưỡng nan” về mặt cấu trúc và những giải pháp cho các vấn đề đó sẽ vượt ra ngoài những cải cách đang được thực hiện. Giới lãnh đạo mới có thực hiện tốt nhiệm của của mình hay không vẫn là câu hỏi ngỏ, nhưng không ai có thể phủ nhận rằng ông Tập sẽ tiếp nhận quyền lực với vô số việc phải làm.

Các cuộc tranh chấp chủ quyền trên biển

Vào năm 1831, ngọn núi lửa dưới đáy biển Empedocles hoạt động ngoài khơi đảo Sicily và dẫn đến sự ra đời của một hòn đảo mới, đảo Ferdinandea. Nhưng trước khi nham thạch kịp nguội thì Anh, Pháp, Tây Ban Nha và Vương quốc Sicily đã tuyên bố chủ quyền với hòn đảo đang sôi sục này và khơi dậy các làn sóng thể hiện tinh thần yêu nước trên các phương tiện truyền thông. Cuộc xung đột chỉ bị ngăn chặn khi tác động ăn mòn đã khiến hòn đảo này chìm trở lại dưới đáy biển.

Nhưng có khả năng Trung Quốc và các nước láng giềng của nước này không được may mắn như vậy trong các cuộc tranh chấp chủ quyền trên đảo.

Những hành động của Trung Quốc trong các cuộc tranh chấp chủ quyền trong khu vực đã khiến các nước tranh chấp với Trung Quốc hình thành liên minh để đối phó và điều đó về lâu dài có lẽ khiến các nhà lãnh đạo Bắc Kinh phải đau đầu. Nhưng những tác động của các cuộc tranh chấp đối với viễn cảnh nội tại của Trung Quốc có thể giúp đưa ra những dự đoán sâu sắc hơn nhiều.

Tháng trước, khi các cuộc biểu tình làm rung chuyển thủ đô Bắc Kinh và các thành phố lớn của Trung Quốc, điều đầu tiên mà dư luận toàn thế giới có thể nhận ra ngay chính là một trong những “con quỷ khổng lồ xấu xa” trong lòng Trung Quốc: lòng yêu nước.

Trước kia, sự giận dữ của quần chúng nhân dân đã không chỉ một lần lật đổ chính quyền ở Trung Quốc. Ngày nay, tinh thần đó thay vì được khơi dậy một cách có tổ chức thì nó đã bị Đảng Cộng sản Trung Quốc khai thác làm công cụ chính trị, và xét trên qui mô quốc tế thì Đảng Cộng sản Trung Quốc đã dùng nước khác làm “vật thí mạng” cho mình. Nếu sự giận dữ của người dân được lái nhằm vào Nhật Bản, Hoa Kỳ hay Đài Loan thì nó sẽ ít khả năng nhằm trực tiếp đến Đảng Cộng sản và những bê bối của chính quyền.

Tuy nhiên, khi được sử dụng khéo léo nhất thì tinh thần yêu nước cũng giống như một con dao hai lưỡi, còn khi được sử dụng một cách vụng về nhất thì nó giống như sợi dây “thòng lọng” sẽ siết chặt Đảng cộng sản.

Quan hệ thương mại Nhật – Trung có giá trị hơn 345 tỷ USD và gần đây hai nước vừa (âm thầm) tổ chức kỉ niệm 40 năm bình thường hóa quan hệ.

Nói tóm lại, nếu tiếp tục nghe theo lời kêu gọi của nhiều nhà yêu nước để tẩy chay kinh tế hoặc có hành động tồi tệ hơn nữa sẽ là điều thảm họa đối với Trung Quốc, đặc biệt là khi ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy tăng trưởng kinh tế của nước này đang suy giảm.

