Nội hàm “đối tác chiến lược” giờ đây mang ý nghĩa ở chỗ không chỉ Mỹ “tái cân bằng” khi chuyển hướng sang châu Á, mà ngược lại, đến lượt mình, ASEAN cũng sẽ “tái cân bằng” trong quan hệ với Mỹ và Trung Quốc.
Cái gọi là thành phố Tam Sa đang được Trung Quốc xây dựng bất hợp pháp trên đảo Phú Lâm của Việt Nam, trong lúc Trung Quốc luôn kêu gọi hoà bình, ổn định trong khu vực. Ảnh: TL |
Ngày 29.9, theo tin của TTXVN và đài RFI, bên lề khoá họp Đại hội đồng Liên hiệp quốc tại New York, cuối tuần qua, ngoại trưởng Mỹ đã liên tiếp mở các cuộc tiếp xúc song phương với đồng nhiệm Trung Quốc cũng như với các ngoại trưởng ASEAN. Tại hội nghị ngoại trưởng Mỹ – ASEAN, hai bên nhất trí thúc đẩy quan hệ hướng tới tầm đối tác chiến lược, vì mục tiêu chung là hoà bình, an ninh và phát triển ở khu vực. Trong những chủ đề quan trọng được bàn thảo, có tình hình căng thẳng với Asean về Biển Đông.
Thúc đẩy mạnh mẽ COC
Theo nguồn tin từ bộ Ngoại giao Mỹ, trong cuộc họp với ngoại trưởng Dương Khiết Trì, bà Clinton đã hơn một lần, thúc giục Trung Quốc hợp tác với ASEAN trên hồ sơ Biển Đông. Ngoại trưởng Clinton xác nhận mong muốn của Mỹ về việc hình thành bộ Quy tắc ứng xử cho vùng biển đang tranh chấp (COC). Ngoại trưởng Clinton kêu gọi Trung Quốc giải quyết các căng thẳng tranh chấp Biển Đông với các nước ASEAN và biển Hoa Đông với Nhật Bản một cách ôn hoà. Tin AP trích phát biểu của ngoại trưởng Mỹ nói bà rất vui khi thấy các giới chức của ASEAN và Trung Quốc nối lại các cuộc gặp cấp cao về vấn đề Biển Đông.
Rõ ràng Mỹ muốn thấy tiến bộ về COC trước khi thượng đỉnh ASEAN-21 diễn ra. Phát biểu với các đồng nhiệm ASEAN, bà Clinton nhấn mạnh đến các ưu tiên khác nhau trong quan hệ Mỹ – ASEAN, trong đó có vấn đề “an ninh hàng hải”, tức là vấn đề Biển Đông, sẽ được 18 nước trong khối Hội nghị thượng đỉnh Đông Á (EAS) bàn bạc nhân Diễn đàn hàng hải ASEAN mở rộng tại Manila vào tuần tới. Nhân dịp này, bà Clinton đã kêu gọi tất cả các bên cần giữ bình tĩnh để duy trì ổn định cho khu vực. Một số nhà phân tích xem lời kêu gọi của Mỹ là thông điệp nhắm vào Trung Quốc, nước được cho là có thái độ cứng rắn nhất. Hồ sơ Biển Đông đã được ngoại trưởng Mỹ nêu bật hai lần, trong cuộc gặp gỡ đồng nhiệm Trung Quốc, rồi sau đó trong cuộc hội đàm riêng với ngoại trưởng mười nước Đông Nam Á.
Trong một diễn biến liên quan, hơn một tuần trước đây, tại Tiểu ban Đông Á và Thái Bình Dương thuộc uỷ ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, trợ lý ngoại trưởng Kurt Campbell đã điều trần về “Những cuộc tranh chấp lãnh hải và chủ quyền tại châu Á”. Điều đáng chú ý là trợ lý của bà Clinton đã dành gấp đôi thời gian để báo cáo về tình hình Biển Đông so với báo cáo về các tranh chấp Trung – Nhật và Nhật – Hàn. Trước các diễn biến gây quan ngại đối với các nước, ông Campbell khẳng định: “Chúng ta không thể để tranh chấp ở Biển Đông đe doạ kinh tế toàn cầu, sự phục hồi của chúng ta hay an ninh khu vực”.
Cộng tác công bằng trên Biển Đông
Khi tuyên bố “Thế kỷ Thái Bình Dương” của Mỹ, ngoại trưởng Clinton ưu tiên việc nâng cấp các quan hệ với những nước Mỹ đang gắn bó bằng các hiệp ước đồng minh, đó là các liên minh với Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Thái Lan và Philippines. Mỹ cũng làm sâu sắc thêm các quan hệ đối tác với Singapore, Ấn Độ, Indonesia, New Zealand, Malaysia và Việt Nam. Đúng như nhận xét của Ernest Bower, chuyên gia từ trung tâm Nghiên cứu chiến lược quốc tế (CSIS), một chính sách toàn diện của Mỹ đối với châu Á sẽ không đầy đủ nếu không có chiến lược cốt lõi, mạnh mẽ và rõ ràng với ASEAN.
Riêng đối với Trung Quốc, trợ lý ngoại trưởng Campbell tỏ ra thận trọng bằng cách dẫn lại phát biểu tại Bắc Kinh của chính bà Clinton, rằng: “Mỹ đang không mệt mỏi tìm cách xây dựng mối quan hệ tích cực, hợp tác và toàn diện với Trung Quốc, đồng thời thiết kế một đáp án mới mang tính xây dựng cho câu hỏi muôn thủa là điều gì xảy ra khi một cường quốc đã tại vị giao nhau với một cường quốc đang nổi lên”. Như trong lý thuyết tập hợp, khi tập A giao với tập B, sẽ xuất hiện cả những quan hệ đối lập (opposition), phép thay thế/chuyển đổi (substitution) bên cạnh những quan hệ hợp nhất/liên minh (union). Từ cách tiếp cận liên ngành này, phải chăng nội hàm “đối tác chiến lược” Mỹ – ASEAN giờ đây mang ý nghĩa ở chỗ không chỉ Mỹ “tái cân bằng” khi chuyển hướng sang châu Á, mà ngược lại, đến lượt mình, ASEAN cũng sẽ “tái cân bằng” trong quan hệ với Mỹ, Trung Quốc, trong đó phát huy vai trò trung tâm là nhiệm vụ trước mắt của cả khối.
Ngày nay không chỉ tranh chấp ở Senkaku, mà cả Trường Sa, Hoàng Sa và bãi ngầm Macclesfield trên Biển Đông đều đang biến Trung Quốc trở thành quốc gia ngày càng đe doạ các nước láng giềng châu Á và nhiều nước khác nữa. Phải chăng đấy là bối cảnh để trợ lý ngoại trưởng Kurt Campbell nói đến nhu cầu tìm ra một “đáp án mới” cho “vấn đề cũ”? Đó chính là sự cộng tác công bằng giữa các nước trên hồ sơ Biển Đông. Mỹ không muốn trở lại châu Á với “câu trả lời cũ” là chiến tranh, đối với hiện tại và cho cả tương lai. Đấy chính là nền tảng của chính sách đối ngoại Mỹ trong thế kỷ 21 này, mà chủ trương “tái cân bằng châu Á” chỉ là một biểu hiện nhằm đáp ứng tình thế đòi hỏi.
Hoàng Dũng Nhân
Theo SGTT