Tại Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) mới đây, Tổng thống Myanmar Thein Sein đã khẳng định tiến trình dân chủ mà đất nước này đang theo đuổi không thể đảo ngược và cam kết sẽ xây dựng một “xã hội hài hòa” theo chuẩn mực “quốc tế”.
Không chỉ ca ngợi công lao của nhà lãnh đạo đối lập Aung San Suu Kyi, Tổng thống Thein Sein còn tuyên bố không loại trừ khả năng chủ nhân giải Nobel hòa bình 1991 sẽ trở thành Tổng thống trong cuộc tổng tuyển cử năm 2015. Theo giới phân tích, lực lượng quân nhân yêu nước ở Myanmar giờ đã xem dân chủ hóa là giải pháp giúp đất nước thoát khỏi khó khăn và phát triển thịnh vượng.
Sự phụ thuộc của Trung Quốc vào Myanmar
Con đường dân chủ hóa Myanmar vẫn còn rất nhiều bất trắc. Cho đến nay, Mỹ không bao giờ đưa ra những lời tuyên bố lạc quan mà ngược lại luôn giữ thái độ thận trọng, đề phòng tình hình đảo ngược. Giới tình báo phương Tây cho rằng với vị trí địa lý và tài nguyên dồi dào, Myanmar là một quân cờ địa chiến lược cực kỳ quan trọng đối với Trung Quốc.
Bắc Kinh không thể để cho quốc gia Đông Nam Á này ngả theo Ấn Độ hay phương Tây. Trung Quốc lệ thuộc vào nhiều nguồn tài nguyên từ Myanmar như khí đốt, thủy điện, đồng thời cũng có các mối quan hệ kinh tế, quốc phòng chặt chẽ với Myanmar. Đặc biệt, quốc gia này chính là đầu cầu triển khai hải quân của Trung Quốc tại Ấn Độ Dương.
Lý giải tiến trình dân chủ hóa đang diễn ra ở Myanmar trên tạp chí "Focus," Tướng Jean-Bernard Pinatel, một chuyên gia địa chính trị và tình báo kinh tế của Pháp cho rằng đó là câu trả lời của phái dân tộc chủ nghĩa trong giới cầm quyền quân sự Myanmar đối với ý đồ thực dân hóa dần dần của Trung Quốc.
Quả thực là Trung Quốc phụ thuộc vào việc vận chuyển bằng đường biển một phần lớn năng lượng của mình từ Trung Đông về. Tuyến đường biển đó buộc phải đi qua Hormuz và Malacca, hai eo biển dễ dàng bị các cường quốc hàng hải, trong đó có Mỹ, kiểm soát. Vận chuyển dầu mỏ và khí đốt qua lãnh thổ Myanamar sẽ giúp Trung Quốc khắc phục được sự lệ thuộc bắt buộc đó, đặc biệt là eo biển Malacca. Hơn nữa, trữ lượng khí đốt đã được khẳng định ở Myanmar là rất lớn vì tương đương với khoảng ba năm tiêu thụ của Trung Quốc với mức như của năm 2009.
Việc Trung Quốc xây dựng hạ tầng kết nối giữa nước này và Myanmar cho thấy Bắc Kinh coi trọng ván cá cược chiến lược này. Một tuyến đường ôtô đang được hoàn thành giữa Trung Quốc và Kengtung, ở phía Đông bang Shan của Myanmar. Quân đội Trung Quốc cũng đặt trạm nghe trộm ở Coco Islands, một quần đảo nhỏ ở Ấn Độ Dương. Trung Quốc còn tham gia xây dựng một số cảng nước sâu ở Ấn Độ Dương để chuẩn bị cho việc triển khai ở mặt bờ biển phía này.
