Viết trên tờ chuyên đề thị trường Market Watch (14/4/2012), tác giả Tom Thompson nói rằng: “Chính sách đầu tư (của Trung Quốc tại Mỹ Latinh) chỉ có lợi cho Bắc Kinh”. Con cọp đói Trung Quốc đã vờn và nuốt con mồi Mỹ Latinh như thế nào?
Đưa tay này, lấy lại bằng tay kia
Trong chuyến công du Mỹ Latinh tháng 6/2012, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo đã đưa ra gói vay 10 tỉ USD cho các dự án hạ tầng tại khu vực, đồng thời lập nguồn quỹ 5 tỉ USD cho các chương trình hợp tác giữa Trung Quốc, Mỹ Latinh và Caribe. Ông Ôn cũng nói rằng, Trung Quốc sẽ nhắm đến mục tiêu tăng gần gấp đôi mậu dịch với Mỹ Latinh trong 5 năm tới, đạt hơn 400 tỉ USD. Reuters cho biết, năm 2011, thị trường Trung Quốc chiếm 8,9% xuất khẩu của Mỹ Latinh trong khi khu vực này nhập 13,8% hàng hóa từ Trung Quốc. Mậu dịch hai chiều giữa Trung Quốc và Mỹ Latinh - Caribe đã tăng gần 30% trong quãng 2005-2011. Mỹ Latinh không chỉ là địa điểm đối với giới đầu tư Trung Quốc mà còn là “kho gạo” dự trữ của con cọp đói này. Một phát biểu của ông Ôn đã cho thấy rõ: “Chúng tôi đề nghị thành lập cơ chế dự trữ lương thực khẩn cấp giữa Trung Quốc và khu vực, với 500.000 tấn, sẽ được dùng trong các tình huống thảm họa thiên tai và viện trợ nhân đạo”.
Trong các cuộc thương lượng vay tiền với Trung Quốc, đừng hy vọng rằng sẽ có chuyện “win-win”!
Xét ở yếu tố chiến lược, Trung Quốc đã tiếp cận Mỹ Latinh với một hình ảnh đa chiều: Một nhà đầu tư nhiều tiền biết chịu chơi; một cường quốc kinh tế mà mô hình phát triển của nó có thể được học theo; một sức mạnh đối trọng đáng kể đối với Mỹ và phương Tây; một hiện thân của làn sóng mới thế kỷ XXI… Và trên hết vẫn là hình ảnh một cứu tinh hào hiệp giúp kẻ đói nghèo.
Chuyên san Joint Force Quarterly (Issue 60, 1st Quarter 2011) đã liệt kê sơ khởi một số chương trình “nhân đạo” của Bắc Kinh: Cho Venezuela vay 28 tỉ USD, đồng thời cam kết viện trợ 16,3 tỉ USD cho dự án khai thác dầu tại mỏ Junin-4 thuộc vành đai Orinoco; Cho Argentina vay 10 tỉ USD để hiện đại hóa hệ thống hỏa xa, 1,3 tỉ USD để mua công ty dầu bản địa Bridas; Ứng trước 1 tỉ USD cho Ecuador để mua dầu, 1,7 tỉ USD đầu tư một dự án thủy điện và đàm phán các thương vụ đầu tư khác trị giá từ 3-5 tỉ USD; Cam kết hỗ trợ hơn 4,4 tỉ USD để phát triển các khu mỏ Peru trong đó có Toromocho, Rio Blanco, Galleno và Marcona; Lập nhà máy thép 5 tỉ USD tại cảng Au (Brazil), 3,1 tỉ USD mua cổ phần trong các dự án khai thác dầu của Brazil do Công ty Na Uy Statoil đảm nhận, cho Tập đoàn Dầu khí Brazil Petrobras vay 10 tỉ USD và thêm 1,7 tỉ USD để mua 7 công ty năng lượng bản địa…
Và một trong những dự án lớn nhất của Trung Quốc tại Mỹ Latinh là xây tuyến hỏa xa xuyên Colombia với mục tiêu đầy tham vọng là thay thế kênh đào Panama. Tuyến hỏa xa 220km sẽ nối Cartagena tại Caribe đến khu vực bờ biển Thái Bình Dương, giúp Trung Quốc dễ dàng vận chuyển hàng hóa khắp Mỹ Latinh cũng như nhập hàng từ khu vực về nước mình. Một khi dự án hoàn thành, vai trò Trung Quốc sẽ bao rộng khắp Mỹ Latinh…
Tuy nhiên, đằng sau các con số trên còn là những dữ liệu khác. Để nhận những đồng tiền Trung Quốc thật ra chẳng dễ. Trong vụ thương lượng khoản vay 1,7 tỉ USD cho Nhà máy Thủy điện Coco Coda Sinclair ở Ecuador, nhà thầu Trung Quốc SinoHidro đã đề nghị bỏ vốn đến 85% lấy từ hệ thống ngân hàng Trung Quốc! Tại Venezuela, Chính phủ Hugo Chávez cũng cắn răng “chịu nhục” chấp nhận điều kiện: “1/2 trong tổng số tiền được vay (20 tỉ USD) phải là đồng nhân dân tệ và còn phải dùng những đồng nhân dân tệ này để mua 229.000 sản phẩm tiêu dùng của hãng Trung Quốc Haier!”. Trong một thương vụ khác, Trung Quốc cho Venezuela vay 300 triệu USD để mở một hãng hàng không, với điều kiện Venezuela phải mua máy bay từ một nhà sản xuất Trung Quốc!
