TIN BIỂN ĐÔNG

HOÀNG SA - TRƯỜNG SA - VIỆT NAM

Mời hợp tác kinh doanh

Chiến lược phòng thủ biển gần ở Đông Nam Á

Đông Nam Á đang nỗ lực hiện đại hóa hải quân ở mức cao chưa từng thấy trong khi bối cảnh căng thẳng tại Biển Đông đang khiến khả năng tìm kiếm giải pháp ngoại giao cho tranh chấp này ngày càng khó khăn.



Theo nghiên cứu của công ty tư vấn hàng hải có trụ sở tại Mỹ AMI International, các nước trong khu vực Đông Nam Á dự kiến chi hơn 25 tỷ USD từ nay đến năm 2030 cho lực lượng hải quân mua sắm vũ khí và trang thiết bị, trong đó chủ yếu là các tàu tấn công cao tốc và tàu ngầm. Tuy nhiên, cấu tạo của các vùng biển Đông Nam Á là biển "đóng" và "nửa đóng" (còn gọi là biển hẹp) có thể tác động tới hoạt động phòng thủ tại đây. Các loại biển này được Công ước Quốc tế về Luật biển của Liên hợp quốc (UNCLOS) định nghĩa là "một vịnh, lưu vực hoặc biển được bao quanh bởi hai hoặc nhiều quốc gia, nối với một biển hoặc đại dương khác thông qua một cửa biển hoặc bao gồm toàn bộ hay phần lớn lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế của hai hay nhiều quốc gia ven biển".

Lực lượng hải quân hoạt động tại các khu vực biển hẹp thường dễ hứng chịu sự tấn công từ các loại vũ khí trên bờ hơn. Đặc điểm này khiến hoạt động phòng thủ tại đây khác biệt so với ngoài khơi. Thành công của hoạt động phòng thủ tại biển hẹp phụ thuộc vào hai yếu tố: không gian vật lý hạn chế và khoảng cách gần so với đất liền. Điều này ảnh hưởng tới hải quân nếu xét về tính linh hoạt, cường độ tác chiến, không gian tác chiến và sử dụng hỏa lực không quân. Tại các vùng biển hẹp, các tàu mặt nước lớn gặp nhiều khó khăn trong di chuyển do các yếu tố độ sâu, chiều rộng và hạn chế tiếp cận.

Các hoạt động tác chiến trên biển cũng có cường độ lớn do đa phần các vùng biển hẹp nằm trong tầm bắn hiệu quả của các hệ thống vũ khí trên bộ. Tác chiến tại đây cũng mang tính chất đa chiều, từ trên không, mặt nước và ngầm dưới nước, trên bờ… Hơn nữa, các vùng biển hẹp còn nằm trong phạm vi tác chiến của không quân, giúp các quốc gia ven biển có ưu thế trong kiểm soát và ngăn chặn hoạt động trên biển mà không cần duy trì lực lượng hải quân mạnh. Kiểm soát biển là nhằm một mặt sử dụng biển vì lợi ích của chính mình, mặt khác khi cần có thể ngăn đối phương sử dụng vùng biển đó.

Các biển hẹp thường bao gồm toàn bộ lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế của quốc gia ven biển. Điều này khiến việc kiểm soát biển hẹp có tính chất quan trọng về kinh tế, xã hội. Hơn nữa, ngay cả một nước yếu tại biển hẹp có thể thách thức lực lượng hải quân mạnh hơn nhờ sử dụng nhiều công cụ như thủy lôi, tên lửa trên bộ và tàu ngầm.

Trong bối cảnh sự cạnh tranh ngày càng tăng tại khu vực Biển Đông, các quốc gia ven biển đang có xu hướng nâng cấp nhằm đối phó với thách thức này. Hải quân một số nước như Inđônêxia, Xinhgapo và Malaixia đã được trang bị tàu ngầm. Đây cũng là mặt hàng ưu tiên trong danh sách mua sắm của Việt Nam. Thái Lan và Philíppin đang xúc tiến mua tàu ngầm. Ngoài ra, các loại máy bay tấn công trên biển như Sukhoi Su-30 cũng đã được trang bị tại Inđônêxia, Malaixia và Việt Nam. Quan trọng hơn là các nước ven biển cũng tận dụng các đảo trong khu vực với việc xây dựng cơ sở hạ tầng hỗ trợ kiểm soát biển. Việc kiểm soát những vị trí then chốt và tuyến đường biển hết sức quan trọng do chúng quyết định khả năng tiếp cận của hải quân tới các khu vực biển hẹp trong khu vực. Ngoài ra, các cường quốc hải quân cũng phải điều chỉnh theo hướng sử dụng tàu linh hoạt và đa dụng như tàu hộ tống, tàu khu trục và tàu tấn công ven biển. Nếu không có các loại tàu này hộ tống, việc triển khai các tàu cỡ lớn như tàu tấn công lưỡng dụng hoặc tàu sân bay tại vùng biển hẹp sẽ gặp rủi ro rất lớn.

Việc tăng cường đầu tư theo hướng này có thể dẫn tới bất ổn hơn do chúng chỉ có thể sử dụng cho mục đích tác chiến. Điều này dễ gây hiểu lầm và những tính toán sai lệch, đặc biệt là khi được triển khai tại các vùng biển hẹp có tranh chấp như Biển Đông. Tất nhiên, cũng không nên coi xu hướng phát triển này là một dấu hiệu cảnh báo. Các lực lượng hải quân trong khu vực vẫn cần nhiều thời gian để xây dựng tiềm lực thực tế. Ngoài ra, vấn đề sử dụng hiệu quả tiềm lực, đảm bảo an toàn cũng như duy tu, bảo dưỡng cũng rất quan trọng. Nếu các vấn đề này không được giải quyết thỏa đáng thì việc sử dụng tiềm lực chỉ mang tính chất kiềm chế về tâm lý.

Ristian Atriandi Supriyanto là nhà phân tích cấp cao tại Chương trình An ninh Hàng Hải, Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam, Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore.

Tạp chí "Diễn đàn Đông Á" (ngày 17/10)

Hương Trà (gt)

Nguồn: Nghiên Cứu Biển Đông

Luật Biển Việt Nam
Tinbiendong.com trân trọng giới thiệu toàn văn Luật Biển Việt Nam đã được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 21-06-2012 và Chủ tịch nước ký lệnh công bố ngày 02-07-2012. Luật Biển Việt Nam gồm 07 chương 55 điều, có  hiệu lực thi hành từ ngày 01-01-2013.
Mời hợp tác kinh doanh
Copyright ©  2012  Tin Bien Dong . All rights reserved.
Trang tin đang trong quá trình chạy thử nghiệm và  chờ xin phép Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép hoạt động.
Mạng thông tin điểm tin, sưu tầm, lưu trữ thông tin Biển Đông và thế giới
Điện thoại:04.3972 4800 - Fax:04.3972 4801 - Mobile: 0127 399 6475 // 098 300 6168 ( Mr. Mạnh Toàn ) -  Email Tin kinh te