Dư luận quốc tế đặt câu hỏi liệu căng thẳng Trung-Nhật do tranh chấp chủ quyền quần đảo Điếu Ngư/Senkaku có dẫn tới một cuộc chiến tranh hay không? Nhiều chuyên gia cho rằng chuyện đó sẽ không xảy ra. Có thể, Trung Quốc hiện rất cần một cuộc chiến tranh, nhưng tuyệt đối không phải với Nhật. Song những quan điểm diều hâu lại có suy nghĩ khác.
Theo tờ Đại công báo (Hongkong), lý do Trung Quốc cần có một cuộc chiến là bởi vì sau khi nền kinh tế Trung Quốc giảm tốc mấy năm trở lại đây, các vấn đề trong xã hội Trung Quốc ngày càng nổi cộm, trong đó đa phần là những mâu thuẫn sâu sắc do bất công xã hội gây ra. Những mâu thuẫn này sẽ không thể giải quyết triệt để trừ phi Trung Quốc tiến hành cải cách thể chế chính trị. Do đó, Trung Quốc có thể cần tình hình căng thẳng bên ngoài, thậm chí là một cuộc chiến có giới hạn, để chuyển dịch trọng tâm chú ý của dân chúng. Tất nhiên, tiền đề của chiến tranh là phải giúp Trung Quốc củng cố quyền lực.
Đối với Trung Quốc, quần đảo Điếu Ngư/Senkaku không chỉ là sự che chắn quan trọng đối với an ninh quốc gia của Trung Quốc và là kho báu tàng trữ nguồn dầu khí, hải sản phong phú, mà quan trọng hơn, nó còn được dùng để thể hiện rằng sự chấp chính của Trung Quốc là vì đất nước, là vì bảo vệ lợi ích dân tộc. Bắt đầu từ những năm 90 của thế kỷ trước, Trung Quốc ra sức đẩy mạnh giáo dục “chủ nghĩa yêu nước". Chủ nghĩa dân tộc (tức là “chủ nghĩa yêu nước” mà Trung Quốc tuyên truyền) vì thế trở thành lá bài quan trọng để bảo đảm nắm chắc chính quyền, theo đó, nhà cầm quyền thỉnh thoảng lại khơi ra vấn đề tranh chấp Điếu Ngư/Senkaku, tạo ra chút căng thẳng trong quan hệ Trung-Nhật để thể hiện quyết tâm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ. Có thể nói, vấn đề quần đảo Điếu Ngư/Senkaku và lịch sử Nhật Bản xâm chiếm Trung Quốc đã là công cụ quan trọng để Trung Quốc thể hiện lập trường chủ nghĩa dân tộc của mình, và người Nhật Bản đã liên tục bị lôi vào “vở diễn” này của Bắc Kinh.
Tàu tuần duyên Nhật Bản (màu trắng) chặn và phun vòi rồng vào tàu cá Trung Quốc chở các nhà hoạt động Hongkong trong vụ việc hôm 15/8
Tuy nhiên, Nhật Bản chỉ có thể bị lôi vào để diễn chung, chứ tuyệt đối không thể có sự bất hòa thực sự hay có chiến tranh với Trung Quốc. Thứ nhất, quan hệ kinh tế mậu dịch Trung-Nhật vô cùng mật thiết, nếu xảy ra chiến tranh, tổn thất là cực kỳ to lớn. Thứ hai, điều Trung Quốc cần là một cuộc chiến giành được phần thắng tuyệt đối, chỉ có chiến thắng, Trung Quốc mới có thể đạt được các mục đích trong việc chuyển dịch sự chú ý của dư luận ra bên ngoài và củng cố quyền lực, nếu không, nó sẽ phản tác dụng và chỉ đẩy nhanh sự tan rã của chính quyền do Trung Quốc lãnh đạo.
