Ngày 18/9, Viện Brookings của Mỹ công bố một tài liệu đề cập đến quan điểm của Nga về tình hình an ninh ở khu vực Đông Á. Tài liệu cho biết từ lâu các chuyên gia thường đề cập đến hai khu vực chính ở Đông Á: Đông Bắc Á và Đông Nam Á. Nhìn chung, các nước Đông Bắc Á phát triển chính trị và kinh tế mạnh hơn nhưng lại phụ thuộc rất lớn các nguồn tài nguyên khác nhau của nước ngoài. Đặc điểm này sẽ làm tăng các nhân tố khác trong các mối quan hệ song phương của họ và thường dẫn đến căng thẳng. Trong khi đó, các nước Đông Nam Á lại giàu tài nguyên, nhưng tính đa dạng và phức tạp của các nền văn hóa cũng như chính trị khiến khu vực khó khẳng định mình trong các mối quan hệ quốc tế. Bản thân các nước Đông Nam Á không thể xây dựng một hệ thống an ninh khu vực mà không xem xét đến các lợi ích chính trị và vị thế của các cường quốc toàn cầu và các nước láng giềng Đông Bắc Á.
Trong thế kỷ 13, các vua chúa Mông cổ là những người đầu tiên có ý định xây dựng một hệ thống an ninh khu vực Đông Á chung mà không phân chia thành Đông Bắc Á và Đông Nam Á. Người Mông cổ đã tìm cách quản lý toàn bộ khu vực Đông Bắc Á, trừ Nhật Bản và xâm chiêm đất liền, hải đảo của các nước Đông Nam Á.
Đầu thế kỷ 20, Nhật Bản tìm cách thống trị và mở rộng phạm vi ảnh hưởng của họ với khẩu hiệu “Châu Á của người châu Á”. Ở thời điểm đỉnh cao, Nhật Bản kiểm soát phần phía Đông của lục địa châu Á và các khu vực đất liền, hải đảo chủ yếu của Đông Nam Á. Nhưng thất bại của Nhật Bản trong Chiến tranh Thế giới thứ Hai đã chấm dứt các nỗ lực củng cố cơ cấu an ninh khu vực này của Nhật Bản.
Ngay sau khi Chiến tranh Thế giới thứ Hai kết thúc, Mỹ bắt đầu xây dựng một hệ thống an ninh khu vực ở Đông Á nhằm ngăn chặn khối Trung Quốc-Liên Xô thiết lập các liên minh song phương và đa phương như tổ chức Hiệp ước Đông Nam Á (SEATO). Mỹ cũng xem xét việc thành lập một Tổ chức Hiệp ước Đông Bắc Á. Điều quan trọng là, một cơ cấu an ninh ngấm ngầm chống Liên Xô của Mỹ lúc đó đã được thiết lập gồm: Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản nhằm hỗ trợ cơ cấu liên minh của Mỹ. Mặc dù Chiến tranh Lạnh chấm dứt cách đây 20 năm, nhưng cơ cấu an ninh hiện nay ở Đông Á nói chung không thay đổi nhiều (trừ trục Mỹ-Trung Quốc- Nhật Bản).
