Là nước lớn châu Á và là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, chủ nghĩa dân tộc ở Trung Quốc sẽ đi về đâu, điều đó quả thực sẽ ảnh hưởng đến chiến tranh và hòa bình ở cả châu Á.
Những cuộc biểu tình chống Nhật đã biến thành bạo loạn lan ra hơn 100 tỉnh thành ở Trung Quốc. Lòng yêu nước của người Trung Quốc đang bị một số tờ báo diều hâu lợi dụng, kích động đẩy lên đến cao trào là còn dao hai lưỡi với chính quyền Bắc Kinh trong bối cảnh cuộc chuyển giao quyền lực nhạy cảm sẽ diễn ra sau Đại hội Đảng dự kiến vào tháng 10 tới.
Trên thực tế, từ khi Liên Xô tan rã và Chiến tranh Lạnh kết thúc đến nay, các nước đều từng giờ từng phút quan tâm đến xu hướng của chủ nghĩa dân tộc ở Trung Quốc. Từ khi cải cách mở cửa, mặc dù Chính phủ Trung Quốc luôn nhấn mạnh tính chất hòa bình trong phát triển của Trung Quốc, đề ra chính sách ngoại giao “giấu mình chờ thời” và “trỗi dậy hòa bình” v.v., nhưng dường như có nhiều người nghiêng về hướng tin tưởng rằng chủ nghĩa dân tộc ở Trung Quốc cuối cùng sẽ diễn biến thành chủ nghĩa dân tộc như ở Đức và Nhật Bản trước đây, và trở thành căn nguyên tiềm ẩn của xung đột và chiến tranh.
Tuy nhiên, điều hết sức hoang đường là càng nghiên cứu nhiều về chủ nghĩa dân tộc ở Trung Quốc thì người ta lại càng thể hiện rõ thái độ thiên kiến thâm căn cố đế của họ đối với Trung Quốc. Những thiên kiến này không những tồn tại ở phương Tây, nổi bật là ở Mỹ, mà còn ở các các nước láng giềng xung quanh Trung Quốc, nhất là một số nước đang có tranh chấp chủ quyền lãnh thổ với Trung Quốc. Những thiên kiến nói trên thể hiện ở ba phương diện sau:
Người biểu tình chống Nhật trước đại sứ quán Nhật Bản ở Bắc Kinh, 18/9
Thứ nhất là ý thức hệ. Xuất phát từ ý thức hệ để đo lường chủ nghĩa dân tộc, đó là cách thường thấy nhất ở các nước dân chủ. Nói một cách đơn giản, chủ nghĩa dân tộc ở các nước dân chủ đều là bình thường, là biểu hiện bình thường của ý thức hệ, nhưng chủ nghĩa dân tộc xảy ra ở các nước phi dân chủ lại thường là sản phẩm huy động của chính phủ theo chủ nghĩa quyền uy. Vì thế, mặc dù Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và Ấn độ đều tồn tại chủ nghĩa dân tộc, đối tượng bị chỉ trích thường là chủ nghĩa dân tộc, nhưng chủ nghĩa dân tộc ở các nước dân chủ không những không bị chỉ trích mà lại thường được ca ngợi.
Thứ hai là địa chính trị và địa chiến lược. Ở phương diện này lợi ích chiến lược sẽ nhiều hơn. Một số nước thường coi chủ nghĩa dân tộc ở các nước có lợi ích địa chính trị và địa chiến lược gắn với nước mình là bình thường và còn tán dương, nhưng lại coi chủ nghĩa dân tộc ở những nước có lợi ích địa chính trị và địa chiến lược xung đột hoặc cạnh tranh với nước mình là không bình thường, đồng thời còn bị khiển trách. Điều này được thể hiện rất rõ trong phương diện đối xử của Mỹ và phương Tây với chủ nghĩa dân tộc xảy ra ở các nước Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Việt Nam và Philippines.