Bằng cách khơi dậy tinh thần yêu nước trong dân chúng rồi bỏ mặc tinh thần đó, các nhà lãnh đạo Bắc Kinh đã cho dư luận thấy sự kém cỏi của mình. Nếu như các nhà lãnh đạo như Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình, với quyền lực trong tay, có thể xóa bỏ những gì họ khơi dậy, thì các nhà kỹ trị mới của Bắc Kinh lại không có khả năng làm được điều đó với các thể chế dân – quân sự còn non nớt của Trung Quốc. Họ trở nên yếu ớt hơn trước sự giận dữ của quần chúng nếu họ tỏ ra nhân nhượng (trong các vụ tranh chấp). Kết quả cuối cùng là giới lãnh đạo Trung Quốc sẽ rơi vào tình huống khó xử là điều duy nhất tồi tệ hơn việc phớt lờ quần chúng là làm theo mong muốn của họ. Ông Tập Cận Bình sẽ phải tìm đường giải quyết tình thế “tiến thoái lưỡng nan” này nếu ông ta mong muốn còn có thể có cơ hội nêu tên người kế nhiệm mình vào năm 2022.

Tương lai bấp bênh của Trung Quốc

Một trong những thách thức lớn đối với các nhà lãnh đạo Trung Quốc tương lai là phải đáp ứng kì vọng bắt nguồn từ tinh thần yêu nước của người dân do chính Đảng Cộng sản khơi dậy.

Giai đoạn thần kỳ kinh tế chấm dứt

Ngay từ khi Trung Quốc mới vươn lên vào cuối những năm 1970, những người theo trường phái bi quan đã dự đoán về sự chấm dứt của Trung Quốc. Trong 30 năm qua, họ đã sai và những ai dự đoán về việc Trung Quốc “hạ cánh không an toàn” và cuối cùng là sụp đổ có lẽ vẫn đang sai lầm.

Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là tăng trưởng của Trung Quốc sẽ không sụt giảm, có thể sẽ giảm đáng kể trong những năm sắp tới.

Trong 30 năm qua, Trung Quốc đã được mô tả như một điều thần kỳ kinh tế và bất kỳ ai chứng kiến cũng không nghĩ rằng nhận định đó là sự thổi phồng. Tuy nhiên, rất có khả năng là Trung Quốc đang ở giai đoạn cuối của thời kỳ thần kỳ và tăng trưởng kinh tế của nước này trong tương lai, giống như tất cả các quốc gia đang phát triển khác, sẽ giảm xuống những mức thấp hơn và bền vững hơn.

Yếu tố quan trọng nhất khiến sự tăng trưởng này suy giảm chính là qui mô của Trung Quốc. Không giống như các quốc gia khác cũng đã từng tăng trưởng với tốc độ rất cao và sau đó chậm lại – như Nhật Bản hay Đức – Trung Quốc với một dân số lớn khiến nước này đối mặt với những khó khăn có thể dễ dàng nhận ra. Đức có dân số khoảng 80 triệu người, tương đương với dân số của tỉnh Tứ Xuyên, tỉnh có dân số lớn thứ 4 Trung Quốc.

Tất cả những chỉ số thông thường phải được điều chỉnh cho phù hợp với qui mô của dân số Trung Quốc. Do đó, ngay cả khi kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại ở mức 6% / năm – đây vẫn là một con số đáng kể xét về giá trị tuyệt đối – thì sự suy giảm đó cũng có tác dụng như tạo ra một vụ suy thoái đối với nền kinh tế với cùng mức dân số đó luôn tăng trưởng trong một thời gian dài ở mức 10%/ năm và một mức sống tăng vọt.

Thách thức của Trung Quốc có thể được tóm tắt trong một giai thoại được kể lại trong cuốn Những thời điểm quyết định, hồi ký của cựu tổng thống Mỹ George W. Bush. Trong giai thoại đó, ông Bush đã hỏi Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào về “điều gì khiến ông mất ngủ hàng đêm” và nhà lãnh đạo Trung Quốc trả lời không cần suy nghĩ lâu: “Tạo ra 25 triệu việc làm mỗi năm”.

Nếu tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc không đủ để tạo ra việc làm cho thế hệ tiếp theo, thì nó sẽ đe dọa sự tồn tại của Đảng Cộng sản. “Thỏa thuận ngầm” rằng tăng trưởng kinh tế để đổi lấy sự lãnh đạo của một đảng sẽ không đứng vững được nữa. Nhu cầu toàn cầu đang suy giảm, đầu tư trực tiếp nước ngoài giảm sút, bong bóng bất động sản đang xì hơi, các công cụ tài chính non yếu và chi tiêu công quá đà là trở ngại hiển nhiên nhất mà giới lãnh đạo mới của Trung Quốc sẽ phải giải quyết.

