TIN BIỂN ĐÔNG

HOÀNG SA - TRƯỜNG SA - VIỆT NAM

Mời hợp tác kinh doanh

Vì sao khó giải quyết tranh chấp biển đảo Trung–Nhật vào thời điểm này?

Căng thẳng trong quan hệ Nhật–Trung tiếp tục diễn ra trong bối cảnh tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư giữa hai nước được xem là khó giải quyết vào thời điểm này.

 

Những động thái căng thẳng mới

Trong bối cảnh căng thẳng leo thang giữa Nhật Bản và Trung Quốc xung quanh vụ tranh chấp chủ quyền đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, giới chức Nhật Bản ngày 28/8 cho biết Thứ trưởng Ngoại giao Tsuyoshi Yamaguchi sẽ sang thăm Trung Quốc vào chiều cùng ngày để chuyển bức thư cá nhân của Thủ tướng Noda tới Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào.

Trong nội dung thư, Thủ tướng Noda bày tỏ lo ngại về phản ứng của người dân Trung Quốc liên quan đến tranh chấp này, đồng thời đề cập đến việc cần trao đổi cấp cao về những vấn đề còn tồn tại không chỉ giữa hai nước mà còn cả những vấn đề khu vực như bán đảo Triều Tiên.

Trong khi đó, Chánh văn phòng nội các Osamu Fujimura cho biết việc xe chở đại sứ Nhật Bản Uichiro Niwa ở Trung Quốc bị hai ô tô Trung Quốc chặn lại để cướp cờ hôm trước đó tại Bắc Kinh là sự cố " đáng tiếc". Rất may Đại sứ Uichiro Niwa có mặt trong xe không bị hề hấn gì, chiếc xe cũng không bị ảnh hưởng nhiều. Ông Fujimura đã kêu gọi Trung Quốc cần ngăn chặn các vụ việc tương tự và tiến hành điều tra để tránh gia tăng căng thẳng giữa hai nước. 

Hiện thời, Đại sứ quán Nhật Bản vẫn chưa đưa ra cảnh báo nào cho công dân nước họ đang sống và làm việc tại Trung Quốc.

Cả Nhật Bản và Trung Quốc đều đòi chủ quyền đối với một quần đảo ở biển Hoa Đông mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư, còn Nhật Bản thì gọi là Senkaku. Cuộc tranh chấp này là nguyên nhân chính dẫn đến mối quan hệ căng thẳng giữa hai nước láng giềng Trung Quốc và Nhật Bản trong nhiều thập kỷ nay.

Vì sao khó giải quyết vào thời điểm này

Theo Eurasiareview, tranh chấp giữa Nhật Bản và Trung Quốc đối với các đảo đá cằn cỗi mà Nhật Bản gọi là Senkaku còn Trung Quốc gọi là Điếu Ngư tại biển Hoa Đông có nguồn gốc từ Chiến tranh Thế giới II.

Chủ nghĩa dân tộc của Trung Quốc thường kết nối chính sách hiện tại của Nhật Bản với tội ác của lính Nhật chiếm đóng Trung Quốc trong Chiến tranh thế giới  thứ II. Điều này là do tâm lý của Trung Quốc dễ bị kích động khi tình cảm chống Nhật vẫn chưa nguôi ngoai. Cho nên, những sự cố xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư dễ làm sống lại những vết thương trong lịch sử, làm hạn chế không gian ngoại giao cho một giải pháp hợp lý.

Giờ đây, chủ nghĩa dân tộc ở cả Nhật Bản lẫn Trung Quốc đều đang dâng cao khi cả hai đều đòi chủ quyền đối với quần đảo Senkaku/Điều Ngư. Những tranh chấp bùng lên vào tháng 4/2012, khi thị trưởng Tokyo quyết định mua quần đảo này với hy vọng làm dấy lên tinh thần dân tộc của người dân Nhật Bản. Thực ra, những tình cảm và thái độ của người dân Nhật Bản đối với Trung Quốc bắt đầu thay đổi kể từ năm 2010 khi họ thấy rằng Trung Quốc đã thay thế Nhật Bản trở thành nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới.
 