Chó cắn áo rách
Một thập niên qua, Mỹ Latinh đã từng bước thoát nghèo. Hàng triệu người bắt đầu có cơm ăn áo mặc. Tuy nhiên, theo các số liệu của Liên Hiệp Quốc, hiện có chừng 189 triệu người Mỹ Latinh (tức khoảng 34% dân số) vẫn còn trong tình trạng “khố rách áo ôm”, họ chủ yếu kiếm sống bằng nghề nông, với thu nhập không đến 2 USD/ngày. Với sự xuất hiện của “đối tác” Trung Quốc, liệu thành phần này có nhờ đó mà thoát khỏi khốn cùng hay cuộc sống của họ ngày càng trở nên tệ hại? Chỉ riêng với ngành công nghiệp đậu nành, người ta đã có thể tìm thấy câu trả lời. Dù sản lượng liên tục tăng nhưng nhân công và lương trong ngành trồng trọt chế biến đậu nành tại Nam Mỹ lại đi xuống. Cụ thể, trong khi sản lượng đậu nành Brazil tăng gấp 4 từ 1995-2009, nhân công của họ lại giảm. Việc tăng sản lượng đậu nành lại còn có liên hệ với sự tàn phá trên diện tích 528.000 km2 thuộc khu rừng già Amazon của Brazil.
Venezuela phải chấp nhận mua hàng Trung Quốc bằng tiền vay được của Trung Quốc!
Nghiên cứu của Viện Nghiên cứu phát triển (IDS) và Học viện Hàn lâm Vương quốc Anh (British Academy) cũng cho thấy, có mối liên hệ giữa sự hiện diện Trung Quốc tại Mỹ Latinh với những ảnh hưởng trực tiếp đến các cộng đồng nghèo khổ bản địa. Nói cách khác, sự có mặt Trung Quốc đã đẩy người nghèo khu vực đến chỗ tuyệt vọng. Và giới học giả Peru cũng nhận thấy, các công ty Trung Quốc tại Mỹ Latinh gần như chẳng hề mang lại ảnh hưởng tích cực hoặc có ý nghĩa nào đối với cộng đồng địa phương hay các tổ chức lao động bản địa.
Neil Renwick, giáo sư Trường đại học Coventry (Anh) chỉ ra rằng, cách mà Trung Quốc tiếp cận Mỹ Latinh thật ra cũng giống hệt bài bản mà họ dùng đối với chính nước họ, có nghĩa là họ đầu tư - phát triển bất chấp môi trường, bất chấp thế hệ mai sau, bất chấp công bằng, bấp chấp thủ đoạn, bất chấp hố cách biệt xã hội… Tương tự châu Phi, hàng hóa và lái buôn Trung Quốc cũng thao túng gần như hoàn toàn thị trường các nước nghèo Mỹ Latinh. Với lao động phổ thông Trung Quốc, họ sẵn sàng làm bất cứ công việc nào với bất cứ giá nào. Điều đó khiến lực lượng lao động bản địa thêm phần điêu đứng. Năm 2010, trước phản ứng dư luận, Argentina tuyên bố sẽ áp thuế đối với mặt hàng giày giá rẻ Trung Quốc. Phản ứng, Bắc Kinh lập tức “treo” một đơn hàng hơn 2 triệu tấn dầu đậu nành từ Argentina, “bởi những quan ngại về vệ sinh an toàn thực phẩm”!
