TIN BIỂN ĐÔNG

HOÀNG SA - TRƯỜNG SA - VIỆT NAM

Mời hợp tác kinh doanh

Giữa tâm chấn các cuộc chiến mới

Giờ không phải là lúc hạch nhau để trừng phạt, vấn đề là các bên sẽ cùng hành động như thế nào trên con tàu Titanic. Lãnh đạo sắp tới ở Trung Quốc có quá nhiều vấn đề trước/sau Đại hội 18. Lãnh đạo Mỹ cũng vậy! Khả năng xoay trở của cả hai nước đều bị thu hẹp trong những tâm chấn ngặt nghèo và nguy hiểm hơn trước đây.

Ngày 22.10 tới, theo kế hoạch, tại cuộc tranh luận cuối cùng trong đợt vận động tranh cử ở Mỹ, sẽ có 15 phút được dành riêng cho chủ đề “Sự trỗi dậy của Trung Quốc và thế giới ngày mai”. Dù vậy, ngay trong cuộc tranh luận mới đây nhất, tổng thống Obama và thống đốc Romney đều đã tranh nhau để xem ai là người có thái độ cứng rắn hơn đối với Trung Quốc. Không chỉ tại các cuộc tranh luận, mà ngay trong các chương trình tranh cử của hai đảng, cả Dân chủ lẫn Cộng hòa, bên nào cũng muốn chứng tỏ là mình sẽ làm tốt hơn trong việc ngăn chặn những thách thức của Trung Quốc trên cả lĩnh vực an ninh lẫn kinh tế và tài chính.

Bấp bênh về an ninh

 

Căng thẳng khu vực gia tăng. 12 tàu cá Trung Quốc cột chung với nhau thành dây thừng để cản trở ý định của cảnh sát tuần duyên Hàn Quốc ngăn chận họ đánh cá trái phép ngoài khơi Hàn Quốc trên biển Hoàng Hải hôm 21.12.2010. Các đội tàu cá Trung Quốc trong những năm gần đây liên tục chạm trán với tàu của cảnh sát tuần duyên và tàu thương mại của các nước trong khu vực, bao gồm cả Hàn Quốc, Việt Nam và Nhật, theo bản tin của News From Bloomberg. Ảnh: AFP 

Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính trị Thế giới của Trung Quốc Trần Hướng Dương, qua tạp chí Global Research, gần đây đã nêu câu hỏi “phải chăng hiện đang có một cuộc chạy đua vũ trang mới?” Và ông này đổ ngay nguyên nhân cho Mỹ: "Chính Mỹ đã gây nên tình trạng mua sắm vũ khí khổng lồ tại châu Á”. Theo chuyên gia họ Trần, các nỗ lực mới của Mỹ nhằm củng cố và bố trí lại quân đội tại vùng châu Á-TBD không những đã làm trầm trọng thêm tình hình căng thẳng về quân sự trong vùng, mà còn dẫn tới sự nghi kỵ, thậm chí chạm trán nhau giữa các nước châu Á, làm tăng thêm mức chi tiêu quân sự trong khu vực.

Tuy nhiên, Viện Quốc tế Nghiên cứu Chiến lược có trụ sở tại London (IISS) thì lại nhìn nhận theo hướng khác. Khi đề cập tới cuộc chạy đua vũ trang giữa một bên là Trung Quốc với bên kia là các nước láng giềng, IISS đã khẳng định rằng chính do việc Bắc Kinh gia tăng chi phí quân sự gấp nhiều lần đã gây quan ngại và khiến cho các nước láng giềng Đông Nam Á (ĐNÁ) phải tăng chi phí quốc phòng để bảo vệ quyền lợi quốc gia của họ. Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm ở Thụy Điển (SIPRI) cũng đề cập tới nguyên nhân khu vực châu Á trở thành nơi nhập vũ khí đáng kể phát xuất từ chính các mối đe dọa của Trung Quốc.

Tổ chức tư vấn quốc phòng có ảnh hưởng lớn ở Úc Kokoda Foundation mới đây đã nhận định: “Mối đe dọa Trung Quốc đã châm ngòi cho nhu cầu khẩn cấp tái tập trung phát triển quân sự để đối phó với sự phát triển nhanh chóng của quân đội nước này”. Khi đề cập tới sự trỗi dậy của Trung Quốc, GS. Carl Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Úc cũng lưu ý rằng việc nhanh chóng hiện đại hóa quân đội cùng với hành vi quyết đoán của Bắc Kinh đã tạo nên tình trạng tiến thoái lưỡng nan về an ninh của các nước trong khu vực. Điều đó đã dẫn tới việc nhiều nước ĐNÁ tự tiến hành các chương trình hiện đại hóa lực lượng nhằm phát triển khả năng tự vệ của mình.

Lên tiếng nhân chuyến công du châu Á mới đây, bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Panetta cảnh báo rằng Trung Quốc và các nước láng giềng châu Á rốt cuộc có thể lâm chiến vì tranh chấp lãnh hải nếu điều ông gọi là các hành vi khiêu khích trong khu vực” cứ tiếp diễn. Ký giả John O'Callaghan tại Singapore thuộc Reuters cũng nhận định rằng xuất phát từ việc phải cảnh giác trước một Trung Quốc luôn gây hấn, cũng như nhờ sự thành công kinh tế ở ĐNÁ, mà các nước trong khu vực gia tăng mua vũ khí, chiến cụ để bảo vệ các thủy lộ, hải cảng cùng ranh giới lãnh hải vốn thiết yếu cho hoạt động xuất khẩu và vận chuyển năng lượng của họ.