 

Những cái "đầu nóng" ở Trung Quốc. Ảnh: THX

Bên cạnh đó, tự tin về tiềm lực của mình, Trung Quốc cũng bắt đầu áp dụng một cách tiếp cận cứng rắn đối với tranh chấp biển đảo. Mới đây, khi Nhật Bản bắt giữ một thuyền cá Trung Quốc và đoàn thủy thủ tại quần đảo tranh chấp này nhưng đã buộc phải thả họ sau khi Bắc Kinh dọa cắt xuất khẩu sang Tokyo “đất hiếm” – một loại khoáng sản vô cùng quan trọng cho ngành công nghiệp công nghệ cao.

Thêm vào đó, những quan ngại về sức mạnh kinh tế và quân sự đang lên của Trung Quốc cũng khiến Nhật Bản phải mở rộng những lựa chọn trong chính sách ngoại giao của mình với những nước châu Á – Thái Bình Dương và thậm chí là cả Ấn Độ, đồng thời với việc tăng cường khả năng tự phòng thủ và đẩy mạnh hợp tác an ninh với Mỹ. Trong những diễn đàn như ASEAN, Nhật Bản đã nỗ lực khuyến khích các nước liên quan đến tranh chấp tại biển Đông cần có phản đối với những tuyên bố ngang ngược của Trung Quốc tại vùng biển này, cũng như ủng hộ họ về giải quyết tranh chấp trên bình diện đa phương. Tất nhiên, Trung Quốc không mấy hài lòng và cũng đang theo dõi sát sao mối quan hệ chiến lược giữa Nhật Bản – Ấn Độ.

Sự kết hợp giữa sự gia tăng của chủ nghĩa dân tộc ở cả Nhật Bản lẫn Trung Quốc với vấn đề chủ quyền đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư tại biển Hoa Đông dễ dẫn đến bùng nổ xung đột, có lẽ còn dễ bùng nổ hơn cả những tranh chấp ở Biển Đông.

Hiển nhiên, cả Trung Quốc và Nhật Bản đều không muốn xung đột lớn xảy ra vì cả hai chẳng gặt hái gì đáng kể từ cuộc xung đột đó. Tuy nhiên, rất mịt mờ đối với triển vọng giải quyết một cách hòa bình đối với tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư này, chủ yếu vì tinh thần dân tộc nói trên.

Thêm vào đó, hai nước đang trong giai đoạn khá bất ổn về mặt chính trị. Nhật Bản đang đối mặt với sự chia rẽ và thay đổi lãnh đạo, còn Trung Quốc sắp diễn ra cuộc chuyển giao quyền lực rất quan trọng. Vì thế trong giai đoạn này, không nước nào muốn “mềm”, mà cứ để tranh chấp hiện tại nóng bỏng để phục vụ mục đích chính trị.

Do đó, chỉ khi Thủ tướng Nhật Bản Noda kêu gọi bầu cử trước thời hạn tại Nhật Bản và tìm cách duy trì quyền lực, còn Trung Quốc kết thúc thành công Đại hội Đảng lần thứ 18 của mình, thì mới có hy vọng tranh chấp này có thể giải quyết một cách hòa bình.

Đó là lý do tại sao tìm ra giải pháp cho tranh chấp vào thời điểm này là rất xa vời, khi tinh thần dân tộc của hai nước đang ngày càng dâng cao.

Mai Linh (tổng hợp)
Theo Báo Đất Việt

Luật Biển Việt Nam
Tinbiendong.com trân trọng giới thiệu toàn văn Luật Biển Việt Nam đã được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 21-06-2012 và Chủ tịch nước ký lệnh công bố ngày 02-07-2012. Luật Biển Việt Nam gồm 07 chương 55 điều, có  hiệu lực thi hành từ ngày 01-01-2013.
Mời hợp tác kinh doanh
Copyright ©  2012  Tin Bien Dong . All rights reserved.
Trang tin đang trong quá trình chạy thử nghiệm và  chờ xin phép Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép hoạt động.
Mạng thông tin điểm tin, sưu tầm, lưu trữ thông tin Biển Đông và thế giới
Điện thoại:04.3972 4800 - Fax:04.3972 4801 - Mobile: 0127 399 6475 // 098 300 6168 ( Mr. Mạnh Toàn ) -  Email Tin kinh te