Với cách tiếp cận theo kiểu “sống chết mặc bay”, Trung Quốc đã kiểm soát được một trữ lượng tài nguyên lớn nhưng cũng bắt đầu gặp phải những phản ứng từ các quốc gia bản địa.
Nhiều năm qua phương Tây đã tỏ ra thiếu quan tâm tới châu Phi và thi hành hàng loạt lệnh cấm vận đối với nhiều quốc gia. Và Trung Quốc (TQ) - con hổ đói mới trỗi dậy - không bỏ lỡ thời cơ lấp đầy khoảng trống này.
Khao khát kiểm soát các lợi ích
Sự hiện diện của TQ tại châu Phi có thể đã bắt đầu từ năm 1976, với việc hoàn thành tuyến đường sắt Tanzania - Zambia. Tuy vậy, các nỗ lực của TQ nhằm “lấp chỗ trống” tại châu lục này chỉ bắt đầu từ chuyến thăm châu Phi của Chủ tịch Giang Trạch Dân, tháng 5-1996. Nhà lãnh đạo kế cận Đặng Tiểu Bình đã thuyết phục các nước châu Phi rằng họ sẽ mang sự thịnh vượng đến nơi đây và đổi lại, châu Phi sẽ là nguồn cung nguyên liệu cho TQ.
Kết quả là ngày nay TQ đã trở thành nhà đầu tư lớn nhất, đối tác thương mại lớn nhất tại châu Phi. Mức tăng trưởng thương mại giữa hai bên trong 10 năm qua cũng nóng không kém sự phát triển của nền kinh tế TQ với tốc độ trung bình 33%/năm. Trong năm 2011, kim ngạch thương mại hai chiều đạt 166 tỉ USD và dự kiến sẽ lập kỷ lục mới vào năm nay với 200 tỉ USD.
Sức tăng trưởng kinh tế quá nóng của TQ được ví như một “hố đen” nuốt chửng mọi thứ xung quanh. Nước láng giềng Mông Cổ càng không thể nằm ngoài sức hút đó. Theo tin từ Thông tấn xã Mông Cổ, hiện có 1.100 công ty TQ đang hoạt động tại đất nước giàu khoáng sản này, thâu tóm một nửa các nhà máy dệt, kéo sợi và sản xuất lông dê mịn; bên cạnh đó là tất cả nhà hàng ăn uống và công tác khảo sát, thăm dò khoáng sản tại Mông Cổ.
Có hai mục đích được các nhà phân tích đề cập đến để giải thích cho những nỗ lực kiểm soát tài nguyên của TQ. Một là để thỏa mãn nhu cầu bức bách về tài nguyên cho kinh tế trong nước, mà lại nhập khẩu được các tài nguyên như đồng, thiếc, nikel.. trực tiếp từ các quốc gia châu Phi hay Mông Cổ, thay vì phải chịu mức giá cao hơn khi mua thông qua Sàn giao dịch Kim loại London (LME). Hai là bằng việc thiết lập quan hệ hữu hảo với giới chức chính phủ ở các quốc gia này, TQ muốn giành được lá phiếu của họ trong các vấn đề quan trọng tại các diễn đàn thế giới.
Người dân Zimbabwe phản đối một con tàu chở vũ khí đến từ Trung Quốc. Ảnh: RAJESH JANTIL/AFP/GETTY IMAGES
Không quan tâm tới những giá trị phổ quát
“Không có điều kiện ràng buộc nào với khoản tiền vay này”. Đó là phát biểu của bộ trưởng Thông tin Nam Sudan ngay sau khi đạt được thỏa thuận vay vốn trị giá 8 tỉ USD với TQ tháng 4-2012. Đây không phải là điều mới mẻ trong các thỏa thuận cho vay hào phóng từ TQ.
Điều đáng nói là TQ cũng từng rất hào phóng với chế độ độc tài của Tổng thống Sudan Omar al-Bashir nhằm chống lại chính lực lượng đối lập hiện đang cầm quyền hiện nay tại Nam Sudan. Với mục đích thắt chặt quan hệ với chính phủ Sudan, TQ đã đầu tư vào nước này 15 tỉ USD trong 15 năm qua và cung cấp vũ khí cho các lực lượng của chính phủ trong cuộc nội chiến Bắc-Nam.
Tình hình tại Sudan nghiêm trọng tới mức Tổng thống Omar al-Bashir bị Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) truy tố về ba tội danh: diệt chủng, chống lại con người và tội ác chiến tranh, với các cáo buộc trách nhiệm liên quan đến cái chết của ít nhất 200.000 người. Năm 2008, đạo diễn từng đoạt giải Oscar - Steven Spielberg đã từ chức cố vấn cho Thế vận hội Bắc Kinh với lý do nước này ủng hộ chính quyền ở Sudan, đồng thời gọi Olympic Bắc Kinh là “Thế vận hội diệt chủng”.