Thất bại của “toàn cầu hóa”

Lý tưởng tự do giao dịch các nguồn lực cần thiết cho sản xuất/tiêu dùng để có thể đem lại thịnh vượng cho mọi quốc gia dường như đã không thành, với thất bại của vòng đàm phán Doha. Hiệp định Đối tác xuyên TBD (TPP), sáng kiến thế kỷ của 11 nước, trong đó có Việt Nam chưa hoàn tất trong 2012 này. Ngoại thương giữa các nước đã giảm mạnh và lần đầu tiên từ ba chục năm nay có đà gia tăng thấp hơn mức tăng trưởng vốn èo uột của kinh tế toàn cầu. Trong từng nước, hoặc từng khối kinh tế, phản ứng bảo vệ quyền lợi nhất thời đang thành phổ biến, trước tiên là ở ngay tại Mỹ. Năm qua, nước Mỹ bị tụt hạng về tự do kinh tế, một tiêu chuẩn căn bản cho thịnh vượng và phát triển theo sát lý luận tư bản chủ nghĩa.

Vụ khủng hoảng chưa lối thoát tại châu Âu đang cản trở luồng giao dịch tư bản tài chính, lao động hay di dân giữa 27 thành viên của Liên minh châu Âu (EU). Rủi ro không chỉ giới hạn trong khối Euro, khiến đồng Euro có thể bị sứt mẻ, mà còn khơi dậy chủ nghĩa dân tộc và phản ứng ly khai để đòi thêm quyền tự trị ngay trong từng nước. Sau phản ứng tự trị của cộng đồng Catalonia ở Tây Ban Nha, tuần qua, khi bộ trưởng Tài chính Thụy Điển nói thẳng là Hy Lạp nên ra khỏi khối Euro và khi cử tri của nước Bỉ bỏ phiếu cho xu hướng ly khai của dân Flanders tại Antwerp, thì ai ai nhìn ra một mối nguy chưa từng thấy từ năm 1945.

Cũng tuần qua, nhân khóa họp hàng năm của IMF và WB tại Tokyo, thế giới còn chứng kiến sự bất lực của các định chế quốc tế và lãnh đạo các ngân hàng trung ương trong việc cứu nguy kinh tế toàn cầu. Khi thống đốc FED của Mỹ nhập cuộc và đả kích Trung Quốc đã duy trì trị giá đồng nhân dân tệ quá thấp để trục lợi bất chính, thì càng có thể dự đoán những mâu thuẫn rất khó hàn gắn. Đây là tổ hợp các mâu thuẫn, cả về kinh tế lẫn an ninh giữa hai nền kinh tế dẫn đầu châu Á là Trung Quốc và Nhật Bản. Vấn đề không chỉ là năm hòn đảo nhỏ trên biển Hoa Đông, mà còn là vị trí tương lai của một cường quốc đang “trỗi dậy” và một cường quốc hải dương nhưng chưa ra khỏi chu kỳ khủng hoảng kéo dài hai chục năm.

Sau mỗi nhiệm kỳ tổng thống ở Mỹ hay đại hội đảng ở Trung Quốc, vấn đề không phải là những đòn đả kích nhau giữa các đối thủ hay các cuộc hội luận triền miên giữa các kỳ họp, mà vấn đề là các quốc gia, đặc biệt là các nước lớn sẽ gánh vác đến đâu phần của mình để cứu hành tinh trơ trọi này trước khi mọi chuyện trở nên quá muộn. Vấn đề không phải là hạch nhau để trừng phạt, mà vấn đề là các bên sẽ cùng hành động như thế nào trên con tàu Titanic. Lãnh đạo sắp tới ở Trung Quốc có quá nhiều vấn đề trước/sau Đại hội 18. Lãnh đạo Mỹ cũng vậy! Khả năng xoay trở của cả hai nước đều bị thu hẹp trong những tâm chấn ngặt nghèo và nguy hiểm hơn trước đây.

Hoàng Dũng Nhân
Theo SGTT

Luật Biển Việt Nam
Tinbiendong.com trân trọng giới thiệu toàn văn Luật Biển Việt Nam đã được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 21-06-2012 và Chủ tịch nước ký lệnh công bố ngày 02-07-2012. Luật Biển Việt Nam gồm 07 chương 55 điều, có  hiệu lực thi hành từ ngày 01-01-2013.
Mời hợp tác kinh doanh
Copyright ©  2012  Tin Bien Dong . All rights reserved.
Trang tin đang trong quá trình chạy thử nghiệm và  chờ xin phép Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép hoạt động.
Mạng thông tin điểm tin, sưu tầm, lưu trữ thông tin Biển Đông và thế giới
Điện thoại:04.3972 4800 - Fax:04.3972 4801 - Mobile: 0127 399 6475 // 098 300 6168 ( Mr. Mạnh Toàn ) -  Email Tin kinh te