TIN BIỂN ĐÔNG

HOÀNG SA - TRƯỜNG SA - VIỆT NAM

Mời hợp tác kinh doanh

Trung Quốc trên con đường 'xâm chiếm' toàn cầu: Bữa tiệc châu Phi bắt đầu tàn?

Trong cuộc họp thượng đỉnh tháng 7/2012, Bắc Kinh đã hứa cho châu Phi vay 20 tỉ USD trong 3 năm tới, gấp đôi định mức cách đây 3 năm. Sự ào ạt đổ bộ vào châu Phi của Trung Quốc chẳng còn là chuyện mới nhưng “Lục địa đen” bây giờ đã bắt đầu nhìn lại những gì họ được và mất khi mở cửa rước Trung Quốc vào…

Mãnh lực kim tiền

Theo Washington Post (12/8/2012), từ năm 2004-2010, Trung Quốc đã cho ít nhất 7 nước châu Phi vay với tổng cộng 14 tỉ USD. Khoảng 14% đầu tư nước ngoài của Trung Quốc đang chảy vào châu Phi với 22% trong số đó thuộc lĩnh vực sản xuất và 29% thuộc khoáng sản - dầu hỏa. Xuất khẩu từ châu Phi sang Trung Quốc - chủ yếu là nguyên liệu thô và dầu - đã tăng từ 5,6 tỉ USD năm 2000 lên 93,2 tỉ USD năm 2011. Ở chiều ngược lại, châu Phi nhập hàng Trung Quốc nhiều hơn so với bất kỳ nước nào khác. Mậu dịch song phương Trung Quốc - châu Phi năm 2011 đã tăng 1/3, đạt 166,3 tỉ USD, gấp 16 lần so với thời điểm năm 2000. Hiện có khoảng 750.000 - 850.000 người Trung Quốc, với hơn 13.000 doanh nghiệp và hơn 1 ngàn tỉ USD nguồn vốn, đang “đậu” ở “đất lành” châu Phi. Tính đến giữa năm 2012, Trung Quốc đã đầu tư 45 tỉ USD vào “Lục địa đen”. Từ năm 2009, Trung Quốc đã qua mặt Mỹ để trở thành đối tác thương mại lớn nhất của châu Phi...

Trung Quốc phủ sóng đầu tư khắp “Lục địa đen” (ghi nhận của Hãng tin Straford, tháng 8/2012)

Bên cạnh làm ăn, Trung Quốc cũng tăng cường xây dựng quyền lực mềm tại châu Phi. Theo New York Times (16/8/2012), những tờ báo có lượng phát hành lớn nhất Kenya hiện đều chứa đầy bài viết của… Tân Hoa Xã, trong khi khán giả truyền hình Kenya bắt đầu “ngộp thở” với “tin tức quốc tế” từ đài CCTV (Truyền hình Trung ương Trung Quốc) hoặc đài CNC World mà Tân Hoa Xã mới thành lập ở nước này. Trên làn sóng phát thanh, đài China Radio International cũng phát sóng liên tục để phục vụ cộng đồng người Hoa làm ăn ở Kenya. “Phải nói là chỉ mù mới không thấy sự đổ bộ của truyền thông Trung Quốc vào Kenya” - phát biểu của Eric Shimoli, biên tập viên hàng đầu của The Daily Nation (tờ báo phổ biến nhất Kenya), nơi đã trở thành đối tác của Tân Hoa Xã vào năm 2011. Vấn đề đáng chú ý ở chỗ không chỉ thâm nhập hệ thống báo chí tuyên truyền bản địa, Trung Quốc còn thao túng thông tin bằng nhiều trò, chẳng hạn, họ cho Ethiopia vay 1,5 tỉ USD (!) để phục vụ công tác huấn luyện nhằm ngăn chặn các website, kênh truyền hình và đài phát thanh nào “không phục vụ lợi ích quốc gia” của Chính phủ Ethiopia...

