Việc Biển Đông có thể chứa lượng dầu mỏ ngang với nguồn vàng đen của Arập Xêút là nguyên nhân gây căng thẳng tại một trong những đường biển bận rộn nhất thế giới này, khi Trung Quốc đang chuẩn bị cho chuyển giao quyền lực. Đó là nhận định của nhà nghiên cứu Andrew Nathan trên Bloomberg ngày 24/8.
Biển Đông được xem là nơi có trữ lượng dầu mỏ và khí đốt lớn
Trung Quốc đã tăng cường các hành động về tuyên bố chủ quyền của mình nhờ ảnh hưởng kinh tế ngày càng mở rộng, khi nước này đã vượt Mỹ trở thành quốc gia tiêu thụ năng lượng nhiều nhất thế giới. Hành động của Trung Quốc vấp phải sự phản đối quyết liệt về chủ quyền từ các quốc gia láng giêng, nhất là Việt Nam và Philippines.
“Trung Quốc sẽ chẳng có lợi thế nếu dịu dọng hoặc ngồi vào bàn đàm phán”, Andrew Nathan, một học giả về chính trị Trung Quốc và chính sách đối ngoại tại Đại học Columbia, Mỹ, nhận định. “Trung Quốc sẽ không dừng lại và quan điểm hiện nay phải ánh chiến lược đã được xác định trước đó nhằm tái khẳng định các tuyên bố chủ quyền tăng dần theo thời gian mà không nhượng bộ một phân”.
Theo các nghiên cứu công bố năm 2008 của Trung Quốc, trữ lượng dầu mỏ chưa thăm dò ở Biển Đông vào khoảng 213 tỷ thùng, so với 265,4 tỷ thùng mà Arập Xêút hiện có, theo nghiên cứu của Tập đoàn BP năm 2011. Cũng theo ước tính của BP, trữ lượng dầu mỏ chưa thăm dò của Trung Quốc sẽ chỉ giúp nước này khai thác phục vụ nhu cầu cho 10 năm, trong khi Việt Nam có thể khai thác trong 37 năm và Philippines thì tệ hại hơn khi hầu hết nguồn dầu mỏ đều phải nhập khẩu.
Cùng với sức mạnh hải quân đang gia tăng, Trung Quốc đã sử dụng các tàu hải giám xua đuổi hoặc hành hung các tàu đánh cá, cắt cáp các tàu thăm dò dầu khí của các nước láng giềng. Theo báo cáo của Cơ quan nghiên cứu Quốc hội Mỹ, đã có ít nhất 8 vụ va chạm giữa Trung Quốc và Philippines trong 18 tháng qua ở Biển Đông. Theo báo cáo của “Nhóm khủng hoảng quốc tế”, một tổ chức nghiên cứu chính sách ở Mỹ, dù một cuộc chiến tranh quy mô khó xảy ra nhưng “tất cả cho thấy các tín hiệu đang đi sai hướng”.
Trước những động thái gây căng thẳng quá mức của Trung Quốc, ngày 3/8, Bộ Ngoại giao Mỹ đã buộc phải lên tiếng khi cho rằng các hành động của Trung Quốc ở Trường Sa đã “đi ngược lại các nỗ lực ngoại giao để giải quyết bất đồng và tạo nguy cơ leo thang căng thẳng ở khu vực”. Một ngày sau tuyên bố này, Bắc Kinh ra tuyên bố rằng Mỹ đang gửi “tín hiệu sai lầm nghiêm trọng” tới các đối thủ đang đua tranh với nước này trong tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông.
Theo đánh giá của Giáo sư Taylor Fravel thuộc Học viện công nghệ Massachusetts, “Mỹ không thể can dự trực tiếp vì như thế sẽ thay đổi chính sách lâu dài của mình là duy trì tính trung lập trong các tranh chấp lãnh thổ và làm phức tạp các mối quan hệ lớn hơn với Trung Quốc”. Tuy nhiên, theo ông, Mỹ có thể lên tiếng khi các xu hướng cho thấy sẽ thách thức sự ổn định khu vực hoặc nguyên tắc tự do hàng hải.
Các cơ chế hiện tại để Trung Quốc và các quốc gia ASEAN giải quyết bất đồng trong tranh chấp ở Biển Đông là không đủ. Trung Quốc cho rằng các tuyên bố của mình đã có trước khi Công ước về luật biển của LHQ năm 1982 và không chịu đưa vấn đề lên tòa án phân xử quốc tế. Hội nghị thượng đỉnh ASEAN do Campuchia chủ trì đã không đạt được đồng thuận trong giải quyết tranh chấp ở Biển Đông. Theo nhà phân tích Ian Storey thuộc Viện nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore, nếu Trung Quốc và ASEAN không thỏa thuận được một biện pháp nhằm xây dựng lòng tin thì hy vọng cho một bộ quy tắc ứng xử có tính ràng buộc ở Biển Đông là điều không thể.
Nh.Thạch (Theo Bloomberg)
Theo Petrotimes