TIN BIỂN ĐÔNG

HOÀNG SA - TRƯỜNG SA - VIỆT NAM

Mời hợp tác kinh doanh

Mianma: Ván cá cược chiến lược và bài học đối với Trung Quốc

Do vị trí địa lý và tài nguyên năng lượng, Mianma trở thành ván cá cược địa chính trị lớn mà Trung Quốc không thể bỏ qua, cũng không thể để rơi vào tay các cường quốc khác, dù đó là Ấn Độ hay phương Tây. Nhưng tướng Pháp Jean-Bernard, chuyên gia địa chính trị và tình báo kinh tế, cho rằng Trung Quốc đã nhận được những bài học đầu tiên vì đánh giá thấp trào lưu dân tộc chủ nghĩa trong ban lãnh đạo Mianma.

Lý giải tiến trình dân chủ hóa đang diễn ra ở Mianma trên tạp chí “Focus”, tướng Jean-Bernard nói đó là câu trả lời của phái dân tộc chủ nghĩa trong giới cầm quyền quân sự Mianma đối với ý đồ thực dân hóa dần dần của Trung Quốc. Quả thực là Trung Quốc phụ thuộc vào việc vận chuyển bằng đường biển một phần lớn năng lượng của mình từ Trung Đông về. Tuyến đường biển đó buộc phải đi qua Hormuz và Malắcca, hai eo biển dễ dàng bị các cường quốc hàng hải, trong đó có Mỹ, kiểm soát. Vận chuyển dầu mỏ và khí đốt qua lãnh thổ Mianma sẽ giúp Trung Quốc khắc phục được sự lệ thuộc bắt buộc đó, đặc biệt là eo biển Malắcca.

Hơn nữa, trữ lượng khí đốt đã được khẳng định ở Mianma là rất lớn vì tương đương với khoảng ba năm tiêu thụ của Trung Quốc với mức như của năm 2009. Việc Trung Quốc xây dựng hạ tầng kết nối giữa nước này và Mianma cho thất Bắc Kinh coi trọng ván cá cược chiến lược này. Một tuyến đường ô tô đang được hoàn thành giữa Trung Quốc và Kengtung, ở phía Đông bang Shan. Quân đội Trung Quốc cũng đặt trạm nghe trộm ở Coco Islands, một quần đảo nhỏ ở Ấn Độ Dương. Trung Quốc còn tham gia xây dựng một số cảng nước sâu ở Ấn Độ Dương để chuẩn bị cho việc triển khai ở mặt bờ biển phía này. Một đường ống dẫn khí đốt sắp tới sẽ nối Côn Minh, thủ phủ tỉnh Vân Nam, với cảng Sittwe của Mianma và Kyaukpyu, trên đảo Ramsee, cách cảng Sittwe khoảng năm chục cây số về phía Nam. Đường ống dẫn dầu này sẽ vận chuyển 400.000 thùng/ngày từ Trung Đông về.

Đồng thời, đường ống dẫn khí đốt được Công ty dầu khí quốc gia Trung Quốc (CNPC) đầu tư hơn mộ tỷ USD, được dùng để vận chuyển 25 tỷ mét khối khí trong 30 năm từ mỏ Shwe ( tiếng Mianma nghĩa là “vàng”) ở ngoài khơi Mianma, cách Sittwe (thủ phủ bang Arakanai) khoảng ba chục cây số, được ký với PetroChina vào mùa Xuân năm 2005 và được bổ sung năm 2008 bằng một bản ghi nhớ giữa các công ty khai thác và CNPC, về mua và vận chuyển khí đốt tự nhiên từ các mỏ A-1 và A-3 về Trung Quốc. Các đường ống này có tổng chiều dài 1.200 km, cộng với 45 km thuộc đường ống Yadana chạy trên đất liền được một tổ hợp do Total làm chủ thực hiện.

Tầm quan trọng của tuyến đường vận chuyển năng lượng này có tính chiến lược đối với Trung Quốc đến mức khiến người ta đặt câu hỏi liệu có phải từ hai chục năm nay, nước này đang tiến hành thực dân hóa dần dần vùng đất mà hai đường ống này chạy qua không. Tỉnh Mandalay của Mianma, vốn là thành lũy bộ tộc và văn hóa truyền thống ở Mianma, nằm trên đường đi của các đường ống này, gần như bị người Trung Quốc “thôn tính”. Hiện người Trung Quốc chiếm khoảng 30-40% số dân ở thành phố Mandalay, tức gần bằng số người Mianma, hơn nữa thành phố này còn có một cộng đồng lớn người Ấn Độ-Mianma. Tiếng Mianma vẫn là ngôn ngữ chính ở Mandalay, nhưng tiếng Quan thổ ngày càng được sử dụng nhiều ở đây, cụ thể là tại các khu thương mại như chợ Zegyo.

