Australia được coi là một trong những quốc gia ổn định và phồn thịnh hàng đầu trên thế giới, một “ốc đảo” thực sự. Tuy nhiên, trong những năm gần đây quốc gia này đẩy mạnh mua sắm vũ khí. Phải chăng đây là công tác chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh quy mô lớn tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương mà một trong những nhân tố hàng đầu thúc đẩy nguy cơ này là Trung Quốc.
Các nguy cơ
Hiện có nhiều ý kiến cho rằng Thái Bình Dương sớm muộn cũng sẽ trở thành chiến trường trong một cuộc chiến khốc liệt nhằm giành giật nguồn tài nguyên, tầm ảnh hưởng và thị trường.
Các nước trong khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Philippines, Việt Nam, Indonesia, Australia, Ấn Độ…đã và đang thực hiện các chương trình hiện đại hóa lực lượng vũ trang của mình.
Đặc biệt, các nguồn lực được tập trung cho lực lượng hải quân và không quân.
Các chuyên gia của Viện nghiên cứu chính sách chiến lược Australia từng đề xuất chính phủ nước này tăng chi tiêu quốc phòng và hiện đại hóa lực lượng vũ trang nước này.
Theo đó, tổng chi tiêu quốc phòng của Australia cần phải nâng lên mức 2,5% GDP (tỷ lệ này hiện đạt 1,5%).
Châu Á-Thái Bình Dương là khu vực chiến lược quan trọng và tiềm ẩn nhiều nguy cơ xung đột |
Viên trên cũng đã tiến hành nhiều nghiên cứu về châu Á và đưa ra những kết luận thú vị.
Theo các chuyên gia của viện, sự phát triển nhanh chóng của các quốc gia châu Á chắc chắn sẽ tạo ra xung đột thực sự và làm nảy sinh các vấn đề về địa chính trị mới. Quân đội Australia ở mức độ nào đó sẽ phải tham gia giải quyết các vấn đề này.
Trên thực tế, các vấn đề về địa chính trị trong khu vực đã và đang nảy sinh, đặc biệt là những tranh chấp về chủ quyền biển đảo hiện nay.
Các mâu thuẫn này có vẻ ngày càng gay gắt như các cuộc “cãi vã” giữa Nga và Nhật Bản về chủ quyền quần đảo Kuril mà Nhật Bản gọi là vùng lãnh thổ phương Bắc, giữa Nhật Bản và Hàn Quốc về chủ quyền đảo Takeshima mà Hàn Quốc gọi là Dokdo, giữa Nhật Bản với Trung Quốc về chủ quyền quần đảo Senkaku mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư, giữa Trung Quốc với một số nước Đông Nam Á trên Biển Đông…
Thời gian qua, vấn đề Biển Đông đang trở thành đề tài nóng hổi của các phương tiện truyền thông đại chúng quốc tế.
Trung Quốc, Việt Nam và Philippines được đánh giá là 3 quốc gia tham gia “tích cực” nhất vào các cuộc tranh cãi này. Biển Đông là nơi có nguồn tài nguyên dồi dào với 30 tỷ tấn dầu thô và 16 nghìn tỷ mét khối khí, chưa kể các loại tài nguyên khoáng sản khác.
Những hành động ngang ngược của Trung Quốc cũng được xem là một trong những nguy cơ gây bất ổn trong khu vực |
Các chuyên gia Australia cho rằng tình hình địa chính trị trong khu vực đang thay đổi và Mỹ đang dần lấy lại ảnh hưởng.
Trong khi đó, Trung Quốc và Nhật Bản đã sẵn sàng cho một cuộc đua giành ngôi “vương” của khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Hiện cuộc đua này mới chỉ bộc lộ ở khía cạnh kinh tế.
Trung Quốc là nước có tranh chấp chủ quyền lãnh thổ với hầu hết các quốc gia láng giềng. Trung Quốc lại không ngừng tăng cường sức mạnh quân đội và chi tiêu quốc phòng.
Sự “bành trướng” mạnh mẽ bên ngoài chắc chắn sẽ tác động và gây ra các vấn đề nội bộ nghiêm trọng của Trung Quốc. Sự "bất ổn" từ bên trong, hành động ngang ngược bên ngoài của Trung Quốc có thể coi là yếu tố tiềm ấn nhiều nguy cơ gây bất ổn trong khu vực hơn cả.
Trong khi đó, cuộc khủng hoảng hệ thống hiện đang nhấn chìm “văn minh phương Tây” và làm gia tăng vai trò của các cường quốc khu vực.
Australia không thể đứng ngoài quá trình này. Các yếu tố trên đang tạo ra nguy cơ biến khu vực châu Á-Thái Bình Dương trở thành nơi bùng phát một cuộc chiến tranh quy mô lớn trong tương lai.
Các bước chuẩn bị của Australia
Bộ Quốc phòng Australia mới đây tuyên bố sẽ chi 155,5 tỷ USD cho mua sắm vũ khí. Trong nước, giới quân sự nước này cũng có tham vọng tiến hành hàng trăm dự án khác nhau.