Vòng cung Đông Á mất ổn định
Chỉ số chính xác nhất thể hiện sự cân bằng địa chính trị được các lực lượng trong khu vực tạo nên là Vòng cung Đông Á mất ổn định. Đây là một thực tế địa chính trị nổi bật và là cơ sở của cơ cấu an ninh khu vực. Vòng cung Đông Á mất ổn định là một hệ thống các khối, các đối trọng đi qua các nước bị chia cắt và các khu vực lãnh thổ tranh chấp. Bắt đầu cuộc Chiến tranh Lạnh, Vòng cung Đông Á mất ổn định chạy từ cái gọi là “Các khu vực lãnh thổ phía Bắc- tức quân đảo Kuril” chạy qua bán đảo Triều Tiên bị chia cắt và Trung Quốc bị chia cắt (Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và Trung Hoa Dân quốc), xuống Việt Nam bị chia cắt (miền Bắc Việt Nam và Nam Việt Nam). Đây là nhũng điểm quan trọng nhất; các tranh chấp “nhỏ” dọc vòng cung này gồm Dokdo/Takeshima, quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa cũng như một số đảo nhỏ bãi san hô và bãi đá ngầm khác ở Biển Đông (Trung Quốc gọi là Biển Hoa Nam). Trong thời gian Chiến tranh Lạnh, chỉ có một sự kiện quan trọng diễn ra ở khu vực phía Nam của Vòng cung Đông Á mất ổn định: năm 1975 Việt Nam được thống nhất. Trước khi chiến tranh kết thúc, khi quân đội Bắc Việt Nam tập trung ở miền Nam, hải quân Mỹ đã sơ tán quân đội Việt Nam Cộng hòa khỏi quần đảo Hoàng Sa và ngay lập tức quân đội Trung Quốc kiểm soát các đảo này năm 1974. Các sự kiện này đã dẫn đến những hậu quả sâu rộng. Tất cả những điểm quanh co phức tạp của Vòng cung mất ổn định này được quy định bởi lợi ích địa chính trị và chiến lược của các cường quốc toàn cầu và khu vực cũng như sự cân bằng sức mạnh được thiết lập. Các đối thủ cạnh tranh coi bất cứ thay đổi nào trong Vòng cung mất ổn định như một thách thức hoặc thậm chí là một biến cố gây nên chiến tranh. Từ phía Đông Nam, Vòng cung mất ổn định được củng cố bằng các căn cứ quân sự Mỹ trên lãnh thổ của các nước đối tác an ninh của Mỹ ở Đông Á. Hệ thống căn cứ quân sự này được dựa trên cơ sở các thỏa thuận an ninh song phương. Do sự phụ thuộc an ninh rất lớn của các đối tác châu Á vào Mỹ và sức mạnh quân sự – kinh tế tiềm tàng của Mỹ, Oasinhtơn đã có sự tự do hành động nhất định. Từ phía Tây Bắc, Nga và Trung Quốc tỏ ra khó chịu về Vòng cung Đông Á mất ổn định. Hai nước phối hợp hoạt động chủ yếu ở Trung Á trong khuôn khổ của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO). SCO là cơ chế như một hệ thống an ninh khu vực, nhưng ảnh hưởng của nó không đáng kể vì tư cách thành viên và chức năng của tổ chức này hạn chế và do các bên liên quan biết rằng SCO hạn chế quyền tự do hành động của họ. Các tranh chấp dọc Vòng cung Đông Á mất ổn định rất phức tạp nên đòi hỏi khả năng hành động nhiều hơn. Đồng thời, Nga và Trung Quốc phối hợp với nhau ở Trung Á, do đó họ chỉ theo đuổi chính sách đối ngoại ở Đông Á mà không hợp tác rõ ràng. Vòng cung Đông Á mất ổn định phản ánh các đường lối sai lầm được thiết lập mang tính chất lịch sử và đó là nguồn gốc của bất đồng trong các mối quan hệ khu vực. Khi các đối thủ địa chính trị tìm cách thay đổi các đường lối đó, nó thường gây phản ứng ngay lập tức về ngoại giao, kinh tế, tài chính hoặc quân sự của các đối thủ cạnh tranh. Những bất đồng lãnh thổ đó có ảnh hưởng rất lớn và có thể đẩy toàn bộ khu vực vào tình trạng mất ổn định kéo dài. Vì vậy, Vòng cung Đông Á mất ổn định đóng một vai trò rất quan trọng trong canh bạc lớn hiện nay ở Đông Á.