Một đường ống dẫn dầu và một đường ống dẫn khí đốt sắp tới sẽ nối Côn Minh, thủ phủ tỉnh Vân Nam, với cảng Sittwe của Myanmar và Kyaukpyu, trên đảo Ramsee, cách cảng Sittwe khoảng năm chục cây số về phía Nam. Đường ống dẫn dầu này sẽ vận chuyển 400.000 thùng/ngày từ Trung Đông về.
Đồng thời, đường ống dẫn khí đốt được Cty dầu khí quốc gia Trung Quốc (CNPC) đầu tư hơn một tỷ USD, được dùng để vận chuyển 25 tỷ mét khối khí trong 30 năm từ mỏ Shwe (tiếng Myanmar nghĩa là "vàng") ở ngoài khơi Myanmar, cách Sittwe (thủ phủ bang Arakanai) khoảng 30km, được ký với PetroChina vào mùa Xuân năm 2005 và được bổ sung năm 2008 bằng một bản ghi nhớ giữa các Cty khai thác và CNPC, về mua và vận chuyển khí đốt tự nhiên từ các mỏ A-1 và A-3 về Trung Quốc. Các đường ống này có tổng chiều dài 1.200 km, cộng với 45 km thuộc đường ống Yadana chạy trên đất liền được một tổ hợp do Total làm chủ thực hiện.
Tầm quan trọng của tuyến đường vận chuyển năng lượng này có tính chiến lược đối với Trung Quốc đến mức khiến người ta đặt câu hỏi liệu có phải từ hai chục năm nay, nước này đang tiến hành thực dân hóa dần dần vùng đất mà hai đường ống này chạy qua không. Tỉnh Mandalay của Myanmar, vốn là thành lũy bộ tộc và văn hóa truyền thống ở Myanmar, nằm trên đường đi của các đường ống này, gần như bị người Trung Quốc "thôn tính".
Hiện người Trung Quốc chiếm khoảng 30-40% số dân ở thành phố Mandalay, tức gần bằng số người Myanmar, hơn nữa thành phố này còn có một cộng đồng lớn người Ấn Độ-Myanmar. Tiếng Myanmar vẫn là ngôn ngữ chính ở Mandalay, nhưng tiếng Quan thoại (ngôn ngữ phổ thông của Trung Quốc) ngày càng được sử dụng nhiều ở đây, cụ thể là tại các khu thương mại như chợ Zegyo.
Trung Quốc hiện diện ở vùng này cả về con người, kinh tế lẫn quân sự. Từ những năm 1990, với việc ký hợp đồng bán vũ khí trị giá một tỷ USD, Trung Quốc trở thành đối tác thương mại hàng đầu của Myanmar. Trung Quốc cung cấp đều đặn cho Myanmar trang thiết bị quân sự hạng nặng, cụ thể là xe tăng tấn công, xe bọc thép chở quân và phụ tùng pháo (súng chống tăng và phòng không, pháo tự hành…).
Bài học đối với Trung Quốc
Do vị trí địa lý và tài nguyên năng lượng, Myanmar trở thành ván cá cược địa chính trị lớn mà Trung Quốc không thể bỏ qua, cũng không thể để rơi vào tay các cường quốc khác, dù đó là Ấn Độ hay phương Tây. Nhưng Tướng Pinatel cho rằng Trung Quốc đã nhận được những bài học đầu tiên vì đánh giá thấp trào lưu dân tộc chủ nghĩa trong ban lãnh đạo Myanmar.
Theo Tướng Pinatel, "sự kiện bà Aung San Suu Kyi vinh quang trở lại chính trường thể hiện quyết tâm của một bộ phận quân nhân Myanmar muốn lật qua trang sử độc tài để thoát khỏi hiểm họa "thực dân Trung Quốc". Trong khi đó, theo phân tích của phóng viên Arnaud Dubus hiện đang làm việc tại Thái Lan, phe cải cách trong chính quyền của Tổng thống Thein Sein và lực lượng đối lập đang hợp tác với nhau để dân chủ hóa đất nước.