Hệ lụy tiêu cực của chính sách dân số 1 con

Tương lai bấp bênh của Trung Quốc

Mặt trái của chính sách một con sẽ tạo gánh nặng lên lực lượng lao động của Trung Quốc trong tương lai.

Các nhà làm chính sách Hoa Kỳ đón nhận thế hệ baby-boom (thế hệ sinh ra sau Chiến tranh thế giới lần II ở Mỹ) sắp bước vào giai đoạn về hưu với sự sợ hãi. Bây giờ nếu họ được nhận những chế độ hưu trí thì ngân sách của toàn liên bang sẽ không thể nào đáp ứng được từ phi các chương trình phúc lợi dành cho họ được cải cách. Và Trung Quốc sẽ sớm đối mặt với tình trạng tương tự Hoa Kỳ.

Ước tính, chính sách một con của Trung Quốc đã khiến hơn 400 triệu trẻ em không được sinh ra đời nhưng đồng thời cũng đẩy tỉ lệ sinh dài hạn của nước này xuống mức thấp kỷ lục. Ngày nay, tỉ lệ sinh đã ở gần mức 1,56, thấp hơn tỉ lệ sinh thay thế 2,1, mức cần thiết để duy trì dân số ở mức không đổi. Chính sách đó đã tạo ra hiện tượng xấu được biết đến với công thức 4:2:1, tức là một đứa trẻ, hai cha mẹ và 4 ông bà. Ngay cả với tốc độ tăng trưởng kinh tế siêu tốc trong 30 năm vừa qua, Trung Quốc cũng không đủ giàu có để chi trả tiền lương hưu và bảo hiểm cho người già đang chờ đợi họ ở phía trước. Và giống như tờ Economist đã chỉ ra, Trung Quốc sẽ trở nên già cỗi trước khi giàu có. Đối với những người trẻ Trung Quốc theo truyền thống phải phụng dưỡng cha mẹ thì đây sẽ là một gánh nặng khổng lồ dành cho họ.

Vừa qua, Trung Quốc đã vượt qua Nhật Bản để trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới xét về tổng sản phẩm quốc dân GDP.Với qui mô dân số của Trung Quốc thì đây là điều hiển nhiên và cũng sẽ hiển nhiên nếu cuối cùng Trung Quốc vượt qua Mỹ và trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Nhưng có ẩn sâu trong ánh hào quang đó là một con số quan trọng – GDP bình quân đầu người. Về mặt này thì Trung Quốc rõ ràng là thua kém.

Theo CIA World Factbook, Hoa Kỳ và Nhật Bản, hai quốc gia đang đối mặt với tốc độ già hóa dân số nhanh chóng, có mức thu nhập bình quân đầu người tương ứng là 49.000 USD (Mỹ) và 35.200 USD (Nhật Bản). Trong khi đó, thu nhập bình quân của Trung Quốc mới chỉ ở mức 8.500 USD, tương đương với mức thu nhập bình quân đầu người của Bosnia hoặc Đông Timor. Nói cách khác, bất chấp “thập kỷ mất mát” và tình trạng dân số già hóa nghiêm trọng, Nhật Bản vẫn có thể giải quyết các chế độ cho người già của mình và Hoa Kỳ cũng thế.

Còn Trung Quốc thì chưa chắc sẽ làm được như vậy.

Tùng Lâm
Theo Infonet

Luật Biển Việt Nam
Tinbiendong.com trân trọng giới thiệu toàn văn Luật Biển Việt Nam đã được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 21-06-2012 và Chủ tịch nước ký lệnh công bố ngày 02-07-2012. Luật Biển Việt Nam gồm 07 chương 55 điều, có  hiệu lực thi hành từ ngày 01-01-2013.
Mời hợp tác kinh doanh
Copyright ©  2012  Tin Bien Dong . All rights reserved.
Trang tin đang trong quá trình chạy thử nghiệm và  chờ xin phép Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép hoạt động.
Mạng thông tin điểm tin, sưu tầm, lưu trữ thông tin Biển Đông và thế giới
Điện thoại:04.3972 4800 - Fax:04.3972 4801 - Mobile: 0127 399 6475 // 098 300 6168 ( Mr. Mạnh Toàn ) -  Email Tin kinh te