Các lợi ích của Nga
Trong số những điểm nóng tiềm tàng, Nga trực tiếp can dự tranh chấp lãnh thổ với Nhật Bản; có chung biên giới trên bộ với Trung Quốc và Bắc Triều Tiên, duy trì mối quan hệ chặt chẽ truyền thống với Trung Quốc, hai miền Triều Tiên và Việt Nam. Nga bác bỏ yêu cầu trả lại quần đảo Kuril của Nhật Bản. Liên Xô kiểm soát quần đảo Kuril năm 1945 theo thỏa thuận Yalta được Thủ tướng Anh Winston Churchill, Tổng thống Mỹ Franklin Roosevelt và Chủ tịch Liên Xô Joseph Stalin cùng ký. Kiểm soát quần đảo Kuril là điều kiện để Liên Xô tham gia cuộc chiến tranh chống Nhật Bản năm 1945, nhưng ngay sau khi đội quân Quan Đông của Nhật Bản bị đánh bại ở Mãn Châu, Mỹ đơn phương thay đổi quan điểm về vấn đề này. Tôkyô mô tả chuyến thăm quần đảo Kuril gần đây của Thủ tướng Dmitry Medvedev năm 2012 là “sự khiếm nhã không thể tha thứ”. Nhưng Nhật Bản có tranh chấp lãnh thổ với tất cả các nước láng giềng, có lẽ do di sản của sự bành trướng thuộc địa của Chính phủ Nhật Bản trong những năm cuối cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20 và sự bại trận của Nhật Bản trong Chiến tranh Thế giới thứ Hai. Các tuyên bố chủ quyền lãnh thổ đó dường như đã được giải quyết bởi các cuộc chiến tranh và các hiệp ước quốc tế tạo điều kiện cơ bản cho sự bất ổn lâu dài trong khu vực. Nhật Bản, quốc gia lệ thuộc nhất vào các nguồn cung cấp năng lượng và tài nguyên của nước ngoài, sẽ là bên bị ảnh hưởng lớn nhất bởi sự mất ổn định này. Dù các cuộc chiến tranh trong thế kỷ 20 như thế nào đi chăng nữa, nhìn chung người Nga coi Nhật Bản là một nền văn hóa lớn và rất quan tâm đến Nhật Bản. Nga là một nhà tài trợ lớn cho các nỗ lực phục hồi sau thảm họa ngày 11/3/2011. Thay vì đối đầu, Mátxcơva đề nghị tập trung vào hợp tác kinh tế cùng có lợi, phát triển các mối quan hệ thương mại và nhân đạo gần gũi hơn giữa Nga và Nhật Bản, kể cả trên lĩnh vực năng lượng. Các giải pháp thích hợp nhất của vấn đề này là sử dụng chung quần đảo Kuril thuộc chủ quyền của Nga. Mátxcơva tin tưởng hòa giải sẽ mang lại lợi ích lớn cho Nhật Bản và cũng sẽ góp phần đáng kể cho hòa bình và an ninh trong khu vực. Kể từ khi giải quyết tranh chấp biên giới với Trung Quốc, Mátxcơva nhận thấy rằng tình hình chung dọc Vòng cung Đông Á mất ổn định có thể được mô tả là “mât ổn định liên tục”: Nga và Nhật Bản tiếp tục trao đổi công hàm ngoại giao tố cáo lẫn nhau, mối đe dọa trên bán đảo Triều Tiên, và các căng thẳng tiềm ẩn ở eo biển Đài Loan. Đó là những điểm nóng quan trọng còn lại chưa được giải quyết sau Chiến tranh Lạnh.
Các điểm bất đồng nhỏ hơn trên biển Nhật Bản và Biển Đông cần được chú ý nhiều hơn vì các bất đồng đó là một thách thức đang nổi lên đối với thực tế ở Vòng cung Đông Á mất ổn định. Những mâu thuẫn đối kháng giũa các cường quốc thế giới đã ngăn chặn các con đường đi tới thỏa hiệp. Các cuộc đấu tranh công khai và thầm lặng vì một trật tự khu vực mới sẽ không thể tránh khỏi. Trật tự sau Chiến tranh Lạnh tồn tại hiện nay được dựa trên cơ sở sức mạnh kinh tế và quân sự của Mỹ. Các nước Đông Á hiện nay đóng vai trò mạnh mẽ trong các vấn đề thế giới nhiều hơn trong Chiến tranh Lạnh và Liên Xô không còn tồn tại, nhưng cơ cấu an ninh Đông Á gần như không thay đổi. Suốt 30 năm qua, Trung Quốc có tốc độ tăng trưởng đáng kể và sẵn sàng xây dựng trật tự khu vực mới-một khu vực phù hợp hơn với thực trạng mới. Rõ ràng, sự tăng cường vai trò kinh tế và chính trị của Trung Quốc và xu hướng bảo vệ vị thế bá chủ khu vực của Mỹ đã tạo nên sự phản đối mạnh mẽ hiện đang làm biến dạng khu vực. Sự thúc đẩy từ bên ngoài (Mỹ) và bên trong khu vực (Trung Quốc) đang giúp làm