Mạng tin Global Research cho rằng Mỹ đang can thiệp vào cuộc tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư tại biển Hoa Đông giữa Trung Quốc và Nhật Bản bằng thỏa thuận phòng thủ tên lửa với Tokyo.
Ngày 17-9, Mỹ đã ký một thỏa thuận với Nhật Bản để xây dựng trận địa radar thứ hai thuộc hệ thống lá chắn tên lửa trong lãnh thổ Nhật Bản nhằm đối phó với nguy cơ từ CHDCND Triều Tiên. Theo giới phân tích, động thái này của Mỹ chẳng khác nào hành động “đổ thêm dầu vào lửa,” trong bối cảnh quan hệ giữa Trung Quốc và Nhật Bản đang hết sức căng thẳng, do Bắc Kinh có thể coi động thái trên là một hành động khiêu khích.
Mạng tin Global Research cho rằng Mỹ đang can thiệp vào cuộc tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư tại biển Hoa Đông giữa Trung Quốc và Nhật Bản bằng thỏa thuận phòng thủ tên lửa với Tokyo. Phát biểu trong chuyến công du châu Á, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta đã cảnh báo rằng tranh chấp lãnh hải giữa Trung Quốc và Nhật Bản có thể châm ngòi cho một cuộc xung đột bạo lực, nếu Bắc Kinh và Tokyo không chấm dứt các hành động khiêu khích, họ sẽ phải đối mặt với nguy cơ chiến tranh lan rộng. Tuy nhiên, việc Mỹ ký thỏa thuận phòng thủ tên lửa với Nhật Bản sẽ khiến Bắc Kinh thêm tức giận trong bối cảnh các cuộc biểu tình lớn chống Nhật Bản tiếp tục lan rộng tại Trung Quốc.
Sau cuộc hội đàm với Bộ trưởng Panetta tại Tokyo ngày 17-9, Ngoại trưởng Nhật Bản Koichiro Gemba cho biết Washington đã nhất trí rằng quần đảo Senkaku nằm trong phạm vi bảo vệ của hiệp ước an ninh Mỹ-Nhật. Trong hiệp ước được ký từ năm 1960 này, Mỹ đã cam kết hỗ trợ Nhật Bản trong trường hợp xảy ra một cuộc tấn công vào lãnh thổ nước này. Phát biểu sau cuộc hội đàm, Bộ trưởng Gemba nhấn mạnh: "Hôm nay, tôi không đề cập đến chủ đề này, nhưng Nhật Bản và Mỹ đều hiểu rằng quần đảo Senkaku thuộc phạm vi bảo vệ của hiệp ước". Trước đó, Mỹ đã tuyên bố sẽ không đứng về bên nào trong tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Senkaku/Điếu Ngư là quần đảo không có người ở, nhưng được cho là giàu tiềm năng dầu mỏ và các nguồn tài nguyên khác, có vị trí gần những tuyến đường biển quan trọng. Các vụ biểu tình bạo lực đã làm rung chuyển Trung Quốc trong vài ngày qua sau khi Nhật Bản tuyên bố hồi tuần trước rằng họ đã mua 3 hòn đảo thuộc quần đảo này từ một chủ sở hữu tư nhân. Những người Trung Quốc biểu tình chống Nhật Bản đã đốt cờ Nhật và phá hủy nhiều xe ô tô thương hiệu Nhật Bản.
Nhiều doanh nghiệp Nhật Bản hoặc liên quan Nhật Bản đã phải tạm thời đóng cửa và dừng hoạt động sản xuất tại Trung Quốc để tránh thiệt hại do làn sóng biểu tình bạo động chống Nhật gây ra.
Trong một diễn biến cho thấy sự leo thang đáng quan ngại của cuộc tranh chấp lãnh hải Trung-Nhật, hàng nghìn tàu đánh cá Trung Quốc đang hướng đến vùng biển xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Đây có thể được coi là một hành động đáp trả việc Nhật Bản quốc hữu hóa những hòn đảo này. Chính phủ Trung Quốc cũng đe dọa rằng Nhật Bản có thể phải chịu thêm một "thập kỷ mất mát" nữa nếu quan hệ giữa hai nước tiếp tục xấu đi. Tờ "Nhân dân Nhật báo" – cơ quan ngôn luận của Trung ương Đảng Cộng Sản Trung Quốc cảnh báo rằng mặc dù Trung Quốc "luôn rất thận trọng khi chơi quân bài kinh tế", nhưng họ không còn cách nào khác nếu Nhật Bản muốn có thêm một hoặc hai thập kỷ mất mát nữa, và Trung Quốc đang chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc chiến nếu tình trạng căng thẳng vẫn tiếp tục.
Nhà báo độc lập James Corbett nhận định rằng việc Chính phủ Nhật Bản ký thỏa thuận phòng thủ tên lửa với Mỹ sẽ có tác động rất lớn tới khu vực, làm leo thang các căng thẳng. Theo ông Corbett, việc Mỹ tuyên bố rằng trận địa radar phòng thủ tên lửa mới nhằm chống lại nguy cơ từ Triều Tiên cũng "vô lý" như khi nói rằng lá chắn tên lửa của Mỹ tại châu Âu không nhằm vào Nga.