Do đó, nếu như Bắc Kinh muốn phát động một cuộc chiến tranh bảo vệ lãnh thổ/lãnh hải nhằm thể hiện quyết tâm bảo vệ lợi ích dân tộc, đối thủ nhất định phải là các nước nhỏ như Việt Nam hay Philippines, tuyệt đối không phải là Nhật Bản. Nếu so sánh, lực lượng hải quân của Nhật Bản vẫn là lực lượng đứng đầu châu Á, quốc lực của Nhật Bản cũng có thể ứng phó với một cuộc chiến tranh quy mô lớn, huống hồ sau lưng Nhật Bản còn có sự ủng hộ của Mỹ. Washington cũng nhiều lần nhắc lại rằng “Hiệp ước An ninh Mỹ-Nhật” bao trùm cả quần đảo Điếu Ngư/Senkaku. Với những nhân tố này, nếu khai chiến với Nhật Bản, Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) không chỉ không nắm chắc phần thắng, mà còn rất có thể lặp lại sự thảm bại trong cuộc chiến tranh Giáp Ngọ (1894-1895). Các nước như Việt Nam hay Philippines thì không như vậy, chiến hạm của các nước này hầu hết là cũ kỹ, trang bị lạc hậu, huấn luyện không đủ, sức chiến đấu có hạn, nếu khai chiến với các nước này, khả năng PLA giành chiến thắng là khá lớn.
Tất nhiên, còn một nguyên nhân khác rất lớn cản trở việc PLA khai chiến với Nhật Bản chính là từ nội bộ lực lượng này. Những năm gần đây, ngân sách quốc phòng của Trung Quốc liên tục tăng hai con số, song sức chiến đấu của quân đội lại không được nâng cao tương ứng. Các tướng lĩnh và binh sĩ nhiều năm qua chỉ quen với cuộc sống vật chất đầy đủ và thái bình, ngay cả việc "ra vào" quân đội hiện nay cũng phải nhờ vào các mối quan hệ và mua bán, muốn thăng chức phải mất vài trăm nghìn nhân dân tệ mới được việc, do đó, sức chiến đấu của quân đội thế nào thì không nói ra mọi người cũng biết. Một lực lượng quân đội như vậy chỉ có thể giỏi trong việc đối phó với người dân trong nước, chứ dùng để đối phó với lực lượng bên ngoài xem ra khó khiến người dân yên tâm. Đây thật sự là lý do để Trung Quốc phải suy nghĩ kỹ khi có ý định khai chiến với Nhật Bản để giành quần đảo Điếu Ngư/Senkaku.
Thời báo Hoàn cầu: Bắc Kinh – Tokyo đã không còn đường lùi
Tuy nhiên, những quan điểm diều hâu ở Trung Quốc lại có suy nghĩ khác. Tờ Thời báo Hoàn cầu cho rằng Bắc Kinh hiện đã không còn đường lùi và cần phải làm tốt công tác chuẩn bị cho trận hải chiến với Tokyo.
Theo nội dung bài báo, cơ quan cảnh sát Nhật Bản ngày 21/8 tuyên bố sẽ kiên quyết khởi tố nếu còn tái diễn tình trạng người dân Trung Quốc đến quần đảo Điếu Ngư/Senkaku. Tuyên bố này đương nhiên không thể khiến các nhà hoạt động Trung Quốc lo sợ và từ bỏ việc xây dựng các kế hoạch mới để tiếp tục hành trình đến quần đảo tranh chấp. Lời đe dọa trên của cơ quan cảnh sát Nhật Bản đồng nghĩa với việc dự báo nguy cơ căng thẳng mới giữa Bắc Kinh và Tokyo trong vấn đề Điếu Ngư/Senkaku. Theo đó, “Thời báo Hoàn cầu” khẳng định Bắc Kinh buộc phải làm tốt công tác chuẩn bị để đối phó với tình trạng căng thẳng không thể kiểm soát giữa Trung Quốc với Nhật Bản xung quanh vấn đề Điếu Ngư/Senkaku, trong đó bao gồm cả việc chuẩn bị tốt về lực lượng quân sự.
Dưới sự kích động của lực lượng cánh hữu Nhật Bản, Điếu Ngư/Senkaku hiện trở thành mâu thuẫn cũng như nguy cơ không thể hóa giải giữa Bắc Kinh và Tokyo. Trong bối cảnh căng thẳng hiện nay, cả Trung Quốc và Nhật Bản đều không còn đường lùi, tâm lý đối đầu cũng như thù địch trong xã hội đã lên đến cao độ, đẩy sự việc tiếp tục đi đến chỗ mất kiểm soát.
“Thời báo Hoàn cầu” nhấn mạnh Chính phủ Trung Quốc hiện không thể tiếp tục đơn phương áp dụng giải pháp kiềm chế trong vấn đề Điếu Ngư/Senkaku vì như vậy sẽ gây tổn thất nặng nề cho tinh thần đoàn kết chung trong xã hội cũng như làm phương hại lớn đến uy tín của nhà cầm quyền. Trung Quốc chỉ có thể thuận theo mong muốn của người dân, từng bước triển khai các hành động tranh chấp, khống chế thực sự đối với quần đảo Điếu Ngư/Senkaku. Đây có thể sẽ là sự mạo hiểm chiến lược đối với Trung Quốc, nhưng Bắc Kinh buộc phải đối mặt và điều khiển sự mạo hiểm đó, đặc biệt trong giai đoạn dân chủ hóa đang ngày càng phát triển mạnh mẽ.