tăng các tuyên bố chủ quyền lãnh thổ và các cuộc xung đột khu vực. Chính sách của Trung Quốc trong khu vực có thể dễ dự đoán nhất và sự cảnh báo gần đây trên các tờ báo chính thức của Bắc Kinh đối với các quan chức Mỹ là “Câm mồm” trước các bất đồng lãnh thổ ở Biến Đông như đã được học giả nổi tiếng người Mỹ Samuel Huntington cảnh báo năm 1996 trong cuốn sách của ông có tiêu đề “cuộc xung đột giữa Các Nền văn minh”, trong đó mô tả giai đoạn đầu của cuộc xung đột trên Biển Đông rằng: “Trung Quốc cảnh báo Mỹ nên đứng ngoài các cuộc xung đột”. Gần đây, các chuyên gia quân sự Trung Quốc đưa ra một khái niệm về hai “chuỗi đảo” dọc bờ biển Trung Quốc. Các khu vực nằm trong chuỗi đảo đầu tiên gồm Đài Loan, Vịnh Bắc Bộ, Biển Đông và quần đảo Ryukyu. Các khu vực nằm trong chuỗi đảo thứ hai gồm Nhật Bản, Philíppin và tới Guam. Bộ Quốc phòng Mỹ dự đoán hải quân Trung Quốc “dường như chủ yếu tập trung vào các tình huống ở bên trong” hai chuỗi đảo này. Thực tế, các toan tính chiến lược của Trung Quốc về vấn đề này cũng tương tự toan tính đằng sau Khu vực Cùng Thịnh vượng Đại Đông Á của Nhật Bản trước đây. Theo quan điểm của Bắc Kinh, một cường quốc khu vực phải có khu vực ảnh hưởng riêng và đạt được các tuyến đường biển quan trọng chứa các nguồn tài nguyên dầu mỏ và một kế hoạch chiến lược như vậy xem ra khá hợp lý đối với an ninh lâu dài và việc cung cấp các nguồn tài nguyên. Tình hình khó khăn ở Trung Đông thúc đẩy Trung Quốc hành động mạnh mẽ hơn từng ngày. Nếu Trung Quốc tìm cách thiết lập được quyền kiểm soát các nguồn dầu mỏ và khoáng sản ở Biển Đông, sự phụ thuộc vào nhập khẩu dầu khí của Trung Quốc sẽ giảm và ảnh hưởng của Bắc Kinh đối với các nước nhỏ hơn ở Đông Nam Á và các nước lớn hơn ở khu vực Đông Bắc Á sẽ tăng. Nhưng dường như nhiều nước khu vực không thế chấp nhận sự thay đổi theo kiểu cơ cấu an ninh Chiến tranh Lạnh này của Trung Quốc. Một số quốc gia đã cố gắng chống lại Bắc Kinh bằng cách dựa nhiều hơn vào Oasinhtơn. Ví dụ, từ trước đến nay Việt Nam vẫn tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Ở Việt Nam, khái niệm “chuỗi đảo thứ nhất” của Trung Quốc được gọi là “đường lưỡi bò” và các bộ phim hoạt hình mang tính chính trị bác bỏ “lưỡi bò” của Trung Quốc ở Biển Đông rất phổ biến. Người Việt Nam nhận thấy sự trỗi dậy của Trung Quốc và chắc chắn bành trướng là một chương nữa trong lịch sử hai ngàn năm bành trướng của Trung Quốc đang đe dọa chủ quyền của Việt Nam. Kiểm soát các khu vực dầu lửa ở thềm lục địa dọc bờ biển của Việt Nam cũng rất quan trọng đối với các kế hoạch phát triển kinh tế của Hà Nội và việc kiếm soát đó sẽ mâu thuẫn với các kế hoạch của Trung Quốc nhằm bành trướng chiến lược ở Biển Đông.
Trong bối cảnh đó, Mỹ được Hà Nội coi như một đối tác liên minh tự nhiên. Đồng thời để duy trì không gian hành động, gần đây Hà Nội đề nghị với Nga nhiều điều kiện rất thuận lợi để trở lại căn cứ hải quân ở vịnh Cam Ranh. Mỗi đề nghị đó cần được xem xét kỹ. Đầu tiên, Nga có vẻ tránh xa các vụ tranh chấp này và chỉ theo dõi tình hình trong khu vực. Nhưng thực tế, Nga coi Trung Quốc và Việt Nam là các đối tác chiến lược thân thiện nhất ở Đông Á, và có nhiều lợi ích quan trọng trong việc thăm dò và khai thác dầu khí ở Biển Đông, do đó một cuộc xung đột có thể xảy ra giữa Trung Quốc và Việt Nam ở khu vực này được coi là trường hợp xấu nhất. Hơn nữa, trong thế kỷ 20, Nga dành rất nhiều thời gian và nguồn lực giúp khôi phục chủ quyền thực sự của Việt Nam và Trung Quốc. Vì sự giúp đỡ đó không trực tiếp liên quan đến tranh chấp lãnh thổ hiện tại, Nga có không gian rộng rãi nhất để hoạt động trong môi trường này.