Điều đáng chú ý là trong diễn văn tại LHQ, ông Thein Sein nhấn mạnh rằng quân đội vẫn còn giữ vai trò chính trị. Hiện nay, chưa có cơ hội để gây ra đối đầu trực tiếp giữa chính phủ và phe đối lập vì vấn đề nhạy cảm nhất, kiểm soát quyền lực chính trị và kinh tế, chưa được đề cập đến và sẽ không được đề cập trước cuộc bầu cử Quốc hội năm 2015. Giai đoạn sau 2015 sẽ là thời kỳ đổi mới thật sự".
Trung Quốc hiện diện ở Myanmar nhiều đến mức gây ra tâm lý chống Trung Quốc rất mạnh trong dân chúng ở miền Bắc Myanmar vì họ cho đó là một hình thức thực dân hóa kinh tế mới. Trong hai tháng 5 và 6-2010, một loạt các vụ đánh bom nhằm vào các công trường và cơ sở khí đốt và dầu mỏ của Trung Quốc ở Myanmar. Một số nhà quan sát nhấn mạnh rằng tâm lý bực tức, được một số nguồn tin gọi là hiện tượng "bài Trung Quốc", ngày càng lan rộng ở Myanmar, đặc biệt là trước làn sóng di cư mới đây vào miền Bắc nước này.
Dân chúng địa phương nhận thấy hoạt động của cộng đồng người Trung Quốc ở Myanmar không có lợi cho mình và than phiền những người mới di cư đến không hề có nỗ lực hòa nhập nào. Trong con mắt của dân địa phương Myanmar, các thế hệ người di cư Trung Quốc trước đây hòa nhập tốt hơn vào môi trường địa phương vì họ cũng theo đạo Phật và nói tiếng Myanmar, trong khi số người di cư mới dường như vì động cơ kinh doanh là chính nên không nỗ lực hòa nhập và tôn trọng luật lệ địa phương.
Tâm lý chống Trung Quốc đó mới đây thể hiện trong các vụ tấn công vũ trang vào các dự án xây dựng đập nước trên sông Irrawaddy để cung cấp điện cho tỉnh Vân Nam của Trung Quốc. Đập nước lớn nhất là Myitsone trở thành biểu tượng của cuộc đấu tranh vì các thiểu số sắc tộc sống ở vùng này. Các tổ chức phiến quân như Quân đội độc lập Kachin (KIA) và Quân đội Nhà nước Shan tổ chức phong tỏa việc vận chuyển trang thiết bị từ Trung Quốc đến, gây thiệt hại cho quân đội chính phủ được điều đến để bảo vệ người lao động Trung Quốc, nhưng lại được dân chúng ủng hộ.
Đến mức ngày 30-9-2011, Tổng thống Thein Sein thông báo trước Quốc hội ngừng việc xây đập Myitsone để "tôn trọng ý nguyện của dân chúng," khiến Chính phủ Trung Quốc nổi giận vì họ quen coi Myanmar là một "nước tự trị." Theo nghĩa dưới thời thực dân Anh, đây là một vùng lãnh thổ có thể được tự giải quyết các vấn đề tài chính, chính sách đối nội và thương mại của mình, nhưng không được kiểm soát chính sách đối ngoại, và có quyền, có quân đội riêng. Chính vì vậy mà Bắc Kinh đánh giá thấp trào lưu dân tộc chủ nghĩa lan rộng trong giới lãnh đạo quân sự Myanmar.
Nhà báo Dubus cho rằng giờ đây Myanmar không còn là "cánh cửa mở toang" cho Trung Quốc như trong những năm 1998-2010, song cũng chưa thể kết luận một cách vội vã là đã có một phong trào chống Trung Quốc trong nội bộ quân đội Myanmar. Theo ông, "đúng hơn là quân đội có một quyết tâm muốn Myanamar trở nên hài hòa trong các mối quan hệ đối ngoại, mà cụ thể là dành thị phần rộng rãi hơn cho phương Tây."