Dáng dấp thực dân kiểu mới

Câu hỏi đang được đặt ra là Trung Quốc đã làm gì đối với châu Phi? Họ mang đến sự thịnh vượng hay tàn phá và bòn rút tài nguyên “Lục địa đen”? Ở góc độ người dân (chứ không phải cấp chính phủ mà không ít trong số đó đã bán đứng đất nước mình cho quyền lợi cá nhân), người châu Phi đang ngày càng kinh hãi Trung Quốc. “Giá trị” Trung Quốc đối với họ thật mỏng manh ở nhiều phương diện. Một bệnh viện mới xây ở Luanda, thủ đô Angola, do Trung Quốc thầu, đã phải đóng cửa chỉ sau vài tháng khai trương. Một tuyến đường Trung Quốc xây từ Lusaka (thủ đô Zambia) đến thị trấn Chirundu, dài 130km, đã bị “trôi tuột” sau vài cơn mưa lớn. Những dấu chỉ “đặc thù” của một Trung Quốc dối trá và “ăn xổi ở thì” không dừng lại tại đó, tương tự cung cấp làm ăn bất chấp như vô vàn trường hợp xảy ra ngay tại chính nước họ, chẳng hạn việc Tập đoàn Dầu khí Sinopec khoan dầu tại một công viên quốc gia của Gabon hoặc một công ty dầu Trung Quốc tạo ra những “hồ” đầy dầu tràn tại Sudan.

Bộ trưởng Môi trường Zimbabwe từng nói rằng, các tập đoàn Trung Quốc “hoạt động hệt như bọn makorokoza” - từ mỉa mai ám chỉ bọn đào vàng lậu. Với những công nhân bản địa làm việc cho công ty Trung Quốc, vấn đề an toàn lao động chỉ là một “khái niệm vớ vẩn”. Phải nói là chỉ khi bị lên án lắm các công ty khai thác tại vành đai mỏ đồng ở Zambia mới chịu cấp mũ bảo hiểm lao động cho công nhân và điều này chỉ được thực hiện sau 2 năm. Tại các mỏ này, hệ thống thông gió hoạt động cực tệ và những tai nạn chết người gần như xuất hiện mỗi ngày!

Để tránh bị điều tiếng, giới chủ Trung Quốc chơi trò hối lộ giới chức liên đoàn địa phương và thường xuyên đưa họ đi “tham quan” tại các ổ massage tại Hoa lục. Khi vụ việc bê bối nào phải ra tòa, nhân chứng thường đột ngột vắng mặt. Ngày 15/10/2010, hai viên chức công ty Trung Quốc thậm chí còn vãi súng bắn 13 thợ khai thác mỏ Zambia khi họ cùng công nhân bản địa biểu tình lên án điều kiện làm việc tồi tệ tại mỏ than Collum tại thị trấn Sinazongwe. Vụ việc nghiêm trọng thế mà công tố viên Zambia đã hủy hồ sơ kiện vào năm 2011! Sự kiện khiến người dân bản địa trở nên căm hận tột độ. Tại thị trấn Newcastle ở Nam Phi, các hãng dệt Trung Quốc chỉ trả lương khoảng 200 USD/tháng. Khi liên đoàn lao động địa phương phản đối và đề nghị đóng cửa, giới chủ Trung Quốc phớt lờ và giả vờ không biết tiếng Anh…

Tàn phá tất cả những gì có thể

Không chỉ tàn phá môi trường, Trung Quốc còn thao túng thị trường địa phương. Cuộc đổ bộ của giới thương nhân Trung Quốc đến châu Phi đã làm hàng loạt thị trường địa phương điêu đứng bởi hàng hóa giá rẻ của Trung Quốc. Chẳng phải tự nhiên mà Dar es Salaam, thành phố lớn nhất Tanzania, đã ban lệnh cấm người Trung Quốc bán hàng ngoài chợ. Đầu năm 2011, Chính phủ Tanzania nói rằng, họ chỉ đón chào giới đầu tư Trung Quốc chứ không phải “những kẻ bán hàng rong hoặc bọn đánh giày”. Và nữa, những giá trị xã hội cộng đồng châu Phi đã bị Trung Quốc tàn phá tan nát. Thói ăn gian nói dối, trò phỉnh gạt lưu manh và thủ đoạn hối lộ bỗng phát triển như dịch tại nhiều nước châu Phi - nơi có dấu chân in đậm của anh thực dân Tàu.

Công nhân Trung Quốc tại Dự án đập Merowe, Sudan

Với cung cách như vậy, tại sao Trung Quốc vẫn có thể đặt chân đến châu Phi? Vấn đề quan trọng ở đây là Bắc Kinh đã thành công trong việc dùng lá bài chính trị. Tại nhiều nước châu Phi vốn dĩ bị LHQ và phương Tây chỉ trích về dân quyền - xã hội, Trung Quốc đã xuất hiện như một đồng minh biết “cảm thông” và “chia sẻ”. Bắc Kinh đã cho vài nước châu Phi thấy chỉ mình mới là “bạn thật sự” của họ. Cộng với việc dấm dúi hối lộ cho giới chức cấp cao sở tại, thế là Trung Quốc được mời vào.