Ba năm qua, Bắc Kinh đã tạo điều kiện thuận lợi cho Mỹ thúc đẩy vai trò ở khu vực Đông Nam Á. Bắc Kinh càng ép Việt Nam và các nước khác, Oasinhtơn càng giành được ảnh hưởng nhiều hơn trong khu vực. Oasinhtơn nhận thấy cơ hội chờ đợi từ lâu này để lôi kéo các nước nhỏ – hiện đang bị đe dọa bởi sức mạnh và lo ngại sự trỗi dậy của Trung Quốc – gần gũi hơn với Mỹ và khéo léo tận dụng lợi thế. Nhưng Hà Nội không thể hoàn toàn dựa vào Mỹ bởi Mỹ luôn tuyên bố ủng hộ những người bất đồng chính kiến, tôn giáo và dân tộc thiểu số, và chống những người cộng sản. Hà Nội coi các nhóm đó là các thế lực thù địch và thậm chí là những kẻ khủng bố, tham gia các hoạt động chống nhà nước.
Bất chấp những lời chỉ trích, đến nay Nga không quá quan tâm đến các hoạt động ngày càng tăng của Trung Quốc ở Biển Đông. Bất ổn ở đây không ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của Nga và Nga có các vấn đề an ninh cấp bách hơn trong các lĩnh vực khác đang đòi hỏi Nga quan tâm. Hiện nay, Nga rất quan tâm đến chiến lược của Oasinhtơn nhằm tăng cường sự hiện diện quân sự và mở rộng các hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo ở châu Á-Thái Bình Dương. Các chuyên gia chính sách hàng đầu của Nga nghi ngờ hệ thống phòng thủ tên lửa do Mỹ lãnh đạo ở Đông Á nhằm vào Bình Nhưỡng mà chủ yếu nhằm vào Mátxcơva và Bắc Kinh. Tình hình an ninh chung ở khu vực Đông Á có khả năng ngày càng trở nên mất ổn định hơn. Nga khó có thể làm ngơ trước những điểm nóng tiềm tàng ở khu vực Đông Á, Nam Á và Trung Á xung quanh Trung Quốc. Mỗi điểm nóng đó có ảnh hưởng rất lớn và trở nên nguy hiểm nếu các nhân tố bên ngoài ủng hộ trực tiếp hoặc gián tiếp một bên ở những điểm nóng này và duy trì tình hình thường xuyên căng thẳng. Những điểm nóng đó có thể được coi là “vòng cung mất ổn định” xung quanh Trung Quốc, từ đó có thể trực tiếp hoặc gián tiếp ảnh hưởng đến Nga. Theo các tuyên bố chính thức của các quan chức cấp cao Nga, mối quan hệ giữa Mátxcơva và Bắc Kinh hiện đang ở mức cao chưa từng thấy. Hai thủ đô phối hợp hành động ở Trung Á cũng như Trung Đông, chủ yếu trong khuôn khổ của Liên hợp quốc và SCO. Nga và Trung Quốc tin rằng sự hợp tác của họ về an ninh sẽ đóng góp quan trọng cho hòa bình và ổn định ở khu vực Âu-Á. Đến nay, Nga chưa sử dụng tối đa các lợi ích về vị thế đắc địa của họ. Mátxcơva cũng biết rằng Nga là một trong nước xuất khẩu dầu khí lớn nhất thế giới. Đông Á là một khu vực tiêu thụ dầu mỏ rất lớn nhiều năm qua và nói chung phụ thuộc vào các nguồn năng lượng trong khu vực chứ không phải Trung Đông mất ổn định. Các nguồn tài nguyên đó cũng phải đi qua các điểm chốt quan trọng ở eo biển Malacca. Những đặc điểm cơ bản đó xác định một cơ hội lớn cho Nga và các nước Đông Á để hợp tác nhằm đạt được các lợi ích chung. Mátxcơva đề nghị các đối tác của họ phát triển các dự án giao thông xuyên khu vực quy mô lớn như: một tuyến đường biển ở Bắc cực của Nga, một tuyến đường sắt và đường ống dẫn khí đốt xuyên qua bán đảo Triều Tiên và một đường hầm dưới eo biển Bering.