Cần biết, kinh tế Argentina hiện dựa chủ yếu vào lượng xuất khẩu đậu nành 1,5 tỉ tấn/năm vào thị trường Trung Quốc… Và cũng cần biết, Mỹ Latinh là nguồn nguyên liệu thô quý giá đối với con cọp đói Trung Quốc. Venezuela, Brazil và Ecuador đang là những nước cung cấp dầu đáng kể cho Trung Quốc. Mỹ Latinh hiện chiếm 25% dự trữ bạc của thế giới, 30% dự trữ thiếc, 45% dự trữ đồng. Những khoản vay Trung Quốc chẳng bõ bèn vào đâu so với nguồn tài nguyên mà họ vơ vét, cho đến khi nào tài nguyên cạn kiệt và đất nước xơ xác thì mới thôi. Và trong khi vét sạch tài nguyên Mỹ Latinh (vốn là những tích tụ tự nhiên qua hàng ngàn năm), Trung Quốc đã mang đến những thứ “rác hiện đại” đặc thù “bản sắc” của họ: đĩa CD dỏm, băng hình khiêu dâm, đồ chơi độc hại, gái điếm Hoa lục và cả thói sống lưu manh chuyên nghiệp…
Nhà đầu tư vô trách nhiệm
Về mặt kinh tế phát triển, Trung Quốc không đóng góp gì cho Mỹ Latinh, xét ở góc độ sản xuất và sáng tạo dựa vào tri thức. Trong thực tế, Trung Quốc còn “khoái” sử dụng nguồn nhân lực trình độ thấp trong các ngành công nghiệp khai thác nguyên liệu thô của Mỹ Latinh. Họ là những tên tư bản bóc lột kiểu mới. Vài thập niên gần đây, khái niệm trách nhiệm xã hội của công ty (Corporate Social Responsibility - CRS) đã trở thành phương châm đối với giới doanh nghiệp thế giới. Với những nhà đầu tư Trung Quốc, xin đừng nhắc đến CRS, rách việc!
Năm 1992, khi mua Công ty Khoáng sản Hierro Peru, Tập đoàn Thủ Cương (Shougang Corporation) đã gây tiếng vang lớn: Trở thành tập đoàn đa quốc gia đầu tiên của Trung Quốc thực hiện một thương vụ đầu tư quan trọng tại Mỹ Latinh. Hai thập niên sau, đầu tư trực tiếp nước ngoài của Trung Quốc vào Mỹ Latinh đã tăng từ 223 triệu USD năm 2003 lên 15 tỉ USD năm 2010. Trong quãng thời gian đó, hàng loạt tập đoàn khổng lồ của Trung Quốc đã có mặt ở Mỹ Latinh.
Tuy nhiên, như dữ liệu xếp hạng GMI Ratings của một hãng nghiên cứu thị trường tại New York, gần 3/4 công ty Trung Quốc hoạt động trong các ngành công nghiệp ảnh hưởng môi trường đều không đạt được chứng nhận môi trường chuẩn quốc tế ISO 14001. Thủ Cương là một trong số đó. Năm 1992, ngay khi “khởi nghiệp” tại Peru, Thủ Cương đã chấp nhận đóng tiền phạt 14 triệu USD thay vì đồng ý đầu tư 150 triệu USD để lập hệ thống xử lý chất thải. Thủ Cương cũng khiến cộng đồng địa phương nổi giận khi cắt 1/2 nhân lực Peru và thay bằng dân Hoa Lục...
Khoáng sản Mỹ Latinh đang chảy về Trung Quốc (trong ảnh là một mỏ đồng ở Chile)
Năm 2010, vấn đề Thủ Cương trở nên to chuyện. Những công nhân mỏ bản địa, vốn là thành phần cánh tả ủng hộ chủ nghĩa xã hội và từng xem Trung Quốc cộng sản như là anh em, đã liên tiếp tổ chức đình công và thậm chí dùng bom xăng tấn công giới chủ Trung Quốc. “Chúng tôi nhanh chóng nhận ra rằng, chúng tôi đã bị lợi dụng để xây một nước Trung Quốc mới mà chẳng thấy phần thưởng nào được hưởng” - phát biểu của cụ Honorato Quispe, một viên chức lao động lâu năm tại khu mỏ nay thuộc Thủ Cương quản lý. “Người Trung Quốc xem chúng tôi chẳng khác gì nô lệ” - nhận xét thêm của Hermilia Zamudio, cư dân vùng Ruta del Sol, người có ông chồng bị Thủ Cương đuổi sau gần 30 năm từng làm cho khu mỏ.