Như được kể trong The Economist, chỉ hai tuần sau khi lực lượng quân đội trung thành của giới chức lãnh đạo Guinea chặt đầu ít nhất 150 người chống đối, một hợp đồng khai thác dầu và khoáng sản trị giá khoảng 7 tỉ USD đã được ký giữa Trung Quốc và Guinea. Cần biết, nhân vật lãnh đạo Guinea, Đại úy Moussa Dadis Camara, đã bị cộng đồng quốc tế chỉ trích mạnh bởi hành động điên loạn giết chóc phe đối lập. Pháp - vốn là đồng minh truyền thống - đã “nghỉ chơi” Guinea cách đây vài năm, tương tự Liên minh châu Âu. Ngay tại châu Phi, các tổ chức Lục địa đen cũng lên án Guinea. Mohammed Ibn Chambas thuộc tổ chức Cộng đồng kinh tế các nước Tây Phi (ECOWAS) đã lên tiếng rằng, Guinea bắt đầu rơi vào chế độ độc tài. Tương tự, Trung Quốc cũng bắt tay với Sudan bất chấp nước này bị thế giới lên án gay gắt kể từ vụ thảm sát man rợ tại Darfur khiến cả chục ngàn người bị chết.

Châu Phi bắt đầu nhìn lại

Dù được ủng hộ bởi chính phủ sở tại nhưng công cuộc chinh phục và “mở rộng bờ cõi” tại châu Phi của Trung Quốc đã bắt đầu gặp không ít khó khăn. Một số chính phủ châu Phi, với sức ép tăng mạnh bởi dư luận trong nước, cũng phải tỏ ra thận trọng hơn với Trung Quốc. Năm 2009, Angola đã chặn đứng vụ đấu thầu 1,3 tỉ USD của 2 công ty dầu khí Trung Quốc (CNOOC và SINOPEC) trong việc giành 20% cổ phần một dự án khai thác dầu. Đây là cú vỗ mặt đau điếng đối với Trung Quốc, nơi mua 18% dầu từ Angola, nguồn dầu nước ngoài lớn nhất của Bắc Kinh. Vài ngày trước vụ Angola, Chính phủ Tripoli (Libya) cũng phủ quyết thương vụ 462 triệu USD của SINOPEC trong kế hoạch thâu tóm công ty dầu bản địa Venerex Energy Inc. Đối với các đảng phái đối lập tại châu Phi, quan điểm bài Hoa đang là một trong những lá bài trọng yếu. Điều đó cho thấy tình cảm của cộng đồng xã hội châu Phi dành cho Trung Quốc đang mai một dần, nếu không nói thậm chí đã chuyển sang thái độ thù nghịch, đặc biệt ở các nước Nam châu Phi. Báo chí châu Phi bắt đầu viết về tình trạng nước mình bị “bắt làm con tin” bởi Trung Quốc. Phải nói là tại một số nước, người bản địa đã bị hất ra hoàn toàn khỏi “bàn ăn” kinh doanh. Ethiopia chẳng hạn, 2/3 công ty Trung Quốc hiện diện tại đây đều là nhà sản xuất.

Các phương tiện truyền thông của Trung Quốc phủ sóng toàn cầu

Với Trung Quốc, chẳng nơi đâu dễ hốt tiền bằng châu Phi, nơi yếu tố chính trị dân chủ còn lỏng lẻo, nơi khả năng cạnh tranh còn yếu kém, nơi tinh thần kinh doanh còn sơ khai như thời văn hóa bộ lạc. Sự mất trắng chủ quyền bởi bị cưỡng chiếm ngay trong nhà mình đã khiến người châu Phi trở nên hoang mang hơn bao giờ hết. Cụ thể, dư luận Nam Phi đã bắt đầu nói, với tâm trạng lo ngại, về việc Ngân hàng Thương mại - Công nghiệp Trung Quốc (ICBC) mua 20% cổ phần trong Standard Bank - nhà băng chủ yếu ở Nam Phi và cũng là nhà băng lớn nhất “Lục địa đen” xét về vốn, nơi bắt đầu cho lập tài khoản bằng nhân dân tệ! Người ta cũng bắt đầu “có quyền” nghi ngờ về sự tử tế của Trung Quốc, khi mà gần như tất cả các chương trình cho vay của Bắc Kinh đều kèm điều kiện phải mở cửa cho các tập đoàn xây dựng Trung Quốc giành thầu.