Tuy vậy, ngay sau khi lực lượng đối lập với chính phủ kiểm soát được phía nam Sudan, tách ra thành một quốc gia độc lập và mang theo 70% trữ lượng dầu mỏ của Sudan (cũ), TQ tiếp tục tìm cách tiếp cận nguồn lợi dầu mỏ này thông qua các mối quan hệ hữu hảo với quan chức chính phủ mới lên cầm quyền.
Cách tiếp cận tương tự cũng được TQ áp dụng ở một số quốc gia khác đang chìm trong xung đột ở châu Phi như Angola và thậm chí, cả chính phủ độc tài Gaddafi của xứ dầu mỏ Libya. Cái chết của Gaddafi hồi tháng 10-2011 làm lộ ra một hợp đồng tài trợ vũ khí lên tới 200 triệu USD, được ký kết trong những tháng ngày cùng quẫn của nhà độc tài này trước các lực lượng giải phóng. Điều đó cũng có nghĩa là TQ đã bất chấp lệnh cấm vận vũ trang của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đối với Libya mà Trung Quốc từng đặt bút ký năm 1970.
Coi Sri Lanka là “hạt ngọc” trong “chuỗi ngọc trai”, TQ là nước đã tài trợ cho chính phủ Sri Lanka đẩy nhanh kết cục của cuộc chiến tranh với Lực lượng Những con hổ giải phóng Tamin vào năm 2009. TQ cũng đồng thời trở thành nhà tài trợ lớn nhất cho quốc đảo có vị trí chiến lược đặc biệt này. Mục đích của họ ở đây là sự ổn định về an ninh để triển khai một bến cảng và không loại trừ khả năng sẽ trở thành căn cứ quân sự trong tương lai. Ngày nay, Sri Lanka có một chế độ gia đình trị của Tổng thống Mahinda Rajapaksa, với việc hạn chế các quyền dân chủ và năng lực của hệ thống tư pháp.
Nhà báo Graeme Maxton của đài CNBC (Mỹ), trong cuốn sách The End of Progress, How Modern Economics has Failed Us xuất bản năm 2011, viết: “Bắc Kinh không quan tâm đến việc tiền sẽ đi đến đâu và chuyện gì sẽ xảy ra với nó. Tất cả những gì họ cần là được tiếp cận với các nguồn lực, tài nguyên như một cơ hội làm ăn - cũng đồng thời là cơ hội cho các công ty xây dựng của họ tiến hành làm đường, xây cầu và bệnh viện”.
Bắt đầu nếm trái đắng
Chính sách kiểm soát các nguồn lợi ở nước ngoài bất chấp các chuẩn mực phổ quát chung đang đặt TQ trước các vấn đề quốc tế nghiêm trọng. Cái chết của một giám đốc người TQ tại mỏ than Collum Coal (Zambia) ngày 4-8, cùng nhiều vụ bạo lực khác giữa chủ lao động TQ với người lao động bản địa trong vài năm trở lại đây là chỉ dấu cho thấy người dân châu Phi đang dần hết kiên nhẫn với họ. Giới phân tích và quan chức chính phủ ở đây đang có xu hướng quay sang chỉ trích TQ. Làn sóng bàiTQ là không thể phủ nhận ở châu lục này.
Trong khi đó, giới chức Mông Cổ đang phải giải bài toán nan giải nhằm cân bằng mối quan hệ với TQ. Thông tấn xã Mông Cổ cho rằng số người chống TQ đang gia tăng, công nhân TQ ở đây đang đứng trước các nguy cơ an ninh nghiêm trọng từ các phần tử dân tộc chủ nghĩa Mông Cổ. Hãng thông tấn này cũng khẳng định TQ luôn coi Mông Cổ là một phần lãnh thổ bị mất của họ và người Mông Cổ ngày nay đang cảnh giác trước sự bành trướng trở lại của TQ.
Trung Quốc phớt lờ lệnh cấm vận của LHQ Trong một bài viết vào tháng 9-2011, bà Yuriko Koike, nguyên Bộ trưởng Quốc phòng và Cố vấn An ninh Quốc gia của Nhật, nhận xét: “TQ đã lựa chọn một con đường đầy rủi ro: Phớt lờ nhân quyền và vi phạm lệnh cấm vận của LHQ để khai thác được nguồn năng lượng và các tài nguyên cần thiết khác để duy trì tốc độ phát triển kinh tế cao. Sự lựa chọn đó không mang lại lợi ích gì cho thành viên thường trực nào của Hội đồng Bảo an LHQ, mà cũng không cho thấy TQ có ý định trở thành một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế”. |
HỮU LONG tổng hợp (Theo Project Syndicate, Asian Conversations, VDIS.org.vn
Nguồn: Pháp Luật Thành phố HCM