TIN BIỂN ĐÔNG

HOÀNG SA - TRƯỜNG SA - VIỆT NAM

Mời hợp tác kinh doanh

Biển Đông - 1 trong 5 xung đột chấn động toàn cầu?

Từ Trung Đông đến Biển Đông, giới đầu tư thị trường đang phát hiện ra một tập hợp các căng thẳng quốc tế có khả năng dẫn tới những gián đoạn kinh tế.
 

Điều này được thể hiện ở nhiều cách khác nhau. Tháng trước, đồng lira Thổ Nhĩ Kỳ sụt giảm mạnh do quan ngại về xung đột biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Syria. Tuần trước, nỗi lo bất ổn lại tác động tới đồng tiền của Israel với đồn đoán nước này có thể tấn công Iran. Và giờ đây, thế giới lại nhìn về Đông Á, nơi Nhật Bản đang có tranh chấp lãnh thổ gay gắt với Trung Quốc và Hàn Quốc.

Ảnh: arabianbusiness

 

Một tập hợp các mối căng thẳng trên mà giới đầu tư gọi là "rủi ro địa chính trị" là sự mở rộng xu hướng bắt đầu từ "Mùa xuân Ảrập" năm trước, nơi một cuộc nổi dậy bắt đầu ở Tunisia sau đó lan sang Ai Cập và nhiều láng giềng khác, gồm cả Syria. Giá dầu tăng hơn 100USD/thùng lần đầu tiên từ năm 2008, và các thị trường ở khắp thế giới đều chịu áp lực mạnh mẽ.

Hiện các nhà đầu tư vào thị trường mới nổi chưa phải "hoảng loạn" khi không một cuộc xung đột nào có nguy cơ lên đến đỉnh điểm và gây tác động rộng lớn hơn. Tuy nhiên, tất cả đều có khả năng phát triển hơn, ngay cả khi những nhân tố giảm thiểu rủi ro giữ chúng tránh xa nguy cơ vượt khỏi tầm kiểm soát.

Dưới đây là một số điểm mà giới đầu tư lưu ý khi thị trường bị tác động:

Israel/Iran: Một cuộc tấn công của Israel vào Iran có thể dễ dàng khiến xung đột leo thang khắp Trung Đông. Israel khẳng định họ có quyền ngăn chặn bất kỳ hành động nào của Iran trong việc phát triển vũ khí hạt nhân, dù Tehran tuyên bố chương trình này phục vụ mục tiêu hòa bình.

Hậu quả thị trường: Giá dầu có thể tăng đột biến do sự gián đoạn trong nguồn cung Trung Đông. Các nước nhập khẩu ròng về dầu mỏ như Thổ Nhĩ Kỳ và Ấn Độ sẽ tổn thương. Tuy nhiên, Bryan Carter, quản lý danh mục đầu tư tại Acadian Asset Management lập luận rằng, các nước xuất khẩu không phải ở Trung Đông như Brazil, Mexico và Malaysia có thể được hưởng lợi từ điều này. Đồng tiền của Israel cũng sẽ chịu tổn thất trực tiếp.

Khả năng: Khả năng Israel tấn công Iran đã được biết đến nhiều năm nay(?). Hiện có nhiều thông tin đề cập tới một kế hoạch tấn công dàn tên lửa đạn đạo Iran của Mỹ và Israel, tạo cho Israel thêm khoảng không để giải quyết vấn đề Syria và Hezbollah(?).

Syria: Với những nỗ lực hòa giải không thành công, cuộc nổi dậy chống chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad đã lan rộng trở thành chiến tranh và có rất ít dấu hiệu chịu nhượng bộ của bất kỳ bên nào.

Hậu quả thị trường: Bạo lực ở Syria đe dọa sẽ lan tràn xuyên biên giới. Với các nhà đầu tư, Thổ Nhĩ Kỳ là mối lo lắng nhất khi nền kinh tế của họ lớn hơn, và thị trường cũng dễ tiếp cận với nhà đầu tư nước ngoài hơn hầu hết quốc gia Trung Đông nào. Thổ Nhĩ Kỳ sẽ chịu tác động nặng nề của bạo lực phe phái hoặc gián đoạn kinh tế do giá dầu tăng cao.

Khả năng: Mặc dù xung đột bùng nổ gần biên giới của Syria, nhưng dường như khó lan xa vào Thổ Nhĩ Kỳ. Khi Thổ Nhĩ Kỳ là một thành viên của NATO, thì Syria sẽ rất thận trọng tránh kích động một phản ứng quốc tế.