Vụ xung đột Thủ Cương - kéo dài cả hai thập niên nay, quanh những vấn đề thâm căn cố đế như tiền lương, ô nhiễm môi trường và cung cách mà giới chức công ty Trung Quốc ứng xử với cộng đồng địa phương - đã không tương đồng với cách mà Trung Quốc tự tung hô mình như là một nhân tố mới nổi trội, đặt chân đến Mỹ Latinh với tinh thần “đồng thuận” để sao cho tất cả đều có lợi (win-win). Yếu tố “win-win” càng không thể thấy trong một vụ xô xát giữa người bản địa với giới chủ Thủ Cương vào năm 2009, khi nạn nhân Wilber Huamanahui 21 tuổi đã bị bắn chết, lúc anh cùng hàng chục người khác cố lấy lại mảnh đất mà Thủ Cương cưỡng chiếm. Vụ việc đến nay vẫn không được xử. Trong khi đó, Thủ Cương vẫn mở rộng hoạt động tại Peru, dự kiến nâng sản lượng sắt quặng lên 18 triệu tấn trong năm nay so với 8 triệu tấn năm 2010…
Trong một bài viết, Giáo sư - tiến sĩ Canada gốc Hoa Khương Văn Nhiên (Trường đại học Alberta) nhận xét: “Các công ty Trung Quốc trả lương thấp lại buộc công nhân làm việc thêm giờ; làm thế nào người ta kỳ vọng họ đối xử khác như thế ở nước ngoài? Với 6.700 công nhân mỏ than chết bởi tai nạn hầm mỏ mỗi năm (17 người/ngày)… làm thế nào người ta có thể hy vọng các doanh nghiệp Trung Quốc hành xử tử tế hơn đối với những nơi khác trên thế giới?... Trung Quốc đang tàn phá nghiêm trọng hệ sinh thái nước họ trong quá trình hiện đại hóa cực nhanh; làm thế nào người ta có thể hy vọng họ ý thức áp dụng các biện pháp thân thiện môi trường theo chuẩn phương Tây ở những nơi khác?”…
Vơ vét cạn kiệt nguồn tài nguyên thế giới là một phần trong chiến lược phát triển của Trung Quốc, bởi họ thiếu tài nguyên trầm trọng. Thủ đoạn Trung Quốc được thực hiện với một chiến thuật quen thuộc. Giới lãnh đạo Bắc Kinh đến những nước nghèo và hào phóng vung tiền cho vay với lãi suất thấp nhằm “hỗ trợ phát triển kinh tế”. Đổi lại, nước nhận tiền phải thực hiện hai điều. Thứ nhất, họ phải giao quyền kiểm soát tài nguyên quốc gia cho Trung Quốc; thứ hai, họ phải mở cửa cho hàng hóa Trung Quốc tiếp cận thị trường địa phương. Thủ đoạn trên hoàn toàn khác với hình thái phân bổ nguồn tài nguyên thế giới theo cách truyền thống, thông qua hệ thống mua bán - định giá và dựa vào lợi ích cộng đồng. Nó là hình mẫu chính xác của chủ nghĩa thực dân kiểu mới: Kiểm soát nguồn tài nguyên vốn có thể mang lại thịnh vượng cho thuộc địa và dùng tài nguyên thuộc địa để làm giàu cho “mẫu quốc thực dân”, rồi lại tái xuất khẩu hàng hóa cho thuộc địa. Như thế, Trung Quốc không chỉ khống chế được nguồn tài nguyên mà còn có cơ hội thuận lợi đẩy nhanh phát triển kinh tế quốc gia. Ngoài ra, sự đổ bộ của người Hoa lên những mảnh đất tân thuộc địa là chính sách của Bắc Kinh, với mục đích “giãn dân” một cách có hệ thống, biến các nước châu Phi và Mỹ Latinh thành “quốc gia vệ tinh” của mình. |
Ngọc Trí
(Năng lượng Mới số 150, ra thứ Ba ngày 28/8/2012)