TIN BIỂN ĐÔNG

HOÀNG SA - TRƯỜNG SA - VIỆT NAM

Mời hợp tác kinh doanh

Các mục tiêu có vẻ trái khoáy của ông Panetta

Có quá nhiều mục tiêu cho một chuyến công du trên vòng cung châu Á của bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta. Vừa muốn hoà giải với Trung Quốc (TQ), vừa mở rộng hệ thống phòng thủ chống tên lửa ở Nhật Bản. Liệu các mục tiêu này có tương thích trong cùng một sứ mệnh?

 

Bộ trưởng bộ Quốc phòng Mỹ Leon Panetta (trái) bắt tay với tướng tư lệnh bộ Tổng tham mưu Ma Xiao Tian, trong khi đại sứ Mỹ tại Trung Quốc Gary Locke (giữa) đang nhìn lên, ngay tại phi trường quốc tế Bắc Kinh hôm 17.9. Ảnh: AP

Tránh để mâu thuẫn vào vòng xoáy mới

Hôm nay, 19.9, ông Leon Panetta hội kiến với ông Tập Cận Bình. Theo AFP, một quan chức giấu tên cùng đi với ông Panetta cho biết, cuộc gặp dự kiến giữa ông Panetta với phó Chủ tịch nước Tập Cận Bình vừa mới tái xuất hai ngày nay có ý nghĩa nổi bật. Liệu lập luận của ông Panetta, rằng Washington và Bắc Kinh nên nuôi dưỡng mối quan hệ quân sự gắn kết hơn và tránh hiểu lầm có thể leo thang thành đối đầu có đủ sức thuyết phục lãnh đạo TQ, khi mà ngay tại chuyến thăm này, ông Panetta vẫn khẳng định quần đảo Senkaku nằm trong phạm vi Hiệp ước an ninh Mỹ – Nhật? Lầu Năm Góc vẫn thường than phiền TQ không đủ thành thật trong việc “bạch hoá” chủ trương xây dựng lực lượng vũ trang của mình, trong khi phía TQ thì cáo buộc Mỹ luôn “soi” TQ dưới góc nhìn từ thời chiến tranh lạnh.

Hôm qua, 18.9, bộ trưởng Leon Panetta đã hối thúc người đồng cấp TQ, bộ trưởng Lương Quang Liệt về một giải pháp ngoại giao cho các căng thẳng Trung – Nhật, điều mà ngày trước đó ông cũng đã khuyến khích người đồng nhiệm ở Tokyo. Trong một cảnh báo trước khi đến TQ, ông Panetta nhắc nhở: “Tranh chấp lãnh thổ giữa TQ và các nước châu Á có thể kết thúc bằng chiến tranh nếu các chính phủ vẫn giữ cách hành xử khiêu khích”. Bộ trưởng Quốc phòng Panetta tìm cách thúc đẩy quan hệ quân sự giữa Mỹ với TQ trong chuyến công du đầu tiên đến đây với tư cách là người đứng đầu Lầu Năm Góc. Mặt khác, ông Panetta không giấu giếm ý đồ củng cố liên minh Mỹ – Nhật tại một khu vực trọng điểm chiến lược của Bắc Kinh. Trước khi tới TQ, ông đã thảo luận về việc tái bố trí lực lượng Mỹ đóng tại Nhật Bản và mở rộng hợp tác phòng thủ phi đạn.

Sau cuộc hội kiến với đồng sự Nhật Bản Satoshi Morimoto và ngoại trưởng Koichiro Gemba, bộ trưởng Panetta tuyên bố: “Mỹ rất lo ngại vì các cuộc biểu tình ở TQ và tranh chấp trên đảo Senkaku”. Trong cuộc họp báo, ông Leon Panetta vừa nói vừa gõ tay lên bục như để tăng thêm điểm nhấn cho lời kêu gọi “hai bên phải giữ bình tĩnh và chừng mực, sử dụng mọi phương tiện ngoại giao để giải quyết xung khắc”.

“Tái cân bằng” và “chuyển trục”

Mỹ và Nhật vừa đồng ý thiết lập một hệ thống rađa thứ hai để phòng thủ phi đạn trên lãnh thổ Nhật Bản, một quyết định nhắm mục đích chống lại những đe doạ được giải thích là từ phía Bắc Triều Tiên. Thông báo được đưa ra ngay trước khi ông Panetta lên máy bay đi Bắc Kinh (ngày 17.9), nơi ông phải đối diện với một số thách thức từ giới lãnh đạo TQ vẫn nghi kỵ về chính sách mới của Mỹ, bao gồm một sự chuyển hướng các lực lượng hải quân Mỹ qua vùng châu Á – Thái Bình Dương.