Biển Đông: Một lý do quan trọng khiến nhiều nước cạnh tranh chủ quyền ở Biển Đông là vùng biển này giàu tài nguyên dưới đáy biển. Một số người nói nó có thể chứa đựng nhiều dầu như một số nước Trung Đông. Trung Quốc viện dẫn những lý lẽ, quyền lợi lịch sử để tuyên bố kiểm soát hầu hết các nhóm đảo và vùng nước lân cận ở Biển Đông. Các bên tuyên bố chủ quyền khác phản đối điều này.

Hậu quả thị trường: Nếu Trung Quốc sử dụng sức mạnh kinh tế và quân sự kiểm soát Biển Đông và những tuyến đường vận chuyển quan trọng trong vùng biển này, thì thương mại quốc tế có thể bị đe dọa. Nếu họ làm vậy, thì thậm chí nhiều người cho rằng Mỹ sẽ bị kéo vào cuộc xung đột.

Khả năng: Trung Quốc đang xăng xái khẳng định chủ quyền của họ ở Biển Đông. Trong tháng 6, Bắc Kinh đã bổ nhiệm một hội đồng lập pháp 45 người ở cái gọi là "thành phố Tam Sa" để quản lý các nhóm đảo chính ở Biển Đông và triển khai một đơn vị đồn trú. Mỹ phản ứng khá thận trọng. Trung Quốc có lá bài kinh tế và có thể không phải đối mặt với nhiều phản đối trừ phi Mỹ đứng về phía nào một cách mạnh mẽ hơn.

Quần đảo Liancourt: Dokdo/Takeshima là một nhóm đảo nhỏ nằm giữa Hàn Quốc và Nhật Bản có tên quốc tế là quần đảo Liancourt nhưng Seoul gọi là Dokdo, còn Tokyo gọi là Takeshima. Tranh chấp hai bên trở nên căng thẳng sau chuyến thăm đảo của Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak. Nhật Bản muốn đem tranh chấp ra Tòa án quốc tế, nhưng Hàn Quốc bác bỏ điều này.

Hậu quả thị trường: Nhật đã phản ứng với tranh chấp bằng đe dọa không mở rộng các điều khoản trong thỏa thuận trị giá 70 tỉ USD với Hàn Quốc. Điều này có thể khiến đồng won Hàn Quốc bị tác động mạnh trong trường hợp xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu khác.

Khả năng: Hàn Quốc đã bác bỏ kêu gọi của Nhật để giải quyết tranh chấp. Trong khi đó, Nhật dự kiến sẽ sớm đưa ra quyết định về cách hành xử với Hàn Quốc.

Senkaku/Điếu Ngư: Quần đảo ở biển Hoa Đông là tâm điểm các cuộc biểu tình lớn tại Trung Quốc cuối tuần qua sau chuyến thăm đảo của một nhóm nhà hoạt động Nhật Bản. Mỹ chuyển giao việc quản lý quần đảo này cho Nhật từ 1971, nhưng Trung Quốc cũng khẳng định chủ quyền với nhóm đảo này. Quần đảo nằm trong lộ trình thương mại biển quan trọng cùng bãi cá lớn và có tiềm năng tài nguyên năng lượng.

Hậu quả thị trường: Tranh chấp xảy ra vào thời điểm khó xử giữa hai nước khi họ đang cố gắng xây dựng các tuyến thương mại chung. Trong các tranh chấp lãnh thổ trước với Nhật, Trung Quốc đã ngừng xuất khẩu kim loại và vật liệu quan trọng với công nghiệp sản xuất của Nhật.

Khả năng: Giống như các tranh chấp khác, Trung Quốc có thể kiềm chế trong tuyên bố chủ quyền khi không muốn gián đoạn quan hệ với một đối tác thương mại quan trọng như Nhật Bản.

Thái An (theo Wall Street Journal)
Nguồn: Việt Nam Net

 

Luật Biển Việt Nam
Tinbiendong.com trân trọng giới thiệu toàn văn Luật Biển Việt Nam đã được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 21-06-2012 và Chủ tịch nước ký lệnh công bố ngày 02-07-2012. Luật Biển Việt Nam gồm 07 chương 55 điều, có  hiệu lực thi hành từ ngày 01-01-2013.
Mời hợp tác kinh doanh
Copyright ©  2012  Tin Bien Dong . All rights reserved.
Trang tin đang trong quá trình chạy thử nghiệm và  chờ xin phép Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép hoạt động.
Mạng thông tin điểm tin, sưu tầm, lưu trữ thông tin Biển Đông và thế giới
Điện thoại:04.3972 4800 - Fax:04.3972 4801 - Mobile: 0127 399 6475 // 098 300 6168 ( Mr. Mạnh Toàn ) -  Email Tin kinh te