Sự nghi hoặc lòng “nhân từ” của Trung Quốc càng có cơ sở khi báo chí châu Phi lật tẩy một số tình tiết bí mật, như vụ Chính phủ Bắc Kinh bí mật cấp học bổng để học tại Trung Quốc cho con cháu của 9 viên chức cấp cao Nambia trong đó có con gái của ngài đương kim Tổng thống Hifikepunye Pohamba và hai người nhà của ngài cựu Tổng thống Sam Nujoma. Các ý kiến chỉ trích tin rằng, đảng cầm quyền Swapo của Nambia đã bị Trung Quốc mua đứt. Báo chí địa phương còn phanh phui thêm rằng, một công ty Trung Quốc đã “bôi trơn” bằng cách hối lộ hàng triệu USD để giành được gói thầu 55,3 triệu USD việc bán máy quét (scanner) cho cơ quan nhà nước Nambia. Vụ việc có phần nhạy cảm ở chỗ, Hồ Hải Phong, quý tử của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào, từng ngồi ghế điều hành hãng sản xuất máy quét trên! Một cáo buộc khác cho biết thêm, một hãng vũ khí Trung Quốc cũng tuồn 700.000 USD cho tướng Martin Shalli, nguyên Tư lệnh trưởng Quân đội Nambia...

Trước khi các chính quyền châu Phi thật sự có động tác mạnh mẽ, dứt khoát thật sự đối với sự giảm thiểu khả năng thao túng và khống chế “Lục địa đen” trên cả bình diện kinh tế lẫn chính trị, thời điểm hiện tại, người dân châu Phi đã có những phản hồi nhất định, dù tiêu cực. Hàng loạt vụ bắt cóc người Trung Quốc xảy ra tại Sudan và Ai Cập gần đây là những ví dụ. Cuối tháng 4/2012, khi Tổng thống Nam Sudan, Salva Kiir Mayardit, kinh lý Bắc Kinh, Trung Quốc đã hứa tài trợ 8 tỉ USD cho phát triển hạ tầng, kèm theo một thông điệp của Phó thủ tướng Lý Khắc Cường: Nam Sudan phải hứa bảo vệ tốt công nhân Trung Quốc. Điều đó cho thấy, vấn đề an ninh đối với người Trung Quốc tại “Lục địa đen” bắt đầu trở nên quan trọng. Châu Phi chẳng còn là “đất lành” để Trung Quốc đến vơ vét cạn kiệt rồi đối xử với bản địa ra sao thì ra. Từ đầu năm 2007 đến tháng 2/2012, có ít nhất 14 vụ bắt cóc khiến 15 người chết đã xảy ra đối với người Trung Quốc ở nước ngoài. Có thể tất cả đều là những vụ hình sự thuần túy nhưng điều đó cũng vẫn cho thấy rằng, đối với châu Phi, làn sóng thực dân Trung Quốc đã và tiếp tục tham lam vô độ giành mất miếng bánh của họ; và bây giờ là lúc họ phải đòi lại, bằng cách này hay cách khác…


Lư Trung

(Năng lượng Mới số 149, ra thứ Sáu ngày 24/8/2012)


 

Luật Biển Việt Nam
Tinbiendong.com trân trọng giới thiệu toàn văn Luật Biển Việt Nam đã được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 21-06-2012 và Chủ tịch nước ký lệnh công bố ngày 02-07-2012. Luật Biển Việt Nam gồm 07 chương 55 điều, có  hiệu lực thi hành từ ngày 01-01-2013.
Mời hợp tác kinh doanh
Copyright ©  2012  Tin Bien Dong . All rights reserved.
Trang tin đang trong quá trình chạy thử nghiệm và  chờ xin phép Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép hoạt động.
Mạng thông tin điểm tin, sưu tầm, lưu trữ thông tin Biển Đông và thế giới
Điện thoại:04.3972 4800 - Fax:04.3972 4801 - Mobile: 0127 399 6475 // 098 300 6168 ( Mr. Mạnh Toàn ) -  Email Tin kinh te