Thứ ba là đạo đức. Đây là phương diện phổ biến nhất, cảm tính nhất, hầu như có thể xảy ra ở bất cứ tầng lớp nào trong một xã hội. Việc phán đoán đạo đức đối với chủ nghĩa dân tộc là thường thấy giữa nước lớn với nước nhỏ, giữa nước mạnh và nước yếu. Rất đơn giản, người ta khiển trách nước lớn và cường quốc lừa gạt nước nhỏ và nước yếu nhưng lại ca ngợi thách thức của nước nhỏ và nước yếu đối với nước lớn. chủ nghĩa dân tộc cũng vậy.
Chính phủ xử lý thế nào trong quan hệ với chủ nghĩa dân tộc
Về mặt lý thuyết, vấn đề cần phải xử lý đối với chủ nghĩa dân tộc đó là quan hệ giữa mình và người khác, đặc điểm lớn nhất trong đó là luôn nghĩ mình đúng, còn người khác lúc nào cũng sai. Trong rất nhiều trường hợp, chủ nghĩa dân tộc vừa là thiên kiến với người khác, cũng vừa là thiên kiến với chính mình. Vì thế nếu xử lý không thỏa đáng, không những sẽ gây tổn hại cho lợi ích người khác, cũng vừa gây tổn hại cho lợi ích của bản thân mình. Kinh nghiệm cho thấy chủ nghĩa dân tộc đã dẫn đến không biết bao nhiêu lần chiến tranh và xung đột trong lịch sử, vừa xảy ra giữa các nước có chủ quyền, cũng vừa xảy ra trong nội bộ nước chủ quyền. Sau khi chiến tranh kết thúc, xu hướng này của chủ nghĩa dân tộc vẫn tiếp tục dai dẳng.
Liệu chủ nghĩa dân tộc ở các nước châu Á có diễn biến thành xung đột, thậm chí là chiến tranh giữa các nước hay không, vấn đề này chủ yếu liên quan đến việc xử lý quan hệ với chủ nghĩa dân tộc của chính phủ các nước. chủ nghĩa dân tộc có thể không tránh được nhưng xung đột và chiến tranh do chủ nghĩa dân tộc gây nên không phải không tránh được, trong đó chính phủ đóng vai trò quan trọng nhất.
Xem xét quan hệ giữa chính phủ với chủ nghĩa dân tộc, có thể phân thành một số loại hình sau:
Loại thứ nhất, chính phủ huy động, trong đó lại có thể phân thành hai loại nhỏ
Một là, chính phủ chủ động tạo ra chủ nghĩa dân tộc. Ở một số xã hội, chủ nghĩa dân tộc vốn không mạnh, nhưng để đạt được mục đích của mình, chính phủ đã sử dụng các biện pháp và các nguồn lực (chẳng hạn như cơ cấu tổ chức hoặc ý thức hệ) để tạo ra một loại chủ nghĩa dân tộc theo cách mà chính phủ đó yêu cầu. Các nước châu Âu trong thời kỳ đầu là như vậy, kết quả huy động là đã làm tăng thêm được sự thừa nhận đối với tư cách quốc gia chủ quyền, nhưng cũng đồng thời dẫn đến không biết bao nhiêu cuộc chiến tranh và xung đột. Trước Chiến tranh thế giới thứ Hai, các chính phủ Đức và Nhật Bản đã tạo ra thứ chủ nghĩa dân tộc mang tính xâm lược rất mạnh.
Hai là chủ nghĩa dân tộc đã có sẵn trong xã hội, chính phủ hoặc chính khách đã lồng tính toán của mình vào đó để đạt được mục tiêu lợi ích như vậy.
Loại thứ hai, phản ứng của chính phủ. Loại hình này cụ thể là trong xã hội đang tồn tại sẵn tinh thần và tình cảm dân tộc, bất cứ lúc nào cũng có thể nổ ra. Trong một số tình huống, chủ nghĩa dân tộc nổ ra là phản ứng đối với một sự kiện nào đó; trong một số tình huống khác, chủ nghĩa dân tộc nổ ra, bản thân đã có thể tạo ra sự kiện. Mỗi khi nổ ra, Chủ nghĩa dân tộc đều có ảnh hưởng với cả bên trong và bên ngoài, vì thế các chính phủ không thể không có phản ứng.