Các kế hoạch lớn trước mắt phải kể đến gồm: dự án hiện đại hóa một nửa trong số 24 chiếc máy bay chiến đấu F/A-18F Super Hornet thành EA-18G Growler; ý định mua 8 máy bay tuần tra Boeing P-8A Poseidon và các máy bay trinh sát không người lái.
Canberra thậm chí còn lên kế hoạch mua 100 siêu tiêm kích F-35 Lightning II của Lockheed Martin. Hồi tháng Sáu vừa qua, Australia cũng đã nhận lô hàng cuối cùng gồm 6 chiếc máy bay kiểm soát và phát hiện từ xa Boeing 737 Wedgetail.
Chiến đấu cơ F/A-18F Super hornet |
Về hải quân, Australia đang thiết kế đóng mới 12 tàu ngầm thông thường (Hải quân Australia hiện mới chỉ có 6 tàu ngầm các loại), đưa vào trang bị 3 tàu khu trục trang bị các hệ thống phòng không và 8 tàu săn ngầm (các tàu này còn có khả năng phòng thủ tên lửa).
Ngoài ra, Australia sắp tới cũng sẽ đưa vào trang bị thêm khoảng 20 tàu tuần tiễu gần bờ, 2 tàu mang trực thăng lớp Canberra trọng tải 27.800 tấn. Hải quân Australia cũng sẽ tái trang bị và hiện đại hóa cho 8 khinh hạm lớp Anzac.
Khinh hạm HMAS 157 Perth thuộc lớp Anzac của hải quân Australia |
Về hợp tác quốc tế, Australia sẽ tham gia vào hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ bằng cách thiêt lập hệ thống kiểm soát radar khoảng không vũ trụ, phát hiện sớm và cảnh báo các vụ phóng tên lửa đạn đạo (nhiều khả năng tập trung vào Trung Quốc và Triều Tiên).
Cũng nằm trong khuôn khổ hợp tác này, Australia sẽ đóng mới 3 tàu khu trục được trang bị hệ thống Aegis và hệ thống phòng thủ tên lửa lớp Standart-2, sau đó là Standart-3. Australia cũng sẽ tiếp nhận và xử lý cá thông tin về các vụ phóng tên lửa đạn đạo được Mỹ cung cấp.
Giới chuyên gia cũng đánh giá Darwin (nơi Australia cho phép 2.500 lính thủy đánh bộ của Mỹ đồn trú luân phiên) đã trở thành điểm quan trọng để Australia có thể phối hợp cùng với Mỹ đối trọng với Trung Quốc trong bất kỳ mặt trận tiềm năng nào.
Hợp tác Mỹ-Australia là yếu tố quan trọng tác động tới khu vực châu Á-Thái Bình Dương |
Trong Tuyên bố chung hồi giữa tháng Sáu nhân dịp Tổng Thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen tới thăm Canberra, hai bên đồng ý tiếp tục trao đổi huấn luyện và hợp tác giữa các lực lượng vũ trang của nhau, nhất trí hợp tác đối phó với những thách thức an ninh chung toàn cầu như khủng bố, cướp biển, tấn công mạng.
Australia và NATO cũng cam kết phối hợp chặt chẽ trong công tác quản lý khủng hoảng và xung đột, các tình huống hậu xung đột, tái thiết, hỗ trợ nhân đạo và khắc phục thiên tai. Tuyên bố thừa nhận ảnh hưởng chiến lược và kinh tế gia tăng ở khu vực Châu Á, lưu ý cấu trúc khu vực Châu Á- Thái Bình Dương lớn mạnh sẽ là nền tảng cho an ninh và thịnh vượng toàn cầu.
Tuyên bố chính trị trên là thỏa thuận đầu tiên mà NATO ký với một quốc gia đối tác, khẳng định tầm quan trọng của Australia đối với liên minh quân sự này.
Gần một thập kỷ qua, Australia đã hợp tác chặt với NATO qua việc triển khai hơn 1.500 binh sĩ tham gia Lực lượng Hỗ trợ An ninh quốc tế ở Afghanistan (ISAF) do NATO đứng đầu.
Binh sĩ Australia tại Afghanistan |
Tiến sĩ Michael Wesley thuộc Viện Lowy của Australia mới đây cho rằng Chính phủ nước này nên làm nhiều hơn nữa để giúp giảm thiểu căng thẳng ở Biển Ðông - nơi cuộc tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc với các nước Đông Nam Á có thể dẫn tới một vụ xung đột giữa Mỹ với Trung Quốc.
Tiến sĩ Wesley cho rằng Australia nên dựa vào những mối quan hệ gần gũi với cả Washington lẫn Bắc Kinh để tìm ra một thỏa hiệp cho vụ tranh chấp này.
Theo ông, Australia cần phải quan tâm nhiều hơn tới vấn đề này vì khoảng 54% hoạt động thương mại của Australia thông qua Biển Đông.
Ngoài ra, sự giằng co giữa Trung Quốc và Mỹ tại khu vực này có thể tác động lớn tới sự cân bằng chiến lược ở Thái Bình Dương, gây ra những tác động có tính chất toàn cầu.
Đông Triều
Theo PN Today