Một trong những hành động đầu tiên sau khi tái đắc cử tổng thống Nga ngày 7/5 là, Tổng thống Vladimir Putin ký “Sắc lệnh về Các Biện pháp Triển khai Chính sách Đối ngoại của Liên bang Nga”. Theo tài liệu này: “Các Chỉ đạo liên quan đến khu vực châu Á-Thái Bình Dương, đặc biệt liên quan đến. việc tham gia rộng lớn hơn tiến trình hội nhập khu vực với mục đích thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của phía Đông Xibêri và Viễn Đông, làm sâu sắc mối quan hệ đối tác và hợp tác chiến lược trên cơ sở tin cậy và bình đẳng với Trung Quốc, quan hệ đối tác chiến lược với Ấn Độ và Việt Nam, và phát triển hợp tác cùng có lợi với Nhật Bản, Hàn Quốc, Ôxtrâylia, Niu Dilân và các nước quan trọng khác ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương”.
Trong bối cảnh đó, một trong những mục tiêu chính của chính sách đối ngoại của Nga ở Đông Á là bảo vệ các lợi ích quốc gia, phát triển hợp tác quy mô lớn với các nước lớn toàn cầu và khu vực, tránh đối đầu và một cuộc chạy đua vũ trang. Nhiệm vụ chính của Nga ở Đông Á là tìm kiếm các khả năng hội nhập hệ thống tăng trưởng kinh tế hiện nay ở Đông Á. Các lĩnh vực hoạt động truyền thống của Nga là: chính sách năng lượng, hợp tác quân sự-kỹ thuật, và khả năng thay đổi cán cân lực lượng trong khu vực. Nhân tố cuối cùng chưa được sử dụng đầy đủ trong chính sách đối ngoại của Mátxcơva. Nga có cơ hội thực sự để thay đổi cán cân lực lượng trong khu vực bằng cách cung cấp các hệ thống vũ khí hiện đại cho các đối tác của họ, nhưng công cụ này nên được sử dụng rất thận trọng để duy trì hòa bình và ổn định.
***
TTXVN (Tôkyô 30/9)
Theo nhật báo “Yomiuri ” ra ngày 29/9, khi quan hệ ngoại giao giữa Nhật Bản và Trung Quốc được thiết lập vào năm 1972, ai có thể tưởng tượng nổi vào thời điểm hiện nay nó lại căng thẳng đến vậy?
Ngày 29/9/2012 đánh dấu 40 năm ký tuyên bố chung giữa cựu Thủ tướng Nhật Bản Kakuei Tanaka và cố Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai tại Bắc Kinh. Bất chấp tầm quan trọng của ngày kỷ niệm đáng nhớ này, những sự kiện kỷ niệm quan hệ Nhật-Trung liên tục bị huỷ bỏ hoặc tạm hoãn. Trong khi đó, phong trào tẩy chay hàng Nhật lan rộng ở Trung Quốc và quan hệ song phương lâm vào tình cảnh nghiêm trọng chưa từng thấy. Không có dấu hiệu nào cho thấy các cuộc biểu tình của Trung Quốc phản đối quyết định quốc hữu hoá quần đảo Senkaku sẽ sớm lắng dịu.
Mối quan hệ sóng gió giữa hai nền kinh tế lớn thứ 2 và 3 thế giới này đang đe dọa gây ra hiệu ứng bất lợi đối với kinh tế khu vực và toàn cầu. Nhật Bản cần làm gì với Trung Quốc? Có lẽ, trước tiên, Tôkyô cần phải phác thảo và thực hiện một chiến lược dài hơi cho tiến trình bình thường hoá quan hệ.
“Gáo nước lạnh về chính trị và kinh tế”
Trong số các cuộc biểu tình chống Nhật xảy ra trong thời gian qua ở Trung Quốc, sự kiện biểu tượng rõ nét nhất cho tình cảnh ảm đạm trong quan hệ song phương chính là vụ người biểu tình Trung Quôc tấn công nhà máy của Tập đoàn Panasonic. Panasonic đóng một vai trò tiên phong trong số các doanh nghiệp Nhật Bản mở rộng kinh doanh ở Trung Quốc.