Loại thứ ba, Chính phủ lợi dụng chủ nghĩa dân tộc để chứng minh cho sự hợp lý trong chính sách của mình. Loại hình này là ở giữa hai loại hình nói trên. Nếu chủ nghĩa dân tộc trở thành một kiểu tồn tại khách quan, sẽ không có chính phủ nào có thể hoàn toàn coi thường sự tồn tại đó, cho dù đó là Chính phủ dân tộc hay là Chủ nghĩa quyền uy. Đã là tồn tại khách quan thì ở mức độ nào đó, các chính phủ sẽ đều phải lợi dụng nguồn lực của chủ nghĩa dân tộc để chứng minh cho tính hợp lý trong một số chính sách của mình.
Xét từ ba loại hình quan hệ giữa chính phủ với chủ nghĩa dân tộc nói trên, có thể thấy được xu hướng phát triển của chủ nghĩa dân tộc ở các nước châu Á. Ở Trung Quốc, tính chất hợp lý trong chính sách của Chính phủ chủ yếu không nằm ở ý dân, đặc biệt là ý thức dân tộc của dân chúng. Chính phủ vẫn có tính tự chủ rất mạnh để xử lý mối quan hệ với chủ nghĩa dân tộc. Trong thực tiễn quả đúng như vậy. Trong thời đại Mao Trạch Đông, bởi quốc gia yếu nên chủ nghĩa dân tộc thuộc loại hình chính phủ huy động, điều này được thể hiện đặc biệt rõ trong phương diện chống các bá quyền Mỹ và Liên Xô. Nhưng từ khi cải cách mở cửa đến nay, Chính phủ Trung Quốc nhắm vào chủ nghĩa dân tộc chủ yếu là tăng cường quản lý và kiểm soát. Trung Quốc mặc dù cũng đã trải qua phong trào yêu nước, cũng đã có ảnh hưởng đối với chủ nghĩa dân tộc về phương diện xã hội, nhưng mục tiêu chính của Chủ nghĩa yêu nước là ổn định nội bộ chứ không phải với bên ngoài. Xét từ góc độ chính phủ thì chủ nghĩa dân tộc ở Trung Quốc phần lớn là có tính chất phản ứng, tức phản ứng đối với chủ nghĩa dân tộc trên bình diện xã hội.
Chính phủ Trung Quốc kiểm soát và quản lý chủ nghĩa dân tộc
Là nước lớn đang trỗi dậy, chủ nghĩa dân tộc ở Trung Quốc hiện nay càng ngày càng thể hiện rõ tính tự phát. Cũng có thể nói chủ nghĩa dân tộc ở Trung Quốc hiện nay đã biến thành một hình thức tồn tại khách quan. Chính phủ có khả năng lợi dụng chủ nghĩa dân tộc để chứng minh cho tính hợp lý của chính sách, tuy nhiên, nếu không tự kiềm chế, chủ nghĩa dân tộc sẽ là con dao hai lưỡi với chính quyền
Xung đột Trung- Nhật về chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư thử thách cách xử lý của chính quyền Bắc Kinh với chủ nghĩa dân tộc. Tờ Minh Báo của Hong Kong cho rằng chính phủ Trung Quốc đã kích động một cuộc “chiến tranh nhân dân” nhằm vào Nhật Bản. Bằng chứng nằm ở bình luận “bật đèn xanh” của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi về các cuộc biểu tình chống Nhật ngày 11/9. Một mặt kêu gọi người biểu tình chừng mực, mặt khác, ông Hồng lại bảo “có thể hiểu được lòng yêu nước” của họ và cho rằng bảo vệ đất nước trước ngoại xâm là trách nhiệm của từng công dân Trung Quốc, bất kể là thường dân hay tướng sĩ.