Theo báo trên, nếu vấn đề quần đảo Điếu Ngư/Senkaku trở thành một “cái hố” trên con đường trỗi dậy của Trung Quốc, "chúng ta buộc phải vượt qua trở ngại đó". Xã hội Trung Quốc hoàn toàn không đòi hỏi ngay lập tức phải giành lại toàn bộ quần đảo này vì họ hiểu rõ rằng đây là việc làm rất khó khăn. Tuy nhiên, người dân Trung Quốc không chấp nhận sự hung hăng của Nhật Bản đối với Trung Quốc trong vấn đề Điếu Ngư/Senkaku. Trong vấn đề này, Trung Quốc phải tiến lên phía trước, không được lùi bước hoặt giẫm chân tại chỗ. Đó chính là viễn cảnh mà người dân Trung Quốc mong muốn được chứng kiến.
Nhiều học giả và nhà nghiên cứu chiến lược cho rằng đòi hỏi trên thiếu trí tuệ chiến lược. Trung Quốc nên kiềm chế, tiếp tục lấy việc tăng cường sức mạnh để đối trọng với Nhật Bản và Mỹ nhằm tạo cơ hội thực sự chắc chắn cho việc thu hồi quần đảo Điếu Ngư/Senkaku. Tuy nhiên, chủ trương này không thể thực hiện trong bối cảnh chính trị thực tế hiện nay.
“Thời báo Hoàn cầu” khẳng định Trung Quốc cần phải dũng cảm và mưu lược trong vấn đề Điếu Ngư/Senkaku để tạo ra cục diện mới đấu tranh với Nhật Bản. Lực lượng chấp pháp của Trung Quốc phải tiến vào khu vực 12 hải lý của quần đảo Điếu Ngư/Senkaku và đảm bảo khả năng sẵn sàng bắt giữ những người Nhật Bản đặt chân lên đảo. Trước mắt, tất cả những việc làm này sẽ rất khó khăn, nhưng bắt buộc phải trở thành mục tiêu từ nay về sau của Chính phủ Trung Quốc trong việc bảo vệ Điếu Ngư/Senkaku. Điều này có thể sẽ tạo ra cục diện căng thẳng trên biển giữa Bắc Kinh và Tokyo, nhưng Trung Quốc hoàn toàn không có gì phải lo ngại.
Để hóa giải cục diện căng thẳng đó, cả Bắc Kinh và Tokyo sẽ phải đồng thời cùng “lùi bước”, chia sẻ trách nhiệm một cách bình đẳng trong việc bảo vệ hòa bình trên biển. Ngay cả trong trường hợp xảy ra va chạm quân sự Trung-Nhật tại quần đảo Điếu Ngư/Senkaku, Bắc Kinh cũng hoàn toàn không phải lo lắng. Chỉ cần hai bên Trung Quốc và Nhật Bản thực sự không muốn giao chiến thì quy mô cũng như tính chất của va chạm quân sự kể trên sẽ dừng lại ở mức độ nhất định. Nhật Bản là một trong những quốc gia xung quanh có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc nên mạnh tay với Tokyo sẽ tạo ra hiệu ứng có lợi, mở rộng uy lực của Bắc Kinh cả trong vấn đề Nam Hải (Biển Đông). Đây không phải là hành động lên kế hoạch chiến tranh với Nhật Bản, mà là sự đáp trả kiên quyết của Bắc Kinh trước chính sách cứng rắn mà Tokyo đang thực hiện, dùng chính sách xung đột tiền duyên để ép Nhật Bản phải khôi phục thái độ bình tĩnh đối với Trung Quốc.
“Thời báo Hoàn cầu” kết luận: điều này có thể không phải là giải pháp tốt nhất đối với Trung Quốc, nhưng Bắc Kinh rất có thể sẽ buộc phải lựa chọn. Trong bối cảnh vấn đề Điếu Ngư/Senkaku đang phức tạp như hiện nay, một sự “lựa chọn hoàn hảo” cho Bắc Kinh cơ bản không tồn tại./.
V.V (Theo báo Trung Quốc)
Nguồn: Tổ Quốc