Cuộc gặp vào năm 1978 giữa Konosuke Matsushita, nhà sáng lập Panasonic ngày nay, và Phó Thủ tướng Trung Quốc Đặng Tiểu Bình được cho là một chất xúc tác cho việc mở rộng làm ăn của các công ty Nhật ởTrung Quốc. Trong cuộc gặp này, ông Đặng Tiểu Bình đề nghị ông Matsushita đóng góp cho sự phát triển của Trung Quốc cả về công nghệ và quản trị kinh doanh. Sau cuộc gặp này, các doanh nghiệp Nhật Bản đã ồ ạt thiết lập các văn phòng ở Trung Quốc, tạo ra nhiều công ăn việc làm cho thị trường lao động nước này. Ngoài ra, Chính phủ Nhật Bản còn tiếp tục cho Trung Quốc vay nợ bằng đồng yên đến tận năm tài khoá 2007.
Không còn nghi ngờ gì, sự trợ giúp của Chính phủ và các công ty Nhật Bản đã góp phần củng cố những nền tảng kinh tể của Trung Quốc và giúp kinh tế nước này vượt qua cả Nhật Bản về tổng sản phâm quốc nội (GDP).
Tuy nhiên, sự hợp tác của Nhật Bản với Trung Quốc lại không được đa số người dân Trung Quốc biết đến. Trái lại, Trung Quốc vào những năm 1990 còn tăng cường giáo dục chủ nghĩa yêu nước trong các trường học, nuôi dưỡng tình cảm chống Nhật và truyền bá các tư tưởng hòng hạ thấp vai trò của Nhật Bản trong lòng công chúng đi kèm với đà phát triển của kinh tế. Ý thức hệ này dường như đang ngày càng lớn mạnh ở Trung Quốc và “dội gáo nước lạnh” vào quan hệ song phương cả trên phương diện chính trị lẫn kinh tế. Tuy nhiên, đừng bao giờ quên rằng kinh tế Nhật Bản và Trung Quốc đã gắn bó quá mật thiết. Hai nền kinh tế đã tạo ra một cơ chế phân công lao động quốc tế theo đó Trung Quốc nhập khẩu các thiết bị công nghiệp từ Nhật Bản để lắp ráp thành các sản phẩm hoàn chỉnh. Các thiết bị này đã đáp ứng nhu cầu thị trường nội địa hoặc xuất khẩu sang Mỹ, châu Âu và các nơi khác. Bắc Kinh và Tôkyô không nên quên thực tế này.
Tăng cường bảo vệ bờ biền
Căn nguyên của những bất ổn xung quanh vấn đề quần đảo Senkaku xuất phát từ tuyên bố đơn phương và thiếu cơ sở của Trung Quốc về chủ quyền đối với chuỗi đảo này vào thập niên 1970 ngay sau khi Bắc Kinh phát hiện trữ lượng dầu mỏ khổng lồ tại vùng Biển Hoa Đông quanh quần đảo này.
Tại cuộc họp báo thời điểm Hiệp định Hòa bình và Hữu Nghị giữa Nhật Bản và Trung Quốc có hiệu lực năm 1978, Phó Thủ tướng Đặng Tiểu Bình cho biết: “Sẽ không hề hấn gì nếu vấn đề tranh chấp xung quanh quần đảo Senkaku này được tạm gác lại”, ông tỏ ý để vấn đề này cho các thế hệ sau giải quyết.
Tuy nhiên, Trung Quốc năm 1992 đã thông qua Luật Lãnh hải và Vùng tiếp giáp lãnh hải trong đó chỉ rõ quần đảo Senkaku thuộc về Trung Quốc. Gần đây hơn, Trung Quốc còn châm ngòi cho những bất đồng bằng cách phái các tàu tuần tra tới vùng biển xung quanh quần đảo này.
Việc quốc hữu hoá một số đảo thuộc Senkaku chỉ đơn thuần là chuyển giao chủ sở hữu từ tư nhân sang chính phủ. Trung Quốc có thể nổi giận vì việc mua đảo này diễn ra ngay sau khi Thủ tướng Yoshihiko Noda gặp Chủ tịch Hồ Cẩm Đào ở Vladivostok, Nga, nhưng thực tế, cơn thịnh nộ của Bắc Kinh còn vượt xa những gì Tôkyô dự tính.
