TIN BIỂN ĐÔNG

HOÀNG SA - TRƯỜNG SA - VIỆT NAM

Mời hợp tác kinh doanh

Tranh chấp tại biển Đông: "Động binh"

Bị ở vào thế kẹt và không tránh được một cuộc đụng độ quân sự rõ ràng là điều mà chính quyền Trung Quốc (TQ) ít mong muốn nhất. Nhưng Bắc Kinh có thể sẽ buộc phải phản ứng một cách quyết liệt hơn để “không bị mất mặt” trước hành động có tính trấn áp TQ của lực lượng quân sự Mỹ tại Biển Đông.


Hệ thống X-Band của Mỹ

Theo báo The Wall Street Journal, Mỹ đang có kế hoạch mở rộng hệ thống phòng thủ chống tên lửa ở châu Á. Kế hoạch này nằm trong chiến lược phòng thủ mới của chính quyền Obama, tập trung chú ý tới châu Á - Thái Bình Dương, khu vực có tầm quan trọng đặc biệt đối với nền kinh tế Mỹ. Ông Steven Heldreth, cố vấn về vũ khí cho Quốc hội Mỹ, nói rõ, giới hoạch định chiến lược quân sự Mỹ đặc biệt quan ngại về việc TQ phát triển tên lửa đạn đạo chống tàu chiến, đe dọa các hàng không mẫu hạm của Mỹ.

Phương tiện chủ chốt trong kế hoạch phòng thủ của Mỹ là radar cảnh báo sớm, có tên gọi là X-Band. Năm 2006, Mỹ đã đặt một trạm X-Band ở Aomori, phía bắc Nhật Bản.

Bộ Chỉ huy quân sự Thái Bình Dương và Cơ quan Phòng thủ chống tên lửa của Mỹ đang xem xét các địa điểm để có thể đặt thêm một trạm radar thứ ba ở khu vực Đông Nam Á, rất có thể là tại Philippines. Ba vị trí đặt radar X-Band, ở phía bắc, phía nam Nhật Bản và tại Philippines, sẽ tạo thành một vòng cung, hướng về phía đông bắc châu Á, cho phép Mỹ và các đồng minh trong khu vực phát hiện sớm, chính xác các tên lửa đạn đạo được phóng đi từ CHDCND Triều Tiên cũng như từ một phần lãnh thổ TQ.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta nói nước này đang có kế hoạch điều chuyển phần lớn các chiến hạm tới khu vực châu Á - Thái Bình Dương vào năm 2020. Hải quân Mỹ có kế hoạch mở rộng hạm đội tàu chiến có trang bị hệ thống phòng thủ chống tên lửa đạn đạo từ 26 lên thành 36 chiếc, từ nay đến năm 2018 và 60% số tàu chiến này sẽ được triển khai ở vùng châu Á - Thái Bình Dương.

Việc mở rộng hệ thống phòng thủ diễn ra trong bối cảnh Mỹ và các đồng minh trong khu vực lo ngại về nguy cơ Triều Tiên phóng tên lửa tầm xa mang đầu đạn hạt nhân cũng như thái độ ngày càng hung hăng của TQ trong các tranh chấp tại Biển Đông.

Cuộc đổ bộ của người TQ lên quần đảo Senkaku mà Nhật Bản tuyên bố chủ quyền như một sự kiện mới nhất trong các căng thẳng tại vùng biển phía Đông TQ, và Bắc Kinh ngày càng tỏ ra ít khoan nhượng hơn. Trong khi đó, tại vùng biển Đông Nam Á, TQ cũng không ngừng leo thang gây hấn với các nước láng giềng Philippines và Việt Nam.

Lora Saalman, một nhà nghiên cứu tại Quỹ Carnegie có trụ sở tại Bắc Kinh, cho biết, kế hoạch X-Band sẽ đánh trúng trái tim trung tâm của chiến lược hiện đại hóa quân sự của TQ để gây ảnh hưởng ở châu Á. X-Band cho thấy người Mỹ sẽ can thiệp sâu vào tình hình Biển Đông và có hành động quyết liệt hơn trước thái độ hung hăng của Bắc Kinh.