Quân sự và kinh tế, chính trị và ngoại giao… bấy nhiêu lợi ích đan xen phức tạp giữa ba nước lớn quyết định hoà bình và chiến tranh của thế kỷ 21. Sự bất nhất trong các mục tiêu của chuyến thăm lẫn hoàn cảnh ngặt nghèo của cuộc vận động tranh cử giữa các ứng viên tổng thống Mỹ, càng tăng thêm ý nghĩa nổi bật trong chuyến công du châu Á của ông Panetta. Ý nghĩa đó chính là ở chỗ ông Panetta muốn hạn chế sự bấp bênh trong tương lai của toàn khu vực. Nói như thượng nghị sĩ John McCain mới đây, khu vực tranh chấp nằm ngay trong “lợi ích cốt lõi” của Mỹ ở châu Á – Thái Bình Dương. Khu vực này cần ổn định và bảo vệ tốt, không chỉ vì sự thông thương trị giá 1.200 tỉ USD đi qua Biển Đông mỗi năm, cũng chẳng vì Philippines là đồng minh của Mỹ, mà chủ yếu vì điều này là yếu tố quyết định cho một châu Á đang trỗi dậy tránh được mặt trái của chính sách thực dụng, nơi các nước mạnh muốn làm gì thì làm, còn nước nhỏ phải chịu thiệt thòi.

Chính vì thế, các nước vừa và nhỏ ở châu Á muốn thấy quan hệ Mỹ – Nhật – Trung ổn định để có thể hướng tới việc xây dựng hệ thống phòng vệ tập thể, hay còn gọi là an ninh liên minh. Đặc điểm của cấu trúc này là sắp xếp hệ thống phòng vệ để ngăn chặn một nước hoặc một nhóm nước xuất hiện như là kẻ thù trên thực tế, hoặc như là đối thủ tiềm tàng đe doạ trật tự đang hình thành. Sự điều chỉnh chính sách châu Á của Mỹ bắt đầu ngay từ thời gian đầu cho đến các cuộc vận động tái cử hiện nay của chính quyền Obama từng bước định hình, cùng với quá trình điều chỉnh lại các ưu tiên quốc gia cũng như chiến lược toàn cầu của Mỹ.

Sau một tuần đầy ắp các sự kiện, chuyến thăm của ông Panetta liệu có xua tan được hoài nghi cho rằng “tái cân bằng” của Mỹ là vị hoàng đế không có quần áo, và rằng, “chuyển trục” thực tế chỉ là biểu diễn tài hùng biện hơn là hành động trên chiến trường lẫn chính trường? Điều quan trọng hơn, ông Panetta có thuyết phục được các đối tác/đối thủ ở Bắc Kinh rằng việc Mỹ chuyển 60% lực lượng hải quân sang châu Á sau một thập kỷ chiến đấu ở Trung Đông và Tây Nam Á không có nghĩa là để đối đầu hay ngăn chặn TQ? Câu trả lời có thể còn phải chờ sau khi nước Mỹ có chính quyền mới và quốc hội mới sang năm.

Hoàng Dũng Nhân
Theo SGTT

Luật Biển Việt Nam
Tinbiendong.com trân trọng giới thiệu toàn văn Luật Biển Việt Nam đã được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 21-06-2012 và Chủ tịch nước ký lệnh công bố ngày 02-07-2012. Luật Biển Việt Nam gồm 07 chương 55 điều, có  hiệu lực thi hành từ ngày 01-01-2013.
Mời hợp tác kinh doanh
Copyright ©  2012  Tin Bien Dong . All rights reserved.
Trang tin đang trong quá trình chạy thử nghiệm và  chờ xin phép Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép hoạt động.
Mạng thông tin điểm tin, sưu tầm, lưu trữ thông tin Biển Đông và thế giới
Điện thoại:04.3972 4800 - Fax:04.3972 4801 - Mobile: 0127 399 6475 // 098 300 6168 ( Mr. Mạnh Toàn ) -  Email Tin kinh te