Tại cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Koichiro Gemba và người đồng cấp Trung Quốc Dương Khiết Trì tại Niu Yoóc, ông Dương cho rằng việc quốc hữu hoá quần đảo này của Nhật Bản là “phủ nhận” thành quả của “cuộc chiến chống phát xít” mà ông ám chỉ chiến thắng của Trung Quốc đối với Nhật Bản trong Chiến tranh Thế giới thứ Hai.
Giới quan sát nhận thấy nỗ lực của ông Dương hòng gắn vấn đề biển đảo với những sự kiện lịch sử vốn chẳng có liên hệ gì là một sự cường điệu. Nhật Bản không nên cứ đứng yên một chỗ trong khi Trung Quốc liên tục đánh tiếng với dư luận thế giới bằng việc chỉ trích mạnh mẽ Nhật Bản về những “lỗi lầm” không hề tồn tại.
Thủ tướng Noda phát biểu trước Hội đồng bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) tại Niu Yoóc ngày 26/9 rằng: “Bất cứ nỗ lực nào của một quốc gia nhằm đạt được tư tưởng và các tuyên bố thông qua hành động hăm dọa hoặc sử dụng vũ lực đều hoàn toàn không thể chấp nhận được”. Tuyên bố này hết sức hợp lý.
Mới đây, Trung Quốc vừa khai trương tàu sân bay đầu tiên. Chính sách phát triển quân đội của Bắc Kinh chắc chắn sẽ tiếp tục được ban lãnh đạo mới của Trung Quốc thực hiện và có thể sẽ được thúc đẩy một cách mạnh mẽ chưa từng thấy.
Nếu Nhật Bản đánh mất quyền kiểm soát thực tế đối với Senkaku, Tôkyô sẽ khó lòng giành lại được quần đảo này. Do vậy, Chính phủ Nhật Bản cần đặt ưu tiên cao nhất cho việc tăng cường khả năng của Lực lượng phòng vệ bờ biển Nhật Bản (JCG) nhằm đối phó với bất cứ hành động xâm phạm nào đối với chủ quyền của nước này.
Tuy nhiên, không cần phải nói cũng biết cần phải tránh một cuộc đối đầu quân sự bằng mọi giá. Việc triển khai trực thăng vận tải MV-22 Osprey ở Căn cứ không quân Futenma của lính thuỷ đánh bộ Mỹ ở Okinawa là một phần quan trọng giúp tăng cường sức mạnh răn đe đối với Trung Quốc.
Cùng phát triển thịnh vượng
Từ cách đây vài năm, thời điểm Nội các của cựu Thủ tướng Shinzo Abe nhậm chức, Nhật Bản đã đối thoại với Trung Quốc về việc cùng phát triển các mỏ khí đốt trên Biển Hoa Đông từ quan điểm tăng cường “quan hệ tương hỗ chiến lược” mà ở đó hai nước có thể sống trong hoà hợp và thịnh vượng. Tuy nhiên, mối quan hệ “tương hỗ” này đã bị trì hoãn kể từ khi một tàu đánh cá Trung Quốc đâm vào tàu tuần tra của JCG ngoài khơi quần đảo Senkaku hồi năm 2010.
Cả hai bên cần có những chuẩn bị thấu đáo nhằm tái tạo mối quan hệ tương hỗ này. Chính phủ Nhật Bản cần thông báo với Trung Quốc thông qua nhiều kênh khác nhau rằng Tôkyô sẵn sàng hợp tác, không chỉ trên lĩnh vực công nghiệp và du lịch và tăng cường sản xuất nông nghiệp mà còn trên cả các lĩnh vực khác như hiệu quả sử dụng năng lượng và bảo vệ môi trường.
Ngoài ra, mối quan hệ thân cận với Mỹ cũng góp phần quan trọng giúp cải thiện quan hệ Nhật-Trung. Bên cạnh đó, Tôkyô cũng cần áp dụng đường lối ngoại giao mang tầm chiến lược bằng việc củng cố mối quan hệ với các nước láng giềng ở châu Á như Ấn Độ, Nga và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) để bổ trợ cho quan hệ Nhật-Trung./.
THÔNG TẤN XÃ VIỆT NAM
Tài liệu tham khảo đặc biệt (Thứ năm, ngày 4/10/2012)
Nguồn: Anh Ba Sàm