Tuy nhiên, ngày 19/9, giới truyền thông Trung Quốc dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi cho hay, chính phủ Trung Quốc không xúi giục hay ủng hộ người dân nước này biểu tình chống Nhật Bản. Ông Hồng khẳng định, tất cả hoạt động biểu tình chống Nhật Bản đã và đang diễn ra trên nhiều địa phương tại Trung Quốc hoàn toàn là hành vi tự phát. Đồng thời ông Hồng Lỗi cũng lớn tiếng yêu cầu: “Nhật Bản cần phải tôn trọng lập trường nghiêm túc của Trung Quốc, tôn trọng tiếng nói chính nghĩa của người dân Trung Quốc, không được một mình một kiểu, mê muội sai lầm”. Một lần nữa ông Hồng khẳng định rằng, nguyên nhân chính của các cuộc biểu tình chống Nhật Bản nổ ra tại Trung Quốc là do Nội các Nhật Bản quyết định mua đảo “sai lầm và phi pháp” gây ra.
Trong quan hệ với Trung Quốc, chủ nghĩa dân tộc ở các nước Việt Nam, Philippines cũng đang mạnh lên. So với Trung Quốc, các nước này là nước nhỏ đang phát triển, đồng thời Chính phủ các nước này cũng yếu hơn Chính phủ Trung Quốc rất nhiều. Vì thế Chính phủ các nước này phải huy động chủ nghĩa dân tộc để có được tính hợp pháp của chính phủ, trong khi làm hòa hoãn mâu thuẫn trong nước cũng đồng thời gây tổn hại đến quan hệ với Trung Quốc. Điều quan trọng hơn nữa là, chủ nghĩa dân tộc nhắm vào Trung Quốc ở các nước này thường lôi kéo một nước lớn khác là nước Mỹ vào, trong khi Mỹ xuất phát từ nhu cầu địa-chính trị nên thường hùa vào thêm, làm cho tính chất quốc tế của chủ nghĩa dân tộc ở các nước này phức tạp hơn.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa, chính phủ các nước có xu hướng yếu đi, một số chính phủ yếu đi nhanh hơn so với một số chính phủ khác. Thời đại này về lý thuyết vẫn nói là thời đại của quốc gia chủ quyền, nhưng chính phủ của quốc gia chủ quyền đã rất khó kiểm soát được dân chúng do mình quản lý như trong truyền thống. Đồng thời lực lượng xã hội tăng nhanh, ngày càng đóng vai trò quan trọng trên vũ đài chính trị thế giới.
Có điều, chủ nghĩa dân tộc trong xã hội có thể dẫn đến tranh chấp và xung đột giữa các nước, nhưng trong nhân dân không có khả năng để giải quyết những tranh chấp và xung đột quốc tế, cuối cùng vẫn phải nhờ đến chính phủ của quốc gia chủ quyền. Vì thế, giữa các chính phủ quốc gia chủ quyền lại càng phải hợp tác, phải xử lý vấn đề chủ nghĩa dân tộc ở nước mình bằng lý tính nhiều hơn chứ không phải xuất phát từ tư lợi để huy động chủ nghĩa dân tộc một cách không có trách nhiệm, đơn giản đổ trách nhiệm cho nước khác, đặc biệt đối với Chính phủ Trung Quốc với tư cách là một Trung Quốc “lớn”, “mạnh” và “phi dân chủ” trong con mắt của họ.
Dù nói về kinh nghiệm lịch sử hay thách thức hiện thực, làm thế nào để đối phó với chủ nghĩa dân tộc tồn tại khách quan, đó vẫn là một nhiệm vụ khó khăn đối với tất cả chính phủ ở các nước. Nếu chủ nghĩa dân tộc vượt quá tầm kiểm soát và mạnh lên đến mức độ nào đó thì chắc chắn sẽ bị lực lượng chính trị cấp tiến ở các nước kìm lại, tiếp nữa là gây sức ép với cả chính quyền, từ đó khiến cho chủ nghĩa dân tộc đi đến chỗ xung đột, thậm chí là chiến tranh giữa các nước mà không có đường lùi./.
V.V
Theo Tổ Quốc