Kết quả của các cuộc bầu cử sắp tới sẽ có tác động lớn tới chính sách đối ngoại, kinh tế và các quan hệ thương mại của Malaysia.
Malaysia đang tiến gần đến cuộc tổng tuyển cử lần thứ 13, dự kiến được tổ chức trước cuối tháng 6-2013. Bầu không khí chính trị căng thẳng và cảm giác bất ổn đang bao trùm quốc gia Đông Nam Á này. Báo mạng GB ngày 25-9 đăng bài viết cho rằng tình trạng này khiến Malaysia đang phải đối mặt với nguy cơ xảy ra một cuộc “cách mạng màu” do Mỹ hậu thuẫn.
Các cuộc bầu cử sắp tới có tầm quan trọng rất lớn. Trong cuộc tổng tuyển cử năm 2008 tại Malaysia, Liên minh Mặt trận Quốc gia (BN) - liên tục nắm quyền kể từ khi nước này giành được độc lập - đã có kết quả bầu cử thấp nhất trong nhiều thập kỷ, trong khi Liên minh Nhân dân (PR) đối lập, do cựu Phó Thủ tướng Anwar Ibrahim lãnh đạo, giành được 82 ghế tại Quốc hội. Lần đầu tiên trong lịch sử BN bị mất đa số 2/3 ghế trong Quốc hội. Khi Mỹ tiếp tục tăng cường sự có mặt quân sự trong khu vực Thái Bình Dương, giới lãnh đạo nước này muốn có những nguyên thủ quốc gia sẽ hành động để thúc đẩy hơn nữa các lợi ích của Mỹ trong khu vực Đông Nam Á.
Kết quả của các cuộc bầu cử sắp tới sẽ có tác động lớn tới chính sách đối ngoại, kinh tế và các quan hệ thương mại của Malaysia. Trong khi những cáo buộc tham nhũng và quản lý kinh tế yếu kém đang làm giảm uy tín của Thủ tướng Najib Razak, các tổ chức nước ngoài, liên kết với Ủy ban các vấn đề công cộng Israel-Mỹ (AIPAC) và được Chính phủ Mỹ tài trợ, đã hỗ trợ nhằm tăng cường ảnh hưởng và vị thế của các nhóm đối lập và phá hoại tiến trình chính trị độc lập của Malaysia. Ví dụ như Quỹ Quốc gia vì Dân chủ (NED) của Mỹ đã tài trợ 100.000 USD để hỗ trợ thành lập trang mạng tin tức chính trị Malaysiakini; còn Viện Cộng hòa Quốc tế (IRI) mỗi năm nhận được hơn 800.000 USD để hỗ trợ các nhà lãnh đạo tại các bang Penang và Selangor. Việc IRI đề cập đến Penang và Selangor không có gì là lạ, bởi vì đảng Hành động Dân chủ Malaysia đang nắm quyền tại Penang, còn đảng Công lý Nhân dân đang cầm quyền tại Selangor. Đó là 2 trong 3 tổ chức thành viên của PR đối lập.
Thủ lĩnh phe đối lập Anwar Ibrahim thậm chí đã táo bạo đưa ra khái niệm "Mùa xuân Malaysia", khi chính những tổ chức đang hỗ trợ phe đối lập tại Kuala Lumpur đã thành công trong việc kích động các sự kiện đã dẫn đến một loạt cuộc nổi dậy khắp thế giới Arab năm 2011. Những tổ chức trên dựa vào sự thụ động của những người đi theo họ, trong khi thổi bùng sự bất bình của công chúng để gây sức ép thay đổi chính phủ.
Điều này được tiến hành cùng với việc thành lập và quảng bá các tổ chức truyền thông bất đồng chính kiến và thổi phồng những sai phạm của cảnh sát và vi phạm nhân quyền để bôi nhọ những chính phủ "mục tiêu" trong mắt cộng đồng quốc tế. Những hoạt động kích động như vậy không nhằm khuyến khích một cấu trúc dân chủ thực sự, mà mục tiêu của chúng là thành lập dần những chính phủ "thân thiện" với các lợi ích của Mỹ bằng việc kích động quần chúng nổi dậy và gây bất ổn xã hội.
Ông Anwar Ibrahim vẫn duy trì các quan hệ chặt chẽ với các quan chức cao cấp Mỹ và các tổ chức như NED. Tháng 7-2006, ông Ibrahim đã làm Chủ tịch Quỹ vì Tương lai có trụ sở tại Washington. Quỹ này đã được Bộ Ngoại giao Mỹ thành lập và tài trợ theo yêu cầu của Elizabeth Cheney, con gái của Phó Tổng thống Mỹ khi đó là Dick Cheney, người mới đây đã bị Ủy ban Tội phạm Chiến tranh Kualar Lumpur, do cựu Thủ tướng Mahathir Mohamed làm Chủ tịch, kết án vắng mặt vì những tội ác của ông này trong cuộc chiến tranh Iraq. Đây là một trong những sự kiện đang gây quan ngại về tính hợp pháp của bản thân ông Ibrahim và chính quyền mà ông ta sẽ lãnh đạo nếu giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử lần thứ 13 của Malaysia.
Theo GB, Malaysia nên học tập nước Nga. Tổng thống Vladimir Putin mới phê chuẩn một bộ luật mới, siết chặt kiểm soát đối với các nhóm dân quyền nhận tài trợ từ nước ngoài, buộc các tổ chức phi chính phủ (NGO) can dự vào "hoạt động chính trị" phải đăng ký với Bộ Tư pháp Nga.