Trung Quốc hiện diện ở vùng này cả về con người, kinh tế lẫn quân sự. Từ những năm 1990, với việc ký hợp đồng bán vũ khí trị giá một tỷ USD, Trung Quốc trở thành đối tác thương mại hàng đầu của Mianma. Trung Quốc cung cấp đều đặn cho Mianma trang thiết bị quân sự hạng nặng, cụ thể là xe tăng tấn công, xe bọc thép chở quân và phụ tùng pháo (súng chống tăng và phòng không, pháo tự hành…)

Trung Quốc hiện diện ở Mianma nhiều đến mức gây ra tâm lý chống nước này rất mạnh trong dân chúng ở miền Bắc vì họ cho đó là một hình thức thực dân hóa kinh tế mới. Trong hai tháng 5 và 6/2012, một loạt các vụ đánh bom nhằm vào các công trường và cơ sở khí đốt và dầu mỏ của Trung Quốc ở Mianma. Một số nhà quan sát nhấn mạnh rằng tâm lý bực tức, được một số nguồn tin gọi là hiện tượng “bài Trung Quốc”, ngày càng lan rộng ở Mianma, đặc biệt là trước làn sóng di cư mới đây vào miền Bắc nước này. Dân chúng địa phương nhận thấy hoạt động của cộng đồng người Trung Quốc ở Mianma không có lợi cho mình và than phiền những người mới di cư đến không hề có nỗ lực hòa nhập nào. Trong con mắt của dân địa phương Mianma, các thế hệ người di cư Trung Quốc trước đây hòa nhập tốt hơn vào môi trường địa phương vì họ cũng theo đạo Phật và nói tiếng Mianma, trong khi số người di cư mới dường như vì động cơ kinh doanh là chính nên không nỗ lực hòa nhập và tôn trọng luật lệ địa phương.

Tâm lý chống Trung Quốc đó mới đây thể hiện trong các vụ tấn công vũ trang vào các dự án xây đập nước trên sông Irawaddy để cung cấp điện cho tỉnh Vân Nam của Trung Quốc. Đập nước lớn nhất là Myitsone trở thành biểu tượng của cuộc đấu tranh vì các thiểu số sắc tộc sống ở vùng này. Các tổ chức Quân đội độc lập Kachin (KIA) và Quân đội Nhà nước Shan tổ chức phong tỏa việc vận chuyển trang thiết bị từ Trung Quốc đến, gây thiệt hại cho quân đội chính trị được điều đến để bảo vệ người lao động Trung Quốc, nhưng lại được dân chúng ủng hộ. Đến mức ngày 30/9/2011, Tổng thống Thein Sein thông báo trước Quốc hội ngừng việc xây đập Myitsone để “tôn trọng ý nguyện của dân chúng”.

Quyết định đó khiến Chính phủ Trung Quốc nổi giận vì họ quen coi Mianma là một “nước tự trị” (theo nghĩa dưới thời thực dân Anh, đây là một vùng lãnh thổ có thể được tự giải quyết các vấn đề tài chính, chính sách đối nội và thương mại của mình, nhưng không được kiểm soát chính sách đối ngoại, và có quyền có quân đội riêng), nhưng chính vì vậy mà Bắc Kinh đánh giá thấp trào lưu dân tộc chủ nghĩa và trào lưu nô dịch Bắc Kinh, là việc hai quan chức cao cấp Mianma tháng 1/2010 bị kết án tử hình tại Răngun với tội danh làm lộ bí mật quốc gia. Vốn là cựu sĩ quan quân đội, Win Naing Kyaw và Thura Kyaw, 2 viên chức Bộ Ngoại giao, có thể đã tổ chức tuồn thông tin và hình ảnh về chuyến thăm của một số tướng lĩnh Mianma ở Bắc Triều Tiên và Nga vào các năm 2006 và 2008. Trong tài liệu có ghi rõ việc mua một hệ thống tên lửa có điều khiển của Nga và Bắc Triều Tiên xây đường hầm. Về phương diện này, việc Bắc Triều Tiên và Nga bị nêu danh trong những điều chiếu theo của bản án là rất có ý nghĩa và nhằm mục đích gửi một thông điệp đến chính quyền hai nước này, đặc biệt là Mátxcơva. Thông điệp đó là “Đừng có đụng đến Mianma”. Tuy phụ thuộc vào Nga về năng lượng, song Trung Quốc không thể chấp nhận bất kỳ sự can thiệp chiến lược nào của Nga vào một nước mà họ coi là một phần của vùng ảnh hưởng đặc quyền của mình.

Tình hình trên khiến người ta nghĩ rằng tiến triển dân chủ mới đây ở Mianma, với việc nhân vật đối lập Aung San Suu Kyi trở lại sân khấu chính trị Mianma trong chiến thắng, là kết quả bước đầu của trào lưu dân tộc chủ nghĩa trong quân đội và nhằm cho phép củng cố quân đội. Quả thực là bước khởi đầu cho dân chủ hóa ở Mianma giúp các nhà lãnh đạo theo khuynh hướng dân tộc chủ nghĩa có được chỗ dựa là dân chúng để chống lại áp lực từ Bắc Kinh và vĩnh viễn loại trừ các viên sĩ quan nô dịch Bắc Kinh trong Bộ chỉ huy quân sự cấp cao./.

THÔNG TẤN XÃ VIỆT NAM

Tài liệu tham khảo đặc biệt  (Thứ tư, ngày 3/10/2012)

Nguồn: Anh Ba Sàm



 

Luật Biển Việt Nam
Tinbiendong.com trân trọng giới thiệu toàn văn Luật Biển Việt Nam đã được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 21-06-2012 và Chủ tịch nước ký lệnh công bố ngày 02-07-2012. Luật Biển Việt Nam gồm 07 chương 55 điều, có  hiệu lực thi hành từ ngày 01-01-2013.
Mời hợp tác kinh doanh
Copyright ©  2012  Tin Bien Dong . All rights reserved.
Trang tin đang trong quá trình chạy thử nghiệm và  chờ xin phép Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép hoạt động.
Mạng thông tin điểm tin, sưu tầm, lưu trữ thông tin Biển Đông và thế giới
Điện thoại:04.3972 4800 - Fax:04.3972 4801 - Mobile: 0127 399 6475 // 098 300 6168 ( Mr. Mạnh Toàn ) -  Email Tin kinh te