Tàu ngầm TQ đang ráo riết hoạt động tại Biển Đông

Tuy nhiên, hai nhà phân tích an ninh TQ Andrew Erickson và Gabe Collins đã viết một bài bình luận cho The Wall Street Journal cho rằng, bị ở vào thế kẹt và không tránh được một cuộc đụng độ quân sự rõ ràng là điều mà chính quyền TQ ít mong muốn nhất. Nhưng Bắc Kinh có thể sẽ buộc phải phản ứng một cách quyết liệt hơn để “không bị mất mặt”, đồng thời giới lãnh đạo TQ khó xuống thang trước áp lực từ chủ nghĩa dân tộc và bảo vệ lợi ích chiến lược của đất nước dâng cao tại nước này.

Carl Thayer, một chuyên gia an ninh châu Á tại Học viện Quốc phòng Úc, nhận định, Mỹ quyết định mở rộng lá chắn phòng thủ tên lửa tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương có thể khiến TQ lo ngại và càng có lý do thúc đẩy chương trình tên lửa. Zhu Feng, một chuyên gia an ninh hàng đầu tại Đại học Bắc Kinh, cho biết, “nhiều khả năng TQ sẽ tăng tốc độ cho một cuộc chạy đua vũ trang”.

Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton sẽ đến tham dự Hội nghị Thượng đỉnh thường niên của Diễn đàn các đảo quốc Thái Bình Dương, tổ chức tại quần đảo Cook, khai mạc vào ngày 27/8, tập hợp 16 quốc gia và lãnh thổ, trong đó có Úc và New Zealand. Theo các nhà phân tích, do không có trọng lượng chiến lược, các đảo quốc nhỏ Nam Thái Bình Dương đã không được ngành ngoại giao Mỹ chiếu cố nhiều trong thời gian qua. Vì vậy, chuyến công du của bà Clinton đến quần đảo Cook - một nước có 11.000 dân với diện tích gộp lại của 15 hòn đảo không bằng diện tích của thành phố Washington - được xem như là thêm một thông điệp nhắm vào TQ.

Bộ Quốc phòng Mỹ nhận định tương quan sức mạnh quân sự ở eo biển Đài Loan ngày càng mất cân đối, nghiêng về phía TQ. Hiện nay, TQ đặt từ 1.000-1.200 tên lửa đạn đạo tầm ngắn chĩa sang phía Đài Loan.

Mặt khác, Bắc Kinh cũng phát triển các loại tên lửa đạn đạo, kể cả hỏa tiễn có thể tấn công các tàu chiến đang di động ở tầm xa 930 dặm, bao gồm cả các tên lửa có khả năng tiêu diệt tàu sân bay Mỹ hoạt động trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Những nỗ lực này một phần nhằm ngăn chặn sự tham gia quân sự của Mỹ tại khu vực cũng như khả năng trấn áp Đài Loan trong trường hợp xảy ra một cuộc xung đột.

Chính vì vậy, một số nhà phân tích quân sự quốc tế cảnh báo, sự can thiệp của Mỹ và thái độ không khoan nhượng của TQ có thể đẩy sự bất ổn của khu vực đi xa hơn trong cuộc tranh giành lãnh hải, tài nguyên được đốt nóng trong ngọn lửa chủ nghĩa dân tộc dâng cao ở nhiều quốc gia. Nó cũng khiến các quốc gia trong khu vực chia rẽ khi khó khăn trong lựa chọn đồng minh và đối tác.

 

LAM HỒNG
Theo DNSG

Luật Biển Việt Nam
Tinbiendong.com trân trọng giới thiệu toàn văn Luật Biển Việt Nam đã được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 21-06-2012 và Chủ tịch nước ký lệnh công bố ngày 02-07-2012. Luật Biển Việt Nam gồm 07 chương 55 điều, có  hiệu lực thi hành từ ngày 01-01-2013.
Mời hợp tác kinh doanh
Copyright ©  2012  Tin Bien Dong . All rights reserved.
Trang tin đang trong quá trình chạy thử nghiệm và  chờ xin phép Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép hoạt động.
Mạng thông tin điểm tin, sưu tầm, lưu trữ thông tin Biển Đông và thế giới
Điện thoại:04.3972 4800 - Fax:04.3972 4801 - Mobile: 0127 399 6475 // 098 300 6168 ( Mr. Mạnh Toàn ) -  Email Tin kinh te