TIN BIỂN ĐÔNG

HOÀNG SA - TRƯỜNG SA - VIỆT NAM

Mời hợp tác kinh doanh

Chiến lược hợp tác - ngăn chặn Trung Quốc của Indonesia

Báo Jakarta Post (Indonesia) đưa tin ngày 29-8, Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Purnomo Yusgiantoro thông báo đến năm 2024, Indonesia cần có ít nhất 12 tàu ngầm và Indonesia đã ký hợp đồng mua ba tàu ngầm với Công ty Daewoo (Hàn Quốc).
 

Trên báo Asia Times (Thái Lan) ngày 21-8, chuyên gia phân tích an ninh châu Á Jennifer McArdle (Mỹ) nhận định trong quan hệ với Trung Quốc (TQ), Indonesia đang áp dụng chiến lược vừa hợp tác vừa ngăn chặn.

Về hợp tác, Indonesia tăng cường quan hệ song phương đến mức tối đa với TQ. TQ là đối tác thương mại lớn thứ hai của Indonesia. Về chính trị, hai nước đã xây dựng quan hệ đối tác chiến lược từ năm 2005. Hai bên đã tăng cường hợp tác quân sự qua tập trận chung, phát triển tên lửa, hợp tác an ninh hàng hải…

Dù vậy, Indonesia vẫn luôn dè chừng TQ. Indonesia đã xem quần đảo Natuna và vùng biển lân cận (vốn bị TQ tuyên bố chủ quyền chồng lấn) sẽ trở thành tiêu điểm bùng phát xung đột lớn với TQ. Do đó, Indonesia vẫn tiến hành hiện đại hóa quân đội và thực hiện các sáng kiến đa phương.

Bộ Quốc phòng Indonesia đã ấn định mục tiêu chiến lược đến năm 2024 sẽ hoàn tất xây dựng các lực lượng nòng cốt tối thiểu với hải quân là mũi nhọn và các địa điểm xung yếu đủ sức chống trả các mối đe dọa quy ước và không quy ước. Ngoài kế hoạch mua tàu ngầm diesel-điện, Indonesia còn chuẩn bị trang bị tàu khu trục có tên lửa định hướng, tàu tên lửa tấn công, tàu tấn công ngư lôi và tàu rà phá ngư lôi.

Một khi ủng hộ các cường quốc ngoài khu vực như Mỹ, Nga tham gia các diễn đàn đa phương hay khuyến khích Mỹ tích cực hợp tác trong khu vực, Indonesia đang tạo ra lá chắn ngoại giao hiệu quả để đối phó với TQ.

Theo chuyên gia Jennifer McArdle, chiến lược vừa hợp tác vừa ngăn chặn của Indonesia có ý nghĩa:

Thắt chặt quan hệ ràng buộc giữa hai nước, đưa TQ vào các hệ thống quốc tế hiện hành đồng thời cũng cân nhắc đến khả năng ngăn chặn TQ. Qua đó, Indonesia sẵn sàng đối phó với TQ đồng thời cảnh báo TQ rằng hành động theo chủ nghĩa phiêu lưu có thể sẽ gây tai họa.

Tạo khả năng linh hoạt cần thiết. Nếu TQ tôn trọng Điều 56 Công ước LHQ về Luật Biển về phân định ranh giới lãnh thổ, Indonesia có thể xoay chuyển chính sách theo hướng tăng cường hợp tác với TQ. Ngược lại, nếu TQ đeo đuổi chính sách đe dọa quân sự, Indonesia sẽ trở lại với chính sách ngăn chặn và cân bằng quyền lực thông qua các cường quốc ngoài khu vực.

Để xây dựng chiến lược vừa hợp tác vừa ngăn chặn TQ vững chắc hơn, chuyên gia Jennifer McArdle đề nghị:

- Indonesia cần nâng cao các quan hệ hợp tác văn hóa, chính trị và kinh tế với TQ.

- Indonesia phải khuyến khích các nước ASEAN phân định các khu vực tranh chấp và giải quyết tranh chấp giữa các nước ASEAN trước để tạo mặt trận thống nhất khi đàm phán với TQ.

- Indonesia cần phát triển các trao đổi quân sự với TQ để TQ hiểu rõ tiềm lực quân sự và lo ngại của Indonesia đồng thời Indonesia cũng nắm được điểm mạnh - điểm yếu quân sự của TQ.

- Indonesia cần củng cố năng lực quân sự, đặc biệt là năng lực ngăn chặn từ biển bằng sức mạnh tổng hợp của tàu ngầm, ngư lôi, tàu tấn công tên lửa.

LÊ LINH
Theo PLTPHCM

 

Luật Biển Việt Nam
Tinbiendong.com trân trọng giới thiệu toàn văn Luật Biển Việt Nam đã được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 21-06-2012 và Chủ tịch nước ký lệnh công bố ngày 02-07-2012. Luật Biển Việt Nam gồm 07 chương 55 điều, có  hiệu lực thi hành từ ngày 01-01-2013.
Mời hợp tác kinh doanh
Copyright ©  2012  Tin Bien Dong . All rights reserved.
Trang tin đang trong quá trình chạy thử nghiệm và  chờ xin phép Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép hoạt động.
Mạng thông tin điểm tin, sưu tầm, lưu trữ thông tin Biển Đông và thế giới
Điện thoại:04.3972 4800 - Fax:04.3972 4801 - Mobile: 0127 399 6475 // 098 300 6168 ( Mr. Mạnh Toàn ) -  Email Tin kinh te